Thả hồn với Hồ Nước Trời

Một góc Búng Bình Thiên

Thả hồn với Hồ Nước Trời

Ngày 13-08-2020 (GMT +7)

ByNGUYÊN QUỐC

Búng Bình Thiên là tên một hồ nước ngọt mênh mông, trong xanh nằm cặp với sông Bình Di (một nhánh của sông Hậu), nằm giữa ba xã Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội của huyện An Phú, tỉnh An Giang…

Hòn ngọc trong xanh giữa miền Tây

“Búng” theo tiếng địa phương có nghĩa là hồ hay đầm; “Bình” là do mặt nước trong búng lúc nào cũng êm ả. Còn chữ “Thiên” có nghĩa là Trời, xuất phát từ truyền thuyết dân gian về sự ra đời của hồ này, hồ nước yên bình do trời ban. Búng Bình Thiên gồm có hai hồ: Búng Bình Thiên Lớn và Búng Bình Thiên Nhỏ (dân gian gọi là Búng lớn, Búng nhỏ), nằm giữa sông Bình Di và sông Hậu. Chung quanh hai hồ là các gò đất cao từ 3-4 m, có các cửa thông với sông. Nguồn nước cung cấp cho hai hồ là sông Hậu và sông Bình Di. Búng cung cấp lượng nước ngọt rất lớn quanh năm cho cư dân cả vùng, đặc biệt, nước hồ không bao giờ cạn dù vào mùa hạn khắp nơi khô cằn. Đồng thời, búng cũng là nơi quy tụ của nhiều loài cá đồng, nhiều loài thực vật thủy sinh như: sen, bông súng, tảo…

Rừng nguyên sinh bao quanh hồ có diện tích khoảng 800ha, có rất nhiều loài động, thực vật sinh sống. Vào mùa khô, Búng lớn có diện tích mặt nước là 193ha, độ sâu trung bình khoảng 6m; Búng nhỏ có diện tích mặt nước là 10ha và độ sâu trung bình khoảng 5m. Vào mùa nước nổi, nước dâng lên lấp đầy hồ, ngập hai hồ trong biển nước mênh mông, mặt hồ phủ kín sen, súng và các loài hoa dại. Điều lạ lùng chưa được khoa học giải thích, nhất là vào mùa nước nổi, “kệ” cho nước các sông khác ngầu đỏ phù sa cuồn cuộn đổ vào, hễ đến hồ là lập tức trong vắt. Lạ lùng hơn, nước ở hồ cứ dâng lên rồi hạ xuống chứ không thấy chảy.

Các cô gái Chăm ở Búng Bình Thiên

Đường phân thủy trong, đục này được nhìn thấy rất rõ vào mùa nước nổi từ tháng 6, 7 đến tháng 11, tại địa điểm cầu C3, nằm ở ấp Nhơn Hội. Đứng trên cầu mọi người có thể thấy rõ sự biến đổi diệu kỳ này ở hai bên thành cầu. Theo dân gian, sau khi búng hình thành, phía Tây bỗng nổi lên một cái cồn tựa hình trái châu, có hai sợi râu rồng, một sợi đi ngược lên sông Bình Di, sợi còn lại chạy theo hướng tây đến đồn Tắc Trúc - Bắc Đai. Trong búng chứa nhiều đất mùn nên lúc đầu người dân bắc cầu ván vững chãi qua cồn đều bị sụp, lún nhưng khi bắc cầu tre thì qua được.

Trước khi nổi cồn, giữa búng phát sinh lốc xoáy khiến xuồng chở dừa đi ngang bị nhấn chìm, mấy ngày sau dừa nổi lềnh bềnh trên sông Hậu. Theo chu kỳ con nước, ban đêm búng tạo ra tiếng thổn thức của trẻ con. Do mê tín, nhiều người tin tưởng lòng búng là chỗ ở của quái vật. Một đêm tối trời vào khoảng thập niên 1950, xảy ra trận cuồng phong dữ dội trên mặt búng khiến xuồng ghe cột dài theo mé sông bị cuốn lên bờ nằm… chỏng gọng, mé đất bờ bị giựt sụp từ một đến hai mét thành vách thẳng đứng.

Búng Bình Thiên thông với sông Bình Di, nhưng búng không có cơ chế lưu thông nước ra ngoài. Sông Bình Di đậm phù sa, màu đỏ quạch nhưng khi nước chảy đến miệng búng liền trở nên trong xanh lạ thường. Theo các nhà khoa học, hiện tượng kỳ bí này có thể do địa hình đặc biệt của búng Bình Thiên. Dưới nền búng là một lớp đất sét trắng dày, diện tích búng rộng nhưng miệng búng nhỏ nên khó lưu thông ra ngoài. Thêm vào đó, có thể trong búng tồn tại một loại tảo có khả năng làm sạch nước và thảm thực vật lơ lửng có tác dụng lọc cặn phù sa khiến màu nước luôn trong xanh.

Thời điểm nào nước trong búng cũng trong xanh ngời ngợi phản chiếu ánh mặt trời tạo nên những mảng bạc sáng lấp lánh. Mùa nước nổi, hoa điên điển nở vàng ươm bên những thảm lục bình tươi non mơn mởn, thấp thoáng một vài chiếc thuyền câu bé nhỏ tô điểm cho búng Bình Thiên thêm lung linh, huyền ảo. Truyền thuyết xa xưa ở đây kể rằng, vào một đêm trăng sáng, hướng Đông mặt búng nổi lên ba cây gỗ lớn phủ đầy rong rêu nằm vắt ngang bờ. Dân làng nghĩ rằng của trời cho nên “điều” thanh niên trai tráng mang cưa, mang búa đến xẻ gỗ.

Ra sức cách mấy vẫn không tách được cây gỗ lớn, họ đành đợi trời sáng vớt gỗ lên. Nhưng đến nửa khuya, ba cây gỗ bỗng nhiên lặn mất. Sáng sớm, người dân vội tìm kiếm nhưng ba cây gỗ vẫn “lặn mất tăm” cho đến ngày nay. Ngư dân kể rằng, khi xưa thường thấy một con tôm càng “bự” bằng cổ tay đang đeo trên trái dừa trong búng, họ dùng vợt xúc tôm, chưa kịp trút vào khoang xuồng, tôm đã kẹp rách lưới nhảy ra ngoài biến mất mãi mãi. Ngày nọ, có năm thanh niên trong làng rủ nhau đi kéo lưới trong búng - đoạn giáp với Đồng Kô-Ky (nay là xã Quốc Thái), dốc sức cách mấy vẫn không kéo mẻ lưới lên được.

Họ liền nhờ người có uy tín trong làng, biệt danh “Thầy Cột” đến xem. Ông xem, rồi quả quyết “lưới vướng phải Ông Dài” (cá sấu), ông chắp tay lẩm bẩm hồi lâu rồi bảo mọi người kéo lưới lên xem. Lưới kéo lên thì xuất hiện một con cá sấu hoa cà khổng lồ, bề ngang khoảng hai mét, chiều dài gần chục mét đang há miệng gầm gừ. Mọi người hốt hoảng la to thì cá sấu quẫy mình, vọt thủng lưới trầm mình về phía Xoài Giang cho đến nay. Một truyền thuyết khác kể lại: Thuở xưa, Xoài Giang là nơi đóng đô của các quan, bên đường trồng hai hàng xoài thẳng tắp. Do ảnh hưởng của gió từ mặt sông thổi mạnh vào bờ nên đường Xoài Giang lúc nào cũng sạch bóng, không chút lá cây. Sau này, dân làng phát hiện nhiều tiền xưa, bạc nén còn sót lại trên con đường này.

Đã đời với mùa nước nổi

Đến Búng Bình Thiên, nhất là vào mùa nước nổi (bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 10 âm lịch), khi bông điên điển trổ vàng mặt nước, du khách sẽ có dịp thưởng thức những món ăn dân dã Nam Bộ như: chuột đồng nướng chao, cá lóc nướng trui, lẩu mắm cá đồng ăn kèm bông súng và bông điên điển, tép rong xào bông điên điển, cá linh non chiên bột, cá linh non kho với trái me non… Và đặc biệt là cá leo, một loại cá đen ở trong đồng, đến mùa nước nổi thì theo con nước lớn tràn ra búng.

Cá leo dài trung bình khoảng 1m, nặng từ 10 đến gần 20kg, rất mạnh mẽ, có thể quẫy rách nhiều tay lưới. Cá leo, thịt ngon thơm, có giá trị xuất khẩu cao, giá khoảng trên dưới 300 ngàn/kg, tùy tháng. Nhưng đảm bảo có bao nhiêu là bao tiêu hết bấy nhiêu. Cá này nấu chua với bông súng và bông điên điển, ngồi giữa búng lồng lộng gió trời mà nhâm nhi với vài ly rượu đế, thì… chết cũng chơi! Đến với Búng Bình Thiên, ta còn có dịp tới làng của người Chăm, sống quanh búng, mưu sinh bằng nghề cá và dệt truyền thống.

Phụ nữ Chăm phơi “tung lò mò” (lạp xưởng bò)

Trong số bốn dân tộc sinh sống quanh Búng Bình Thiên (Kinh, Hoa, Chăm, Kh’mer), cộng đồng người Chăm có nhiều nét riêng và độc đáo nhất, bởi họ vẫn giữ được nếp sống văn hóa độc đáo của riêng mình. Nơi đây, du khách được thấy những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau và một thánh đường Mas Jid Khoi Ri Yah rộng lớn, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già đi lễ, những cô gái Chăm xinh đẹp trong trang phục truyền thống, với: áo dài, váy, talei kabak (dây thắt lưng chéo), talei ka-in (dây thắt lưng ngang), khăn đội đầu, khuyên tai và trang sức đeo cổ bằng hạt cườm đen óng. Những trang phục ấy tạo cho người phụ nữ Chăm dáng vẻ quyến rũ và duyên dáng đến lạ kỳ, rồi trẻ thơ vui đùa trên đường làng…

Ai có tâm hồn ăn uống, du khách khó có thể bỏ qua dịp thưởng thức những món ăn mộc mạc, siêu rẻ nhưng rất ngon, như: cơm nị cà púa, món tung lò mò, bánh xèo nhân bông điên điển… Nếu “chịu chơi”, du khách nên xin ngủ đêm ở nhà người Chăm nào đó để tìm hiểu cách sống của người Chăm theo đạo Hồi thì chuyến đi càng thú vị. Càng tuyệt vời hơn nếu được gia chủ đãi bạn món cơm cà ri nị cà púa (cơm nị và bò xào nước cốt dừa cùng với gia vị đặc trưng của người Chăm) và món “tung lò mò” (lạp xưởng bò) truyền thống. Tráng miệng với bánh “ha nàm căn” (bánh bông lan) làm từ bột mì, hột vịt và đường thốt nốt. Ở búng, người Chăm còn lưu truyền bài thơ ca ngợi Búng Bình Thiên, tương truyền là của Chúa Nguyễn Ánh khi bôn tẩu sự truy đuổi gắt gao của quân Tây Sơn:

Búng Bình Thiên là báu của trời/ Công trình lừng lẫy khắp nơi nơi/ Bốn mùa nước lắng trong như lọc/ Tắc, trúc quanh co ngoài bãi lớn/ Hòn Xà lặp hụp giữa dòng khơi/ Tre xanh dờn dợn kề bên bãi/ Rồng núp nguồn sâu vẫn đợi thời.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin