Sự sụp đổ của thị trường báo chí là hiểm họa cho nền dân chủ

Sự sụp đổ của thị trường báo chí là hiểm họa cho nền dân chủ

Ngày 10-08-2020 (GMT +7)

ByCỐ SỰ QUÁN

Nền báo chí tại Hoa Kỳ đang ngày càng xuống dốc. Hầu như chúng ta đều được dạy ở trường rằng tự do báo chí là cần thiết trong một xã hội tự do, nhưng chúng ta ít khi mường tượng ra được nguy cơ nếu mất đi cơ quan quyền lực thứ tư này. Nền Dân chủ cần hệ thống báo chí minh bạch và độc lập để mang đến tiếng nói đa chiều trong nhân dân, đóng vai trò giám sát quyền lực và thức tỉnh xã hội. Những nghiên cứu chuyên sâu chỉ ra rằng nếu thiếu vắng những cơ quan báo chí địa phương, vai trò xã hội của công dân sẽ bị hạn chế và người ta sẽ ít đi bầu hơn. Sự sụp đổ của các tờ báo địa phương (nguồn cung cấp tin tức chính cho cộng đồng) dẫn tới sự gia tăng nguy cơ tham nhũng và phân cực, độc giả sẽ ngày càng bị sa lầy vào những tin tức định hướng được tô hồng do nhà nước cung cấp.

Cuộc khủng hoảng phát sinh với nguyên nhân đến từ những cơ quan truyền thông thương mại. Họ đã không hoàn toàn đáp ứng đủ cho các mục tiêu dân chủ. Thị trường không nuôi sống nổi các cấp báo chí (không chỉ là các tờ báo địa phương, mà còn các chuyên trang quốc tế, chính sách và báo cáo điều tra) nhằm hỗ trợ thích đáng cho một nền dân chủ lành mạnh. Có thể lý luận rằng, chuyện này xưa giờ vẫn vậy, nhưng giờ đây nó hoàn toàn là sự thật, rất nhiều tờ báo đã phải đóng cửa trên khắp đất nước, bỏ lại hàng núi tin tức không được chuyển tải. Nếu chúng ta mơ ước một tương lai dân chủ (bao gồm cả cộng đồng doanh nghiệp) thì nhiệm vụ cấp thiết là phải cứu sống hệ thống truyền thông địa phương. Chúng ta phải chung tay để xây dựng một hệ sinh thái truyền thông mà trong đó báo chí đóng một vai trò xã hội thiết yếu.

Trong giai đoạn lịch sử then chốt này, thách thức chung đặt ra là phải hồi phục lại những nền tảng dân chủ mà trong số đó quan trọng nhất là báo chí. Rõ ràng rằng bấy lâu nay văn hóa, thông tin và truyền thông đã đóng một vai trò không thể chối cãi trong xã hội. Để có một nền Dân chủ thịnh vượng, điều tối quan trọng là phải tạo cơ hội cho góc nhìn và tiếng nói đa diện trong mỗi vấn đề, nhằm đảm bảo sự đa dạng trong suy nghĩ và quan điểm ở mọi tầng lớp quần chúng. Tuy nhiên, thực tế rõ ràng rằng thị trường báo chí không đáp ứng đủ các nhu cầu truyền thông và thông tin hiện nay.

TẠI SAO THỊ TRƯỜNG BÁO CHÍ SỤP ĐỔ

Trước khi nói đến thế nào là một hệ thống truyền thông ít bị lệ thuộc vào thị trường thì quan trọng hơn hết phải hiểu được vai trò kinh tế chính trị đối với cuộc khủng hoảng hiện tại. Ở Hoa Kỳ, hầu hết tổ chức truyền thông thương mại đều sống nhờ vào nguồn doanh thu từ quảng cáo. Gần suốt thế kỷ 20, thu nhập của các tờ báo đến từ 80% quảng cáo và 20% độc giả. Trong nhiều thập niên, phương án này đã mang lại nguồn lợi khổng lồ cho các nhà xuất bản báo chí, do đó các nhà xuất bản cũng mạnh tay chi nhuận bút cao cho các bài báo. Tuy nhiên, mối tương quan kinh tế này che đậy một thực tế khác: Mục tiêu chính của các đơn vị mua quảng cáo không nhằm thúc đẩy một xã hội dân chủ với đầy đủ tin tức. Họ không quan tâm đến việc các bản tin ở các trường học có đầy đủ tin tức hay không, hoặc một văn phòng báo chí mới nào vừa được thiết lập tại hải ngoại. Các đơn vị quảng cáo chỉ đeo đuổi độc giả, do đó các trang báo chính là phương tiện hữu hiệu để tiếp cận người đọc. Tin tức lúc này chỉ là một loại sản phẩm để mang ra trao đổi.

Đó là lối hợp tác “đôi bên cùng có lợi” - một “thú đau thương” ngụy trang cho kiểu liên minh phi tự nhiên xuất phát từ nhu cầu. Cũng vì vậy và cả nhiều lý do khác, báo chí luôn có xu hướng thất bại trên thị trường. Sự lệ thuộc hoàn toàn vào một nguồn thu nhập duy nhất này tạo ra những rủi ro lớn. Và thực tế với sự ra đời của internet đã là một minh chứng đau đớn cho điểm yếu này.

Khi các độc giả và các nhà quảng cáo chuyển qua hệ thống web, nơi các trang quảng cáo kỹ thuật số chỉ phải mất vài xu thay vì hàng đô-la theo kiểu báo in truyền thống (hầu hết số tiền này chui vào túi của Google và Facebook), mô hình thương mại kéo dài 150 năm của báo chí truyền thống sụp đổ. Suốt trong hơn hai thập niên qua, theo ước tính công nghệ báo in bị mất hơn 10 tỷ USD thu nhập đến từ quảng cáo. Để sống còn, các cơ quan báo chí phải liên tục cắt giảm chi phí, thường bằng cách cho nhân viên thôi việc hoặc chuyển nhượng cổ phần (số lượng nhân viên trong các cơ quan báo chí bị giảm hơn một nửa kể từ đầu những năm 2000). Các tờ báo in phải kê khai phá sản, khuyến mãi giao tận nhà, hoặc phải chuyển sang làm báo mạng trực tuyến. Sự sa sút phẩm chất này dẫn đến những tờ báo địa phương mất dần những độc giả trung thành, và ngày càng tuột dốc không phanh.

Để bù vào khoản doanh thu sa sút, các cơ quan báo chí bắt đầu đăng tin giật gân để câu khách hoặc mập mờ đánh lận giữa quảng cáo và tin tức. Tin giả và các bài kém phẩm chất bắt đầu gây ngờ vực trong lòng độc giả và một cách rộng hơn đối với cả nền dân chủ. Sự xuống cấp ngày càng tồi tệ hơn trong những năm nay.

Các hãng tin địa phương dần dần nối đuôi nhau biến mất theo đủ kiểu. Bù vào khoảng trống tin tức đó, người ta bắt đầu lên mạng tìm tin ở các trang mạng truyền thông xã hội, nơi mà đa phần là tin giả. Nếu không có sự thay đổi mãnh liệt, viễn cảnh của ngành truyền thông sẽ vô cùng bát nháo với đủ loại tuyên truyền và tin giả - sẽ toàn những tít giật gân câu khách rẻ tiền và thiếu chân thực.

VIỄN CẢNH NỀN BÁO CHÍ TƯƠNG LAI THẾ NÀO?

Hãy thành thật đối diện với sự sụp đổ của thị trường báo chí và cũng đừng tiếp tục tự huyễn hoặc về một công nghệ mới hoặc một liều thuốc “xuyên tâm liên” trị bá bệnh nào có thể hồi sinh được thị trường. Không có một giải pháp kinh tế nào đang chờ sẵn, cũng chẳng có một hệ thống truyền thông nào có thể hỗ trợ được các tờ báo địa phương vượt qua khủng hoảng. Vâng, mô hình đăng ký và trả phí làm thành viên là một giải pháp tương đối thích hợp cho các tờ như Voice of San Diego hay tờ báo lớn nhất nước New York Times. Các tập đoàn truyền thông có thể tập trung vào các bài bình luận và các tin tức giải trí để duy trì sự sống. Nhưng điều này là không đủ cho một nền dân chủ lành mạnh.

Có hai cách để tái thương mại báo chí và kéo nó ra khỏi vũng lầy thị trường. Hoặc là bằng cách kêu gọi hỗ trợ từ các nguồn tài chính tư nhân (các nhà hảo tâm, các nhà từ thiện giàu có, các quỹ hội và những đóng góp nhỏ) hoặc là chúng ta tìm cách gây dựng mô hình bao cấp cộng đồng. Theo hướng tiếp cận đã từng được thực hiện, các tờ báo thương mại đang gặp khó có thể chuyển thành các tổ chức phi lợi nhuận hoặc ít lợi nhuận hơn bằng cách chuyển mình thành các tổ chức từ thiện giúp xây dựng các quỹ cộng đồng địa phương để làm công tác đóng góp (tương tự như tờ Salt Lake Tribune đã làm gần đây). Tuy nhiên, trong khi các quỹ hội và những mạnh thường quân có thể hỗ trợ những tờ báo như ProPublica, Texas Tribune Intercept - một giải pháp mang tính hệ thống cũng rất cần thiết. Cách chắc chắn nhất để bảo vệ các tờ báo trước sự sụp đổ trên thị trường là hệ thống truyền thông phải được hỗ trợ đầy đủ.

Vậy thì nó sẽ như thế nào? Trong rất nhiều nền dân chủ khắp thế giới, người ta duy trì một hệ thống truyền thông công cộng mạnh mẽ. Ở những quốc gia này, tin tức và thông tin được hỗ trợ về mặt tài chính theo kiểu như là phúc lợi cộng đồng hoặc công đức – đây là một dịch vụ công ích mà các đơn vị tư nhân không thể cung ứng bởi vì nó bất vụ lợi và người sử dụng lại không muốn trả phí (cũng như Giáo dục, Y tế, Quốc phòng và Hạ tầng Công cộng). Phúc lợi cộng đồng thường mang đến những lợi ích to lớn cho toàn xã hội và duy trì cơ chế dân chủ lành mạnh, cho nên Nhà nước phải hỗ trợ nếu thị trường không thể nuôi sống.

Trong khi đó ở Hoa Kỳ, tin tức và thông tin được xem như là hàng hóa mua bán hơn là phúc lợi xã hội. Đây là một ngoại lệ so với những nền dân chủ khác trên thế giới, ở Hoa Kỳ chính phủ chi rất ít để hỗ trợ truyền thông cộng đồng. Chính phủ liên bang Hoa Kỳ chỉ chi cho truyền thông cộng đồng khoảng 1,35 USD trên mỗi người một năm, trong khi đó ở Nhật là 40 USD/người, ở Anh quốc vào khoảng 100 USD, và Na Uy trên 176 USD.

Tại sao ở Hoa Kỳ lại chi ít như vậy? Do thiếu sự hỗ trợ từ những người đóng thuế buộc lòng những cơ quan truyền thông công cộng phải lệ thuộc vào những nhà tài trợ giàu có và các đơn vị bao tiêu, khiến cho nó không đủ sức đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng và không đủ khả năng đảm nhận những công tác phúc lợi mạnh mẽ. Thêm vào đó, do hệ thống truyền thông quần chúng không được tài trợ tốt, cho nên sẽ không an toàn để đảm đương những đòi hỏi của nền dân chủ nếu không có sự hỗ trợ của thị trường. Chúng ta nên mở rộng và tái sử dụng hệ thống truyền thông công cộng Hoa Kỳ để phục vụ cho nền tảng dân chủ cốt lõi, nó có thể cung cấp tin tức, thông tin cũng như các mảng đề tài văn hóa, giáo dục đến cho mọi người trên mọi nền tảng và phương tiện truyền thông.

Đầu tư công của chính phủ cho hệ thống báo chí địa phương là một hướng đi mới cần được khám phá. Năm ngoái, New Jersey đã tài trợ cho một mô hình tiên phong được gọi là Hiệp hội Thông tin Dân sự, nó đáp ứng sự thiếu hụt thông tin trong khu vực và phục hồi cộng đồng báo chí địa phương. Bên cạnh đó, một nguồn doanh thu tiềm năng khác để hỗ trợ cho truyền thông cộng đồng có thể đến từ các nền tảng như Google và Facebook, buộc những tập đoàn này phải bù đắp vào những tác hại xã hội do họ gián tiếp gây ra (phổ biến thông tin sai lệch, vi phạm quyền riêng tư của người dùng, nuốt sạch doanh thu quảng cáo kỹ thuật số).

Có những ý tưởng khác mà chúng ta có thể xem xét học hỏi từ quốc tế, chẳng hạn như phản ứng của BBC đối với cuộc khủng hoảng báo chí địa phương, cũng như chính trong lịch sử của chúng ta. Những chương trình Quản lý Tiến độ từ những năm 1930, chẳng hạn như Dự án Nhà hát Liên bang và Dự án Văn bút Liên bang đã giúp các nghệ sĩ thất nghiệp trở lại công việc, tạo ra một cơ chế giúp các ký giả có thể trở lại hành nghề. Một gợi ý khác đó là tờ Los Angeles Municipal News được những người đóng thuế bù đắp vào phần thiếu hụt thương mại và được nhắc tới như “Tờ báo của Nhân dân”, được ra mắt vào năm 1912. Tương tự như vậy, chúng ta nên hỗ trợ cộng đồng với những khoản trợ cấp hằng năm để gầy dựng những tòa soạn địa phương do họ làm chủ và điều hành, có thể đặt trụ sở tại các khuôn viên công đồng như Bưu điện, Trạm phát sóng công cộng, hoặc tại Thư viện.

Dưới bất kỳ hình thức nào, gầy dựng một cơ sở hạ tầng truyền thông như vậy sẽ mất nhiều thời gian và là công việc đầy khó khăn. Những sáng kiến mới có thể nảy sinh ít nhiều trong quá trình thực hiện, và đều đáng để thử nghiệm. Trong lúc này, chúng ta nên nhận ra rằng thị trường là kẻ hủy diệt nền báo chí, không phải là vị cứu tinh. Để cứu nền báo chí ra khỏi thị trường thương mại, chúng ta nên xây dựng lại nền báo chí mới từ đống tro tàn xưa cũ.

Nguồn: Harvard Business Review

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin