Thanh gươm Dân Chủ

ByIAN BUI

Ngày 16-01-2021 (GMT +7)

Tòa nhà Quốc Hội là biểu tượng của nhánh Lập Pháp - Đệ Nhất Quyền trong hệ thống tam quyền phân lập của nước Mỹ. Nó cũng là nơi từng chứng kiến nhiều diễn biến sôi động, bắt đầu bằng một cuộc chiến tranh.

Năm 1812 Hoa Kỳ tuyên chiến với Anh, một mặt để hỗ trợ Pháp trong cuộc chiến Pháp-Anh, mặt khác để phản đối việc Hải quân Anh bắt cóc người Mỹ để phục vụ cho họ - một hình thức nô dịch trong luật pháp cổ xưa của nước Anh. Đối với Anh quốc, Hoa Kỳ chỉ là một chiến trường nhỏ trong cuộc tranh chấp với Napoleon. Nhưng đối với  người Mỹ thì đây là bài trắc nghiệm quân sự đầu tiên của tân quốc gia. Mặc dù Tổng thống James Madison không muốn chiến tranh, thành phần diều hâu trong Quốc Hội đã làm áp lực để ông tuyên chiến. Một trong những mục đích ngầm của họ lúc bấy giờ là chiếm Canada nhằm bành trướng về phía Bắc.

Tòa nhà Quốc Hội sau khi bị quân Anh đốt phá (minh họa của History.com)

Quân đội Anh khi ấy đóng ở Canada. Vì phải lo đánh nhau với Napoleon ở Âu Châu, chiến lược của Anh chủ yếu là phong toả các hải cảng của Mỹ nhằm ngăn chặn việc tiếp tế và thông thương. Tuy Mỹ thắng được một số trận đây đó trên đất liền, nhưng so với lực lượng hùng hậu đầy kinh nghiệm của Hải Quân Anh thì Mỹ chưa phải là đối thủ thật sự. Chiến thuyền Anh ra vào các cửa biển dọc bờ Đông nước Mỹ như chốn không người. Tháng 8-1814, quân Anh dưới sự lãnh đạo của tướng Robert Ross tấn công vào vịnh Chesapeake, 9 dặm về phía Đông Bắc của Washington Town (khi ấy chưa gọi là D.C.) Sau khi đánh Mỹ thua xiểng niểng, Ross thẳng tiến đến Washington để trả đũa trận Mỹ đánh phá Port Dover của Canada vài tháng trước đó, và luôn tiện trả thù việc quân Mỹ đốt thủ phủ York (nay là Toronto) vào năm 1813. Tổng thống Madison phải gấp rút rời thủ đô để lánh nạn. Bà Madison đã nhanh trí mang theo được một số bảo vật từ Dinh Tổng Thống, như bức chân dung George Washington hiện vẫn còn được treo trong Bạch Cung.

Việc đầu tiên quân Anh làm khi tiến vào thủ đô là chiếm đóng Điện Quốc Hội; cũng may lúc đó Quốc Hội đang nghỉ hè. Sau khi lục tung mọi thứ có thể cướp được, kể cả một số sách quý trong Thư viện Quốc gia, quân Anh mở tiệc ăn mừng. Ăn uống no nê, họ nổi lửa đốt nhà, bắt đầu từ cánh Nam. Lửa cháy nhanh đến độ họ không kịp lấy thêm gỗ để đốt tiếp những bức tường đá. Khi đám cháy lan đến phía Bắc, hơn 3.000 quyển sách trong Thư viện Quốc gia đã bị biến thành tro. Kế tiếp quân Anh chuyển sang đốt phá Dinh Tổng Thống. Tuy họ chiếm đóng Washington chỉ 26 tiếng đồng hồ nhưng lửa vẫn tiếp tục cháy sau khi họ kéo đi. May mắn thay, bốn ngày sau một trận bão lớn ập đến, nhờ vậy ngọn lửa mới được dập tắt. Riêng tại toà nhà Quốc Hội, thiệt hại ước lượng lên gần 1 triệu USD (trị giá thời bấy giờ), chưa kể hàng ngàn bộ sách quý và vô số tài liệu vô giá bị thiêu hủy…

Rafael Cancel Miranda, mặc vest và cravat đen, bị áp giải ngày 1-3-1954 sau khi cùng ba người Puerto Rico khác nổ súng vào Hạ viện. Hai trong số những người bị bắt trong ảnh là Lolita Lebrón và Andres Figueroa Cordero (phải) - ảnh AP

Truyền thông những ngày vừa qua hay nhắc rằng trước khi cuộc bạo loạn hôm 6-1-2021 xảy ra thì 1814 là lần cuối cùng tòa nhà Quốc Hội bị tấn công. Nhưng thật ra trong vòng 207 năm qua cũng có xảy ra một vài sự kiện khá ly kỳ tại Điện Quốc Hội, tuy không kinh thiên động địa bằng. Tháng 7-1947, một cựu nhân viên của lực lượng cảnh sát liên bang Capitol Police đã mưu sát Thượng nghị sĩ John Bricker của bang Ohio. Thủ phạm, William Kaiser, đã bắn hai phát súng khi ông Bricker rời toa xe điện dành riêng cho thượng nghị sĩ dưới hầm của Điện Quốc Hội. Rất may cả hai viên đạn đều không trúng đích. Tòa xử ông Kaiser không có tội sau khi bác sĩ chứng nhận ông ta bị bệnh tâm thần.

Một sự kiện nghiêm trọng hơn xảy ra vào tháng 3-1954. Bốn người thuộc phong trào đòi độc lập cho Puerto Rico đã mang súng bán-tự-động vào Hạ Viện. Sau khi treo lá cờ của Puerto Rico lên ban-công, họ nã 30 phát đạn xuống các dân biểu đang họp bên dưới. Năm dân biểu bị thương, nhưng ai cũng qua khỏi. Một vài vết đạn trên tường nay vẫn còn. Bốn phạm nhân bị tòa xử gần như tù chung thân. Mãi đến năm 1978 họ mới được Tổng thống Jimmy Carter ân xá và trả về quê quán. Vụ giết người gần đây nhất trong Điện Quốc Hội xảy ra hồi năm 1998. Russell Eugene Weston, 42 tuổi, đã dùng súng 38 ly để sát hại hai nhân viên công lực của Capitol Police. Ra tòa, Weston nói anh ta nghi ngờ lúc nào cũng bị nhà nước theo dõi. Thám tử phát hiện hai ngày trước khi xảy ra án mạng anh ta đã bắn chết 25 con mèo trong nhà vì lo rằng chúng có bọ chét. Tòa xử Weston bị bệnh tâm thần và đưa thẳng anh ta vào nhà thương điên.

Cuộc bạo động kinh khủng nhằm vào trụ sở Quốc hội ngày 6-1-2021 (Reuters)

Dĩ nhiên những sự kiện nhỏ ấy không làm sao so sánh được với cuộc phiến loạn diễn ra vào ngày 6-1-2021. Hàng chục ngàn người Mỹ (trong đó có không ít người Việt) đã bao vây Điện Quốc Hội. Đám đông đã đập phá và tấn công vào phòng họp của Hạ Viện và Thượng Viện trong khi lưỡng viện đang tiến hành thủ tục đếm phiếu đại cử tri. Phó Tổng thống và Chủ tịch Hạ Viện phải được cấp tốc đưa đến nơi trú ẩn an toàn chỉ vài phút trước khi đám đông đến bên ngoài cửa. Sáu người đã thiệt mạng, trong đó có hai nhân viên công lực. Cuộc khủng bố nội địa đầy bạo lực đã dẫn đến việc Hạ Viện phải ra nghị quyết đàn hạch tổng thống lần thứ nhì với tội danh “kích động phiến loạn” chống lại Đệ Nhất Quyền, một hành động vi hiến cực kỳ nguy hiểm.

Tuy mất mát vật chất lần này có thể không bằng năm 1814, nhưng thiệt hại về mặt tinh thần và danh dự cao hơn nhiều. Cả nước Mỹ (và thế giới) đã sững sờ kinh ngạc chứng kiến cảnh trung tâm quyền lực của một trong những nền dân chủ pháp trị lâu đời nhất thế giới - niềm tự hào của dân Mỹ bấy lâu nay, biến thành bãi chiến trường. Và giờ đây khu vực bao quanh Điện Quốc Hội trông chẳng khác nào Green Zone của Mỹ ở Baghdad sau cuộc tiến chiếm Iraq năm 2003, với hàng rào kẽm gai và hơn hai mươi ngàn vệ binh quốc gia túc trực 24/24. Nhưng chúng ta hãy tin rằng nước Mỹ và người dân Mỹ sẽ vượt qua cơn khủng hoảng này để hùng mạnh trở lại. Họ sẽ chỉnh sửa những khiếm khuyết trong Hiến Pháp và hệ thống chính quyền, để Hoa Kỳ tiếp tục là ngọn đuốc của tự do dân chủ trên thế giới. Như cựu thống đốc California Arnold Schwarzenegger chia sẻ hôm cuối tuần:

“Dân chủ như một thanh gươm, càng trui rèn nó càng cứng cáp và mạnh mẽ”.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin