Trường Sa và “Rồi mai tôi đưa em”

ByHUỲNH DUY LỘC

Ngày 10-11-2020 (GMT +7)

Trường Sa tên thật là Nguyễn Thìn, sinh năm 1940 tại Ninh Bình. Năm 1954 ông di cư vào Nam. Thời niên thiếu ở nhiều nơi như Nha Trang rồi Thủ Đức (Sài gòn) vì phải theo cha là một quân nhân thuyên chuyển nhiều nơi. Năm 1962, ông gia nhập Hải quân, tốt nghiệp khóa 12 sĩ quan Hải quân, làm hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa (bút danh Trường Sa khi viết nhạc được chọn vào thời gian này) rồi phục vụ trong Giang đoàn 63 Tuần thám. Sau những cuộc hành quân đầy hiểm nguy, ông dành thời gian cho niềm đam mê âm nhạc như lời kể của ông: “Bản nhạc do tôi sáng tác đầu tiên là một ca khúc Tango Habanera, tựa đề “Mây trên đỉnh núi” để tặng người bạn tên Hoàng, xướng ngôn viên Đài phát thanh Đà Lạt. Bản này do Thanh Lan hát”.

Các ca khúc sáng tác sau đó là những ca khúc thời chiến như “Một lần xa bến”, “Hành trang giã từ”, “Chuyện người đan áo”, nhưng sau đó, với sự khích lệ của nhạc sĩ Từ Công Phụng, ông bắt đầu chuyển sang viết tình ca. Năm 1967, từ một cuộc tình tan vỡ, ông viết những nốt nhạc đầu tiên của ca khúc “Rồi mai tôi đưa em” mà phải hai năm sau mới hoàn tất. Hai bản tình ca ra mắt hai năm sau đó là “Xin còn gọi tên nhau” (1969) và “Mùa thu trong mưa” viết chỉ trong vài tiếng đồng hồ khi cảm xúc đang dâng trào. Thập niên 1970, ông tiếp tục viết các ca khúc như “Một mai em đi” (1973) khi đóng quân tại căn cứ Trà Cú trên sông Vàm Cỏ Đông, “Ru em một đời”, “Như hoa rồi tàn” và “Sầu biển”, ca khúc được phổ biến rộng rãi vì Hải quân Việt Nam Cộng hòa vừa tham gia trận hải chiến Hoàng Sa.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông lên một chiến hạm đến đảo Guam, nhưng không tìm thấy gia đình nên xin Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc can thiệp cho trở về Việt Nam bằng tàu. Về tới Việt Nam, ông phải “học tập cải tạo” tại Phú Khánh và Nghệ Tĩnh đến năm 1984. Năm 1986, khi được trả tự do, ông vượt biên và bị bắt giam hai năm. Đến năm 1989, ông vượt biển lần thứ hai thành công, tỵ nạn ở trại Pulau Bidong, Malaysia rồi sang định cư tại Canada. Trường Sa kể:

“Tôi định cư tại Canada từ năm 1991. Vợ tôi đã qua đời cách nay vài năm. Tôi hiện sống một mình vì các con của tôi đều đã lập gia đình. Từ đó đến nay, tôi sáng tác những ca khúc sau đây: “Xin yêu nhau dù mai nữa” (được trình bày trong Thúy Nga 70), “Mùa xuân sao chưa về hỡi em” (Thúy Nga 44), “Những mùa thu qua trên cuộc tình tôi” và “Khi chuyện tình đã cuối” (Asia), “Bản tình ca cho kỷ niệm” (Thúy Nga 70), “Paris em về” (Asia), “Ðôi mắt em tôi” (Asia), “Một thoáng mơ phai” (Thúy-Nga CD), “Sài gòn ơi, tôi còn em đó”, “Thu vẫn qua đây mình ta” và “Hạnh phúc hôm nay”. Những ca khúc này đều xuất hiện trong CD “Dòng Thời Gian - Tác giả và tác phẩm: Vinh danh nhạc sĩ Trường Sa” của Thùy Dương”.

“Mùa thu trong mưa” là bài tình ca viết vào năm 1968 được giới thiệu trước nhất với giọng ca của Lệ Thu, làm cho mọi người biết đến tên tuổi của Trường Sa. Ông kể: “Trước khi bài “Mùa thu trong mưa” ra đời, tôi cũng đã thai nghén ‘Rồi mai tôi đưa em’, nhưng phải hai năm sau (sau cả ‘Xin còn gọi tên nhau’ ), tôi mới giao cho cô Sáu, chủ hãng dĩa Việt Nam ở đường Tự Do, và Lệ Thu hát với hòa âm của ban nhạc Văn Phụng. Tôi còn nhớ rất rõ là sau khi Lệ Thu hát xong ‘Rồi mai tôi đưa em’, anh Văn Phụng đến bắt tay tôi chúc mừng. Bài ‘Xin còn gọi tên nhau’ đến trong lúc tôi đang chạy Lambretta trên đường Phạm Thế Hiển, Quận 8, Sài gòn. Tôi phải ngừng xe để ghi vội những nốt nhạc đầu tiên. Bài này tôi giao cho hãng dĩa Thiên Thai của đại úy Đỗ Diễn Cam ở Gia Định, cũng do Lệ Thu hát đầu tiên với ban nhạc và hòa âm của Văn Phụng… Lệ Thu và tôi quen biết nhau từ bài ‘Mùa thu trong mưa’. Sau khi bài được thâu dĩa với tiếng hát Lệ Thu, tôi đã bàng hoàng xúc động trước giọng ca này, và tôi đã ao ước sẽ tiếp tục viết cho giọng hát Lệ Thu. Tôi đã thực hiện điều ước này bằng ca khúc ‘Xin còn gọi tên nhau’, ‘Rồi mai tôi đưa em’ … tiếp theo nữa là ‘Sầu muộn’, ‘Còn mãi xa người’, ‘Một mai em đi’, ‘Nụ cười tím’, ‘Như hoa rồi tàn’... Lệ Thu đã chắp cánh cho một số ca khúc của tôi bay xa đến tận hôm nay...”

Ca khúc nổi bật nhất của ông vào thập niên 1970 là “Một mai em đi” sáng tác năm 1973. Ca khúc “Rồi mai tôi đưa em” giống như một bài thơ viết để tiễn đưa một mối tình vào lãng quên với những câu hát thiết tha thể hiện nỗi buồn khi từng ngày nhìn thấy lại khung cảnh cũ đã vắng bóng người yêu: “không gian xưa quen gót lầy” vẫn còn đó, nhưng trên hè phố, chim đã bay như tình yêu đã mãi mãi ở ngoài tầm tay, chỉ còn lại “những bước chân hoang vu lên phố gầy” và nỗi nhớ khôn nguôi “trong mắt môi đã đắng cay”.

Trường Sa đã chia sẻ về ca khúc “Rồi mai tôi đưa em”:

“Bài 'Rồi mai tôi đưa em’ là bài tôi thích nhất. Lý do là bài này ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt với đầy ắp những kỷ niệm cả vui lẫn buồn. Ngoài ra, bài hát cũng được chép tay đề tặng. Ngày nay ở phương trời nào đó, biết đâu vẫn còn người yêu mến trong lặng lẽ. Bài ‘Rồi mai tôi đưa em’ sử dụng cung Do trưởng, không quá lê thê u buồn, và tôi vẫn luôn nghĩ rằng nó chuyên chở những kỷ niệm thật đẹp trong một phần đời, một chuyện lòng khó phai nhạt với thời gian. ‘Rồi mai tôi đưa em’ cũng mang một chút âm hưởng thánh ca ở câu kết, tôi vẫn thỉnh thoảng trầm ngâm một mình: “Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn - Vỗ giấc xuân muộn về trên môi hồng”.

 

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin