Từ “history” đến “HERstory” và hơn thế nữa…
Mùa bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ năm nay thấy xuất hiện cách chơi chữ thú vị khi người ta nói “Making HERstory” để ám chỉ đến bà Kamala Harris, ứng cử viên Phó tổng thống chung liên danh với ông Joe Biden…
Tiếng Anh “history” có nghĩa là lịch sử nhưng bà Kamala vốn là phái nữ nên người ta “chơi chữ” thành “HERstory”, hàm ý nhắc đến sự làm nên lịch sử của một phụ nữ da màu lần đầu tiên ứng cử chức Phó tổng thống trong lịch sử bầu cử tổng thống Hoa Kỳ! Thật dễ hiểu, các ông thì “Making HIStory” nên các bà cũng có thể “Making HERstory”! Truy tầm nguồn gốc “HERstory” mới thấy thật ra từ này đã được dùng từ lâu. Phong trào Giải phóng Phụ nữ đã sử dụng thuật ngữ này để nói lên sự dấn thân của các bà, các cô vào hoạt động chính trị-xã hội. Theo Oxford English Dictionary, Robin Morgan là người đầu tiên dùng “HERstory” trong bài viết của bà vào năm 1970.
Chơi chữ trong tiếng Anh cũng có hình thức “nói lái” (spoonerism). Chẳng hạn như “train a guy”, ám chỉ việc huấn luyện một chàng trai, được nói lái thành “try again”, có nghĩa là việc huấn luyện đó không phải một sớm một chiều đi đến kết quả như mong đợi mà sẽ phải lặp đi lặp lại nhiều lần mới thành công. “Train a guy” khi đó lại thành… “try again”! Tiếng Pháp cũng “nói lái”: “Le savant… s’en va”, nhà bác học… đã ra đi! Thời Pháp thuộc, anh bồi, chị bếp và cả những Me Tây hay người đi lính cho Pháp thời Thế chiến thứ nhất cũng dùng một thứ ngôn ngữ Pháp-Việt bình dân trong giao tiếp với Tây. Họ dùng tiếng Pháp “bồi” và khi bí quá lại chêm tiếng Việt. Để diễn tả con cọp, có người nói: “Tí ti jaune, tí ti noir… Lui xực me-sừ, lui xực cả moi”! Đúng là Pháp-Việt đề huề và người Pháp hiểu ngay đó là con cọp!
Trong quyển Kỹ nghệ lấy Tây, “Ông Vua Phóng Sự Đất Bắc” Vũ Trọng Phụng kể lại cơn thịnh nộ của một me Tây giận ông chồng hờ:
“- Toa ba mỏ nhá cút xê ăng co xê moa! Toi kích tê moi săng bảy dề, a lò phi nì phăm, phi nì ma ghi! A lò, kích! (Mày không có quyền về ngủ nhà này nữa. Mày bỏ tao đi mà không trả tiền, thế là hết vợ, hết chồng. Thế thì… đi, đi!).
“Một vài phút thấy im. Sau lại có tiếng gắt, mà vẫn tiếng người đàn bà:
– No, se phi ni! Vắt tăng. (Không! Thế là hết! Đi, đi)
(hết trích)
Bàn về chuyện chơi chữ, Lãng Nhân viết:
“Nghề chơi cũng lắm công phu… huống hồ chơi… chữ! Chơi chữ cần có những yếu tố không phải ai cũng gom đủ: có học đã đành nhưng lại còn phải có tài. Học có hàm súc, mới biết dùng chữ cho rành rẽ, dùng điển cho đích đáng, khiến câu văn ít lời mà nhiều ý; tài có mẫn tiệp, mới lĩnh hội được mau lẹ những nét trội trong một cảnh huống, và diễn xuất ra một cách nhanh chóng đột ngột, hồ như là tự nhiên”.
Riêng về văn chương cũng có nhiều lối chơi chữ như thơ phú, câu đối và cả “tập Kiều” lấy từ tác giả Nguyễn Du. Có điều, theo Lãng Nhân, lối chơi chữ dựa theo Hán văn không còn xuất hiện khi “Tây học” ngày càng lấn lướt vào đầu thế kỷ 20. Tuy vậy, tựu trung lối chơi chữ luôn luôn dí dỏm, hóm hỉnh và thâm thúy khiến người nghe phải bật cười. Thời Pháp thuộc đã có một nhà nho “hết thời” định nghĩa một cách dí dỏm nhưng lời của ông thật sâu sắc. Ông nói: “Quần thần là bày tôi, bày tôi là… bồi tây!”.
Có ông quan lớn tuổi đã cao nhưng vẫn tham quyền cố vị. Đợi mãi không thấy ông từ quan nên có anh học trò tặng ông ba chữ “Tư vô tà”, theo nghĩa của Kinh Thi khen người quân tử liêm chính, không thiên vị. Thế nhưng ông đâu hiểu cái “ác ý” của anh học trò hay chữ chỉ muốn nói “Ta vô từ…”, tức là nhất quyết không chịu… từ quan! Câu đối cũng được sử dụng trong lối chơi chữ. Lãng Nhân kể lại có cô gái tên Miên ra một câu đối để kén chồng “Cô Miên ngủ một mình”, cũng tựa như câu “Da trắng vỗ bì bạch” của bà Đoàn Thị Điểm. Lâu lắm mới có ông cai tổng tên Thịnh đối lại một cách bông đùa “Tổng Thịnh tóm nhiều đứa”, với ý ngầm rằng ông muốn lấy cô Miên. Thấy vế đối của ông hay quá nên cô Miên ưng thuận, dù cô phải… làm lẽ thứ ba của ông cai tổng!
Một cách chơi chữ khác là sử dụng những từ ngữ đồng âm. Chẳng hạn trong một bài thơ lục bát:
“Bà già đi chợ cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói xem quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi, nhưng răng không còn”
Nói về thơ lục bát có lẽ ít áng thơ nào qua mặt được Truyện Kiều của Nguyễn Du cho nên mới có một dạng chơi chữ được gọi là “tập Kiều” hay “lẩy Kiều”. Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, người Bắc di cư năm 1954 ngồi “lẩy Kiều” ở miền Nam:
“Trải qua một cuộc bể dâu
Trông vời cố quận biết đâu là nhà
Khéo oan gia, của phá gia
Này là em ruột, này là em dâu
Cửa nhà dù tính về sau
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào”
Những đoạn Truyện Kiều trong hoàn cảnh khác nhau nhưng qua lối “tập Kiều” lại có sự kết hợp nhuần nhuyễn cả về vần điệu lẫn ý tứ:
“Trông chừng thấy một văn nhân
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao!”
Năm 1948 nhà thơ Tùng Lâm dùng thân thế cô Kiều để chỉ trích những nhân vật “phản diện” có liên quan đến thời cuộc. Đó là bài Kiếp Hoa Nô:
“Từ thủa tơ duyên lỡ phận bồ
Của người cam chịu kiếp hoa nô
Dặm nghìn rừng tía vừa ra khỏi
Lối cũ lầu xanh lại bước vô
Đã trót lỡ thề củng chú Hải
Lại thêm sượng mặt với anh Hồ
Lộn chồng trốn chúa, con người ấy
Vì nước, vì dân ở chỗ mô?”
Người ta cũng hay nhắc đến bài thơ “ngũ tuyệt” của Ôn Như Hầu trong nghệ thuật chơi chữ. Thơ ông giản dị nhưng đọc lên thật chua xót:
“Lỏn chỏm vài hàng tỏi
Lơ thơ mấy khóm gừng
Vẽ chi tèo teo cảnh
Thế mà cũng tang thương”
Nguyễn Khuyến tả cảnh trong ngày “Hội Tây” của Pháp (tức ngày Quốc khánh Pháp, 14-7) cũng mỉa mai không kém:
“Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo
Bà quan tênh hếch xem bơi chải
Thằng bé lom khom nghé hát chèo
Cậy sức, cây đu nhiều chị rún
Tham tiền, cột mỡ lắm anh leo
Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui thế bao nhiêu, nhục bấy nhiêu”
Có thể nói, lối chơi chữ của Tú Xương đã đạt đến tột đỉnh của trào phúng trong bài “Đạo học” khiến ta liên tưởng đến nền giáo dục hiện nay. Ông Tú Vị Xuyên than thở:
“Đạo học làng ta chán lắm rồi
Mười người đi học chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi”
Lan man chuyện chơi chữ tưởng chừng như không bao giờ cạn. Nhưng thôi, bài viết này xin tạm dừng ở đây. Hẹn các bạn một dịp khác, nếu có cơ hội, và đó cũng là cơ hội “cúng cuồi” (cách nói lái của… “cuối cùng”)!