Những đứa trẻ ở hai thế giới khác nhau
Cô bạn sống ở Mỹ gửi mấy tấm hình và hào hứng kể, anh coi nè, trường của bé N. bắt làm một project về môn sử lớp năm, nhà trường yêu cầu học sinh chọn một nhân vật lịch sử mình yêu thích rồi về nhà nhờ phụ huynh làm mô hình… Thế là bé N. bắt mẹ phải làm “búp bê” hình Deborah Sampson. Deborah là nhân vật nào lạ hoắc? Mẹ của N. phải tìm kiếm thông tin nhân vật này. Đó là một phụ nữ được lịch sử Mỹ vinh danh như một anh thư vĩ đại, vì trong thời Cách mạng Mỹ, bà đã hóa trang thành nam nhi và gia nhập quân đội…
“Em chả biết ất giáp gì về bà này cho đến hôm qua khi nó nhờ làm búp bê mô hình về bả. Thế là cả sáng qua phải ngồi khâu khâu vá vá cái “tình yêu ái quốc” của nó” – mẹ của N. kể với tôi. Tiếp đó, bé N. còn tìm trang phục đóng vai Deborah Sampson để tham gia “Explorers Wax Museum”, trong đó học sinh ăn mặc như nhân vật lịch sử mình chọn, đứng như tượng sáp. Mỗi học sinh có một cái “nút nói”. Khi được “kích hoạt”, “tượng sáp” sẽ trình bày ngắn gọn trước cử tọa rằng, “tôi” là ai, “tôi” sinh ra hồi nào, “tôi” làm gì trong những năm tháng lịch sử đó…
Câu chuyện cho thấy học sinh tiểu học Mỹ học lịch sử như thế nào. Nói “học sinh Mỹ” chung chung thật ra không chính xác lắm, vì mỗi học khu của một vùng đều có cách dạy riêng, mỗi bang đều có chủ trương và phương pháp riêng. Tất cả chỉ có điểm chung là cổ súy tự do và độc lập trong suy nghĩ. Học sử như thế là cách hiệu quả để không chỉ giúp học sinh dễ học mà giúp nâng cao tinh thần ái quốc và thấu hiểu thật sự khái niệm ái quốc là gì. Mà điều đó không chỉ đối với học sinh. Nó còn tác động tốt đến cả phụ huynh, khi họ giúp con thực hiện project, như trường hợp mẹ của bé N.
Một câu chuyện khác nữa. Một ông bố, cũng ở Mỹ, kể với tôi rằng trong lớp của con anh ấy (lớp 5), bàn ghế được xếp từng nhóm nhỏ, quây quần lại với nhau. Điều lạ là ở một đầu dãy bàn, có một chiếc bàn được thiết kế đặc biệt: nó dành để đứng, bên dưới có thanh sắt để kê chân lắc đong đưa lên xuống. Em nào ngồi không yên, quay qua quay lại nghịch phá bạn bè, thì được mời lên chiếc bàn ấy để vừa làm bài vừa “giải tỏa năng lượng thừa”.
Đầu một dãy bàn khác cũng có một cái bàn đặc biệt tương tự nhưng cái bàn này có ghế ngồi. Có điều, chiếc ghế ấy là ghế lắc. Muốn lắc hả, không ngồi yên được hả, lên đây, tha hồ lắc, ngồi một mình, chẳng ảnh hưởng đến ai! Muốn lắc hả, táng cho bạt tai bây giờ, đồ học trò hư, cái thứ ba mẹ không biết dạy… Đó là câu mà tôi liên tưởng ngay đến môi trường giáo dục tiểu học Việt Nam khi nghe câu chuyện trên. Nó cho thấy sự khác biệt trong tư duy giáo dục, hay nói chính xác hơn là triết lý giáo dục, giữa một nền giáo dục tự do và nền giáo dục đóng khuôn.
Nền giáo dục “muốn lắc, cứ việc lắc” đã sinh ra những Bill Gates, những Steve Jobs, những Jeff Bezos… Nền giáo dục “muốn lắc, cứ lắc” đã sinh ra những Naomi Wadler mới 11 tuổi nhưng có thể tự tin đăng đàn nói chuyện trước hàng ngàn người (trong cuộc tuần hành chống súng “March for Our Lives” ngày 24-3-2018), rằng: “Người ta nói em còn quá nhỏ để có được những suy nghĩ này. Người ta nói em là công cụ của những người lớn ẩn danh nào đó… Em và bạn bè em có thể vẫn còn ở tuổi 11. Chúng em có thể vẫn còn ở tuổi tiểu học nhưng chúng em có hiểu biết. Chúng em biết rằng cuộc sống là không công bằng cho tất cả. Chúng em biết điều gì đúng và điều gì sai. Chúng em biết rằng chỉ 7 năm nữa là chúng em có quyền đi bầu…”. Naomi Wadler còn dẫn lại lời nhà văn Toni Morrison: “Nếu có một quyển sách mà chúng ta muốn đọc, mà nó chưa được viết, thì chính chúng ta phải là người viết quyển sách ấy”.
Có bao nhiêu học sinh Việt Nam ở tuổi 11 có thể nói được như vậy? Đây chỉ là câu hỏi tu từ. Tôi không trách các em Việt Nam ở độ tuổi 11 hoặc tương tự. Tôi trách một hệ thống giáo dục có “số tuổi” lớn gấp nhiều lần nhưng “mức độ hiểu biết” của hệ thống đó còn tệ hơn đứa con nít 11 tuổi. Chính xác hơn, cái hệ thống đó giả vờ ngu, để tạo ra những thế hệ “ngu để trị”. Tôi tin có không ít đứa bé Việt Nam 11 tuổi có thể nói và hiểu biết như Naomi Wadler nếu chúng được dạy trong một môi trường giáo dục tự do.
Những đứa trẻ 11 tuổi ở Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia tự do nào có thể không hề biết rằng, có những đứa trẻ cùng trang lứa mình đang bị tước đoạt nhiều thứ, từ tự do suy nghĩ, tự do diễn đạt, đến tự do làm người. Những đứa trẻ 11 tuổi ở Việt Nam cũng không hề biết rằng, có những đứa trẻ cùng trang lứa chúng ở phương Tây đang được hưởng những giá trị căn bản của quyền trẻ em như thế nào. Những đứa trẻ Việt Nam không hề ý thức hoặc nhận biết được rằng chúng đang bị tước đi – tôi muốn dùng từ chính xác hơn: “cướp đi” – những gì, và dĩ nhiên vì vậy, chúng không bao giờ có thể có nhận thức hoặc suy nghĩ đến việc đòi lại những gì chúng đáng lý được hưởng.
Ai sẽ nói cho chúng biết chúng đang bị tước mất những gì? Thầy cô chúng, nhà trường của chúng, hệ thống giáo dục của chúng? Dĩ nhiên là không. Ai bây giờ? Chẳng ai cả, ngoài chính chúng ta, những phụ huynh, những người muốn chúng thoát khỏi cái lồng sắt giáo dục rập khuôn và giáo điều. Bằng cách nào, ở thời đại thông tin có thể tìm kiếm dễ dàng này, thì mỗi người có thể có cách riêng. Có những thứ mà bất kỳ phụ huynh nào cũng có thể dạy con mình, những thứ mà “nhà trường XHCN” không bao giờ có, đó là sự nhận thức.