Ngày 28-08-2020 (GMT +7)
Không đâu dân chúng bị ám ảnh về virus nCoV như Việt Nam khi chỉ cần 1-2 ca lây nhiễm ngoài cộng đồng là hàng chục ngàn khách du lịch đã tháo chạy, nhà nào cũng cửa đóng then cài, cả những thành phố hơn một triệu người vốn sầm uất bỗng trở nên hoang vắng chỉ sau một vài ngày. Sự hoang mang và hỗn loạn xảy ra trước cả khi Chính phủ ban hành những chính sách khắc nghiệt, cứ như thể virus nCoV nhiều như bụi bay ngoài đường mà hễ ai chạm vào cũng đều lăn ra chết.
Cả xã hội gần như tê liệt hoàn toàn khi ai cũng chỉ làm một việc duy nhất trong cả tháng trời là đếm số ca nhiễm mới hàng ngày và sục sạo hồ sơ từng bệnh nhân không may mắc phải. Đó đương nhiên là hậu quả từ chiến dịch truyền thông của hệ thống báo chí nhà nước, khi mà ở đợt dịch Covid-19 trước, các báo dồn vào diễn biến dịch bệnh ở phương Tây với hình ảnh bệnh viện thiếu máy thở, nghĩa địa không còn chỗ chôn hay lò thiêu quá tải; trong khi cùng lúc tâng bốc thái quá hệ thống y tế trong nước.
Điều này vô hình trung là con dao hai lưỡi, khi ở đợt dịch này, dân chúng lại kỳ vọng vào đội ngũ "thiên thần áo trắng" và đòi hỏi Nhà nước có quyết sách mạnh mẽ, thậm chí cực đoan, để sớm đưa mọi sinh hoạt trở lại những ngày tháng "bình thường cũ". Cứ cho là cuối tháng 8 đợt dịch này, dịch bệnh có thể được kiểm soát như các quan chức đầu ngành y tế nhận định, nhưng còn những đợt dịch sau nữa thì sao? Liệu Việt Nam có thể giữ mãi cho đất nước "luôn sạch" khi nền kinh tế có độ mở lớn và không lâu nữa là đến mùa Đông, thời điểm được cảnh báo sẽ bùng phát những đợt dịch mới. Chẳng lẽ chúng ta lại tiếp tục điệp khúc phong toả với cách ly?
Không ai có thể trả lời được đợt dịch tiếp theo bùng phát khi nào, ở đâu, nhưng có thể quả quyết rằng nền kinh tế không thể đóng băng cho đến khi có vaccine; trong khi Nhà nước không đủ nguồn lực để bao cấp hết cho các thành phần xã hội. Vậy nên, điều cần làm nhất bây giờ không phải là đòi chiến thắng dịch bệnh bằng mọi giá nữa mà là “trả” dịch bệnh về lại đúng với bản chất của nó (tránh thổi phồng), tăng cường nghiên cứu dịch tễ học để cung cấp cho công chúng những góc nhìn khách quan nhất và khuyến khích nhiều hơn nữa những tranh luận đa chiều.
Từ đó giúp Chính phủ tự tin hơn khi thay đổi cách tiếp cận về dịch bệnh. Chỉ cần chính quyền hạ thấp mục tiêu, thừa nhận sống chung với dịch (mà thật sự đang như vậy) và có kịch bản ứng phó rõ ràng để nếu xảy ra những đợt dịch tiếp theo thì doanh nghiệp và người dân cũng biết kế hoạch mà xoay sở chứ không phải thụ động như hiện nay, chỉ biết ngồi chờ các mệnh lệnh hành chính và mong vào một phép màu nào đó xảy ra.
Về phía các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trước khi ban hành chính sách nào đấy, chính quyền địa phương bắt buộc phải tham vấn cộng đồng chung quanh mình để có nhiều giải pháp uyển chuyển hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất có thể, chứ không phải cứ cứng nhắc cấm đoán tất cả chỉ để đạt thành tích chống dịch trước Đại hội mà bất cần biết ai gánh chịu hậu quả. Khi lấy ngân sách từ tiền thuế của dân để nuôi cả bộ máy nhân sự khổng lồ, chính quyền cần có ý thức sử dụng hiệu quả để vừa kiểm soát dịch bệnh vừa hỗ trợ cho các thành phần bị ảnh hưởng.
Cứ hô hào thời đại 4.0 kỷ nguyên số nhưng vừa rồi Đà Nẵng lại áp dụng những "sáng kiến" có từ thời bao cấp vừa thô sơ, lạc hậu vừa phản tác dụng, gây ra nhiều bức xúc xã hội không đáng có. Còn với công tác cứu trợ, nếu chính quyền khôn khéo tận dụng được tấm lòng của các nhà hảo tâm và điều phối nhịp nhàng với những tổ chức từ thiện tư nhân thì chắc chắn có thể giảm tải được rất nhiều áp lực cho xã hội và cho chính mình. Tiếc là vì quá cồng kềnh, lại muốn ôm đồm nhiều thứ, chính quyền đã loay hoay chậm chạp nên bỏ qua cơ hội rất lớn để cải thiện hình ảnh trong mắt công chúng. Ngoài ra, nếu hiểu được cơ chế lây nhiễm của virus nCoV thì chẳng việc gì phải cấm đoán các mô hình kinh doanh online mà trái lại nên khuyến khích, cho phép các dạng thức kinh doanh nào miễn đảm bảo được nguyên tắc hàng đầu trong phòng chống dịch là giãn cách và vệ sinh. Điều này vừa giúp giãn mật độ dân cư vừa giúp hàng hoá lưu thông.
Trong một thế giới chuyển động không ngừng, một cú tweet ở bên kia địa cầu cũng ngay lập tức có thể gây xáo động ở bên này thế giới thì đất nước cần những nhà lãnh đạo kỹ trị, có tầm nhìn để hoạch định các chính sách lâu dài; và đặc biệt, phải có khả năng lắng nghe dư luận, biết thừa nhận sai lầm và chuyển đổi nhanh chóng để thích ứng với tình hình mới, chứ không phải cứ hô hào những khẩu hiệu có từ thời chiến tranh và vung nắm đấm đòi thắng những kẻ thù nọ kia. Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực đang diễn ra ngày càng khốc liệt, chỉ có bước ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận rủi ro khi phải xóa bỏ đi cách làm xưa cũ thì một cá nhân hay một quốc gia mới có nhiều cơ may thành công hơn. Và ngày nay, một chính quyền mạnh mẽ không còn là một chính quyền to lớn, có khả năng kiểm soát được toàn bộ dân chúng nữa mà là một chính quyền tự tin dành cho công dân của mình nhiều không gian tự do nhất.
Bài viết liên quan