Những phụ nữ Nhật ở Sài Gòn thời Pháp

ByCỐ SỰ QUÁN

Ngày 27-08-2020 (GMT +7)

Trích dịch từ luận văn thạc sĩ của 陳碧純 (Trần Bích Thuần) tại Đại học Quốc Gia Kỵ Nam - 國立暨南國際大學, Đài Loan 

Mới rồi, tôi có xem một tấm bưu thiếp trong đó có những phụ nữ Nhật mặc kimono ở Sài Gòn vào thời Pháp thuộc. Điều này làm tôi tò mò muốn tìm hiểu thêm về câu chuyện của những phụ nữ Nhật Bản này. Tại sao có phụ nữ Nhật mặc áo kimono ở Sài Gòn? Họ làm gì ở đó?

Thực tế, tôi bị quyển sách tựa đề Sơn Đả Căn -Ngôi Nhà Thổ Số Tám (Sơn Đả Căn Đích Bát Phiên Xướng Quán - 山打根的八番娼館 ) của tác giả Yamazaki Tomoko lôi cuốn và tôi đã viết một tiểu luận về quyển sách này vào năm 2005. Do đó, trực giác của tôi nhắc tôi có lẽ những phụ nữ trên tấm bưu thiếp này là những Karayuki-san ở Liên Bang Đông Dương. “Sandakan Brothel No. 8: An Episode in History of Lower-Class”( Sơn Đả Căn - Ngôi nhà thổ số 8: Một chương trong lịch sử về Giai cấp Hạ Lưu) được xuất bản vào năm 1972. Tác giả đã nghiên cứu các tài liệu lịch sử về những người phụ nữ Nhật bị cưỡng ép để làm gái điếm trong các nhà thổ ở châu Á trong suốt đầu thế kỷ 20. Bà đã đến Amakusa để sống cùng với Osaki-san, một cô gái điếm từng hành nghề ở ngôi nhà thổ số 8 tại Sabah, Malaysia vào đầu thập niên 1920. Rồi bà bắt tay viết quyển sách về cuộc đời của Osaki-san. Quyển sách gây sự chú ý lớn của công chúng về những Karayuki-san và tạo cảm hứng cho những nghiên cứu chi tiết và sâu hơn về chủ đề này ở Nhật sau đó.

Vào cuối thế kỷ 19, “Karayuki-san” (唐行小姐 – Đường Hành Tiểu Thư) là một phương ngữ được dùng ở Tây và Bắc Kyushu, Nhật Bản, được hiểu là “người đi sang Trung Quốc”. Khi đó có một làn sóng lớn những cả nam và nữ từ Bắc Kyushu đến Trung Quốc để làm lao động tay chân hoặc gái điếm. Những người này được gọi chung là “Karayuki-san”. Tuy nhiên, tên gọi này thường được dùng cho những cô gái trẻ, hầu hết đến từ các vùng nghèo khó phía Tây nước Nhật, đặc biệt từ Amakusa và Shimabara – những người từ sau thời Cải Cách Minh Trị (Minh Trị Duy Tân) 1868 đã rời bỏ quê nhà để làm gái điếm trong các nhà thổ do người Nhật làm chủ ở khắp Trung Quốc, khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Về sau, “Karayuki-san” mang ý nghĩa những cô gái Nhật làm điếm ở nước ngoài.

Nói tóm lại, Karayuki-san là những phụ nữ Nhật đi ra nước ngoài để hành nghề mại dâm vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Họ là con gái của những gia đình bần nông hoặc ngư dân nghèo. Những kẻ môi giới vào những vùng thôn quê khó khăn ở nước Nhật để tìm kiếm những cô gái phù hợp. Họ gặp, thương lượng và trả tiền cho cha mẹ các cô, bảo rằng đưa các cô ra ngoại quốc để làm những nghề phục vụ công cộng. Sau đó, những kẻ môi giới bán lại các cô cho các nhà chứa ở nước ngoài hoặc đưa vào làm gái điếm trong những nhà thổ của chính họ. Những thương cảng ở khu vực Đông Nam Á như Singapore, Penang, Malacca, Sandakan, Kuching, Sài Gòn, Hải Phòng là đích đến của những cô gái này.

Theo bảng thống kê dân số Sài Gòn và Chợ Lớn vào năm 1898 (xem ảnh đính kèm theo bài), dân số Nhật ở Sài Gòn là 98 người, gồm 32 nam, 51 nữ và 15 trẻ em. Ở Chợ Lớn có một nam, năm nữ. Theo báo cáo của trung tá hải quân Kimura Saburo về người Nhật ở Đông Dương vào năm 1913, “Ở Đông Dương cũng như Đông Nam Á. Những người Nhật đầu tiên đến đây là gái điếm và ma cô. Về sau, những chủ tiệm kéo đến để cung cấp hàng hóa nhu yếu và dịch vụ cho các cô gái điếm, chẳng hạn kimono, giặt ủi, làm tóc và chụp ảnh. Khi đã am hiểu về tình hình địa phương, những thương buôn kéo đến, rồi đến thành phần có học và những cá nhân ở Nhật Bản muốn đến lập nghiệp ở đó”.

Sau Thế chiến thứ nhất, những công ty lớn của Nhật lập chi nhánh ở Hà Nội và Sài Gòn, nên càng đông người Nhật đến đây. Tuy nhiên, vào thập niên 1920, cân bằng giới tính của dân số Nhật bị thay đổi, nữ ít hơn nam. Thêm vào đó, Chính phủ Nhật bắt đầu chú ý hơn về vấn đề Nhật kiều, và những cô gái điếm quốc tịch Nhật trở thành nỗi ô nhục quốc thể đối với Nhật. Do vậy vào năm 1920, Chính phủ Nhật ban hành pháp lệnh quyết định ngưng cấp phép cho gái điếm; do đó số lượng nhà thổ ở hải ngoại giảm mạnh. Vào thời điểm đó, người Nhật xem “Karayuki-san” là điều ô nhục. Gia đình cũng không muốn họ trở về. Vì vậy, hầu hết karayuki-san không nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ gia đình mình sau khi trở về cố hương. Điều trớ trêu là khi gia đình nhận được tiền của họ gởi về từ hải ngoại thì rất hoan hỉ, nhưng khi họ trở về thì cho rằng ô nhục và ngoảnh mặt làm ngơ.

Cho nên, nếu tìm được việc mới ở quốc gia mình từng làm, các karayuki-san đều không muốn quay về Nhật. Năm 1906, một nhà sư Nhật tên Hirota, trên đường đi hành hương sang Ấn Độ, đã dừng chân ở nhiều hải cảng Đông Nam Á. Hirota nhận tiền đóng góp từ những karayuki-san ông gặp trong suốt chuyến đi, và khi quay về Nhật, ông cho xây ngôi chùa Tenyodo và  “大師 堂” (Đại Sư Đường) ở Shimabara để làm nghĩa trang và nơi cầu nguyện an ủi cho những karayuki-san chết ở nước ngoài lẫn tại Nhật Bản. Vì 90% tài chính là do các karayuki-san quyên góp nên nhà sư ghi ơn họ, với các chi tiết như tên, nơi cư trú, và số tiền quyên góp… trên 286 cột đá xung quanh khuôn viên. Chúng ta có thể thấy trên nhiều cột đá có tên những karayuki-san đến từ Đông Dương thuộc Pháp, bao gồm Tonkin (Bắc Kỳ), Hải Phòng và Sài Gòn.

Vào tháng 4-1923, tất cả nhà thổ của Nhật ở Sài Gòn đóng cửa. Một số gái điếm không trở về Nhật Bản. Hở lại và tìm việc làm khác để nuôi thân. Ngoại trừ năm cô được người Pháp cưới làm vợ lẽ, một số khác làm việc trong các quán ăn, tiệm đấm bóp, trong khi các cô lớn tuổi xin đến nhà những người Nhật ở Sài Gòn làm giúp việc. Qua những gì kể ở trên, có cả nam lẫn nữ Nhật kiều làm việc ở Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20. Người Nhật thành công nhất phải kể đến Mitsuhiro Matsushita. Ông ta đến Đông Dương năm 1912, làm việc chăm chỉ và lập ra một công ty lớn với tên gọi Đại Nam Công Ty(大南公司) ở Sài Gòn. Ông ta cũng là một trong những nhân tố bí ẩn liên quan việc Nhật Bản làm gì đối với vấn đề giành độc lập của người Việt Nam.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin