Về bức ảnh “Migrant Mother”

Về bức ảnh “Migrant Mother”

Ngày 09-08-2020 (GMT +7)

ByLÂM VÂN AN

Nipomo, California, năm 1936. Nước Mỹ đang ở đỉnh điểm của cơn Đại khủng hoảng...

Sau mấy ngày ròng rã tìm cảnh, nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh tư liệu Dorothea Lange bắt đầu thấm mệt. Ngay lúc này, bà đang lái xe về nhà trong tình trạng đói, lạnh và thất vọng. Bà quyết định bỏ cuộc. Xe lao vun vút trên đường, bất chợt từ đuôi mắt mình, Dorothea Lange nhìn thấy một con đường rẽ ngang, hình như có bóng dáng trẻ con. “Chắc cũng chẳng có gì hay đâu, mình đã lăn lộn mấy ngày rồi, thôi mình đi tiếp vậy, về nhà thôi”. Xe bà lại lao về phía trước, nhưng dường như có điều gì đó không thể giải thích được, như thể là một sức mạnh vô hình cứ đẩy hình ảnh con đường đất băng ngang đó vào tâm trí Dorothea. Thế là sau khi lái được 50 cây số, bà cua ngược xe, quay lại con đường đất. Ở đó, bà thấy một người mẹ ngồi trong lều cùng bảy đứa con nhỏ. Họ đói phờ phạc. Những hạt đậu còn rơi rớt trên cành sau mùa thu hoạch đã đông cứng vì lạnh. Lũ trẻ tìm bắt lũ chim hoang dại làm thức ăn nhưng giờ chúng cũng không tìm thấy con chim nào nữa. Gia đình có mỗi chiếc xe nhưng người mẹ đã bán cả vỏ xe để có tiền nuôi con.

Dorothea chụp tổng cộng năm tấm. Thế là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của nền nhiếp ảnh Hoa Kỳ ra đời. Nó được đặt tên “Migrant Mother”. Bức ảnh gây chấn động dư luận và cả nước Mỹ đến nỗi Chính phủ Mỹ lập tức gửi 20.000 lbs thực phẩm đến vùng này cứu đói khẩn cấp những người cùng đinh làm việc trong các đồn điền đang khốn đốn giữa mùa đông băng giá sau vụ mùa thu hoạch. Theo nhiều người thì đây chính là một trong những khởi điểm của quyển Chùm nho uất hận của John Steinbeck. 

 

 

 

 

📷📷📷📷📷📷

Bức ảnh người mẹ nhìn vào cõi mông lung với hai đứa con nhỏ rúc vào vai đã đưa Dorothea Lange lên đỉnh cao danh vọng. Bà trở thành một trong những nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất nước Mỹ của mọi thời đại và đem đến cho bà nhiều giải thưởng cao quý. Sau này, Dorothea Lange đã quay lại tìm người mẹ và bảy đứa con nhưng họ đã dời sang một vùng đất mới. Điều kỳ lạ là ba mươi năm sau, danh tánh nhân vật chính trong tấm ảnh đã được tìm thấy. Bà tên Florence Owens Thompson (1903-1983), là con của cặp vợ chồng da đỏ Cherokee, sinh tại Oklahoma. Chồng chết vì ung thư, bà dắt con lang thang làm mướn ở các nông trại. Dù “nổi tiếng” nhờ bức ảnh nhưng bà cũng kiện Dorothea về những thông tin không chính xác về mình (chi tiết bán vỏ xe theo bà là không xác thực). Khi phóng viên hỏi bà và gia đình đã sinh sống ra sao sau cơn Đại khủng hoảng, người đàn bà da đỏ điềm nhiên trả lời: “Chúng tôi đã sống sót. Chúng tôi đã tồn tại”. Con cái bà sau này đã bước lên hàng trung lưu nhưng những năm cuối đời, bà Thompson vẫn sống trong một căn nhà mobile home. Bà nói: “Cách gì đi nữa thì tôi vẫn phải sống trên những bánh xe”. Cho đến giờ, mỗi khi nhìn lại bức ảnh, người ta vẫn luôn thừa nhận Dorothea Lange đã chụp lại cho nhân loại một khoảnh khắc quá đẹp của một người phụ nữ, một người mẹ, một người đàn bà cứng cỏi và nghị lực. 

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin