Nước Mỹ - Nhà Nước Pháp Quyền và Nội Lực Dân Chủ

Nước Mỹ - Nhà Nước Pháp Quyền và Nội Lực Dân Chủ

Ngày 28-11-2020 (GMT +7)

ByLƯƠNG TẠ

Sống ở Mỹ nhiều thập niên, tôi rất tin tưởng nhà nước pháp quyền của Mỹ. Tôi thường nói nước Mỹ khó tấn công nhất, vì chẳng những người Mỹ yêu nước mà tinh thần dân chủ dường như luôn được “cài đặt” trong DNA của họ. Giáo dục Mỹ đã đào tạo những công dân có đầu óc độc lập, tự lập, sáng tạo, và yêu tự do. Sự kiện Tổng Thống Richard Nixon từ chức vụ Watergate hoặc vụ Tổng thống Bill Clinton bị luận tội chỉ vì không tiết lộ chuyện lăng nhăng với một cô gái đã làm tôi thêm niềm tin rằng nước Mỹ khó trở thành quốc gia độc tài. 

Nhưng vài năm gần đây, niềm tin của tôi bị bắt đầu bị lung lay khi thấy những thông lệ và luật pháp Mỹ bị bóp méo bởi Tổng thống Trump. Tôi bắt đầu ngộ ra rằng luật pháp của một nước chỉ tốt, khi có những công dân có ý thức dân chủ tôn trọng nó. Ông Trump được biết là người dám làm mọi chuyện, nếu có thể làm được. Ông có thành tích chuyên lách luật và tận dụng mọi kẽ hở của luật và bất chấp thông lệ. Hành xử của ông cho thấy một sự tham quyền không đáy. Qua cuộc bầu cử 2020, rõ ràng nếu ông thành công, nước Mỹ sẽ thuộc về ông, và ông muốn làm tổng thống trọn đời, như ông từng nhắc tới sáu lần

Tất cả tổng thống Mỹ từ trước đều có tinh thần làm việc cho dân. Chính phủ là của dân và không được tư lợi cá nhân. Trong khi đó, Tổng thống Trump bẻ gẫy tất cả thông lệ của một xã hội dân chủ Mỹ. Ông dùng quyền lực để trả thù cá nhân, làm lợi riêng cho gia đình và cá nhân. Ông dùng nước ngoài như Nga, Trung Quốc, Ukraine, bằng những thủ thuật đi đêm, để củng cố địa vị. Về mặt chính phủ, ông thay thế và đuổi việc tất cả những người đi ngược lại với ông, kể cả các cơ quan thanh tra độc lập, hay những người đứng ra tố cáo hành động lạm quyền của ông. Trường hợp ông Alexander Vindman là một sự kiện nổi bật. Những người trung thành với đất nước mà không trung thành với ông đều không thể làm việc với ông. Tiêu biểu như các tướng James Mattis, H.R. McMaster và John Kelly. 

Vào năm cuối của nhiệm kỳ đã không còn ai cản ông Trump được nữa. Quanh Trump chỉ còn những người phục tùng hơn ông là làm cho chính phủ của dân. Họ lạm dụng tài sản và cả nhân lực chính phủ. Chi phiếu chính phủ cho dân, hay cứu trợ, đều kèm tên Trump ký. Một điều chưa từng xảy ra. Bộ Ngoại giao trở thành nơi tấn công và bới móc đối thủ. Điển hình là ông luật sư riêng Rudy W. Giuliani moi móc tin xấu liên quan ông Joe Biden tại Ukraine qua đường dây quen của Bộ Ngoại giao. Bộ Tư pháp, đáng lẽ độc lập, lại trở thành con rối và thi hành những điều Trump muốn. Điển hình là tìm cách tha cho Roger Stones, và Michael McFlynn, hoặc cử người bảo vệ cho cá nhân Trump khi ông Trump bị kiện tấn công tình dục; chưa kể sự kiện đuổi công tố viên Geoffrey S. Berman, chỉ vì ông này điều tra đồng minh của Trump. Nhưng nổi bật nhất là xuyên tạc kết quả điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Theo nghiên cứu của nhà phân tích chính trị Jordan Kyle, rất khó để thắng một tổng thống dân túy, chẳng hạn Narendra Modi tại Ấn Độ, Jair Bolsonaro tại Brazil hoặc Rodrigo Duterte tại Philippines. Phần vì họ được ủng hộ từ những cử tri cuồng nhiệt; phần vì họ có những chính sách thay đổi và và lợi thế cầm quyền để củng cố ngôi vị. Đó là cách Trump đã làm. Nhưng với người Mỹ, Tổng thống Trump muốn tái cử phải vượt qua được nội lực dân chủ quốc gia. Những diễn biến đầy kịch tính quanh vụ bầu cử 2020 cho thấy sức mạnh dân chủ của người Mỹ cuối cùng vẫn tồn tại và trở thành rào cản chặn đứng tham vọng quyền lực của Trump.

Đầu nhiệm kỳ của Trump, ông Jeff Session (Cộng hòa), Bộ trưởng Tư pháp, đã tự ý lui sang một bên vì cảm thấy xung đột quyền lợi, dính dáng việc điều tra Nga. Vụ lớn thứ hai là có những người trong chính quyền cao cấp của Trump dám tố cáo việc ông lạm quyền để buộc Tổng thống Ukraine làm chứng gian về Biden, dẫn tới việc Trump bị luận tội. Trong thời gian gần sát ngày bầu cử, ngoài những nhóm Cộng hòa tổ chức chống Trump, còn có những người trụ cột quốc gia – từ tướng lãnh, cựu lãnh đạo an ninh, các tổ chức phi chính trị, đến giới khoa học tinh hoa – đều lên tiếng chống lại Trump. Một sự kiện chưa từng có. Tướng bốn sao James Mattis, cựu Bộ trưởng Quốc phòng do Trump bổ nhiệm, người từng được Trump nêu là “người hùng của nước Mỹ”, viết: “Trong suốt cuộc đời mình, tôi thấy Donald Trump là tổng thống đầu tiên không cố gắng đoàn kết người Mỹ. Ngay cả giả vờ cố gắng cũng không. Thay vào đó, ông ta cố chia rẽ chúng ta. Chúng ta đang chứng kiến ba năm chia rẽ có chủ ý".

Đại dịch và việc xử lý kém vấn đề sắc tộc là những yếu tố dẫn đến thất bại của Trump. Tuy nhiên, phần đông lãnh đạo Cộng hòa vẫn im lặng vì họ biết số phận chính trị của họ còn nằm trong tay Trump. Ông Trump, dù thua cuộc, vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của nhiều cử tri Cộng hòa, nếu ông tái ứng cử năm 2024. Vào những ngày cuối cùng, ông vẫn tiếp tục “quậy”, tố cáo bầu cử gian lận không căn cứ, và tìm mọi khe hở luật pháp để tấn công Joe Biden nói riêng và đảng Dân chủ nói chung. Các thành phần nòng cốt của xã hội Mỹ đã lên tiếng. Chủ tịch các đại công ty đã bắt đầu lên tiếng. Những cố vấn thân cận của Trump như Chris Christie hay Stephen Schwarzman cũng lên tiếng…

Chiều ngày 23 tháng 11, sau khi phe ông Trump thất bại trong việc thuyết phục Michigan ngừng chứng nhận chiến thắng của ông Biden, bà Emily Murphy, Giám đốc cơ sở liên bang GSA, đã ký giấy xác nhận ông Joe Biden là Tổng thống tân cử để bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực. Ngày 20 tháng 1, 2020, quyền lực điều hành chính phủ sẽ được chính thức chuyển sang Tân Tổng thống Joe Biden. Cơn bão chính trị lớn nhất lịch sử Mỹ hơn trăm qua đã đến và sắp kết thúc. Nội lực của nền dân chủ Mỹ, được khắc vào DNA người dân Mỹ, chứng minh rằng ngay cả ông Trump cũng không làm lay chuyển được một thể chế dân chủ 244 năm. Hệ thống bầu cử chứng tỏ khả năng hoạt động của nó, quản trị dưới những người liêm chính, và được bảo vệ bởi những lãnh đạo có tránh nhiệm. Dù thế nào, sự vẹn toàn của nền dân chủ, bởi vì Trump, đã bị tổn thương. Dư âm sẽ vẫn lưu lại và thậm chí ảnh hưởng trong nhiều năm tới. Thời gian mà nước Mỹ cần để hồi phục, dài hay ngắn, sẽ phụ thuộc vào yếu tố Nhà Nước Pháp Quyền và Nội Lực Dân Chủ của nó bị tàn phá ở mức độ nào, sau bốn năm nằm dưới sự cai trị của Trump.

Nam California, Thanksgiving 2020

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin