Thế giới phim nhạc rock

Thế giới phim nhạc rock

Ngày 08-09-2020 (GMT +7)

ByBARRY HUYNH

Đối với dân nghiện nhạc rock thì phần lớn những gì liên quan nhạc rock đều có một giá trị đặc biệt, từ chiếc cùi vé sau một buổi live show, một cái T-shirt in hình ban nhạc mình yêu thích đến những thứ quí giá hơn như chữ ký của thần tượng. Chính vì thế mà những bộ phim nhạc rock là một phần không thể thiếu được trong bộ sưu tập của những người mê rock.

Với sự phổ biến của YouTube và các kênh phim trực tiếp, người yêu nhạc rock và điện ảnh được dịp tiếp xúc nhiều hơn với phim ảnh nói chung và phim về nhạc rock nói riêng. Những tựa phim Almost Famous, Walk the Line, School of Rock hay The Pick of Destiny đã trở nên khá quen thuộc. Đây là thể loại phim có sức hấp dẫn riêng với giới chơi nhạc ở nhiều khía cạnh, nhất là phim về những thần tượng như Beatles, the Doors, Kurt Cobain… Một phần vì hâm mộ thần tượng, phần vì tò mò muốn xem truyện phim có giống tiểu sử ca sĩ không, rồi diễn viễn nào đóng nhân vật chính có diễn tả được thần thái của thần tượng mình không, có biết chơi đàn thực hay là chỉ lên cầm cây đàn tạo dáng và cuối cùng nghe thử soundtrack nhạc phim có hay không, có đúng chất không…

Cảnh trong "Someone Great", một trong những phim mới nhất liên quan rock 'n' roll, do Netflix sản xuất (NETFLIX VIA AP)

Muốn thưởng thức một bộ phim nhạc rock thật sự cần có nhiều yếu tố để cảm nhận được cái hay của nó. Đầu tiên là bạn phải là một fan thực sự của nhạc rock. Nếu bạn đang là một thành viên của một nhóm rock nào đó thì bạn sẽ dễ cảm hơn là những người chỉ là rock fan đơn thuần vì bạn sẽ thấy được một phần cuộc đời bạn thể hiện qua bộ phim. Đó chính là sự đồng cảm cần thiết. Một bộ phim ngoài việc truyền tải cốt truyện còn để lại nhiều điều cho người xem ngẫm nghĩ.

Điều kiện thứ hai để có thể xem một bộ phim rock và cảm được nó là sự hiểu biết về ngôn ngữ. Vốn tiếng Anh bình thường sẽ không đủ để giúp bạn hiểu được những tiếng lóng và thuật ngữ trong nhạc rock như gig, groupie, roadie, break a leg, cut a track... Các bản phụ đề tiếng Việt thường dịch rất ẩu. Ngay cả những bản dịch chuẩn nhất cũng không thể truyền tải được hết ngôn ngữ của rock bằng tiếng Anh. Xem một bộ phim mà không hiểu lời thoại thì còn gì là xem nữa. Lúc mới sang Mỹ, tôi thuê phim This Is Spinal Tap vì nghe quảng cáo là bộ phim số một về nhạc rock nhưng rồi tắt ngay sau năm phút vì chẳng hiểu nó nói gì cả. Vậy mà sau ba năm có điều kiện tìm hiểu nhạc rock thì khi xem lại This is Spinal Tap tôi đã không thể rời đi một phút vì nó quá hay. Đến giờ tôi đã xem bộ phim đó không dưới 50 lần, thậm chí thuộc cả lời thoại của từng nhân vật. Đây là một bộ phim thật sự xứng đáng với danh hiệu là bộ phim hay nhất về nhạc rock.

Jamie Foxx với vai huyền thoại blues Ray Charles trong “Ray” (HBO)

Điều kiện thứ ba là văn hóa rock. Văn hóa rock ở đây được hiểu theo nghĩa, nếu bạn từng sống trong môi trường rock hoặc có hiểu biết về những điều liên quan tới lịch sử nhạc rock thì việc hiểu và cảm được văn hóa rock and roll khi xem phim sẽ dễ hơn rất nhiều. Xem phim rock nhất là những phim về tiểu sử một band nhạc hay một ca sĩ (biopic) mà không hiểu rõ lắm về văn hóa rock cũng giống như xem một bộ phim về chiến tranh mà bạn chỉ biết khá lờ mờ về những thứ như bối cảnh của cuộc chiến hay những mốc lịch sử quan trọng chỉ đơn thuần xem những cảnh đánh nhau mà thôi.

Các bộ phim rock biopic phần lớn lấy bối cảnh về classic rock giai đoạn 1950-1980 vì đó là giai đoạn nhạc rock phát triển rực rỡ nhất nên những hiểu biết cơ bản về nhạc blues, country, jazz, folk, kể cả điều kiện lịch sử xã hội của thập niên 1960, 1970, 1980… sẽ giúp bạn rất nhiều khi xem phim. Ví dụ nhiều người không biết nhiều về văn hóa hippie sẽ khó mà cười nổi khi xem Austin Power, cũng như nếu anh không thích punk rock thì bộ phim Sid & Nancy sẽ không thích hợp. Rock có nhiều thể loại, không phải anh là rock fan thì anh thích hết, nghe hết và hiểu hết về mọi thể loại. Vì vậy những bộ phim khá hay như Cadillac Records (nói về sự thành lập của hãng đĩa Chess huyền thoại những năm 1950), Walk the Line (tiểu sử của huyền thoại nhạc đồng quê Johnny Cash) hay Ray (về danh ca khiếm thị da màu Ray Charles) sẽ bị nhiều rock fan trẻ tuổi bỏ qua vì thấy không hợp với mình.

Kate Hudson trong "Almost Famous" của đạo diễn Cameron Crowe (NEAL PRESTON, DREAMWORKS PICTURES)

Có thể phân loại phim rock thành những loại chính sau đây:

Phim có ngôi sao nhạc rock đóng

Thể loại này dành cho giới hâm mộ thần tượng của mình, muốn xem thần tượng lên phim thế nào. Đặc trưng thể loại này là những nhóm nhạc hoặc ca sĩ khi ở thời cực thịnh đều được mời đóng vài hoặc nhiều bộ phim câu khách. Đắt hàng nhất có lẽ là ông vua Elvis với hàng chục đầu phim, hay nhóm Beatles với bốn bộ phim hay có, dở có. Ngoại trừ một số ca sĩ có tài năng thực sự trong lĩnh vực điện ảnh như Roger Daltrey (the Who), Ringo Starr (Beatles) hay Mick Jagger (Rolling Stones) thì phần lớn phim loại này chủ yếu để xem giải trí và ngắm thần tượng.

Nhiều bộ phim, mặc dù có sự xuất hiện của dàn sao bự như Beatles (Magical Mystery Tour 1967), nguyên dàn siêu sao của thập niên 1970 Bee Gees, Alice Cooper, Aerosmith, Peter Frampton (Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band 1978), Paul McCartney (Give My Regards to Broadstreet 1984), Madonna (Body of Evidence 1993) đã bị cả giới phê bình điện ảnh và fan chê thậm tệ do cốt chuyện nhạc nhẽo, biên tập sơ sài và diễn xuất quá tệ của các rock star. Các phim nên xem: A Hard Day’s Night-Beatles (1964), Tommy-Roger Daltrey, Tina Turner (1974), Dreamgirls- Beyonce (2006).

“Purple Rain” với diễn xuất ngôi sao rock Prince (Warner Bros.)

Phim về cuộc đời của một huyền thoại âm nhạc (biopic)

Nếu thể loại đầu được fan châm chước vì chỉ cần thấy thần tượng trên màn bạc là đủ làm mê tơi thì loại phim thứ hai “ăn đạn” từ giới hâm mộ nhiều nhất. Xây dựng lại hình tượng một huyền thoại, nhất là huyền thoại sống trong thời hiện đại, được nhiều người trực tiếp gặp ngoài đời là một điều không hề dễ dàng. Các fan biết được trên người thần tượng mình có bao nhiêu nốt ruồi thì đưa một diễn viên không giống hoặc không truyền tải được cái thần của nhân vật coi như tự sát.

Diễn viên đóng vai chính phải có diện mạo giống người thật, phải được hóa trang thật kỹ, quần áo, nhạc cụ, chất giọng cho đến những chi tiết nhỏ nhặt khác đều phải được quan tâm đặc biệt. Cho đến nay bộ phim bị chê nhiều nhất là Hendrix (tất nhiên nói về Jimi Hendrix), vì diễn viên diễn xuất giả tạo, hóa trang không giống và quan trọng nhất là anh chàng đóng Jimi không biết chơi đàn tay trái. Tuy nhiên cũng có nhiều diễn viên đã thể hiện rất tốt  nhân vật của mình như Val Kilmer trong vai Jim Morrison (phim the Doors 1990), Ian Hart trong vai John Lennon thời trẻ (phim Backbeat 1994), Jamie Foxx trong vai Ray Charles (Ray 2005).

Trong thể loại phim này, chỉ có một trường hợp ngoại lệ là nhân vật Bob Dylan trong phim I’m not There được chín diễn viên khác nhau về màu da, lứa tuổi và giới tính đóng trong đó có Richard Gere, Heath Ledger và nữ diễn viên Pháp Cate Blanchette. Gần đây hơn đã có hai bộ phim biopic bị bỏ dở vì không tìm được người đóng thích hợp là một bộ phim về nhóm Queen, nghe đâu là do Sacha Baron Cohen thủ vai thủ lĩnh Freddie Mercury và một bộ phim về nhóm Bee Gees do đạo diễn lừng danh Stephen Spielberg viết kịch bản và đạo diễn.

Các phim nên xem: Backbeat (về Beatles thời ở Hamburg), What’s Love Got to Do with It? (nói về cuộc đời nữ danh ca Tina Turner), The Doors (nói về Jim Morrison), Ray (nói về Ray Charles), Walk the Line (về Johnny Cash), Stoned (nói về Brian Jones của the Rolling Stones), Cadillac Records (về Leonard Chess, ông chủ đầu tiên của hãng đĩa Chess Records).

 

Phim về nhạc rock (rock drama)

Là dạng phim nói về một ban nhạc không có thật nhưng dựa trên tình tiết của những ban nhạc có thật. Cốt truyện thường xoay quanh những thăng trầm sự nghiệp của một nhóm nhạc trên đường tìm vinh quang, những cám dỗ của danh vọng, ma túy, mâu thuẫn giữa các thành viên ban nhạc và sự bóc lột của các công ty giải trí khi band nhạc đạt được thành công. Không bị soi mói nhiều như thể loại phim về thần tượng có thực, nhưng những diễn viên trong thể loại này phải biết chơi nhạc cụ và biểu diễn như thật. Đại diện xuất sắc của dòng phim này là bộ phim Almost Famous (2001), thành công trong việc tái tạo lại không gian nhạc rock của những năm 1970 qua cái nhìn ngây thơ của một cậu học sinh nuôi mộng làm phóng viên nhạc rock. Các phim đáng xem khác: Still Crazy (1996), That Thing You Do (1996), Rock Star (2001), School of Rock (2003), The Rocker (2007)…

 

Một nhánh rẽ của thể loại rock drama là dòng phim nhại tài liệu (mockumentary)

Tức là phim giả thể loại tài liệu về một band nhạc không có thực. Không có cốt truyện cụ thể, bộ phim sẽ đưa người xem đi theo chân một ban nhạc hư cấu xem họ làm gì, tập tành biểu diễn hay thu âm ra sao. Điểm nhấn của thể loại phim này là những tình tiết hài thể hiện sự ngớ ngẩn của các ngôi sao nhạc rock xảy ra rất ngẫu nhiên (thật ra đều đã được dàn dựng). Đây là thể loại phim cực kỳ kén người xem vì phải thực sự yêu rock mới cảm nhận được cái hài hước của nó.

Bộ phim đầu tiên của thể loại mockumentary là The Rutles-All You Need Is Cash (1979) do nhóm hài kịch nổi tiếng Anh Monty Python viết kịch bản, nhại lại rất tài tình tiểu sử của nhóm nhạc huyền thoại Beatles. Đặc biệt người tài trợ cho bộ phim này về kinh phí không ai khác hơn là cựu thành viên George Harrison của Beatles. Phim thành công tương đối vì lúc đó nó quá mới lạ với khán giả. Phải chờ tới khi This Is Spinal Tap ra đời năm 1982 thì mockumentary mới có chỗ đứng của nó. Bộ phim này nổi tiếng đến mức, sau khi bộ phim hoàn thành, các thành viên trong nhóm Spinal Tap (giả) đã quyết định thu đĩa, quay video clip và đi tour (thật). Thậm chí nhóm đã có một buổi diễn khá hoành tráng tại Royal Albert Hall năm 1992 để kỷ niệm 10 năm bộ phim ra đời.

Rami Malek với vai Freddie Mercury trong "Bohemian Rhapsody" (AP)

Phim nhạc kich rock (rock musical)

Thường không có nội dung rock mà dùng nhạc rock để chuyển tải những nội dung khác. Bắt đầu trào lưu thu âm những album rock opera, khi dùng các ca khúc nhạc rock để kể lại một câu chuyện, những nhà sản xuất đã không bỏ lỡ cơ hội dàn dựng concept album trên sân khấu rồi ra đến phim trường. Các bộ phim nhạc kịch rock trở nên một hiện tượng nổi bật trong suốt thập niên 1970 đến nay. Nói về thể loại này không thể không nhắc đến Jesus Christ Superstar (1973), Tommy (1974), Hair (1979), The Wall (1980), Purple Rain (1984)… Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, dòng rock musical có dấu hiệu hồi sinh với Across the Universe (2007) được dàn dựng trên các ca khúc của Beatles; Mamma Mia (2008) trên nền nhạc ABBA; và gần đây là Rock of Ages (2012) với sự tham gia của Tom Cruise.

Phim tài liệu về nhạc rock (rockumentary)

Phần lớn band nhạc lớn đều được làm phim tài liệu về tiểu sử, thậm chí một band có thể có đến 4-6 phim tiểu sử do nhiều hãng khác nhau làm, như Beatles (vô số), Elvis Presley (đếm không xuể), Bee Gees, Michael Jackson, Ozzy Osbourne… Không có gì tuyệt bằng khi được xem những đoạn phim tư liệu hiếm về band nhạc mình yêu thích, được nghe chính người trong cuộc kể về cuộc đời mình và nghe người trong nghề nhận xét về band nhạc đó. Tuy nhiên phim tài liệu cũng có năm bảy đường.

Có những phim official do những đài truyền hình hoặc hãng phim lớn đầu tư sản xuất như 20th Century Fox, MGM, Paramount, E!, BBC hay CBS thì đáng xem. Những phim official documentary này được đầu tư kỹ về kịch bản, được sử dụng nhạc của band một cách chính thức, và đặc biệt có rất nhiều thước phim tài liệu quý hiếm (rare footage). Còn những phim nào có đề chữ unauthorized, unofficial thì nên tránh vì đó là những hãng phim độc lập cò con làm. Họ không được band nhạc cấp phép sử dụng nhạc, video clip của ban nhạc không mua được bản quyền, nên những gì bạn xem là vài tấm ảnh, vài đoạn băng thu âm không giá trị, vài đoạn phỏng vấn fan và phần lớn là lời thuyết minh của người làm phim. Tôi đã từng mua nhầm vài cái DVD như thế về Led Zeppelin và Deep Purple.

Các phim kinh điển thể loại này là: The Compleat Beatles (1988), The Last Waltz (nói về nhóm the Band-1978), The Beatles Anthology Box Set (1995), Keppel Road- the life and music of the Bee Gees (1996), Some Kind of Monster (về quá trình thu âm album St. Anger của Metallica), hay Gimme Some Truth (về quá trình thu âm album Imagine của John Lennon). Nếu chưa thỏa mãn với những bộ rockumentary về band nhạc thì những bộ phim tư liệu về lịch sử nhạc rock như Woodstock ‘69 và box set The History of rock and roll cũng rất đáng để sưu tập.

Tác giả Barry Huynh (Huỳnh Chí Viễn) là giám đốc Trung tâm Anh Ngữ BHV English School tại Sài Gòn

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin