Vì sao chúng ta luôn hoài niệm về những

MINH HỌA: UNSPLASH

Vì sao chúng ta luôn hoài niệm về những "ngày xưa tốt đẹp"?

Ngày 01-01-2021 (GMT +7)

ByBẢO KHÔI

Tại sao chúng ta có khuynh hướng nhớ lại và “mân mê” những ngày cũ và hầu như luôn nghĩ rằng cái “ngày xưa ấy” đẹp hơn hiện tại, rằng “những ngày đẹp như thế đã qua rồi”?… Thậm chí không ít người còn nói, ngày xưa sống khổ như vậy, thiếu thốn đủ thứ, thế mà “vui”! Viết trên WSJ, tác giả Johan Norberg đã giải thích điều này với những diễn giải thú vị…

Ngày nay luôn tệ hơn “ngày xưa”?

Nếu bạn có dịp đến Công viên Hagley ở West Midlands của nước Anh và thăm ngôi nhà lớn có từ thế kỷ 18 của gia đình Lyttelton, hãy đi bộ thêm nửa dặm về phía Đông. Ở đó, bạn sẽ bắt gặp một cảnh kỳ lạ nhưng ấn tượng. Một lâu đài kiến trúc Gothic huyền ảo, mang đậm chất cổ tích hiện ra trước mắt. Nhìn giống như một tàn tích. Lâu đài có tháp ở bốn góc nhưng chỉ có một tháp đứng vững và những bức tường thì sụp đổ, rêu phong; bên trong trống hoác. Bạn bắt đầu nghĩ về lịch sử cổ đại, và đặt câu hỏi rằng hồi ấy, tòa lâu đài ngoạn mục này đã bị tàn phá như thế nào.

Lâu đài “phế tích” tại công viên Hagley, Anh (ảnh: ALAMY)

Câu trả lời là chẳng có tàn tích gì ở đây. Công trình này được xây dựng vào giữa thế kỷ 18, để tạo ấn tượng về một lâu đài tráng lệ thời Trung cổ bị đổ nát qua nhiều thế hệ. Xây dựng những tàn tích từng là đỉnh cao của kiểu cách thời thượng đối với quý tộc châu Âu thời đó. Họ dùng các lâu đài đổ nát và tu viện đổ nát để tạo ra một quá khứ lãng mạn, hư ảo. Công viên Hagley là một phiên bản nhân tạo, có chọn lọc của lịch sử – cũng giống như sự hoài niệm về chính trị rất phổ biến ngày nay. Người dân ở nhiều quốc gia đang khao khát hoài niệm về những ngày xa xưa mà trong tâm trí họ, nó đẹp lắm! Khi được hỏi cuộc sống ngày nay tốt hay tồi tệ hơn so với 50 năm trước, 31% người Anh, 41% người Mỹ và 46% người Pháp nói rằng: Tệ hơn!

Ron Howard (trái) và Henry Winkler trong một tập phim truyền hình ‘Happy Days’ năm 1974 có bối cảnh thập niên 1950 (WALT DISNEY TELEVISION/GETTY IMAGES)

Theo giới tâm lý học, kiểu hoài niệm này là tự nhiên và đôi khi thậm chí hữu ích: Việc neo định tính (identity) vào quá khứ giúp mang lại cho chúng ta cảm giác ổn định và khả năng dự đoán. Với mỗi cá nhân, hoài niệm đặc biệt phổ biến khi chúng ta trải qua những quá trình chuyển đổi nhanh chóng, như dậy thì, nghỉ hưu hoặc dời đến một đất nước mới. Tương tự, nỗi nhớ tập thể – một sự khao khát về những ngày xưa tốt đẹp khi cuộc sống đơn giản hơn và mọi người cư xử tốt hơn – cũng có thể là sức mạnh vô hình trong những thời điểm họ gặp khó khăn.

Minh họa: Unsplash

Lúc nào là “ngày xưa”?

Chính xác thì những ngày xưa tốt đẹp là khi nào? Người làm truyền thông Jason Feifer từng dành hẳn một tập “Kho lưu trữ của những người bi quan” (“Pessimists’ Archive”) cho câu hỏi này. Ông nghĩ, nếu bạn muốn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, bạn phải tự hỏi bản thân rằng nước Mỹ vĩ đại khi nào. Câu trả lời phổ biến nhất dường như là những năm 1950. Ông Feifer lại hỏi các nhà sử học, liệu người Mỹ trong thập niên đó có nghĩ rằng họ sống trong một thời đại đặc biệt dễ chịu hay không. Họ sẽ nói, chắc chắn không! Vào những năm 1950, các nhà xã hội học Mỹ lo ngại rằng chủ nghĩa cá nhân tràn lan khiến gia đình tan vỡ. Đó cũng là giai đoạn xuất hiện những căng thẳng về chủng tộc và mâu thuẫn giai cấp nghiêm trọng, và tất cả mọi người đều sống thấp thỏm dưới mối đe dọa thực sự của một cuộc chiến mà tất cả bị hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân.

Minh họa: Unsplash

Trên thực tế, nhiều người sống trong giai đoạn thập niên 1950 nghĩ rằng những ngày xưa tốt đẹp phải được tìm thấy ở một thế hệ trước đó, vào những năm 1920. Nhưng vào những năm 1920, người được xem là tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý trẻ em, John Watson, cảnh báo rằng vì tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng, gia đình Mỹ sẽ sớm không còn tồn tại. Nhiều người vào thời điểm đó lý tưởng hóa thời đại của Nữ hoàng Victoria, khi các tiêu chuẩn đạo đức được cải thiện và trẻ em một mực tôn trọng người lớn. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19, người Mỹ đã lo lắng rằng nhịp sống của ngày càng không bình thường, được mang đến bởi sự xuất hiện của đường sắt và điện báo, cuối cùng dẫn đến một căn bệnh mới: suy nhược thần kinh, biểu hiện bằng sự bồn chồn, đau đầu, mất ngủ, đau lưng, táo bón, bất lực và cả tiêu chảy mãn tính.

Khó khăn và nguy hiểm có từ hàng ngàn năm trước

Con người đã khao khát những ngày tốt đẹp ít nhất kể từ khi chữ viết được phát minh ở Lưỡng Hà cổ đại (ancient Mesopotamia) cách đây 5.000 năm. Các nhà khảo cổ đã phát hiện những bảng chữ hình nêm của người Sumer, phàn nàn rằng cuộc sống gia đình “không như trước đây”. Một bảng chữ viết có nội dung rằng, “người con trai nói lời căm thù với mẹ mình, người em trai thì chống lại ông anh, trong khi người anh thì cãi lại lời cha”. Một bảng chữ khác, gần 4.000 năm tuổi, thì chứa một bài thơ chất chứa hoài niệm: “Ngày xưa ngày xưa, không có rắn, không có bọ cạp…/ Cả thế giới, mọi người đồng thanh/ Gửi lời ngợi khen đến (thần) Enlil chỉ bằng một giọng”.

Minh họa: Pixabay

Tại sao loài người luôn hoài niệm những thời đại xưa cũ, vốn tưởng chừng chỉ mang lại khó khăn và nguy hiểm đối với chính những người đã trải qua giai đoạn ấy? Có thể là do chúng ta biết mình đã sống sót sau những nguy hiểm trong quá khứ – nếu không, chúng ta sẽ không tồn tại ở thời điểm này – vì vậy khi nhìn lại, mọi người có cảm giác những điều ấy dường như không đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ có thể chắc rằng mình giải quyết được những vấn đề đang gặp ngày hôm nay. Đài phát thanh, suy cho cùng, đã không hủy hoại thế hệ trẻ, nhưng điện thoại thông minh có thể làm điều ấy. Người ta đã không phá hủy hành tinh bằng vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh nhưng chẳng ai có thể đoan chắc con người sẽ không làm điều đó trong khoảng thời gian này?

Càng xa, càng nhớ

Một lý do nữa là hoài cổ thường bị tô màu bởi hoài niệm cá nhân. Ngày xưa tốt đẹp là khi nào? Có phải là khoảng thời gian rất ngắn ngủi trong lịch sử loài người khi bạn còn trẻ không? Một cuộc thăm dò tại Mỹ cho thấy những người sinh vào những năm 1930 và 1940 nghĩ rằng những năm 1950 là thập niên tốt nhất của nước Mỹ. Trong khi những người sinh vào những năm 1960 và 1970 lại thấy những năm 1980 tốt đẹp hơn. Vào thập niên 1980, chương trình truyền hình nổi tiếng Happy Days đã lấy bối cảnh là một phiên bản hoài cổ của những năm 1950; ngày nay, loạt phim truyền hình quen thuộc Stranger Things cũng gợi nhớ đến thời trang và âm nhạc của thập niên 1980.

Kiểu hoài niệm này có nguồn gốc liên quan hệ thần kinh (neurological roots). Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng chúng ta mã hóa nhiều ký ức thời niên thiếu và giai đoạn đầu trưởng thành hơn bất kỳ giai đoạn nào trong đời; và khi chúng ta nghĩ về quá khứ thì đó chính là thời kỳ mà chúng ta thường quay trở lại nhất. Hơn nữa, khi chúng ta ngày càng xa các sự kiện trong quá khứ, chúng ta có xu hướng ghi nhớ chúng một cách tích cực hơn. Những học sinh trở về sau kỳ nghỉ hè, khi được yêu cầu liệt kê những gì tốt và xấu về kỳ nghỉ, thường ghi lại một danh sách với những điều tốt-xấu gần như bằng nhau. Khi câu hỏi tương tự được yêu cầu làm lại vài tháng sau thì những thứ tốt đẹp hay ho sẽ dài ra trong khi danh sách những thứ xấu sẽ ngắn lại. Càng về cuối năm, những điều tốt đẹp đã đẩy lùi hoàn toàn những điều xấu trong ký ức học sinh.

Minh họa: Pixabay

Đúng là trong quá khứ luôn có những điều tốt nhưng bản năng hoài niệm những ngày xưa tốt đẹp có thể dễ dàng đánh lừa chúng ta, đôi khi mang lại những hậu quả không hay ho chút nào. Khao khát quá khứ và sợ hãi tương lai sẽ làm ức chế và gây cản trở những thử nghiệm và đổi mới thúc đẩy sự tiến bộ vốn có thể tạo ra những điều tuyệt đẹp để thế hệ sau có cảm giác hoài niệm khi nhắc đến. Như nhà phát minh người Anh William Petty nhận xét vào năm 1679, “Khi một phát minh mới lần đầu tiên được đưa ra, ban đầu mọi người đều phản đối”. Petty đã đúng: Tiêm chủng, thuốc mê, động cơ hơi nước, đường sắt và điện đều gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ khi chúng mới ra mắt. Nhiều người thậm chí đã lo ngại rằng xe đạp tạo ra một… thế hệ gù lưng, vì người đi xe luôn cúi về phía trước. Việc ngồi trên yên xe cũng khiến phụ nữ “bị vô sinh”. Chưa hết, các cô thường xuyên đi xe đạp đã được cảnh báo rằng gương mặt họ sẽ biến thành “mặt xe đạp” (“bicycle face”): khi nghiến hàm và tập trung để giữ thăng bằng, những đường nét trên mặt cuối cùng trở thành dúm dó muôn thuở, hệt như lúc đạp xe!

Vấn đề này đặt ra không phải để chỉ trích các thế hệ trước ngớ ngẩn. Những kiểu lo lắng, tương tự nỗi lo “mặt xe đạp”, cũng hiện diện trong thời đại chúng ta, khi đề cập đến những phát kiến cách tân chẳng hạn internet, trò chơi điện tử, sinh vật biến đổi gen, nghiên cứu tế bào gốc... Và không phải tất cả những lo sợ về tương lai đều không có cơ sở: Công nghệ mới dẫn đến không ít sự cố. Chúng làm xáo trộn văn hóa và thói quen truyền thống, đồng thời xóa sổ nhiều nghề cũ khi tạo ra nghề mới. Cách duy nhất để học cách sử dụng tốt công nghệ mới và giảm thiểu rủi ro là thử và chấp nhận sai. Dù thế nào, vẫn luôn có những lo lắng về một tương lai tệ hại nhưng rồi thì cái sự tệ ấy đến một lúc nào đó cũng sẽ trở thành… những “ngày xưa tốt đẹp”.

…….

Tác giả Johan Norberg là sử gia chuyên nghiên cứu lịch sử phát triển những ý tưởng. Bài viết này trích từ quyển sách mới của ông: “Open: The Story of Human Progress”, do nhà xuất bản Atlantic Books phát hành.

Bài đã đăng trên Saigon Nhỏ

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin