Phạm Duy và “Những gì sẽ đem theo về cõi chết”

Phạm Duy và “Những gì sẽ đem theo về cõi chết”

Ngày 01-10-2020 (GMT +7)

ByHUỲNH DUY LỘC

Nếu còn sống, ngày 5-10 này cụ Phạm Duy sẽ mừng sinh nhật lần thứ 99. Cho đến giờ, có thể nói Phạm Duy là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất lịch sử âm nhạc hiện đại Việt Nam. Ông đã để lại một di sản âm nhạc khổng lồ, từ “nhi ca”, “tình ca”, “đạo ca” đến thậm chí “tục ca”. Những gì ông đã mang vào cõi chết, như một ca khúc của ông, chỉ là xác thịt của ông. Linh hồn âm nhạc của ông vẫn bất tử…

Nhạc sĩ Phạm Duy đã tự viết tiểu sử và giới thiệu những ca khúc thuộc nhiều thể loại ông sáng tác suốt mấy chục năm hoạt động âm nhạc: “Tên và họ là Phạm Duy Cẩn, nhưng khi thành nghệ sĩ thì xin được xưng tên là Phạm Duy (hai chữ mà thôi). Sinh ngày 5 tháng 10 năm 1921 tại Hà Nội, con út của nhà văn, nhà báo Phạm Duy Tốn. Lấy ca sĩ bộ đội (Trung đoàn 304) là Phạm Thị Thái, tự Thái Hằng, làm vợ vào năm 1949, có con đầu lòng là Duy Quang lúc còn ở Khu IV Thanh Hóa. Khi hai vợ chồng vào Sài Gòn sinh sống bằng nghề âm nhạc thì có thêm bốn người con trai là Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường, Duy Đức và ba người con gái là Thái Hiền, Thái Thảo, Thái Hạnh. Trong số này, sáu người con trở thành ca sĩ, nhạc sĩ nổi danh trong nhiều năm trời.

Học chữ tại các trường tiểu học Nguyễn Du, trung học Thăng Long, học nghề tại Trường Kỹ nghệ thực hành, học vẽ tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật, học nhạc với giáo sư Robert Lopez và là bàng thính viên (dự thính) tại Viện Nhạc học (Institut de Musicologie) ở Pháp. Xuất thân là thợ sửa máy radio, công nhân nhà máy điện, làm ruộng, phó quản lý và ca sĩ trong một gánh hát cải lương lưu động. Trở thành văn công trong kháng chiến chống Pháp. Khi vào sinh sống tại miền Nam, cùng với anh chị em vợ thành lập Ban Hợp ca Thăng Long, làm nhân viên Trung tâm Điện ảnh, sản xuất ca khúc thương mại, đi hát tại các đài phát thanh, phòng trà, khiêu vũ trường, đại nhạc hội và có lúc dạy nhạc tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sàigòn... Khi sống tại nước ngoài thì mở nhà xuất bản Phạm Duy Productions và đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới để bán sách, dĩa nhạc.

Ảnh: Dan Huynh

Từ lúc còn nhỏ, nhờ gia đình yêu chuộng văn nghệ, tôi được làm quen với nhạc dân tộc. Tới khi người anh lớn đi du học bảy năm bên Pháp đã tốt nghiệp rồi trở về nhà thì tôi được nghe nhiều dĩa nhạc, dĩa hát Tây phương và được đọc nhiều sách tiếng Pháp và học hỏi ít nhiều về nhạc ngữ Âu Tây. Khi tân nhạc Việt Nam vừa ra đời (khoảng 1940-1942) thì tôi đã có sáng tác “Cô Hái Mơ” phổ thơ Nguyễn Bính, “Gươm Tráng Sĩ”, “Phương Trời Xa”... Khi tôi đi theo gánh hát lưu động (gánh Đức Huy) suốt dọc đường cái quan, từ miền Bắc qua miền Trung tới miền Nam, tôi trở thành ca sĩ chuyên nghiệp đầu tiên, phổ biến trong dân chúng những bài dân ca phục hồi như “Ngồi Tựa Sông Đào” và tân nhạc như “Buồn Tàn Thu” của Văn Cao, “Con Thuyền Không Bến” của Đặng Thế Phong, “Bản Đàn Xuân” của Lê Thương...

Khi xảy ra cuộc toàn quốc kháng chiến thì tôi trở thành cán bộ văn nghệ làm việc trong nhiều cơ quan, đơn vị tại Việt Bắc, tại miền trung du Bắc bộ và tại Liên Khu IV. Trong thời kỳ này, tôi đã sáng tác nhạc hùng, nhạc tâm tình theo phong cách dân ca kháng chiến: “Nhớ Người Thương Binh”, “Dặn Dò”, “Mùa Ðông Chiến Sĩ”, “Ru Con”, “Nhớ Người Ra Ði”, “Tiếng Hát Trên Sông Lô”, “Bên Ni Bên Tê “(Người Lính Bên Kia), “Mười Hai Lời Ru”, “Bà Mẹ Gio Linh”, “Bao Giờ Anh Lấy Ðược Đồn Tây” (Quê Nghèo), “Về Miền Trung”, “Gánh Lúa” ...

Đã đưa ra hình thức đoản khúc dân ca với những bài soạn ra trong và sau kháng chiến, bây giờ nếu tôi muốn phóng đại hình thức này lên thì tôi phải đi học cách phát triển âm giai và tiết điệu quốc tế. Tôi bỏ ra gần hai năm (1954-55) để qua Pháp, tham dự những buổi giảng về “Sự thành hình và biến hình của ngũ cung tại Viện Nhạc học Paris và học nhạc sử quốc tế với giáo sư Robert Lopez. Tôi khởi sự soạn trường ca “Con Đường Cái Quan” ngay từ lúc này. Tiếp theo đó, “Mẹ Việt Nam” (ra đời sau loạt 10 bài tâm ca mang tính chất phê bình xã hội) cũng là bản truờng ca của tình tự dân tộc, tình ca quê hương, kêu gọi đàn con Việt yêu thương nhau dù đang phải sống một thời kỳ rất nhiều nhiễu nhương.

Biến cố tháng 11 năm 1963 (đánh đổ chế độ Ngô Đình Diệm) ở miền Nam kéo theo nhiều xáo trộn. Về mặt chính trị, thường xuyên có những vụ đảo chính, chỉnh lý, xuống đường. Về mặt quân sự, sự có mặt của quân đội ngoại quốc trên đất nước khiến cho chiến tranh khởi sự leo thang dữ dội. 10 bài Tâm Ca, với những tựa đề như “Tôi Ước Mơ”, “Tiếng Hát To”, “Ngồi Gần Nhau”, “Giọt Mưa Trên Lá” , “Ðể Lại Cho Em”, “Một Cành Củi Khô”, “Kẻ Thù Ta”, “Ru Người Hấp Hối”, “Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe”, “Hát Với Tôi”... đã cất lên tiếng nói lương tâm của con người đối mặt cùng sự thật và nhận diện lại mọi thứ trong đời. Tâm ca được kéo dài với một số bài ca phê bình xã hội mà tôi gọi là Tâm phẫn ca: “Tôi Không Phải Là Gỗ Đá”, “Người Lính Trẻ”, “Bà Mẹ Phù Sa”...

Trong cuộc đời rất dài và rất sống động của một ca nhân, thỉnh thoảng những băn khoăn siêu hình cứ lảng vảng len vào nhạc tôi một cách vô hại. Thế rồi dù nhạc tôi rất chú trọng tới sự phản ánh cuộc đời trước mặt bằng những bài ca hiện thực, nhưng những bài hát siêu hình cứ thỉnh thoảng lại được thốt ra như “Lữ Hành”, “Dạ Lai Hương”, “Xuân Ca”, “Xuân Hành”, “Dạ Hành”, “Một Bàn Tay”, “Những Bàn Chân”, “Mộng Du”, “Nhạc Tuổi Vàng”, “Chiều Về Trên Sông”, “Đường Chiều Lá Rụng”, “Nước Mắt Rơi”, “Tạ Ơn Đời", "Những gì sẽ đem theo về cõi chết”...

Và ông kể về thời điểm sáng tác ca khúc “Những gì sẽ đem theo về cõi chết” như sau: “Nói về cái già, tôi có một bài hát cho tuổi 60, soạn từ đầu thập niên 1960 và được in trong nhạc tập ‘Hát vào đời’. Bài này mang tên ‘Nhạc Tuổi Vàng’, lúc đó chỉ muốn là sự tiếp diễn của bài ‘Nhạc Tuổi Xanh’:

Tuổi vàng như bông lúa thơm tho ngày mùa
Trên cánh đồng chiều tà
Nhờ gió thu đưa về quá khứ
Nhớ xuân xa, khi còn tơ
Tuổi vàng như hoa lá nguy nga đầu cành
Thương xuống hạt mầm lành
Chờ mai nghiêng mình gieo sức sống
Mớm tương lai cho hòa bình...

Bài hát tiếp tục nói về: giờ này, hoàng hôn đã xuống, và là giờ bao ước muốn, như lúa hoa mang tình thương. Chúng ta đã đem máu xương nuôi tuổi xanh thì bây giờ vào tuổi già, chúng ta đem ái ân nuôi tuổi lành...

... Vạn nghìn đời xưa chia cắt
Đổi thành một đêm nối thắt
Chúng mình xây đắp yêu đương...

Cuối cùng:

Tuổi vàng đã chói lói khi bao người đời
Chung sức để thành Trời
Để lúa lên ngôi miền băng giá
Với bông hoa, trên sa mạc xa...
Tuổi vàng đưa ta thoát ra ngoài thế giới
Về mặt trăng đất mới
Lúa ngô chen chúc nhau bên chị Hằng Nga
Thành tình thắm, nuôi Cuội già...

Đã có một bài hát về tuổi già rồi, tôi có luôn một bài hát về cái chết với nhan đề “Những gì sẽ đem theo về cõi chết”. Bài này soạn ra sau giai đoạn tâm ca:

Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết,
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Rồi mai đây tôi hoá kiếp
Trong lòng còn bao luyến tiếc
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?

Tôi không đem theo với tôi được tiền tài hay danh vọng, được gái đẹp hay rượu nồng, được lầu vàng hay gác tía, được mộng giầu sang phú quý... thì tôi xin đem theo với tôi một nụ cười không nghi ngại và đôi mắt đẹp ngời của trẻ thơ:

Em giương to đôi mắt, soi vào cuộc đời đang bước tới
Tương lai vui hay tối thui cũng là nhờ anh lớn thôi!

Tôi không đem theo với tôi được quyền hành trong giai đoạn, được giới hạn tiếng anh hùng, được tượng đồng, bia đá thì tôi xin đem theo với tôi một cuộc tình không quen thuộc của một đôi uyên ương, xin mến thương không khó nhọc hay ngượng ngùng, trong đêm thâu ôm ấp nhau bên cột đèn hay khóm trúc, không ai ngăn hay lấy cung vì phạm thuần phong mỹ tục. Kết luận: tôi không đem theo với tôi được tất cả thì xin để lại cho thế giới một vài điều tôi công nhận như số phận sinh làm người và cái quên của một người sẽ tái duyên...

... Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết
Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu
Rồi mai đây tôi hóa kiếp
Trong lòng còn bao hối tiếc
Tôi sẽ không đem theo với tôi những gì đâu...

(Hồi ký Phạm Duy tập 3, chương 23)

Rồi một buổi sớm mai hay một đêm khuya thanh vắng không còn xa nữa, dù không hẹn trước, cái chết sẽ đón chờ anh để đưa anh vào chuyến du hành cuối cùng của đời người. Trên đường về cõi hết ấy, anh chẳng mang theo được bao nhiêu thứ anh đã có được ở trần gian này và có thể lòng anh sẽ còn nhiều tiếc nuối vì vẫn còn biết bao điều anh chưa đạt được, nhưng giây phút chuyển kiếp đã đến gần:

“Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết,
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Rồi mai đây tôi hóa kiếp
Trong lòng còn bao luyến tiếc…”

Anh phải bỏ lại trần gian biết bao điều mà anh cũng như mọi người đã khao khát và khổ công tìm kiếm suốt cả một đời người như tiền tài, danh vọng, gái đẹp, rượu nồng, lầu son, gác tía của giấc mộng phú quý:

“Tôi không đem với tôi được tiền tài hay danh vọng,
Tôi không đem theo với tôi được gái đẹp hay ruợu nồng
Tôi không đem theo với tôi được lầu vàng hay gác tía,
Tôi không đem theo với tôi được mộng giàu sang phú quý…”

Quyền lực mà người đời nhiều khi phải giết nhau để giành lấy hay những vinh nhục của một đời người thể hiện qua tượng đồng, bia đá cũng chỉ là những điều tạm bợ như mọi thứ ở trần gian này:

“Tôi không đem theo với tôi được quyền hành trong giai đoạn,
Tôi không đem theo với tôi được giới hạn tiếng anh hùng,
Tôi không đem theo với tôi được tượng đồng bia đá trắng,
Tôi không đem theo với tôi được tuổi vàng trong cõi sống…”

Tất cả những gì còn lại với anh chỉ là nụ cười rạng rỡ của những người anh đã gặp và ánh mắt rạng ngời của trẻ thơ nhìn về tương lai đang rộng mở:

“Tôi xin đem theo với tôi một nụ cười không nghi ngại,
Tôi xin đem theo với tôi đôi mắt trẻ thơ đẹp ngời,
Em giương to đôi mắt, soi vào cuộc đời đang bước tới…”

Ký ức về tình yêu sẽ không phải là ký ức về những cuộc tình đầy đau đớn hay những mối ràng buộc đầy chán chường mà là một cuộc tình không quen thuộc giống như tình cảm thắm thiết của đôi tình nhân biết rằng giây phút yêu đương sẽ không tồn tại mãi mãi:

“Tôi xin đem theo với tôi một cuộc tình không quen thuộc,
Đôi uyên ương xin mến thương không khó nhọc hay ngượng ngùng!
Trong đêm thâu ôm ấp nhau bên cột đèn hay khóm trúc
Không ai ngăn hay lấy cung vì phạm thuần phong mỹ tục…”

Buồn vui theo anh trên đường về cõi hết sẽ chẳng còn lại bao nhiêu và những điều ít ỏi anh còn để lại là nhận thức tối hậu của một đời người và mối thương cảm dành cho những người sắp sửa đầu thai làm người như anh:

“Tôi không đem theo với tôi được cả buồn vui mấy nỗi
Tôi không đem theo với tôi và để lại cho thế giới,
Tôi xin dâng cho thế gian một vài điều tôi công nhận
Tôi xin dâng cho thế gian, ôi số phận sinh làm người!
Thương cho em chưa thoát thai trong cuộc đời chưa hết chuyến,
Tôi xin dâng cho cái quên của một người sẽ tái duyên"

Ca khúc “Những gì sẽ đem theo về cõi chết” với giọng ca Thái Thanh thu âm trước năm 1975

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin