Ông già Noel đã sống sót qua kỷ nguyên Soviet bằng cách nào?

Ông già Noel đã sống sót qua kỷ nguyên Soviet bằng cách nào?

Ngày 20-12-2020 (GMT +7)

ByNGUYỄN VŨ HIỆP

Xuyên suốt vùng Bắc, Trung và Đông Âu, có nhiều phiên bản khác nhau của nhân vật được biết đến rộng rãi dưới cái tên Santa Claus. Trong mọi trường hợp, đó đều là người đàn ông có râu, tặng quà cho trẻ em khi mùa đông đến. Nước Nga không phải là ngoại lệ, nhưng Santa phiên bản Nga, Ded Moroz (dịch nguyên văn là “Ông Già Băng / Grandfather Frost), đã có một lịch sử đặc biệt kỳ lạ và phức tạp.

Ded Moroz ngày nay không khác một ông già Noel trong hình dung của bạn. Ông ta có một bộ râu dài màu trắng, đội mũ lông, đi xe trượt tuyết do động vật kéo, và mang quà cho những đứa trẻ ngoan khi trời rét. Nhưng vài trăm năm vừa qua của Ded Moroz đã là một quãng thời gian bạo lực, sặc mùi chính trị, và đầy những biến động xã hội lớn. Ông thậm chí còn không nhất thiết phải gắn liền với lễ Giáng sinh. Kết quả là Ded Moroz giữ một vị trí khác hẳn với những Ông già Noel còn lại trên toàn thế giới.

Santa Claus là một trong nhiều hiện thân khác nhau của một nhân vật cụ thể đại diện cho mùa đông, có lẽ bắt nguồn từ Odin, một vị thần trong văn hóa tiền Kito giáo ở Bắc Âu và Đức. Odin là một nhân vật đáng sợ có râu quai nón, cưỡi một con ngựa bay, và thường gắn liền với Yuletide (Đông Chí), tiền thân của lễ Giáng sinh hiện tại. Trong thực tế, một trong những cái tên của Odin còn có thể được dịch là “Cha Yule”. Khi Kito giáo quét qua những vùng lạnh hơn của Châu Âu, nhiều truyền thống của ngày Yule đã được chuyển thành truyền thống của ngày Giáng sinh, và hình ảnh của Odin được trộn lẫn với những câu truyện về Thánh Nicholas, một giám mục người Hy Lạp hồi thế kỷ 4, còn được biết đến dưới cái tên “Nicholas the Wonderworker” vì có nhiều phép lạ.

Snegurochka và Ded Moroz sang đường ở Moscow vào năm 1968. Keystone-France / Gamma-Keystone via Getty Images

Từ đó, hình tượng này đã phát triển thành nhiều phiên bản có cả điểm khác biệt lẫn điểm chung. Có Sinterklaas ở Hà Lan, Joulupukki ở Phần Lan, Mikulás ở Hungary, và nhiều vị khác nữa. Theo thời gian, nhiều nhân vật biến mất và trở thành cái bóng mờ của một Santa Claus có tính quốc tế hơn. Ded Moroz là phiên bản Nga của ông già râu quai nón đi tặng quà khi mùa đông đến.

Giáng sinh là một ngày lễ lớn dưới thời Sa hoàng, dù không quan trọng bằng lễ Phục sinh. Nó không hẳn là một lễ hội, mà giống hơn với một ngày lễ tôn giáo ảm đạm, ghi dấu bằng việc nhịn ăn và nhiều giờ hành lễ bằng tiếng Slav Giáo hội cổ (thứ mà hồi thế kỷ 19 chẳng còn mấy người hiểu được). Đế quốc Nga hồi thế kỷ 18 và 19 đa dạng về mặt tôn giáo, nhưng nếu bạn là một người Kito giáo sống ở Nga vào thời đó, bạn có thể là người Chính thống giáo phương Đông. Nhà thờ Chính thống giáo phương Đông từng dùng, và ngày nay đôi khi vẫn còn dùng, một loại lịch hoàn toàn khác với phần còn lại của Đế quốc Nga: lịch Julius, chậm 13 ngày so với lịch Gregory được dùng phổ biến hơn. Kết quả là trong cộng đồng Chính thống giáo, đêm và ngày Giáng sinh sẽ diễn ra vào ngày 6 và 7 tháng 1 của lịch Gregory, lạc nhịp với phần còn lại của thế giới Kito giáo.

Ded Moroz nổi lên vào khoảng cuối thế kỷ 19. Một trong những sản phẩm văn hóa đầu tiên giới thiệu nhân vật này là vở kịch Thiếu Nữ Tuyết (Snegurochka / The Snow Maiden) của Alexander Ostrovsky, một trong những nhà viết kịch quan trọng nhất trong lịch sử Nga. Ostrovsky chủ yếu là một nhà viết kịch chính trị, và Thiếu Nữ Tuyết là một tác phẩm kỳ cục trong sự nghiệp của ông. Đó là một truyện cổ tích, phần nào dựa trên những huyền thoại tiền Kito giáo đã khuất lấp và hầu như bị lãng quên, và được thiết kế để cổ vũ một dạng chủ nghĩa yêu nước Nga, mà có phần khác với hướng của Chính phủ Đế quốc. Vở kịch đã được xuất bản – điều không hẳn là hiển nhiên với Ostrovsky, người từng có nhiều vở kịch bị cấm hoặc bị kiểm duyệt – và cuối cùng nó đã được chuyển thể thành một vở opera được trình diễn nhiều lần.

>> Nghe vở Thiếu Nữ Tuyết của Tchaikovsky

Trang phục của Ded Moroz trong vở kịch Thiếu Nữ Tuyết của Alexander Ostrovsky (trái) và trong vở opera chuyển thể của Nikolai Rimsky-Korsakov (phải). Fine Art Images / Heritage Images / Getty Images; Public domain

Hai nhân vật nổi bật trong vở kịch là Snegurochka (Thiếu Nữ Tuyết) và ông nội nàng là Ded Moroz (Ông Già Băng). Ded Moroz được xây dựng dựa trên hình tượng của một con quỷ tuyết, một nhân vật rất cũ trong thần thoại Nga và gần như đã bị quên lãng. Những con quỷ thuộc loại này không nhất thiết phải là người xấu, và Ded Moroz thực ra từng là một điềm lành, vì những người Nga mê tín tin rằng những mùa đông đặc biệt khắc nghiệt mà ông đại diện là sẽ báo hiệu một vụ mùa bội thu vào năm sau. Vào thời điểm vở kịch của Ostrovsky ra mắt, Ded Moroz và những con quỷ ngoại đạo khác đã được hàng nghìn năm tuổi, và chưa có chỗ đứng trong Đế quốc Nga lúc đó.

Các tầng lớp có học ở Nga yêu thích Thiếu Nữ Tuyết, và hứng thú với các nhân vật của nó, đặc biệt là Snegurochka (do Ostrovsky sáng tạo ra) và Ded Moroz. Vladimir Solonari – một sử gia tại Đại học Trung Florida, người sinh ra và lớn lên ở Moldova – cho rằng “Một bước phát triển đã được tiến hành bởi tầng lớp có học ở thành thị, những người hiểu rõ Santa Claus, cây thông và quà tặng ngày Giáng sinh có thể mang lại niềm vui lớn thế nào cho trẻ nhỏ”. Một phiên bản Santa Claus đậm chất Nga đột nhiên xuất hiện, và những người Kito giáo ít sùng đạo hơn bắt đầu dùng ông trong ngày Giáng sinh, theo cùng một cách mà các phiên bản Santa Claus đang được dùng ở những nước khác.

Ded Moroz bắt đầu tặng quà cho những đứa trẻ ngoan, và mang đến lễ hội cùng những điềm lành. Ông mặc một chiếc áo khoác lớn có viền lông và đôi ủng nỉ valenki truyền thống, dù áo của ông thường có màu xanh dương của băng hoặc có hoa văn trắng. Ông còn mang theo một cây trượng phép thuật, dù chẳng ai rõ ông dùng nó để làm gì. Về mặt kỹ thuật, chiếc xe trượt tuyết biết bay của ông là một chiếc xe troika ba ngựa kéo, không dùng tuần lộc. Ded Moroz thường đi cùng cô cháu gái Snegurochka, và cô luôn mặc màu trắng hoặc màu xanh dương nhạt. Khác với những yêu tinh làm thuê cho Santa, cô giống như một cộng sự của Ded Moroz. Ded Moroz không sống ở Bắc Cực, một số vùng phía Bắc đã được tuyên bố là quê hương của ông.

Đoàn Thanh niên Cộng sản tổ chức một cuộc biểu tình chống tôn giáo ở Moscow năm 1923 (trái). Tranh tuyên truyền chống Ded Moroz ở Ukraine năm 1928 (phải), với dòng chú thích "Cút khỏi cách tổ chức lễ hội của chúng tôi". Sovfoto / Universal Images Gro

Nhà thờ Chính thống giáo phương Đông không thích Ded Moroz, vì ông không phải là một nhân vật Kito giáo, mà là một tàn dư ngoại giáo vừa sống lại, không tuân thủ những luật lệ nghiêm ngặt của lễ Giáng sinh. Nhưng đến đầu thế kỷ 20, ông và cô cháu gái đã dần trở nên nổi tiếng. Sau đó, họ phải đối mặt với một cuộc đấu tranh mà chưa Santa Claus nào khác từng phải chịu đựng.

Các mục tiêu được tuyên bố của cuộc Cách mạng Vô sản năm 1917 bao gồm cả việc xóa bỏ tôn giáo có tổ chức và thiết lập chủ nghĩa vô thần trên toàn Liên Xô. “Việc này đạt được hiệu quả đáng kể” – Catherine Wanner, một sử gia và nhà nhân chủng học ở Đại học Bang Pennsylvania, người nghiên cứu về tôn giáo dưới thời Liên Xô, cho biết. “Tôi không chắc họ tạo ra được những người vô thần, nhưng họ chắc chắn đã loại bỏ được những lể kỷ niệm tôn giáo công khai”. Trong suốt lịch sử Liên Xô, đã có nhiều đợt sóng tàn bạo nhằm tấn công Kito giáo có tổ chức. Các linh mục bị tống vào trại cải tạo hoặc đơn giản là bị hành quyết, và các thế lực cầm quyền đã tàn phá đất nước bằng những bài tuyên truyền ủng hộ khoa học, hay chính xác hơn, là chống tôn giáo. Chẳng hạn: từng có thời lính tuần tra nhòm vào cửa sổ để tìm cây thông Giáng sinh. Nếu họ tìm thấy một cây, gia đình đó sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng.

Những cuộc tấn công chống tôn giáo có tổ chức, với vẻ tàn bạo và thói quen nhắm vào thiểu số, đã tạo ra một văn hóa khiếp sợ mọi ý tưởng về thực hành tôn giáo, đặc biệt phổ biến ở các thành phố và thị trấn lớn. Nhưng sau lá thư năm 1935 của một chính trị gia nổi tiếng của Liên Xô, ý tưởng về một dạng kỳ nghỉ mùa đông nào đó đã bắt đầu bén rễ. Đến năm 1950, nó đã được thiết lập vững chắc. Tất nhiên, nó không phải là Giáng sinh: kỳ nghỉ mùa đông của Liên Xô là “Novy God”, tức “Năm Mới”.

Ngày nay, Giáng sinh và Năm Mới được tổ chức một cách riêng rẽ ở nhiều quốc gia. Nhưng ở Liên Xô, hầu hết những gì từng gắn liền với Giáng sinh đã được kết hợp với kỳ nghỉ Năm Mới. Trong bốn hoặc năm thập kỷ cuối của Liên bang Soviet, ai cũng có một cây thông Năm Mới, và Ded Moroz đã lần nữa hiện diện. Thay vì mang màu sắc chủ nghĩa tiêu thụ như Giáng sinh, kỳ nghỉ này giống với Lễ Tạ ơn hơn: mang tính quốc gia, tính thế tục, ghi dấu bằng tiệc tùng và gia đình.

Một tấm bưu thiếp Liên Xô có cảnh Ded Moroz cưỡi tên lửa. Courtesy Katya Zykova

Trong bối cảnh này, nguồn gốc tiền Kito giáo của Ded Moroz đã trở thành một ưu thế. Giới lãnh đạo Liên Xô chưa bao giờ nói rõ điều này, nhưng có vẻ họ đã cho phép và thậm chí khuyến khích Ded Moroz vì về mặt lý thuyết, ông có nguồn gốc Nga. Trong suốt kỷ nguyên Soviet, cách mô tả Ded Moroz đã thay đổi theo thời gian. Trong cuộc đua vào không gian giữa Mỹ và Liên Xô, thỉnh thoảng ông được mô tả là đang lái tàu vũ trụ thay vì cái xe trượt tuyết. Những lúc khác, ông được vẽ như một nhân vật cơ bắp cởi trần, một biểu tượng cần cù của nền công nghiệp Cộng sản.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, việc thực hành tôn giáo lại trở thành hợp pháp. Nhưng việc này đã đặt những người theo Kito giáo về mặt lý thuyết vào một tình huống rất kỳ quặc với lễ Giáng sinh. Giờ họ có thể tổ chức lễ Giáng sinh, nhưng họ chưa từng làm nó bao giờ. Trên thực tế, cha mẹ, ông bà, thậm chí cả các cụ của họ còn chưa bao giờ tổ chức ngày lễ đó. Và Kito giáo ở Nga chủ yếu vẫn là Chính thống giáo phương Đông, với những hành trang phức tạp của riêng nó.

Chính phủ Nga hiện tại, vốn không được ưa chuộng một cách rộng rãi ở Nga, có quan hệ chặt chẽ với Nhà thờ Chính thống giáo phương Đông. Không phải ai cũng hào hứng tổ chức một ngày lễ được cả Nhà thờ lẫn Chính phủ Putin ủng hộ. Wanner nói: “Lượng người dự lễ ở Nga thực ra rất nhỏ. Tôi không có ý nói tôn giáo hay Nhà thờ không có vai trò quan trọng, nhưng lượng người dự lễ đang rất nhỏ”.

Ngày nay, Nga có cái gọi là “marathon ngày nghỉ lễ”. Nó bắt đầu với Giáng sinh của lịch Gregory (25/12), kéo qua Năm Mới (vốn là một ngày lễ còn lớn hơn), và kết thúc bằng Giáng sinh của lịch Julius (07/01). Chuỗi sự kiện này khá là mệt mỏi, nhưng Năm Mới vẫn nổi lên như là ngày lễ quan trọng nhất. Việc tặng quà chủ yếu diễn ra vào ngày này, và khi bạn chúc ai đó may mắn trong mùa lễ, bạn nói “Chúc mừng Năm Mới” (“С Новым Годом”).

Ded Moroz và cô cháu gái Snegurochka trong buổi lễ mừng năm mới 1979 tại Điện Kremlin. TASS/Getty Images

Alexander Statiev, một sử gia chuyên nghiên cứu về Liên Xô tại Đại học Waterloo, nhận xét: “Đại đa số người dân sống ở nhóm nước đó [Nga, Belarus, Moldova, và Ukraine] vẫn coi Năm Mới như một ngày lễ quan trọng hơn nhiều so với Giáng sinh. Hầu hết những người tổ chức Giáng sinh chỉ coi nó như một dịp để mở những bữa tiệc thiếu hẳn tính tôn giáo, hoặc thậm chí thiếu cả cảm xúc ngọt ngào thường thấy ở lễ Giáng sinh do phương Tây tổ chức”.

Trong toàn bộ chuỗi lễ hội này, có Ded Moroz và cô cháu gái Snegurochka. Họ xuất hiện trong các phim hoạt hình mùa lễ hội, trên các thiệp mừng, trên các quảng cáo. Mọi người hóa trang thành hai nhân vật này trong nhiều loại lễ kỷ niệm khác nhau. Có nhiều phim Ded Moroz thuộc loại kinh điển mà mọi người xem hằng năm, như người ta xem Home Alone hay A Charlie Brown Christmas.

Ded Moroz là một Ông già Noel khác thường vì nhiều lẽ: mặc đồ xanh dương, cầm gậy phép, và mang theo cộng sự. Nhưng điều khác thường nhất nằm ở chỗ ông ấy thậm chí còn không hẳn là một nhân vật Giáng sinh.

*****

(Dịch từ bài của Dan Nosowitz trên Atlas Obscura)

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin