Thế giới âm nhạc thế kỷ 20 (Bài 7)

Thế giới âm nhạc thế kỷ 20 (Bài 7)

Ngày 04-09-2020 (GMT +7)

ByĐOAN THƯ

Bài 7: Từ heavy metal đến disco

Từ cuối thập niên 1960, phong trào đồng tính luyến ái bùng lên ở Mỹ. Tháng 6-1969, khi đồng tính luyến ái vẫn được xem là bất hợp pháp ở tất cả các bang tại Mỹ, trừ Illinois, giới đồng tính đã làm loạn chống lại cảnh sát tại Greenwich Village và sau đó còn thành lập Mặt trận tự do đồng tính đồng thời tung ra vài tờ báo dành riêng cho giới mình. Đến cuối thập niên 1970, Viện nghiên cứu tình dục (Mỹ) khám phá rằng 6% đàn ông Mỹ độc thân đã tự nhận mình là dân “gay” và 5% khác khai rằng họ ít nhất một lần trực nghiệm đồng tính luyến ái sau khi bước sang tuổi 19. Trong bối cảnh đó, âm nhạc thai nghén heavy metal và disco…

Nhóm heavy metal huyền thoại Metallica (Getty Images)

Một trong những ca sĩ tiên phong trong trào lưu heavy metal là David Bowie – người từng “tự bạch” rằng mình là kẻ đồng tính trên tờ New Musical Express vào tháng 1-1972, phản ánh cái xu hướng phổ biến tràn lan thập niên 1970. Ngày 16-8-1972, tại nhà hát Rainbow ở London, Bowie xuất hiện với mái tóc nhuộm cam, lông mày được tô đỏ và quần áo khác thường. Chính cái hình ảnh gây sốc này đã trở thành biểu tượng của heavy metal – thứ nhạc sử dụng tối đa nhạc cụ điện tử với tiếng đàn xé tai, tiếng trống cực mạnh và tiếng thét “man di mọi rợ”.

Hàng loạt nhóm và ca sĩ heavy metal ra đời sau đó: Mott the Hoople; Iggy Pop; New York Dolls… Phong trào hóa trang quái đản trở nên thịnh hành. Toàn bộ bốn thành viên của nhóm Kiss đã biến thành quỷ sứ với khuôn mặt quái gở mà phải mất hàng giờ mới hóa trang xong. Bắt chước hình ảnh từ tranh biếm họa, hầu hết dân heavy metal đều tự tìm cho mình một hình ảnh kỳ lạ riêng. Bên cạnh Kiss, còn có Alice Cooper. Nếu Kiss có Dressed to kill and alive! thì Alice Cooper có Love it to deathMuscle of love. Alice Cooper thú nhận: “Chúng tôi muốn giật gân. Chúng tôi là một thứ “National Enquirer” của rock & roll” – theo A social history of rock & roll của tác giả David Szatmary (tiến sĩ Harvard về âm nhạc). (National Enquirer được xem là một trong những tờ báo lá cải số một thế giới).

Cạnh Alice Cooper và Kiss, còn phải kể đến Queen. Được thành lập năm 1971 bởi tay guitar Brian May và tay trống Roger Taylor, nhóm Queen nổi tiếng nhờ giọng ca huyền thoại Freddie Mercury (tên thật Frederick Bulsara). Cũng sử dụng “hiệu quả đặc biệt” như các nhóm heavy metal cùng thời, Queen tổ chức những buổi diễn được minh họa bằng tiếng bom nổ, khói xì, đèn chớp và trang phục kỳ quái (Mercury còn sơn đen móng tay). Được đánh giá là một trong những nhóm heavy metal rock thành công thời đó, Queen đã đưa album A night at the opera của mình lọt vào Top Five năm 1975 và thời huy hoàng của Queen còn kéo dài tận thập niên 1990 cho đến khi Mercury chết vào ngày 24-11-1991 vì AIDS.

Tồn tại song song với heavy metal là disco – một phiên bản được đơn giản hóa của thể loại punk – xuất hiện lần đầu tiên tại các câu lạc bộ đồng tính luyến ái ở New York. Không như các thể loại nhạc khác, disco nhấn mạnh điểm tập trung vào khán giả. “Thế giới của disco là một “Disney World” dành cho người trưởng thành” – như cách nói của Steve Rubell, một trong những ông chủ của câu lạc bộ lừng danh Studio 54 ở New York (có một bộ phim cùng tên nói về câu lạc bộ này). Studio 54 nổi tiếng đến độ trong số những người khách quen thuộc, có ca sĩ Cher, diễn viên điện ảnh Farrah Fawcett, Warren Beatty, Woody Allen, David Bowie, Elizabeth Taylor, Paul Newman, Tony Curtis và cả Christina Onassis…

Không khí disco càng cuồng loạn khi cuối năm 1977, bộ phim Saturday Night Fever ra đời, với sự thủ diễn của John Travolta và nhạc đệm của nhóm Bee Gees (đến trước năm 1978, soundtrack Saturday Night Fever đã bán được hơn 30 triệu bản). Cơn sốt disco bùng lên khắp thế giới. Chỉ riêng tại Mỹ, năm 1978, hơn 36 triệu người Mỹ đã trở thành khách thường xuyên của 20.000 câu lạc bộ disco. Trong năm này, tờ Billboard loan báo hơn 20% ca khúc lọt vào bảng đĩa đơn đều thuộc thể loại disco. Ngoài nữ hoàng disco lừng danh Donna Summer, nhiều ca sĩ thuộc dòng “chính thống” như Rod Stewart hay nhóm Rolling Stones cũng tung ra các ca khúc mang âm hưởng disco. Đến trước năm 1979, disco đã trở thành ngành doanh nghiệp (kinh doanh câu lạc bộ, đĩa hát, thời trang…) trị giá 5 tỉ USD.

Bee Gees (Getty Images)

Đây cũng là giai đoạn mà các nhóm nhạc bắt đầu có thu nhập cao. Năm 1973, chuyên san kinh tế Forbes đã liệt kê 50 ca sĩ-nhóm nhạc có thu nhập từ 2-6 triệu USD/năm – gấp 3-7 lần mức lương của nhà điều hành doanh nghiệp được trả cao nhất nước Mỹ. Các công ty đĩa và hãng truyền hình tất nhiên cũng đạt những khoản lợi nhuận khổng lồ. Mùa hè năm 1978, MCA lãi hơn 5,5 triệu USD; CBS 48,5 triệu USD; Warner Bros 19,8 triệu USD. Năm 1973, các công ty đĩa Mỹ bán được số đĩa và băng tape trị giá 2 tỉ USD chỉ riêng ở Mỹ; hơn 555 triệu USD ở Nhật; 454 triệu USD ở Tây Đức; 441 triệu USD ở Liên Xô; 38 triệu USD ở Anh… Sau thời này, làng nhạc thế giới xuất hiện một thế hệ mới với nhiều phong cách và thể loại khác nhau. Sang đầu thập niên 1980, người ta bắt đầu nghe nói đến punk rock, reggae và rap…

@ theNewViet

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin