Văn hóa học hỏi trong một tổ chức (Learning culture)

Văn hóa học hỏi trong một tổ chức (Learning culture)

Ngày 09-07-2020 (GMT +7)

ByNGUYỄN QUỐC TOÀN

Đối với tôi thì nỗi đau khổ và cay đắng lớn nhất là các cộng sự, nhân viên lâu năm của mình bị tụt hậu và trở thành người thừa khi công ty liên tục phát triển. Có người đã cống hiến “cả tuổi thanh xuân” cho công ty để rồi trở thành vật cản của chính công ty hoặc thậm chí thành kẻ phá hoại công ty để rồi phải chia tay nhau trong đau khổ tột cùng. Tôi có một trải nghiệm rất đau đớn như thế.

Tôi từng có một cô nhân viên vô cùng thân thiết. Bạn làm với chúng tôi từ những ngày đầu mở công ty. Hồi đó, chúng tôi cùng nhau trải qua bao cay đắng, thăng trầm mà chưa một lần hái quả ngọt. Bạn cực kỳ tháo vát và thông minh khi xử lý vấn đề theo kiểu “khôn ngoan đường phố - street smart”. Thời kỳ mới thành lập công ty, bạn rất hiệu quả. Việc gì bạn cũng giải quyết được vì bạn khôn khéo và rất được lòng mọi người. Bạn lấy một trong những người bạn thân nhất của tôi. Khi gia đình bạn hoặc nhà tôi có chuyện, chúng tôi giúp đỡ nhau hết mình. Với tôi, từ lâu bạn ấy đã không còn là cộng sự nữa. Bạn đã là người em trong gia đình.

Nhưng bạn có một điểm yếu rất lớn là bạn lười học hỏi kiến thức mới. Bạn không biết tiếng Anh, không chịu cập nhật kiến thức mới về quản trị, bán hàng, marketing, tài chính, kế toán. Bao nhiêu năm trôi qua, bạn vẫn chỉ sống với kiến thức vốn có của mình. Công ty càng ngày càng phát triển, bạn không quản lý được thêm ai. Bạn chỉ làm những việc bạn đã từng làm. Bạn dần trở thành người thừa trong công ty. Có bạn cũng được mà không có cũng chả sao. Công ty cần những người giỏi tiếng Anh, có kỹ năng mới chứ không chỉ là “chạy việc” nữa. Bạn rất khéo léo nên vẫn được lòng nhiều người trong công ty tuy nhiên sự tôn trọng và nể phục với bạn không có nhiều, đặc biệt là đối với những người mới vào. Người mới sẽ không coi “khai quốc công thần” ra gì nếu người cũ chả có gì đặc biệt.

Và cuối cùng, bạn ấy đã làm một việc tày trời và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Bạn kinh doanh cá nhân (trái pháp luật) nhưng lại nhân danh công ty chúng tôi. Việc của bạn có thể làm sụp đổ cả công ty chúng tôi và đưa cả tất cả mọi người dính vòng lao lý nếu chúng tôi tiếp tục dung túng bạn. Các nhà đầu tư mới, những nhà đầu tư tổ chức rất tôn trọng pháp luật của chúng tôi năm ấy đã rất kiên quyết không chấp nhận được chuyện đó. Hội đồng quản trị quyết định bạn phải ra đi. Việc vi phạm pháp luật của bạn được báo cáo lên các cơ quan chức năng và bạn bị điều tra. Bạn ra đi trong hận thù và cay đắng. Chúng tôi cũng mất luôn một người bạn thân (là chồng bạn).

Hồi đó vì không trực tiếp điều hành công ty, tôi đã nói rất nhiều lần nói anh đồng sáng lập kiêm CEO công ty (và là người quản lý trực tiếp của bạn ấy) về chuyện nâng cao trình độ cho bạn đó. Nhưng anh ấy đã bỏ qua tất cả. Mỗi lần tôi tranh luận về chuyện ấy thì anh ấy lại nói với tôi gay gắt “Nó không thích sao ông cứ bắt nó học nhỉ? Ông dở hơi à?”. Anh ấy đã không bắt bạn ấy học tiếng Anh một cách nghiêm túc, không yêu cầu bạn ấy học cao học, và đã không khắt khe yêu cầu bạn ấy về chất lượng công việc. Tôi coi đó trách nhiệm và sai lầm lớn nhất của anh ấy khi đã “tầm thường và ngu hoá” một cộng sự thân thiết của mình. Tôi đến giờ vẫn chưa tha thứ cho anh ấy về chuyện này.

Đến tận bây giờ, mỗi lần nghĩ lại, tôi lại trách và dằn vặt mình. Giá mà ngày ấy tôi kiên quyết hơn trong việc bắt bạn học hành tiến bộ, đặc biệt là tiếng Anh. Giá mà ngày ấy, chúng tôi không biến bạn thành “trợ lý sai vặt” mà bắt bạn làm việc có hệ thống. Giá mà ngày ấy chúng tôi không dung túng cho những sự thiếu kinh nghiệm của bạn trong nghiệp vụ và nguyên tắc công việc. Giá mà ngày ấy chúng tôi chia tay nhau thật sớm khi nhận ra bạn không còn hợp với tổ chức nữa. Đáng ra bạn đã có thể trở thành một lãnh đạo tốt và giỏi. Nhưng ba cái “tặc lưỡi” mặc kệ buông xuôi của chúng tôi đã làm hỏng bạn. Chính chúng tôi đã “tầm thường hoá” bạn ấy vì sự cẩu thả và hời hợt trong việc đào tạo nhân sự của công ty chúng tôi.

Cách đây mấy tháng, tôi cũng phải cắn răng/gạt nước mắt cho một nhân viên cấp thấp nhưng tôi rất quý “lên đường”. Đơn giản là vì bạn không chịu học thêm tiếng Anh, không chịu học hỏi các vị trí khác mặc dù tôi đã động viên rất nhiều lần và tạo mọi điều kiện để bạn có thể học hỏi thêm. Nhưng bạn muốn “an phận” nên từ chối các đề xuất của tôi. Và cuối cùng sau hai tuần suy nghĩ mất ngủ, tôi quyết định cho bạn nghỉ việc.

Ngày chia tay tôi có nói với bạn rằng: anh thật sự rất quý em nhưng anh phải để em nghỉ vì chỉ cần vài ba năm nữa thì mới cách nghĩ này của em, chắc chắn em sẽ tụt hậu. Mà lúc đó thì anh và công ty sẽ vô cùng đau đớn khi phải sa thải em. Nên giờ để em nghỉ việc, anh hy vọng sẽ là một cú thức tỉnh (wake-up) để em thay đổi.

Khi chấm dứt học hỏi, không chịu thay đổi tiến bộ hơn, các nhân viên lâu năm/cũ sẽ chỉ có hai con đường. Nếu họ hiền lành và không thông minh quá thì họ sẽ trở thành các thây ma di động mất nhận thức (gọi là “zoombie”). Các thây ma này sẽ sống vật vờ ở công ty. Hoặc họ trở thành người em/người anh/chị thân thiết với lãnh đạo công ty. Hoặc họ đã sống quá lâu và đã từ đóng góp lớn cho công ty với tư cách một “công thần” thủ cựu. Và cuối cùng họ sẽ huỷ hoại động lực của những người đang cống hiến và máu lửa ở công ty.

Còn có những bạn thông minh nhưng lười thay đổi/học hỏi thì sẽ trở thành “ma giáo”. Các bạn sẽ đi theo con đường “tà đạo” thay vì “chánh đạo”. Vì không có năng lực mới nên các bạn sẽ dùng “mánh lới”, “thủ đoạn” để xử lý công việc và tồn tại. Đối với việc ngoài, thay vì thuyết phục khách hàng hay đối tác bằng chuyên môn, bạn sẽ “chạy (lobby)” để cho việc được thông.

Tại công ty, thay vì chứng tỏ năng lực của mình thì các bạn sẽ dùng “chính trị văn phòng” để tồn tại. Bạn sẽ nói xấu người này, dìm hàng người kia; một mặt thì làm vừa lòng sếp nhưng một mặt thì “kèn cựa” với đồng nghiệp ngang cấp, hoặc “đì” nhân viên cấp dưới để họ không lên được hơn mình. Và cuối cùng việc gì phải đến sẽ đến, hoặc là bạn ấy leo lên được vị trí rất cao rồi một ngày là cả tổ chức sụp đổ, hoặc bạn sẽ biến tổ chức thành một nơi vô cùng độc hại và ai cũng sợ, ngán ngẩm bạn mà không muốn động vào.

Trải nghiệm với cô cộng sự cũ luôn làm tôi ám ảnh và tôi luôn tự bảo mình sẽ không bao giờ lặp lại trải nghiệm đau thương này nữa. Tại bất cứ tổ chức nào mà tôi tham gia lãnh đạo, khả năng tự học và sự kỷ luật để học tập liên tục là đức tính mà tôi đề cao nhất và có cam kết cao nhất. Tôi luôn yêu cầu tất cả các cộng sự từ cấp thấp cho đến cấp cao phải học hỏi liên tục, đọc sách, trải nghiệm, học các kỹ năng mới. Đặc biệt là các lãnh đạo, bạn nào chưa học lên cao học thì bắt buộc phải học, bạn nào không dùng tiếng Anh tốt thì bắt buộc phải dùng được tiếng Anh. Bạn nào không ham học hỏi thì tôi cũng kiên quyết yêu cầu sa thải, không sớm thì muộn.

Và khi đã đưa ra chính sách học thì mọi người phải học, không có bất cứ biện hộ gì hết. Không có chuyện là bận, mãi kinh doanh, nhà có việc, hay ốm đau... Học là học. Có lần tôi đã thông báo sẽ dừng việc xét lương và thưởng cho toàn bộ gần 100 nhân viên của mảng tôi phụ trách ở một tập đoàn tư vấn lớn vì các bạn ấy không chịu học hỏi. Trong vòng một tuần, toàn bộ nhân viên hoàn thành hết các khoá học.

Đừng để nhân viên/cộng sự của mình trở thành “zoombie” hay theo “tà đạo”. Tội lớn nhất của lãnh đạo là “ngu hoá” những người đi theo mình. Và đừng bao giờ “dung túng” cho sự hời hợt và tầm thường của chính mình và các cộng sự.

Tác giả Nguyễn Quốc Toàn là tiến sĩ kinh tế Đại học New York, đồng sáng lập kiêm tổng giám đốc tổ chức giáo dục Hoa Kỳ EQuest (EQuest Group), một trong những tổ chức giáo dục lớn với hơn 40.000 sinh viên tại Việt Nam. EQuest hiện sở hữu nhiều cơ sở giáo dục như hệ thống các trường phổ thông, Ivyprep, Cao Đẳng Việt Mỹ, Đại học Phú Xuân, trường Trung Cấp Bách Khoa Sài Gòn. Ông Toàn còn là nhà tư vấn trong lĩnh vực quy hoạch chiến lược, sáp nhập và mua bán doanh nghiệp.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin