Ngày 11-09-2020 (GMT +7)
To see a World in a Grain of Sand
And a Heaven in a Wild Flower,
Hold Infinity in the palm of your hand
And Eternity in an hour.
Để thấy Vũ trụ trong một Hạt cát
Và Bầu trời trong một Đóa hoa Rừng,
Hãy giữ Vô cùng trong lòng tay bạn
Và Thiên thu trong một khắc đồng hồ.
Trích trường thi Auguries of Innocence (Những Điềm của Vô tội) của William Blake (1757-1827). Bản dịch của Cao Chi.
*****
Bỉ là quốc gia sản xuất nhiều hoa thu hải đường (begonia) nhất thế giới, với khoảng 60 triệu chậu hoa mỗi năm. Năm 2016, một thảm hoa thu hải đường ở thành phố Leuven đã được tổ chức để kỷ niệm 500 năm ngày xuất bản tác phẩm Utopia của Thomas More, một trong những cuốn sách quan trọng nhất từng được viết ra, thường được so sánh với Quân Vương (The Prince) của Machiavelli.
Utopia bắt đầu được viết từ năm 1515 trong khoảng thời gian Thomas More mới 37 tuổi nhưng đã trở thành học giả danh tiếng ở London và là cố vấn của vua Henry VIII, được cử sang xứ Flanders để xem xét một hiệp ước thương mại giữa nước Anh và Flanders. Cuối năm 1516, Utopia được Erasmus, người bạn thân thiết của Thomas More biên tập và xuất bản tại thành phố Leuven, nơi Erasmus làm giáo sư Đại học Leuven.
Utopia dựng lên một xã hội lý tưởng trên một hòn đảo với nền cộng hòa, chế độ công hữu về tài sản, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, nơi con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, trở nên tự do và hạnh phúc. Ý tưởng về một địa đàng trần gian trong Utopia có ảnh hưởng lớn đến các nhà tư tưởng chủ nghĩa xã hội sau này từ Saint-Simon, Fourier, Owen đến Marx, Engels hay Kautsky. Tuy được ca ngợi về ý tưởng công hữu tư liệu sản xuất, xã hội lý tưởng trong tác phẩm Utopia và cách thức đi đến xã hội đó bị Marx và Engels phê phán là thiếu thực tiễn, không có căn cứ lý luận. Marx và Engels gọi đó là “Utopian socialism” (chủ nghĩa xã hội không tưởng) - với chữ Utopian lấy từ tên tác phẩm Utopia của Thomas More - để phân biệt với “scientific socialism” (chủ nghĩa xã hội khoa học) của hai ông.
Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx và Engels phê phán những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng là bảo thủ và phản động khi đề xuất giải quyết mâu thuẫn, đối kháng giữa tầng lớp tư sản và vô sản bằng các biện pháp hòa bình, tuyên truyền, nêu gương trong khi chủ nghĩa xã hội khoa học đề cao sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong việc cải biến xã hội thông qua đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng. Khi đặt trong bối cảnh thế giới đương đại, dường như việc thay đổi xã hội bằng các biện pháp hòa bình theo cách của những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng lại ngày càng trở nên đúng đắn hơn cách thức bạo lực của Marx và Engels. Thật vậy, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng quá trình dân chủ hóa bằng con đường bất bạo động có xác suất thành công cao hơn và bền vững hơn hẳn so với con đường bạo lực.
Hơn một phần tư thế kỷ sau ngày sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, loài người vẫn còn tranh luận gay gắt về việc mình sẽ đi về đâu. Năm 1989, Fukuyama cho rằng lịch sử đã kết thúc và điểm tận trong quá trình tiến hóa ý thức hệ của nhân loại là thể chế dân chủ kiểu phương Tây. Chỉ bốn năm sau, Huntington phản bác Fukuyama với luận điểm về sự đụng độ giữa các nền văn minh. Với sự khủng hoảng của nền dân chủ đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tương lai của loài người vẫn là điều bất định.
Nhiều nền văn minh rực rỡ trong lịch sử loài người chỉ còn lại dấu vết. Ngay cả nền văn minh đương đại mà chúng ta đang sống một ngày nào đó cũng có thể biến mất. Khi đặt lịch sử ngắn ngủi của loài người bên cạnh lịch sử Trái Đất, sự tồn tại của loài người còn ngắn hơn một cái chớp mắt, sự xuất hiện hay biến mất của loài người đối với vũ trụ chẳng khác gì cú rơi của Icarus. Trong tương quan ấy, cuộc đời của mỗi con người trong vũ trụ rộng lớn là không đáng gì cả. Nhận thức được sự nhỏ bé của bản thân trong vũ trụ và sự ngắn ngủi của đời sống con người, có thể mỗi người sẽ bớt được tham sân si, vượt qua được sự cám dỗ của quyền lực, tiền bạc và danh vọng để sống một cuộc đời tử tế và có ý nghĩa hơn chăng?