Những từ ngữ về nghề nghiệp thường bị dùng sai

ByBARRY HUYNH

Ngày 21-08-2020 (GMT +7)

Musician vs. composer vs. songwriter

Trong nhiều chương trình ca nhạc được ghi hình và có phụ đề tiếng Anh, phần tác giả của một ca khúc thường được dịch là “composer” (ví dụ: Composer: Trịnh Công Sơn). Đây là một cách dùng từ không chính xác.

“Composer” không chỉ sáng tác ca khúc mà là người viết tổng phổ của một tác phẩm cho tất cả nhạc cụ trong một dàn nhạc giao hưởng hoặc một band nhạc. Để trở thành một composer, người đó phải được đào tạo rất bài bản về nhạc lý, hòa âm và phối khí cũng như có thể sử dụng được nhiều loại nhạc cụ. Người Anh/Mỹ chỉ sử dụng từ “composer” cho những nhạc sĩ sáng tác nhạc cổ điển (Mozart, Bethoveen, Bach…) hoặc những nhạc sĩ sáng tác các tác phẩm về khí nhạc chứ không dùng nó cho những nhạc sĩ viết ca khúc.

Trong khi đó “songwriter” là từ dùng để chỉ những nhạc sĩ sáng tác ca khúc nhạc phổ thông. “songwriter” có thể hoặc không được đào tạo bài bản qua trường lớp mà hoàn toàn tự phát do năng khiếu bẩm sinh. Phần hòa âm và phối khí của một bài hát do “songwriter” viết có thể sẽ được một composer dàn dựng nên nói về trình độ chuyên môn “songwriter” vẫn thua “composer” xa. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho dù viết được hàng trăm ca khúc nhưng chỉ có thể gọi là “songwriter” chứ không thể gọi là “composer”. Trong thế kỷ 20 với sự phát triển của âm nhạc đại chúng (popular music), những “songwriter” thường được biết đến nhiều hơn là “composer”. Nhiều “songwriter” nổi tiếng trên thế giới như những thành viên trong nhóm the Beatles thậm chí không đọc và viết được nốt nhạc. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có tài năng.

Còn “musician” là từ chỉ chung những người làm trong lĩnh vực âm nhạc hoặc biết sử dụng nhạc cụ. “Musician” không nhất thiết là một “songwriter” hay “composer” mà đơn thuần là người biết chơi nhạc. Trong một nhóm nhạc, “musician” là nhạc công.

Officer có phải là nhân viên văn phòng?

Mặc dù “office” có nghĩa là văn phòng, “officer” không có nghĩa là một nhân viên văn phòng mà là từ dùng để chỉ cấp bậc sĩ quan trong quân đội hoặc trong cảnh sát với hàm ý đây là những quân nhân cấp bậc cao làm việc trong văn phòng với nhiệm vụ chỉ huy không như lính trơn phải ở trong doanh trại. Đối với ngành cảnh sát, khoảng 20 năm trở lại đây, những từ “policeman” hoặc “policewoman” ít được sử dụng để chỉ một nhân viên cảnh sát nữa mà thay vào đó là cụm từ “police officer” chỉ chung cho cả nam lẫn nữ.

Worker có phải là công nhân?

Một từ rất cơ bản nhưng gây nhầm lẫn rất nhiều đó là từ “worker” hay được dịch thành “công nhân” trong tiếng Việt . Nếu hiểu “công nhân” có nghĩa là người đi làm công ở tất cả mọi lĩnh vực thì cách dịch “công nhân” là “worker” không sai. Nhưng nếu hiểu một cách dễ dãi “worker” là những người lao động tay chân làm việc ở công xưởng hoặc công trường thì sai. Nghĩa của từ “worker” thường sẽ được làm rõ bởi danh từ đứng trước nó, ví dụ “factory worker” (công nhân nhà máy), “construction worker” (công nhân xây dựng) hay “social worker” (nhân viên công tác xã hội).

Người nông dân Việt Nam là “farmer” hay “peasant”?

Chúng ta thường được dạy “farmer” là “nông dân” nhưng “farmer” đúng nghĩa là những người sở hữu ruộng đất hoặc nông trang (farm owner). Ở các nước phương Tây, “farmer” thường là chủ nông trại, vườn tược và thiên về việc chăn nuôi gia súc hơn là trồng lúa. Ở Việt Nam, người nông dân truyền thống cày thuê cuốc mướn trên đất của người khác và không sở hữu đất đai thì trong tiếng Anh được gọi là “peasant” (tá điền) hơn là “farmer”.

“Secretary” vs. “clerk”

Trong British English, “clerk”“secretary” đều có nghĩa là thư ký và “clerk” còn được sử dụng để nói về nhân viên ngân hàng (bank clerk). Nhưng với người Mỹ, từ “clerk” không có nghĩa là thư ký hay nhân viên ngân hàng mà dùng để chỉ nhân viên làm việc trong siêu thị hoặc cửa hàng tạp hóa có nhiệm vụ sắp xếp đồ đạc trên các kệ hàng và hướng dẫn khách hàng. Tuy nhiên, người Anh và người Mỹ đều dùng chung từ “desk clerk” để chỉ nhân viên lễ tân khách sạn, người làm việc ở quầy tiếp tân đón khách và nhận đăng ký lấy phòng và trả phòng.

Tại sao “busboy” không làm việc trên xe bus?

Một trong những từ dễ gây nhầm lẫn nhất ngay cả đối với những người có trình độ tiếng Anh khá là từ “busboy”. Với hai từ “bus” và “boy” ghép lại, nhiều người thường hiểu lầm đây là người tài phụ trên xe bus hoặc là người soát vé xe. Thật ra từ “bus” trong trường hợp này không phải là danh từ mà là động từ nghĩa là “dọn dẹp bàn ăn”. Vì thế “busboy” có nghĩa là người phụ dọn dẹp bàn ăn ở các nhà hàng sau khi thực khác đã ăn xong.

Đối với những nhà hàng nhỏ đơn giản thì “waiter”“busboy” thường chỉ là một người. Nhưng đối với những nhà hàng đắt tiền sang trọng thì “waiter”“busboy” là hai nhân viên khác nhau. “Waiter” là người có nhiệm vụ mang thực đơn cho khách và nhận order của khách còn “busboy” làm nhiệm vụ của mình sau khi khách đã ăn xong.

Tác giả Barry Huynh (Huỳnh Chí Viễn) là giám đốc Trung tâm Anh Ngữ BHV English School tại Sài Gòn

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin