Ngày 30-12-2020 (GMT +7)
Pierre Cardin, nhà thiết kế Pháp nổi tiếng, vừa qua đời ngày 29-12-2020, ở tuổi 98. Tên của ông được in nổi trên hàng nghìn sản phẩm, từ đồng hồ đeo tay đến khăn trải giường, bán tại khoảng 100.000 cửa hàng trên thế giới. Cùng với đồng nghiệp người Pháp Andre Courreges và Paco Rabanne của Tây Ban Nha - hai nhà thiết kế Paris nổi tiếng với phong cách Kỷ nguyên Không gian (Space Age), Cardin đã cách mạng hóa thời trang từ đầu những năm 1950.
Pierre Cardin sinh ngày 7-7-1922, tại một thị trấn nhỏ gần Venice, Ý. Cha mẹ ông thuộc thành phần chủ đất khá giả nhưng để thoát chủ nghĩa phát xít, họ rời Ý và định cư ở Pháp vào năm 1924. Cha muốn ông theo ngành kiến trúc nhưng từ nhỏ ông đã thích may mặc. Khi gia đình chuyển đến Saint Etienne ở miền Trung nước Pháp, Cardin, năm 14 tuổi, đến học nghề một thợ may. Ngay từ lúc đó, tinh thần tự lập đã nhen nhúm trong ông. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1970, ông nói rằng đi một mình “khiến bạn nhìn cuộc sống theo cách thực tế hơn và buộc bạn phải đưa ra quyết định và phải can đảm”. Ông nói: “Vào rừng tối một mình khó hơn nhiều so với khi bạn đã biết đường đi”.
Sau khi chuyển đến Paris, ông làm trợ lý cho House of Paquin vào năm 1945 và cũng là người giúp thiết kế trang phục cho kịch tác gia-đạo diễn-nhà thiết kế-thi sĩ Jean Cocteau. Ông còn tham gia thiết kế trang phục cho bộ phim ăn khách năm 1946 của Jean Cocteau, La Belle et la Bête (Người đẹp và quái vật). Cocteau giới thiệu ông với Christian Dior. Sau thời gian ngắn làm việc với Elsa Schiaparelli và Christian Dior, Cardin mở hãng thời trang riêng vào năm 1950. Sự nghiệp của ông khởi đầu khi ông thiết kế khoảng 30 bộ trang phục cho "bữa tiệc của thế kỷ", một vũ hội hóa trang tại Palazzo Labia ở Venice vào ngày 3-9-1951. Các khách hàng đầu tiên của ông gồm Eva Péron, Rita Hayworth. Năm 1953, ông thuê một biệt thự trên đường Rue du Faubourg Saint-Honoré và mở một cửa hàng thời trang nam…
Pierre Cardin từng nói với nhà phê bình thời trang người Mỹ Eugenia Sheppard: “Tôi không muốn chỉ là một nhà thiết kế”. Đúng vậy. Ông không chỉ “mặc quần áo” cho những người nổi tiếng mà còn là một thương gia với kỹ năng khai thác thương hiệu bậc thầy. Có thể nói Pierre Cardin là một trong những người tiên phong về marketing. Tên tuổi ông gắn liền với vô số sản phẩm; và ông tài tình trong việc biến những sản phẩm bình thường, thậm chí tầm thường, thành sang trọng, hay ít ra cũng không còn “bình dân” - từ váy đầm, khăn tắm, áo liền quần kiểu phi công, nước hoa, gạt tàn, đến thậm chí lọ muối dưa. Dựng lá cờ thương hiệu Pierre Cardin trên đường Rue du Faubourg Saint-Honoré ở Paris, ông biến thời trang cao cấp vốn mặc định dành cho giới nhà giàu thành một ngành công nghiệp may mặc đại chúng và “quý tộc hóa” phong cách ăn mặc của tầng lớp trung lưu.
Pierre Cardin đặt nền móng cho đế chế toàn cầu của ông từ cuối thập niên 1950. Vào thời điểm mà Pháp là kinh đô của thời trang, ông mang các thiết kế của mình đến Moscow, Tokyo và Bắc Kinh; và xóa nhòa ranh giới quốc tế hơn bất kỳ nhà thiết kế nào thuộc thế hệ mình. Năm 1957, ông trở thành người đầu tiên thiết lập quan hệ kinh doanh với Nhật Bản, và đến năm 1959, ông bắt đầu bán sản phẩm của mình ở nước này. Ông nhìn thấy được một thị trường quần áo thời trang rộng lớn, chưa được khai thác ở Trung Âu và châu Á; và cuối thập niên 1960, ông đã thương mại hóa các thiết kế của mình để chúng được sản xuất hàng loạt ở Trung Quốc. Năm 1983, Cardin trở thành nhà sản xuất áo khoác Pháp đầu tiên thâm nhập Liên Xô: sản phẩm của ông được sản xuất tại các nhà máy Liên Xô và được bán dưới nhãn Cardin trong những cửa hàng Cardin ở Moscow.
Ông tự nhận, trên tất cả, là một người giàu ý tưởng. Tuy nhiên, ông cũng là một thương gia kỳ tài. Ông giám sát một vương quốc gồm công nghiệp thời trang, phụ kiện quần áo, đồ nội thất, sản phẩm gia dụng, nước hoa…, được bán thông qua khoảng 800 giấy phép bản quyền tại hơn 140 quốc gia. Chocolate, bút, thuốc lá, chảo rán, đồng hồ báo thức và băng cassette - tất cả đều mang logo Cardin; tương tự giày, nội y, áo cánh, khăn choàng cổ, ví, thắt lưng và thậm chí máy tính bảng Android. Đến giữa thập niên 1980, Pierre Cardin đứng đầu một tổ chức tiếp thị và hệ thống cấp giấy phép bản quyền thương hiệu, nơi mang lại tiền bản quyền cho ông từ 5-12%. “Tôi sinh ra là một nghệ sĩ” – ông nói với The New York Times vào năm 1987 – “nhưng tôi là một doanh nhân”.
Năm 1975, Cardin mở cửa hàng đồ nội thất hạng sang đầu tiên trên đường Rue du Faubourg-Saint-Honore. Các thiết kế nội thất được lấy cảm hứng từ thiết kế thời trang của ông. Năm 1977 và 1979, ông được trao giải Cartier Golden Thimble. Ông là thành viên Chambre Syndicale de la Haute Couture et du Prêt-à-Porter từ năm 1953 đến năm 1993. Cardin bắt đầu bước vào lĩnh vực thiết kế công nghiệp bằng cách phát triển mười ba "chủ đề" thiết kế cơ bản được áp dụng cho các sản phẩm khác nhau, mỗi sản phẩm đều dễ nhận biết và mang tên cũng như biểu tượng của ông. Tiếp đó, ông mở rộng sang các thị trường mới mà "đối với hầu hết nhà thiết kế thời trang ở Paris... là kỳ quái chẳng khác gì “dị giáo”, trong đó có hợp đồng với American Motors Corporation (AMC), với việc thiết kế nội thất xe hơi hạng sang.
Pierre Cardin lấy cảm hứng từ mọi nơi và mọi vật, có thể là ngôi chùa ông đến thăm ở Trung Quốc, hội họa theo phong cách quang học (op art, tức optical art) hoặc thậm chí thiết kế xe hơi. Pierre Cardin nói với tờ The New York Times vào năm 1985: “Tôi luôn được truyền cảm hứng bởi những thứ bên ngoài, chứ không phải hình dáng cơ thể”. Quần áo là “tạo hình dáng cho cơ thể, giống như cách chiếc ly tạo hình dạng cho nước”.
Trong sự nghiệp hơn 3/4 thế kỷ, Pierre Cardin luôn là theo chủ nghĩa tương lai (futurist). Năm 1958, ông cho người mẫu đội mũ bảo hiểm mặc chiếc váy nhỏ xíu và mang tất màu. Ông cũng là tiên phong với phong cách “thời trang vũ trụ”. Năm 1969, NASA ủy quyền cho ông tạo một phiên bản trang phục không gian, dựa theo bộ đồ phi hành gia. Thiết kế Pierre Cardin thể hiện phong cách hình học với đủ hình dạng, thường được làm bằng vải nhân tạo như giấy bạc, giấy và nhựa vinyl màu sáng. Đây là những vật liệu định hình thẩm mỹ những năm đầu 1960, “phủ nhận các đường nét tự nhiên của cơ thể và bằng cách nào đó dường như là vô giới tính (asexual)” – nhận xét của Andrew Bolton, giám đốc Viện trang phục thuộc Viện bảo tàng Metropolitan-New York (MET) - “Khả năng “điêu khắc vải” với sự nhạy cảm về kiến trúc là dấu ấn thực sự của ông ấy”.
Dù nổi tiếng xài hoang, Pierre Cardin cũng nổi tiếng không kém ở công tác nhân đạo. Là đại sứ danh dự của UNESCO và là người ủng hộ các chương trình nghiên cứu và phòng chống AIDS của UNESCO, ông cũng vận động gây quỹ ủng hộ nạn nhân của thảm họa hạt nhân Chernobyl. Một trong những dự án gần đây của ông là gây quỹ tái dựng Pharos, ngọn hải đăng khổng lồ ở Alexandria (Ai Cập) và một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại.
Bài đã đăng trên Saigon Nhỏ
Bài viết liên quan