Tôi nghĩ điều quan trọng nhất không phải là giờ thầy đang ở đâu mà là “Tôi đang ở đâu?” trong hành trình của mình.

Những ngày qua không ít lần nước mắt tôi cứ rơi xuống khi nhìn thấy hình ảnh của sư Minh Tuệ. Từ hình ảnh gần đây khi sư Minh Tuệ được bao người vây quanh đến những hình ảnh cách đây vài năm tình cờ ghi lại. Khi ấy đôi mắt của sư Minh Tuệ thật trong trẻo, bước chân nhẹ nhõm trên đường, giọng nói vô tư, khuôn mặt tỏa sáng nụ cười, luôn chúc cho mọi người hạnh phúc và một mình tự do ngồi an tĩnh trong đêm dưới hang đá.

Một sự xúc động khó tả, nước mắt tôi cứ rơi xuống. Tôi tự hỏi tại sao tôi lại xúc động rơi nước mắt đến thế? Tại sao vậy? Các chuyện khác xoay quanh sự việc này, tôi không quan tâm lắm. Chỉ chú tâm vào việc sự kiện này có tác động thế nào đến mình.

Thế giới bên ngoài luôn phản chiếu thế giới bên trong. Hẳn có điều gì mà thế giới nội tâm của tôi đang có sự lay động mạnh qua việc hữu duyên này, dù là ở rất xa về mặt địa lý.

Tôi vốn chưa bao giờ sùng bái, ngưỡng mộ quá mức điều gì, với ai. Nhưng sự hiện hữu của sư Minh Tuệ, đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi về bản thân và cuộc sống.

1.Cô độc và Tinh tấn

Hình ảnh sư Minh Tuệ trước đây một mình nhỏ nhắn, tảo bước chân trần dọc trên những con đường khiến bạn bè tôi và nhiều người xúc động, thương cảm, rớt nước mắt. Vì có lẽ hình ảnh đó phản chiếu sự cô độc của chính mỗi người trong chúng ta trên hành trình cuộc đời. Dù có hay không có người thương yêu xung quanh nhưng chúng ta, ai cũng phải tự mình loay hoay đi con đường sống của mình.

Những giọt nước mắt đó là thương cho thầy và cũng là thương cho những tủi thân, cô độc của chính mình. Đồng thời, hình ảnh mong manh ấy và sự tinh tấn kiên định bước về phía trước của sư Minh Tuệ khiến bao người khâm phục và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho tôi.

2.An trú và Không sợ hãi

Nhìn cảnh một mình sư Minh Tuệ trên đường, một mình ở nơi hoang vu nghĩa địa, không sợ hãi, xả li và đầy hạnh phúc. Có lẽ đó là thứ mà tôi và nhiều người mong có được. Mong có thể đạt đến trạng thái “không còn có bất kỳ thứ gì” mà lại cảm thấy “có tất cả mọi thứ”. Đầy tự do, tự tại.

Tôi lại nhớ đến câu nói “When you’re happy with nothing, you’re happy with anything”.

“Khi bạn hạnh phúc với việc chẳng có gì, bạn lại có thể hạnh phúc với bất cứ thứ gì”.

Dù để thực hành được đến như vậy là khó, nhưng nhìn sự an lạc trong veo của sư Minh Tuệ cũng khiến cho lòng người nhẹ nhõm.

3.Điềm tĩnh và Từ bi

Tôi thật sự khâm phục trước khả năng điềm tĩnh của sư Minh Tuệ khi nhìn thấy cảnh sư bị đám đông bủa vây, nhiều người sùng tín cố gắng chạm vào sư, liên tiếp đến cúng dường lúc nửa đêm…

Cơ thể sinh học, hệ thần kinh và bộ não con người có giới hạn về khả năng xử lý các tác động từ môi trường bên ngoài. Với sự ồn ào, hỗn loạn và thiếu thời gian nghỉ ngơi như vậy rất dễ khiến cho bộ não quá tải và mất kiểm soát. Khi ấy, người ta dễ rơi vào trạng thái vô thức cáu kỉnh, bực bội. Dù những ngày sau đó ánh mắt sư Minh Tuệ có sự mệt mỏi. Nhưng sư Minh Tuệ vẫn nói lời nhẹ nhàng, khuôn mặt vẫn toát lên vẻ từ bi.

Trước đó tôi không để ý, nhưng nhờ sự hỗn loạn vừa qua, tôi mới được thấy thêm rằng sư Minh Tuệ quả là một người tinh tấn cả về thân tâm trí. Sư vừa kiên quyết, vững chãi với lựa chọn của mình mà cũng lại rất an dịu. Ngôn từ của sư luôn có tính nâng đỡ, dù nói về nghiệp phước, dù kiên định từ chối sự dư thừa trong việc cúng dường để giữ nghiêm giới luật nhưng từng lời nói, ánh mắt luôn đầy khiêm hạ, ấm áp và dễ thương.

– Hôm nay dùng bữa no rồi, ăn rồi nhỉ

– Nhận đủ rồi nhỉ

– Sau khi dùng bữa thôi rồi nhỉ

– Không lấy nữa nhỉ

– Hoa quả hôm nay ăn rồi nhỉ

– À được rồi nhỉ

– Có khăn mặt đây rồi nhỉ

4.Yêu thương vô điều kiện

Những lời sư Minh Tuệ đã chia sẻ trong những video khi sư bị đánh, sư vẫn cầu chúc hạnh phúc cho họ. Nụ cười ánh mắt trong trẻo của sư cũng thật hạnh phúc khi kể về chuyện đó. Những hình ảnh đó hiện hữu cho lòng từ bi, bao dung, yêu thương vô điều kiện.

Có lẽ chính vì thế mà một cách tự nhiên có sức hút kỳ diệu khiến dân chúng vạn người mong muốn đến gặp sư Minh Tuệ. Nhiều người trí thức cũng viết và yêu quý sư. Vì trong sâu thẳm, tâm lý mỗi người, tôi cũng vậy, đều khao khát được gặp, được tương tác với một người có thể thực sự thương yêu mình vô điều kiện và muốn tin vào cái đẹp của tâm hồn con người là có thật.

5.Xả li và Vô ngã

Việc xả li với tham, sân, si. Không tích trữ thức ăn cho ngày hôm sau, chỉ ăn một bữa để duy trì cơ thể để tiếp tục rong ruổi tự do như những sinh vật trong thiên nhiên hoang dã.

Nhớ lúc tôi đọc cuốn “Lược sử loài người”. Kể từ khi có nông nghiệp, con người bắt đầu chủ động với nguồn lương thực và biết tích trữ. Sự tích trữ dư thừa đã dẫn đến phân cấp giàu nghèo, tham muốn quyền lực, danh vọng để trở nên lớn lao, có tầm ảnh hưởng kiểm soát, được tôn sùng, phục vụ. Điều này khiến con người bao năm nay vẫn tranh giành, cướp bóc của nhau, gây ra bao đau khổ cho nhau.

Sự rời bỏ khỏi mọi định danh, chỉ còn là một công dân đang tu học. Như sư Minh Tuệ đã nói, có thể gọi sư là “ăn xin” hay “cái bang”, “nghề hèn hạ”, “gì cũng được”. “Con chỉ theo lời Phật dạy”. “Con mong cho mọi người được hạnh phúc”. Khi một người không còn gì nữa, từ bỏ mọi thứ và trở nên đơn thuần nhất, không còn phòng vệ hay phản vệ, có vẻ như mong manh nhất, vô sản nhất, thì một cách thuần khiết, lại được vạn người, triệu người yêu quý nhất, kính phục nhất.

Một sự biểu hiện thật đơn sơ, “bình thường” trong lời nói, hành động. Vậy mà lại có cảm giác rất thiêng liêng.

Hình ảnh của sư Minh Tuệ một lần nữa lại cho tôi quay về với bản thân, với những triết lý của Phật Giáo, nghiêm túc và sâu sắc hơn… Tôi tin là trong cuộc đời đang có rất nhiều vị thiền sư khác dù theo cách tu tập nào và luôn có nhiều người dân Việt Nam đang sống đẹp và thực hành hướng thiện.

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất không phải là giờ thầy đang ở đâu? Mà là “Tôi đang ở đâu?” trong hành trình của mình.

Tôi sẽ tiếp tục tự hỏi, “Liệu mình có thể làm được như thế, phần nào như thế không?” – để cho chính mình tìm thấy sự an lạc, tinh tấn, nhẹ nhõm và vui vẻ, hạnh phúc tự thân, đơn sơ như vậy không?

Tôi thấy mình cần học cách bớt nóng giận, lúc cáu giận nhất cũng cố gắng im lặng không nói những lời gây đau lòng, tổn thương, sát thương đến người khác. Tôi vẫn chưa làm được vậy hoàn toàn.

Khi cơ thể và não bộ quá tải, stress, học cách định tĩnh, không vô thức phát ra lời gay gắt, khó chịu được không?…

Có thể học cách thương người khác kể cả khi họ sát thương, hại mình được không?

Có thể biết im lặng lắng nghe mà đừng nổi giận ngay vì chuyện quá khứ được không? Học lắng nghe trong hiện tại được không?…

Trên đời này, người có thể yêu thương mình vô điều kiện có thể là ba người: Cha mẹ sinh ra mình hoặc người nuôi dưỡng mình, Đấng sáng tạo (Đức Phật, Chúa…theo niềm tin tôn giáo của mỗi người) và người thứ ba là chính mình. Và người thứ ba này là người luôn có thể ở bên mình một cách bền vững. Vậy nên, tôi tự nhắc mình, cố gắng học tập dành sự từ bi cho người khác thì cũng nhớ học tập dành sự từ bi cho chính mình, một cách lành mạnh, hướng thiện.

Với tôi, sự xuất hiện của sư Minh Tuệ thực ra như vậy cũng là đủ. Sự vắng bóng lúc này, cũng là đủ.

Để mình còn lại với mình, thấy và tiếp tục tự thực hành với mình.

Còn nếu không thì mình sẽ lại tiếp tục bị cuốn dõi theo cái bóng của thầy, mà không thấy được cái bóng của mình.

Sự xuất hiện từng bước chân của sư Minh Tuệ là cơn gió mát lành thoáng qua trên con đường nhựa bỏng rát, là sự mến thương ấm áp trước những cô đơn độc hành, là liều thuốc giảm đau cho chúng sinh, hay là sự chuyển hoá nhận thức, an lạc một cách bền vững – là tùy theo sự chiêm nghiệm và tiếp tục tự tu học của mỗi chúng ta.

Thật cảm ơn và biết ơn Thầy Minh Tuệ!

9.6.2024

Giang Kate

___________

Giang Kate – ☘️ Tại sao tôi lại khóc khi nhìn thấy hình ảnh của sư… | Facebook