Tản mạn về vị kỷ trong điện ảnh đương đại

Tản mạn về vị kỷ trong điện ảnh đương đại

Ngày 12-08-2020 (GMT +7)

ByĐẤT

Những ngày gần đây tôi có suy nghĩ rằng đa số bộ phim đều quy tụ về một động cơ duy nhất của con người, thứ tôi tạm gọi là lợi ích. Dù rằng đó là dòng phim thương mại với việc dùng những giá trị vật chất, vẻ bề ngoài, nhục dục cá nhân (yêu đương, oán hận, vui sướng, đau khổ, ham muốn) để xây dựng những nhân vật tranh đấu cho quyền lợi của chính họ hoặc một tập thể.

Lợi ích của con người cũng xuất hiện trong những phim nghệ thuật “đẳng cấp”, những tác phẩm khéo léo phơi bày hiện thực xã hội trần trụi, lên án những bất công cho người yếu thế, đề cao những giá trị chân-thiện-mỹ của loài người, dân tộc, đất nước, tập thể, cá nhân. Tôi nghĩ sự đòi hỏi những lợi ích, bao gồm sự ham muốn khá hời hợt về vật chất hoặc cảm giác muốn chiếm hữu một dạng tinh thần nào đó (ngay cả việc thể hiện chất nghệ thuật trong điện ảnh) đều là động cơ để những nhà làm phim sáng tác câu chuyện, nhân vật, và tìm tòi cách thể hiện.

Điện ảnh là một loại hình của văn hóa hiện đại, thứ đang tái định hình những giá trị và phẩm chất của con người. Chúng ta bị mê hoặc và dẫn dắt bởi những quan điểm được ca ngợi trong phim và bị thuyết  phục rằng chúng là những điều hay, lẽ phải để noi theo. Ở đây, tôi có sự đồng thuận với những phim đề cao giá trị chân-thiện-mỹ, sự hy sinh, lòng vị tha, những phẩm chất đạo đức mà tôn giáo luôn răn dạy con người - dù rằng chúng được thể hiện trong một phim siêu anh hùng, một phim truyền hình dài tập, một phim hoạt hình cho trẻ em hoặc một tác phẩm điện ảnh nghệ thuật đậm chất thể hiện.

Scarlett Johansson và Adam Driver trong Marriage Story

Mặt khác, có những giá trị tôi đánh giá là không hay, cũng được sản sinh ra từ tư duy lợi ích. Một ví dụ trong số này là việc đề cao lối sống vị kỷ. Trong một phim Netflix được một vài người bạn nhắc tới và bày tỏ sự đồng cảm là Marriage Story (tạm dịch: Một Cuộc Hôn Nhân), tôi thấy sự ích kỷ của cặp vợ chồng nghệ sỹ được miêu tả rất chân thật và rất được đề cao. Cô vợ không thể chịu đựng cảm giác tù túng của cuộc hôn nhân, cảm thấy mình luôn bị đối xử bất công, và muốn được giải thoát để đến Los Angeles làm đạo diễn phim - niềm đam mê cá nhân của cô.

Anh chồng, một đạo diễn kịch nghệ thuật ở New York - người luôn chỉ đạo cô vợ diễn viên của mình, nay phải tìm cách giành quyền nuôi đứa con trai trong một trận chiến ly dị với sự lạnh lùng của tòa án, sự mánh khóe của các tay luật sư, sự bẽ bàng của đời sống thực dụng, vật chất và những tiêu chuẩn xã hội ở Mỹ. Trong một cảnh, hai vợ chồng tức nước vỡ bờ, sỉ vả nhau với những từ ngữ thậm tệ khiến mối quan hệ vốn đã rạn rứt của họ không thể nào hàn gắn trở lại.

Tôi không phủ nhận về sự thành công của “Chủ Nghĩa Hiện Thực” trong phim này. Thậm chí tôi đánh giá cao tay nghề chuyên môn của Noah Baumbach, đạo diễn Marriage Story. Tuy nhiên, sự chân thật của câu chuyện và hai nhân vật trong Marriage Story làm tôi nghĩ tới những chuẩn mực đạo đức của con người ngày nay, thứ đang là đề tài gây tranh cãi giữa hai phe cấp tiến và bảo thủ. Tôi chỉ có cảm giác rằng: sự ích kỷ, thứ ngấm ngầm trong huyết quản của Marriage Story, dường như trở thành một liều thuốc an thần xoa dịu và làm ngây ngất một số khán giả có cùng cảnh ngộ, giải phóng họ khỏi sự bức bối cá nhân bằng cách đề cao lối sống vị kỷ.

Cũng cùng thời gian này, tôi xem lại The Tree of Life (tạm dịch: Cây Đời) của Terrence Malick và kinh ngạc trước sức mạnh của tác phẩm điện ảnh mà tôi cho là vĩ đại này. Bộ phim dẫn dắt khán giả vào một cuộc hành trình phi thời gian và phi nơi chốn. Một người đàn ông hồi tưởng về thời niên thiếu trong một gia đình ngoan đạo tại Mỹ những năm 1950. Đan xen là những khung hình kỳ ảo tái hiện sự hình thành vũ trụ, sự nảy sinh mầm sống đầu tiên, sự bao dung khó hiểu của một con khủng long, sự hủy diệt đến từ tảng thiên thạch...

Tất cả hòa quyện trong một loạt những câu hỏi của các nhân vật mà... nhân loại chúng ta không thể giải thích được. Mâu thuẫn xuyên suốt trong câu chuyện xảy ra trong nội tâm của cậu bé khi phải chọn lựa giữa lối sống bản năng, cộc cằn, toan tính của người cha và lối sống cam chịu, nhường nhịn, tin vào hồng ân của người mẹ.

Đối với tôi, Cây Đời như một bản thánh ca của ánh sáng Thiên Chúa. Sự cao cả của giai điệu này làm tôi nghĩ tới và ý thức hơn nữa những quan điểm sống của chính mình, của “cái tôi” hẹp hòi và ti tiện so với không gian vũ trụ huyền bí này. Nhà phê bình điện ảnh Roger Elbert đã hoàn toàn đúng khi nói Cây Đời như một dạng nguyện cầu, không phải cho ai, để được điều gì, mà là cho tất cả mọi người. Elbert nói: "Nhiều bộ phim hạ phẩm giá chúng ta. Chúng rẻ rúng hóa chúng ta, tự sướng cảm giác của chúng ta, nhồi nhét chúng ta bằng những sự phấn khởi ti tiện, rút bớt giá trị đời sống".

Bản thánh ca uy nghiêm này phân định những ranh giới có tính giáo huấn giữa bóng tối và ánh sáng, giữa hiểm ác và lương thiện, giữa bạo lực và tình thương, giữa hận thù và tha thứ, giữa sự tự do của lối sống bản năng và sự nhẫn nại của niềm tin vào số phận. Cô bạn cho rằng triết lý trong The Tree of Life là một sự dạy đời. Tôi thì cảm thấy biết ơn sự dạy đời ấy vì tôi đã từng hiểu sự khác biệt giữa cảm giác bấp bênh, vô định của con người vô tôn giáo và cái ấm áp, cao thượng của con người có đức tin. Và tôi nghĩ điện ảnh cần hơn nữa những tác phẩm như Cây Đời.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin