Thế Giới Âm Nhạc Thế Kỷ 20 (Bài 3)

Thế Giới Âm Nhạc Thế Kỷ 20 (Bài 3)

Ngày 30-08-2020 (GMT +7)

ByĐOAN THƯ

Bài 3: Sự xuất hiện các nhóm nữ

Cuối thập niên 1950, công nghiệp âm nhạc đã thật sự trưởng thành, với doanh thu ngày càng cao khi phục vụ một thị trường thanh thiếu niên bắt đầu biết cách hưởng thụ. Trong thập niên 1950, GNP ở Mỹ đã tăng từ 213 tỉ USD lên 503 tỉ USD. Thu nhập bình quân đầu người tại nước này tăng 82%, từ 1.526 USD năm 1950 lên 2.788 USD vào 10 năm sau. Công nghiệp âm nhạc tất nhiên cũng chia sẻ sự hưng vượng của kinh tế và xã hội. Doanh số đĩa tăng vọt từ 189 triệu USD vào năm 1950 lên gần 600 triệu USD vào cuối thập niên 1950.

Trong 5.000 hãng đĩa lúc ấy, có bốn hãng mạnh nhất: RCA Victor, Columbia, Decca và Capitol (chiếm 75% thị trường đĩa chỉ riêng ở Mỹ). Cũng trong thời gian này, nhiều thần tượng của giới trẻ bắt đầu biến mất khỏi sân khấu. Elvis Presley gia nhập quân ngũ, Buddy Holly chết, Little Richard bỗng nhiên đi tu và Chuck Berry ngồi tù. Tuy nhiên, ngành công nghiệp âm nhạc vẫn phát triển, với sự hình thành các nhóm nữ. Ở giai đoạn này, có hai người đóng góp rất lớn: Dick Clark và Don Kirshner.

Dick Clark đã đưa vào làng nhạc nhiều ngôi sao mới và biến họ trở thành thần tượng của giới trẻ bằng thứ công cụ hữu hiệu nhất thời bấy giờ. Đó là truyền hình. Sinh năm 1929, Dick Clark học tại Đại học Syracuse, chuyên ngành quảng cáo và truyền thông. Năm 1951, Clark làm phát thanh viên tại đài Wolf và sau đó làm việc cho đài phát thanh WFIL của bố mình. Năm 1956, Clark chuyển sang đài truyền hình WFIL và dựng nên chương trình Bandstand, phát sóng các phong trào âm nhạc sinh viên.

Bandstand nhanh chóng được giới trẻ đón nhận và từ một chương trình địa phương đã trở thành chương trình toàn quốc. Với thành công ban đầu, Clark đổi tên chương trình thành American Bandstand, được phát sóng toàn quốc vào ngày 5-8-1957, trở thành một trong những chương trình ca nhạc tiên phong trên truyền hình và có thể được xem là cha đẻ của các chương trình tương tự MTV như sau này. American Bandstand đã phát trên 67 đài đến hơn 8 triệu khán giả. Tại Philadelphia – cái nôi của American Bandstand, chương trình được phát 90 phút vào ngày cuối tuần và vào các tối thứ hai từ 7 giờ 30 đến 8 giờ.

Thành công của Clark ở chỗ ông đã cung cấp đúng khẩu vị của giới trẻ thời bình, bằng những chủ đề tình yêu nhẹ nhàng. Hàng ngàn cô gái trẻ bắt đầu si mê các nhóm rock & roll mà Clark tuyển chọn và giới thiệu. Các cô gái đã bị chinh phục và hưởng ứng khá… thô bạo khi gửi trung bình 45.000 thư hàng tuần lên đài để “tống tình” Clark. Cả các bậc phụ huynh cũng hài lòng với American Bandstand. Họ an tâm khi thấy tất cả các nhóm mà Clark đưa lên đài đều ăn mặc đứng đắn và chủ đề ca khúc không đụng chạm đến tình dục. Từ thành công trên truyền hình, Clark tổ chức chương trình hòa nhạc The Dick Clark Show năm 1958 và Dick Clark’s Caravan of Stars năm 1959.

Cho đến cuối thập niên 1950, Clark đã có cổ phần trong 33 hãng đĩa, trở thành một trong những người thành công nhất ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ… Trong giai đoạn trên, ngoài Dick Clark, Don Kirshner cũng đóng vai trò đáng kể. Ông qui tụ nhiều cây bút sáng tác trẻ để tung ra những khúc ballad dễ nghe, phù hợp thị hiếu công chúng trẻ. Don Kirshner góp phần định dạng cho dòng nhạc pop ở thập niên 1960, mở rộng biên giới của doo-wop – thể loại được khai sinh từ đường phố New York, từ những nhóm da màu nghèo nàn nhưng yêu âm nhạc.

Carole King trong một buổi diễn tại New York, 1976 (Ảnh: Richard E Aaron/Redferns)

Một trong những ngôi sao nữ nổi nhất trong những năm cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960 là Carole Klein mà sau này thường được gọi bằng cái tên quen thuộc Carole King. Sinh ngày 9-2-1940, Carole King học piano năm mới 4 tuổi và hồi ở trung học đã đứng ra thành lập nhóm Co-sines. Năm 1958, khi học tại Đại học Queens, Carole King gặp Gerry Goffin và hai người bắt đầu gắn bó với nhau. Goffin trở thành người soạn lời chủ yếu cho những ca khúc mà Carole King sáng tác phần nhạc.

Ca khúc Will you love me tomorrow của họ trở thành một trong những ca khúc sống lâu nhất mọi thời. Trong thập niên 1970, 1980 rồi 1990, Will you love me tomorrow được hát đi hát lại nhiều lần. Cùng Goffin, Carole King đã viết ra hàng trăm ca khúc được xếp vào hàng “hit” cho nhiều nhóm khác nhau: Wasn’t born to follow (cho nhóm The Byrds), Chains (The Cookies), Don’t bring me down (The Animals), I’m into something good (Herman’s Hermits). Năm 1962, Carole King và Goffin tung ra The Loco-Motion và ca khúc này đứng hạng nhất vào mùa hè năm đó (đến đầu thập niên 1990, Carole King vẫn còn đóng góp khi tung ra album Colour of your dreams trong đó có sự tham gia của tay guitar Slash thuộc nhóm Guns n’ Roses trong ca khúc Hold out for love)…

Tuy nhiên, sự xuất hiện đáng chú ý nhất ở đầu thập niên 1960 là sự ra đời các nhóm nữ. The Crystals – nhóm các cô gái trẻ ở Brooklyn; The Shrilles nổi lên từ phong trào sinh viên; The Chantels gồm cô gái trẻ ở New York; The Chiffons gồm các nữ sinh trung học; The Shangri-las – một trong những nhóm nữ da trắng hiếm hoi ở thời điểm này… Tất cả đều ở tuổi từ 16-19, thích lao vào phòng ghi âm và mê trở thành ca sĩ. Nhà soạn nhạc Jerry Leiber đã viết về thời này như là “một giai đoạn rất ngây thơ, rất dễ thương, đầy hy vọng, đầy hứa hẹn…”. Tạp chí Life viết các nhóm nữ thời này đã tạo ra một thứ âm thanh “nghe như truyện cổ tích”…

@theNewViet

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin