Viết cho “younger An”

Viết cho “younger An”

Ngày 09-07-2020 (GMT +7)

ByLÂM VÂN AN

Có nhiều bạn (tôi đoán là trẻ) đọc xong những gì tôi viết bèn nhắn tin hỏi, chị ơi, đường đời sao tít mù quá, làm sao tìm ra kim chỉ nam của cuộc sống, chị có lời khuyên nào dành cho “younger An” không? Nếu bây giờ gặp lại em An của năm 20 tuổi, chị sẽ khuyên bé ấy điều gì? E hèm, tôi chưa đi trọn con đường trải nghiệm. Vài năm, vài tháng sống ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi cũng chỉ là vốn sống khiêm tốn so với nhiều người, vả lại đời chả có gì là tuyệt đối, đúng với người này chưa chắc đã hay với người khác. 

Nhân hôm nay ngày 7 tháng 7, đúng 20 năm tôi ra đời làm “người lớn” chen chân kiếm tiền, sống và học hỏi (và vẫn còn tiếp tục học hỏi). Nếu gặp lại “younger An”, tôi sẽ khuyên cô bé ấy là:

1/

Đừng phí công đuổi theo các đánh giá của xã hội. Gọi là stop seeking social approval. Các bạn trẻ thường hay lấy thước đo xã hội làm thước đo của mình. Họ tự đặt áp lực phải học hành thành đạt, phải làm ông này bà nọ mới được coi là “thành công”, phải mặc quần áo hiệu, đi xe xịn, phải ăn diện thế này thế nọ thì mới hy vọng được người khác chấp nhận. Thói quen đó nếu không có sự “tỉnh thức” sẽ theo bạn cho đến khi 40, 60 tuổi; và cuối đời nhìn lại thì... cả đời những gì bạn làm chỉ là để tìm cầu sự ngưỡng mộ của người khác. Người Mỹ có một câu rất hay: “Lúc bạn 20 tuổi thì bạn cho rằng (assume) cả thế giới quan tâm đến mình; lúc 40 tuổi, bạn hy vọng (hope) rằng có một số người quan tâm đến bạn; và lúc 60 thì bạn biết rõ (know) là cả thế giới gần như chẳng ai quan tâm đến bạn”. Cho nên, sống theo các giá trị của mình là hay nhứt, đừng bận tâm xem người khác nghĩ gì về mình (99,99% họ chẳng nghĩ gì cả; 0,01% là cha mẹ người thân mỗi khi nghĩ đến mình là họ mong mình bằng an, sung sướng, vậy thôi.) Đời mình là của mình, your life is yours, không cần phải làm gì để được ai chấp nhận hay tán dương cả, “younger An” ạ!

2/

Hãy là chính mình - Be yourself. Có thể ngay khi sinh ra là mình đã vào ngôi sao nhạt nhẽo tù mù, tính cách chưa có gì hay ho, nói chuyện cũng chán phèo, chả có gì cuốn hút… Nhưng không sao hết, nếu chịu khó dụng công tu tập, có ý chí tôi luyện học hỏi thì ban đầu cái bạn học được chỉ là kỹ thuật, kiến thức, dần dần được nâng lên thành nội công, lên nữa thành “đạo”. Tôi sẽ chúc mừng bạn. Bạn đã tìm ra con đường trở thành một người minh triết. Tất cả những cái kể trên, cùng với thời gian, sẽ giúp bảo đảm bạn trở thành một người rất “cool” (ngầu) theo ý mình. Cũng chẳng cần phải bắt chước/copy, đu theo mô hình đẹp đẽ cool ngầu ai cả. Không cứ phải thấy người ta làm gì là mình phải lặp lại y chang như vậy. Hồi trẻ tôi được quăng cho một câu nói rất hay luôn các bạn: “It’s better to fail in originality than to succeed in duplication”. Ý là thà rằng mình kém cỏi trong nét độc đáo riêng của mình còn hơn thành công nhưng là đi copy của người khác. Công nhận câu nói quá hay, phải không bạn?

3/

Đừng bỏ phí thời gian đi connect với thế giới mà không chịu connect với chính bên trong nội tâm mình. Nhiều người trẻ đánh giá quá cao networking, cho rằng nó sẽ cứu vãn thế giới. Có bạn miệt mài add bạn trên Facebook vô tội vạ. 200-500 rồi lên tới 5.000 friend chỉ để networking, tạo ra hệ thống những người “biết” mình. Nhưng kỳ thực những người bạn (của bạn của bạn) này thực ra chả biết mình là ai, chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời và họ cũng chả quan tâm gì đến mình. Khi mình cần họ giới thiệu, endorse cho mình công việc hay lĩnh vực gì đó thì than ôi, họ không thể network gì cho mình cả. Trong khi đó, cả ngày, các bạn trẻ này lo bận rộn kết nối với thế giới với bên ngoài; trong khi bên trong họ là một mảng tăm tối. Họ không biết mình cần làm gì trong ba tháng, sáu tháng hay một năm sắp tới; thậm chí ngay trong hôm đó, tuần đó. Họ chẳng biết điểm mạnh, điểm yếu, cái mình thích và không thích, cũng không build được cái gì bên trong để hoàn thiện mình hơn, be better self, ngoài việc cả ngày đu treo trên mạng xã hội. Nếu đặt ra câu hỏi, mình sống để làm gì, và câu trả lời là để có những trải nghiệm độc đáo khi làm người, hay là để học một bài học nào đó mà mình chưa học được từ lúc sinh ra thì lối sống mờ mịt không biết mình cần gì, muốn gì, thích gì thật quá lãng quá phí thời giờ đối với một người sống trên đời, bạn nhỉ!

4/

Hãy là nguồn năng lượng tích cực - Be a positive influence. Tôi từng va chạm với những người mà nguồn từ trường của họ tỏa ra làm người xung quanh “tê liệt”. Bản thân những người này nhìn bình thường, có thể có địa vị này nọ trong xã hội nhưng nội tâm họ là một đống mess. Họ có thể từng bị một quá khứ đau thương nào đó. Họ không có đủ sự yêu thương... con người. Họ chứa đầy giận dữ, chán ghét, thậm chí thù hận, cay đắng (với bản thân họ và thế giới). Bất cứ những gì họ nói và làm đều để xoáy vào sự không hoàn hảo của người khác, của hoàn cảnh; và họ luôn cho rằng chính họ là nạn nhân. Họ cần liên tục than vãn gào thét chê bai complain để được thế giới cứu rỗi. Hãy tránh xa loại này ra, nếu bạn thấy mình không đủ bản lãnh/thời gian để “độ” họ. Ông bà mình dạy, “cá không cùng loài, không bơi cùng đàn” là đúng chứ không sai.

5/

Hãy yêu bản thân mình - Love yourself. Hãy chìu chuộng bản thân, nấu món ngon cho mình, đọc sách, mua sắm, đi học bơi, đi massage (không vì ai cả mà hãy làm tất cả điều đó vì mình). Bởi chỉ khi yêu chính mình, ta mới biết rõ điều gì làm bản thân đau khổ; và mình mới có thể yêu người khác và đồng cảm với những gì làm người khác đau khổ. Những kẻ khơi khơi miệng nói yêu thương người khác mà không hề yêu quý chính bản thân họ, những kẻ ấy toàn giả dối, đạo đức giả tất tần tật. Những chiêu trò đắc nhân tâm, lấy lòng mua tim người khác mà không có tình thương thực sự ẩn náu phía sau đều là “thuật” cả, chả có gì đáng tin, đáng mất thời giờ cho chúng, bạn trẻ ạ!

Vài lời nhắn gửi “younger An” từ… “older An”. With love.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin