Ưng Lang và “Mưa rơi”

Ưng Lang và “Mưa rơi”

Ngày 02-11-2020 (GMT +7)

ByHUỲNH DUY LỘC

Người nhạc sĩ đầu tiên của xứ Huế mang dòng máu hoàng tộc là nhạc sĩ Ưng Lang, tên thật là Nguyễn Phước Ưng Lang, sinh năm 1919 tại Huế, mất năm 2009. Ông bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1940, là nhạc sĩ đầu tiên dạy đàn hạ uy cầm ở Việt Nam và từng là giáo sư dạy môn Hòa âm, phối khí tại Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, cùng với những người bạn thành lập ban nhạc Aloha Oe (“Aloha Oe” là câu nói khi chia tay của thổ dân Hawaii) gồm ông, Văn Giảng, Ngô Ganh và Nguyễn Hữu Ba để đi biểu diễn nhiều nơi ở Huế. Ông đã sáng tác khoảng 60 ca khúc, trong đó có những ca khúc được nhiều người biết như: “Nhạc lòng”, “Chiều tiễn biệt”, “Đường về”, “Bóng trăng huyền”, “Xuân thắm”, “Chiều về thôn Vỹ”, “Bóng mơ xưa”, “Chuông chiều ngân” và nhất là “Mưa rơi”, ca khúc đầu tay viết theo điệu tango (lời của nhạc sĩ Châu Kỳ) vào năm 1942.

Nhạc sĩ Thanh Trang có kể về một lần gặp gỡ nhạc sĩ Ưng Lang vào năm 2008, một năm trước khi ông qua đời: “Nhạc sĩ Ưng Lang năm nay 89 tuổi (2008). Xem danh tính, chẳng cần quen thì ta cũng đều biết ông là người xứ Huế, thuộc hàng danh gia vọng tộc. 89 tuổi nhưng trông ông vẫn có khuôn mặt cân đối, đặc biệt thanh lịch. Giọng nói vẫn còn âm sắc rõ ràng. Đủ biết là xưa kia ông đẹp trai và hấp dẫn đối với đám nữ lưu xứ Huế cỡ nào!  Gặp ông, tôi nhắc lại bài “Mưa rơi” và bài “Chiều tiễn biệt” mà xưa kia người ta đã từng đưa vào bộ phim Việt Nam ở Sài Gòn vào cuối thập niên 1950.

Tôi còn nhớ khi đề cập bài “Mưa rơi” thì tôi có tò mò hỏi thăm đôi điều và được ông dẫn giải về “lai lịch” của nó như sau: 

- Thưa chú, nguyên lai gì dẫn đến bài “Mưa rơi”?
- Ấy là năm 1945. Tôi đang làm việc ở Vinh, ngoài Thanh Hóa vì nghề của tôi là kỹ sư công chánh. Thế rồi tôi quen cô ấy.
- Chú cho cháu biết danh tính đuợc chăng?
- Tên là…, mẹ của… về sau này.
- Tức là nữ ca sĩ…?
- Đúng rồi.
- Kiểu như lời lẽ trong bài hát thì sau đấy hai người xa nhau? 
- Đúng rồi! 

Hỏi xong, tôi mới sực thấy mình ngớ ngẩn. Đôi bên ngày đó không xa nhau thì người ta đã thành vợ ông rồi còn gì! Mà đã lấy đuợc nhau thì dễ gì có bài hát? Đã lấy được nhau thì làm gì lại có chuyện: “Ai đi, như xóa bao lời thề? Thuyền theo nước trôi không về… Thấu cùng lòng ai não nề nơi chốn phòng khuê…”

- Thế rồi về sau chú có gặp lại người ta?
- Có! Có gặp lại, nhưng rồi người ta cũng đã qua đời!
- Chú ở lại Vinh cho đến năm nào?
- Nhật đảo chánh một cái là tôi trở về Huế!
- Chú ở Huế đuợc bao lâu?
- Sau đảo chánh năm 1963 thì tôi vào Sài Gòn

- Vậy thì khi người ta đưa bài hát “Chiều tiễn biệt” vào phim xi-nê tức là chú viết bài đó ngoài Huế?
- Đúng rồi"

Mối tình không thành mà nhạc sĩ Ưng Lang nhắc tới trong câu chuyện với nhạc sĩ Thanh Trang là mối tình với một thiếu nữ kiều diễm ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vào năm 1942. Sau khi tốt nghiệp Trường Công chánh ở Huế, ông được bổ nhiệm về Sở Lục lộ tại thị xã Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông tá túc tại nhà người chị có cửa hàng buôn bán ở thành phố Vinh và chiều chiều khi đi làm về, ông thường lấy đàn hạ uy cầm ra đàn vài bản nhạc để giải khuây. Tiếng đàn du dương, lả lướt của ông đã làm cho nàng thiếu nữ 18 tuổi ở trong căn nhà đối diện với nhà chị ông say đắm và sự cảm phục tài năng của người nhạc sĩ tài hoa đã dần dần chuyển thành một tình yêu thắm thiết.

Ưng Lang và nàng thiếu nữ đã đến với nhau và thề nguyền sẽ sống bên nhau trọn đời, nhưng biến chuyển của thời cuộc đã làm cho hai người phải sớm xa nhau. Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp và ra lệnh cho tất cả công chức phải trở về nguyên quán. Ưng Lang phải khăn gói trở về làm việc tại Sở Công chánh Thừa Thiên. Đôi tình nhân bịn rịn chia tay vào một buổi chiều mưa rơi; và khi về tới quê nhà, chàng nhạc sĩ trẻ lại thấy mưa rơi rả rích suốt ngày dưới bầu trời u ám xứ Huế. Nỗi nhớ thương người yêu càng thêm da diết và những câu hát của nhạc phẩm “Mưa rơi” dần dần vang lên trong tâm tưởng của chàng.

Nhạc sĩ Thanh Trang nhận định về cái hay của ca khúc “Mưa rơi”:

Bài Mưa rơi hay chỗ nào? Nó hay ở giai điệu cùng lời lẽ theo phong cách của thời tiền chiến. Nó hay và đẹp ở chỗ nó rất giản dị. Tôi còn nhớ lời của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn: “Khi mới bắt đầu sáng tác thì tôi cứ tìm cách làm sao cho cầu kỳ phức tạp, sao cho lạ, thế nhưng càng về sau, càng có kinh nghiệm rồi thì tôi thấy rằng làm thế nào cho hay mà giản dị thì mới là điều khó!”. Thì chứ còn gì nữa! Chỉ cần một người biết đệm guitar sơ sơ, từ đầu đến cuối bài Mưa rơi mà cứ bấm hợp âm “Re Trưởng”, một hai chỗ chêm vào hợp âm “Sol Trưởng” hoặc “La Trưởng bực 7” và thế là xong, mà giai điệu của người ta hay thì vẫn cứ là hay!”...

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin