Tại sao cần phải Đọc Chậm?

Tại sao cần phải Đọc Chậm?

Ngày 19-08-2020 (GMT +7)

ByBẢO KHÔI

Người Nhật có phương pháp đọc nhanh dành cho các nhà quản lý, học sinh-sinh viên, phóng viên-biên tập viên…, vì đó là những công việc cần phải đọc rất nhiều. Nhưng đọc càng chậm, nền tảng tri thức của bạn sẽ càng được mở rộng...

Không thể ‘hút’ sạch chữ đưa vào bộ nhớ

Vào những năm 1950, nhiều cô cậu học sinh mơ hoàn thành xong các bài tập đọc hiểu của mình càng nhanh càng tốt, để còn được đi chơi, hoặc dành thời gian cho những hoạt động thú vị khác. Năm 1959, Evelyn Wood cho ra mắt khóa học tốc độ. Khóa học Evelyn Wood & Reading Dynamics trở thành một nguồn cảm hứng lớn. Đến nỗi thời Tổng thống J. F. Kennedy, Tòa Bạch Ốc cử nhân viên tham gia khóa học ấy. Nhiều năm sau khi bà Wood qua đời, khóa học vẫn tiếp tục.

Khoảng năm 2013, loạt các ứng dụng đọc tốc độ đột nhiên tái xuất hiện và trở nên phổ biến. Hầu hết ứng dụng này được lập trình dựa trên khái niệm hiển thị nhanh các từ trên màn hình (RSVP - Reading Rapid Serial Visual Presentation) và giúp bạn đọc nhanh hơn. Các ứng dụng này kiểm soát những gì mắt bạn nhìn thấy và loại bỏ quá trình tự nhiên nơi chúng ta nhìn lại những từ chúng ta vừa đọc, được gọi là hồi quy (regression), để ép người đọc không thể đọc lại chúng. Vấn đề là những hồi quy này lại là một trong những chìa khóa quan trọng để đọc hiểu (reading comprehension). Hãy tưởng tượng, tâm trí của bạn bị sao nhãng đi dù chỉ một giây, đôi mắt của bạn lúc ấy bị chặn lại và không thể liếc lại những từ bạn vừa mới đọc.

Các chiến lược khác của đào tạo đọc tốc độ bao gồm cả việc huấn luyện để loại bỏ đọc nhẩm (subvocalization) – kiểu như nghĩ ra trong đầu âm thanh của những từ mình đang đọc. Thực tế, chẳng có chuyện đơn giản là chỉ nghĩ về âm thanh. Chúng ta cũng thực hiện các chuyển động tinh tế, bằng mắt thường không thể nhận ra bằng lưỡi và bộ máy phát âm khi đọc. Suy cho cùng, đọc sách hoàn toàn không phải là việc “hút” hết một trang giấy ngập chữ vào bộ não. Đó là một quá trình thấu hiểu ngôn ngữ, và quá trình này khá phức tạp. Vì thế, không đơn giản là cứ đọc cho nhanh và nhét hết chữ vào đầu là coi như xong.

Mức độ hiểu sẽ giảm khi tốc độ đọc tăng lên

Một người lớn được giáo dục có thể đọc ở đâu đó trong khoảng 250-400 từ một phút. Những người đọc nhanh mong muốn được tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí nhiều hơn so với tốc độ đọc cơ bản của họ. Các tài liệu nghiên cứu chỉ ra rằng: khi tốc độ đọc tăng lên do kết quả của nỗ lực trong việc đọc tốc độ, khả năng hiểu sẽ bị giảm. Với những người có khả năng, họ có thể đọc lướt và lấy ý chính của văn bản. Nhưng nếu mục tiêu của bạn là để thu thập kiến thức, đọc nhanh trở nên phản tác dụng.

Hiểu không tương đương với việc thu nhận kiến ​​thức. Bạn phải sử dụng “siêu nhận thức”. Bạn phải đọc chậm để khởi động và kích hoạt các quá trình hỗ trợ thu nhận kiến ​​thức trong khi đọc. Nếu đọc để học, để hiểu, bạn cần khai thác sâu vào nội dung và có sự liên kết giữa các khái niệm mới với kiến ​​thức hiện có. Và chỉ làm thế, bạn mới có thể thu thập những kiến ​​thức mới vào bộ não và áp dụng chúng trong tương lai.

***

Dưới đây là vài phác thảo về quan điểm khoa học đã được chấp nhận rộng rãi nhất về học tập và trí nhớ, từ góc độ tâm lý học nhận thức.

Cách chúng ta học điều mới

Khi hiểu biết những kinh nghiệm trên thế giới, chúng ta lưu trữ thông tin ban đầu trong “trí nhớ tạm thời”. Trí nhớ tạm thời nhận được tất cả đầu vào, và đó là luồng dữ liệu tràn ngập thông tin. Hãy tưởng tượng trong một phút đi bộ vào sân vận động và trong khoảnh khắc, bạn thấy một ngàn khuôn mặt đang tập trung theo dõi trận đấu, và ở phía xa còn hàng ngàn khuôn mặt mờ ảo nữa. Đồng thời, có một lượng lớn cảm giác không trực quan được tiếp nhận. Có đủ các loại mùi vị. Bạn cũng tiếp nhận nhiều cảm giác khác nhau trong cùng một thời điểm như cảm giác cân bằng, va chạm, cảm nhận trong cơ thể, độ rung và nhiệt độ bên ngoài.

Trí nhớ tạm thời tiếp nhận khá nhiều và may mắn thay, nó thường kết thúc trong một thời gian ngắn. Bạn chỉ có thể lưu trữ ít hơn một giây tại một thời điểm, trước khi nó biến mất. Có lẽ tốt nhất là khoảng 99,99% trí nhớ tạm thời của chúng ta sẽ “bay hơi” rất nhanh. Một tỷ lệ nhỏ trí nhớ tạm thời tồn tại và được chuyển sang trí nhớ ngắn hạn. Trí nhớ ngắn hạn tồn tại trong thời gian ngắn, duy trì ở đâu đó trong khoảng từ 10-30 giây. Trong một số trường hợp nhất định, nó có thể kéo dài đến một phút. Trí nhớ ngắn hạn có khả năng vô cùng hạn chế. Nghiên cứu kinh điển về giới hạn khả năng này được trích trong bài báo cổ điển “Số 7 Ma thuật, Cộng hay trừ 2” của Giáo sư George Miller thuộc Đại học Harvard. Ông đề xuất, chúng ta chỉ có thể nhớ khoảng bảy điều, chẳng hạn như các chữ số của một số điện thoại, trong vài giây.

Nếu một ký ức mới đủ quan trọng để bạn ghi nhớ sau vài giây, nó có thể được lưu trữ trong trí nhớ dài hạn của bạn và có lẽ bạn sẽ nhớ nó mãi mãi. Ngày nay, tâm lý học nhận thức đã có sự hiểu biết sâu sắc hơn về cách thức hoạt động của trí nhớ. Mô hình bộ nhớ làm việc (Working Memory Model - WMM) ban đầu được đề xuất bởi Baddely và Hitch vào năm 1974. Nó đã được cải tiến trong những thập niên tiếp theo.

 

Bạn chỉ có thể học sâu bằng cách đọc chậm

Sau khi hiểu biết về cách thức bộ nhớ hoạt động, bạn có thể tập trung vào lý do tại sao đọc chậm lại vô cùng cần thiết để tiếp cận được học sâu. Để chuyển đổi sự hiểu biết về khái niệm thành kiến ​​thức, đòi hỏi nhiều thời gian. Tất cả sự kiện và khái niệm mới mà bạn học, cần phải được tích hợp với kiến​​ thức hiện có. Bằng cách đọc chậm rãi, bạn tạo ra thời gian cần thiết để kích hoạt mạng lưới điều hành trung tâm của mình. Bạn cần tập trung toàn bộ sự chú ý, sử dụng vòng lặp âm vị học và phần đệm phác thảo thị giác không gian. Những ý tưởng, khái niệm và sự kiện mới mà bạn gặp trong cuộc sống hàng ngày phải được chuyển vào bộ nhớ đệm có chu kỳ, nơi bạn có thể chơi đùa và thao tác với chúng. Và loại thao tác tốt nhất bạn có thể dùng với bộ nhớ làm việc của mình là sử dụng siêu nhận thức.

Siêu nhận thức (metacognition) thường được mô tả là việc bạn "suy nghĩ về những điều bạn đang suy nghĩ". Siêu nhận thức cũng là việc tự điều chỉnh những gì bạn làm để từ đó tăng cường khả năng học tập của bạn.

Cách đọc siêu nhận thức

Bạn có thể sử dụng bộ câu hỏi sau đây để phát triển danh mục câu hỏi siêu nhận thức của riêng bản thân bạn.

- Đây có phải là một thứ gì đó mà tôi muốn hoặc cần phải ghi nhớ?

- Điều này có gợi nhớ cho tôi về bất cứ điều gì thuộc một lĩnh vực kiến ​​thức không liên quan?

- Tôi có nghĩ đến những điều tôi đã biết mà mâu thuẫn với khái niệm này không?

- Những điều khác mà tôi đã biết hỗ trợ tính xác thực của khái niệm này là gì?

- Bất kỳ ví dụ thực tế về điều này?

- Đây có phải là lần đầu tiên tôi tiếp nhận nhiều kiến ​​thức này không?

- Làm thế nào tôi chắc chắn rằng điều này là đúng và chính xác?

- Có nơi nào khác trong cuộc sống mà tôi có thể tìm thấy một ví dụ về điều này không?

- Những định nghĩa liên quan khác nảy ra trong đầu tôi là gì?

- Việc nắm bắt điều này gây ra khó khăn cho tôi như thế nào?

- Nếu nó trả lời cho câu hỏi “Cái gì?”, tôi có thể giải thích “Tại sao” không?

- Làm thế nào để áp dụng thông tin này vào trong cuộc sống của tôi?

- Ngoài nó ra, tôi còn biết những gì khác về chủ đề này?

- Tôi đã hiểu đầy đủ về vấn đề này chưa?

- Tôi có thể chia nhỏ nó ra không?

- Nếu một đứa trẻ hỏi tôi, làm thế nào tôi có thể giải thích để cho cậu bé/cô bé ấy hiểu?

- Điều này phù hợp với những gì tôi đã biết về chủ đề này thế nào?

- Thông tin này có đáng tin cậy không?

- Chi tiết nào gây cho tôi sự ngạc nhiên về điều này?

📖📖📖

Dù ở mức độ này hay mức độ khác, thực hiện các danh mục trên nghĩa là bạn đã áp dụng siêu nhận thức. Có một số người đọc một cách thụ động hoàn toàn và không nhận lại được gì sau khi bỏ hàng tá thời gian đọc. Hãy cố gắng có ý thức, chủ động đặt ra thật nhiều câu hỏi hơn và hãy tự vấn. Việc đọc siêu nhận thức làm bạn chậm lại khi bạn dành thời gian để khai thác sâu các tài liệu.

Những người kiệt xuất thành công bằng việc đọc chậm vì họ tích cực chủ động khai thác tài liệu thông qua siêu nhận thức. Họ sử dụng bộ nhớ làm việc để tạo một cuộc hội thoại nội bộ, nhằm kiểm soát chất lượng trải nghiệm của họ với văn bản. Họ tập trung sự chú ý không chỉ trên trang sách mà còn vào bộ đệm theo chu kỳ. Họ tự điều chỉnh để lấp đầy những lỗ hổng kiến thức mà họ đã phát hiện ra trong khi đọc.

Nếu bạn có ý định đầu tư thời gian để đọc lấy kiến ​​thức, hãy cứ dành thời gian thực hiện việc đó và nhận được những thành quả sau này. Và nếu bạn muốn mở rộng kho kiến ​​thức của mình, hãy trở thành một người “ngốn” sách, bằng cách đọc chậm.

Nguồn: Medium

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin