Thế Giới Âm Nhạc Thế Kỷ 20 (Bài 5)

Thế Giới Âm Nhạc Thế Kỷ 20 (Bài 5)

Ngày 30-08-2020 (GMT +7)

ByĐOAN THƯ

Bài 5: Sự đổ bộ của làng nhạc Anh vào Mỹ

Ngày 7-2-1964, tại Phi trường quốc tế Kennedy (New York), một đám đông thanh niên đang đứng chen chúc nhau trên mái một tòa nhà. Đám đông – hầu hết là các cô mới lớn – đã chờ tại đó hơn 8 tiếng đồng hồ. Họ tự xem mình là may mắn: chỉ có những người có giấy đặc biệt vào cổng mới được phép lọt lên mái nhà, nơi được hàng chục cảnh sát giám sát. Trong khu vực dưới đất, hơn 9.000 cô gái khác cũng đang quần tụ. Cả phi trường như muốn nổ tung bởi những tiếng thét khi loa phóng thanh thông báo: “Bây giờ là 6 giờ 30 sáng. Giờ Beatle. Họ đã rời Luân Đôn cách đây 30 phút. Họ đang vượt Đại Tây Dương để đến New York. Nhiệt độ bây giờ là 32 độ Beatle”…

Giới trẻ Mỹ "điên loạn" vì Beatlemania (New York Times)
history.com

Máy bay hạ cánh và bốn chàng trai từ Liverpool vội vã bước vào một chiếc limosine. Khi hướng về phía trung tâm phi trường, chiếc xe đã bị các cô gái “ghì cứng”: họ leo lên mui xe, bám vào nắm cửa và ngồi trước thùng xe… Sau cuộc họp báo chớp nhoáng, bốn thành viên Beatles được đưa đến khách sạn Plaza và được cảnh sát hộ tống lên tầng 12. Trong phòng mình, Beatles hoảng hốt thấy có ba cô gái đang trốn trong phòng tắm với “mục đích rất rõ ràng” và họ phải nhờ nhân viên khách sạn giúp mới lôi ra được các cô gái cuồng nhiệt này. Beatles – nhóm Ănglê đầu tiên đã tạo nên hiện tượng “Sự xâm chiếm của làng nhạc Anh” và cũng là nhóm duy nhất tính đến thời điểm này tạo ra được một cơn sốt điên loạn mang tính huyền thoại trong lịch sử âm nhạc đương đại – đã đổ bộ lần đầu tiên vào Mỹ như thế…

Cái gọi là “Beatlemania” không phải là hiện tượng bột phát và hoàn toàn xuất phát từ tài năng của Beatles. Trước khi Beatles chuẩn bị đổ bộ sang Mỹ, ông bầu của nhóm – Brian Epstein – đã lót đường sẵn, khi thuyết phục hãng đĩa Capitol Records bỏ ra 50.000 USD cho chiến dịch quảng cáo. Capitol đã cho dán 5 triệu bích chương với hàng chữ “The Beatles are coming” (Nhóm Beatles đang trên đường đến) tại các bức tường lớn, trạm điện thoại công cộng… ở khắp các tiểu bang Mỹ (chưa kể 1 triệu ấn bản bỏ túi nói về Tứ quái).

Ngoài ra, Capitol còn tung ra một triệu đĩa khuyến mãi và tác động lên cả các phương tiện thông tin đại chúng. Họ thuyết phục các tờ báo lớn viết bài về Beatles. Ngày 15-10-1963, Time tung ra một “cover story” về Beatles. Ba ngày sau, Newsweek cũng cho ra bài tương tự. Ngày 31-1-1964, Life phát hành ấn bản của mình với một trang màu chụp kín hình Beatles. Radio cũng vào cuộc và tác động còn mạnh hơn hết vì thị trường đĩa hát thời đó dựa hoàn toàn vào chương trình phát sóng của radio…

Trước những viên thuốc kích thích này, khi Beatles đến New York vào ngày 7-2-1964, Beatlemania đã lan ra khắp Mỹ. I want to hold your hand của Beatles bứng văng There! I’ve said it again của Bobby Vinton ra khỏi hạng nhất bảng xếp hạng. “Tuần thứ ba của tháng 2-1964 là tuần của Beatles” – tờ Billboard viết – “Đứng hạng nhất trong các bảng xếp hạng, hạng nhất trong các bản tin báo chí, hạng nhất khi được cảnh sát bảo vệ, hạng nhất trong trái tim tuổi trẻ Mỹ, hạng nhất ở New York, ở khách sạn Plaza, ở phòng thu Đài truyền hình CBS, ở Carnegie Hall”…

Sự bùng nổ của Beatlemania tại Mỹ có phần ảnh hưởng từ hiện tượng “baby boom” (bùng nổ khai sinh thế hệ trẻ). Năm 1964, hàng triệu Beatlemaniac (người say mê điên loạn Beatles) là một phần của 43 triệu thanh niên Mỹ sinh ra từ giai đoạn 1947-1957 (sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai). Họ tìm kiếm một “bản sắc” riêng và đã đồng loạt bám đuổi vào hình ảnh Beatles như là một biểu tượng của tính đồng nhất. Rất nhiều Beatlemaniac thời đó hiện nay đều kể rằng: “Tôi có mặt ở đó chỉ đơn giản vì mọi người đều ở đó”. Bởi thế, Paul McCartney từng nói: “Chúng tôi chỉ là phát ngôn viên của một thế hệ”.

Rolling Stones (britannica.com)

Sau cơn lốc Beatles, Anh lại đổ bộ vào Mỹ với những hòn đá lăn Rolling Stones, lần này với một hình ảnh khác (cũng do các ông bầu dựng nên): mái tóc cắt gọn như của Beatles được thay thế bằng mái tóc dài, phong cách ăn mặc trông lôi thôi hơn và phong cách nhạc cũng mạnh mẽ hơn. Đó là đợt sóng đầu tiên của hiện tượng hippie. Cũng như Beatles, sự thành công của Rolling Stones đã có phần trợ sức từ chính các ông chủ trong làng công nghiệp biểu diễn Mỹ. Rolling Stones lưu diễn lần đầu ở Mỹ vào tháng 6-1964 nhưng thất bại thảm hại. Các rạp hát gần như trống trơn và tại Antonio (Texas) trong những ngày cuối cùng của chuyến lưu diễn, người ta đã bu vào đoàn để xem một con khỉ nghịch ngợm làm được những trò quái đản hơn là xem Rolling Stones biểu diễn!

Tuy nhiên, chỉ bốn tháng sau, tên tuổi Rolling Stones bắt đầu vang danh ở Mỹ. Tất cả nhờ vào chương trình truyền hình Ed Sullivan. Trong chuyến lưu diễn lần thứ hai này (10-1964), Rolling Stones đã được Ed Sullivan mời vào chương trình mình. Trong suốt thập niên 1950-1960, Ed Sullivan là chương trình ca nhạc nổi tiếng nhất Mỹ. Ông trùm Ed Sullivan đã nâng Elvis Presley lên bệ phóng, vuốt ve hiện tượng Beatlemania, lót đường cho các nhóm Ănglê khác như Pacemakers, Seachers, Dave Clark Five và bây giờ là Rolling Stones…

@theNewViet

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin