Thế Giới Âm Nhạc Thế Kỷ 20 (Bài 2)

Thế Giới Âm Nhạc Thế Kỷ 20 (Bài 2)

Ngày 30-08-2020 (GMT +7)

ByĐOAN THƯ

Bài 2: Rock & Roll

Xu hướng R&B mà hãng đĩa Sun Records có công quảng bá đã bắt đầu thay đổi vào đầu thập niên 1950. Nhiều gương mặt sáng giá dọn lên Chicago – kinh đô của R&B – và các ca sĩ còn lại của Sun không đủ sức gây sóng to gió lớn. Ông chủ của Sun – Sam Phillips – kêu gọi rằng hãng mình sẵn sàng nâng đỡ và có những chính sách đặc biệt với “các ca sĩ da trắng”. Philipps tin rằng nếu mình có thể tìm được một ca sĩ da trắng có chất giọng như dân da màu thì ông nhất định thành công. Cứu tinh của Phillips xuất hiện: Elvis Presley. Năm 1953, chàng thanh niên 18 tuổi Elvis đã thu bài hát My happiness để tặng mẹ nhân dịp sinh nhật tại hãng Sun. Lúc ấy, ai cũng có thể ghi âm ca khúc của mình với giá chỉ 4 USD/bài.

Một ngày thứ sáu vào tháng 1-1954, Elvis trở lại hãng đĩa để lấy băng, trong đó có bài ballad Casual love và bài country I’ll never stand in your way. Sau khi nghe phần ghi âm này, thư ký Marion Keisker vội vã lao lên phòng Phillips về “phát hiện” của mình. Vài tuần sau, Phillips điện cho Elvis để mời ghi âm thêm vài ca khúc. Cuối cùng, ngôi sao Elvis vụt sáng, trở thành một trong những hiện tượng đáng chú ý nhất lịch sử pop-rock đương đại. Ngoài Elvis, Sun còn giới thiệu thêm ba gương mặt khác: Jerry Lee Lewis, Johnny Cash, Carl Lee Perkins. Tất cả hợp thành bốn ngôi sao sáng chói nhất của Sun.

Trong đó, nổi bật nhất vẫn là Elvis. Anh có tất cả: ngoại hình, phong cách và chất giọng. Elvis đã mang luồng gió rock & roll đi khắp nước Mỹ. Năm 1955, chỉ một năm sau khi Elvis xuất hiện tại hãng Sun, hãng RCA Victor đã mua lại tất cả các ca khúc của Elvis từ Sun với giá 35.000 USD. Tháng 1-1956, RCA Victor bắt đầu “bán” Elvis. Lần đầu tiên, truyền hình trở thành công cụ để kinh doanh rock & roll. Đến trước năm 1953, Mỹ có đến 328 đài truyền hình, phát sóng cho 27 triệu khán giả.

Trong vòng ba năm, số đài truyền hình tăng gần gấp đôi và số tivi ở các hộ dân Mỹ lên đến 37 triệu chiếc. Thời điểm này, có ba hãng lớn nhất: ABC (American Broadcast Company), CBS (Columbia Broadcasting System) và NBC (National Broadcast Company). RCA đẩy Elvis lên màn ảnh nhỏ, vào chương trình thứ bảy hàng tuần. Cho đến cuối năm 1956, nhà sản xuất lừng danh Ed Sullivan – người từng nói Elvis “không thích hợp cho khán giả gia đình” – đã đồng ý rút ra 50.000 USD cho Elvis để anh xuất hiện trong ba chương trình của Ed. Chương trình này đã thu hút gần 54 triệu khán giả Mỹ (khoảng 83% khán giả truyền hình toàn nước Mỹ) và góp phần bắc thang cho Elvis leo lên đài danh vọng.

Chỉ trong vòng vài tuần, nhiều ca khúc của Elvis đã được thuộc lòng: I want you, I need you, I love you; Love me tender; Hound dog; Don’t be cruel; All shook up… Bên cạnh truyền hình, cơn sóng rock & roll của Elvis cũng được truyền bá qua radio. Đài phát thanh Todd Storz và Gordon McLendon đã gần như sập tiệm nếu không có Elvis. Cũng chính Elvis chứ không ai khác đã góp phần “kích thích thị trường” khi hàng loạt sản phẩm mang tên anh bán đắt như tôm tươi. Người ta đã ý thức được tính “phổ quát” của một ngôi sao. Giày dép, mũ, quần áo, cặp, chìa khóa và cả son môi…, đâu cũng có hình Elvis. Tuy thế, cũng chính Elvis chứ không ai khác đã tạo nên một nền văn hóa sa đọa, bất chấp đời.

Hàng loạt tác phẩm văn học đã cung ứng cho thị hiếu mới này: Blackboard Jungle, Teen-Age Terror, Gang rumble… Phim ảnh cũng thể hiện xu hướng này: The wild one – với Marlon Brando đóng vai thủ lĩnh một nhóm môtô chuyên quậy phá, Rebel without a cause  – với James Dean… Ngày 11-4-1956, lần đầu tiên, tờ Variety đã qui rock & roll vào tội “kích thích làn sóng bạo động và bất ổn trong giới thiếu niên”. Cảnh sát và giới làm luật cũng chung quan điểm: “Bất cứ nơi nào có tình trạng ngỗ nghịch, quậy phá trong giới thanh thiếu niên, rock & roll luôn luôn là nguyên nhân”.

Ngày 3-5-1958, “bầu sô” Alan Freed đã biến đám đông thanh niên tại chương trình nhạc hội có ngôi sao Jerry Lee Lewis thành một cuộc bạo loạn kinh khủng. Khi thấy cảnh sát xuất hiện khi buổi diễn chuẩn bị bắt đầu, Alan nói: “Tôi cho rằng cảnh sát ở vùng Boston này không muốn các bạn vui chơi đêm nay”. Hàng ngàn thanh niên túa ra đường và báo Time đã ghi lại: “quanh khu vực ngoài tụ điểm, thường dân bị đánh đập dã man, bị cướp và thậm chí bị giết bằng dao…”. Thị trưởng Boston tuyên bố cấm tất cả buổi diễn rock & roll. Elvis bị lên án. Cả giới tôn giáo cũng xem Elvis là hiện thân của quỷ dữ. Đến thập niên 1960, cơn sốt Elvis bắt đầu lắng khi Elvis nhảy vào lĩnh vực điện ảnh…

@theNewViet

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin