Người nổi tiếng có cần làm từ thiện?

ByMINH ĐĂNG

Ngày 23-10-2020 (GMT +7)

Không chỉ với Việt Nam và trường hợp ca sĩ Thủy Tiên, việc giới nghệ sĩ tham gia hoạt động từ thiện trên thế giới cũng có “lời ra, lời vào”, rằng người nổi tiếng làm từ thiện chỉ nhằm “đánh bóng tên tuổi”. Trong thực tế, hoạt động từ thiện của người nổi tiếng là luôn cần thiết. Ảnh hưởng của người nổi tiếng khiến việc họ làm không chỉ có ý nghĩa đóng góp mà còn tạo cảm hứng cho xã hội…

Băng rừng lội suối

Trong một phim tài liệu MTV, người ta thấy diễn viên điện ảnh Angelina Jolie băng rừng lội suối ở châu Phi cùng Jeffrey Sachs (chuyên gia lừng danh thế giới về môi trường). Angelina Jolie là một trong nhiều gương mặt nổi tiếng phương Tây đã miệt mài dành thời giờ và tâm huyết cho cuộc chiến chống mặt trái đời sống toàn cầu hóa. Tương tự, Bono và nhóm U2 của anh hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực từ thiện cộng đồng. Bono là gương mặt ca sĩ duy nhất được giới chính khách thế giới tôn trọng, từ Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, cố Giáo hoàng John Paul II, (cựu) Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến thậm chí Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hoạt động từ thiện của Bono không phải là trò phô trương mang tính thời thượng. Từ giữa thập niên 1980, Bono đã xuất hiện trong nhiều chương trình hòa nhạc gây quỹ giúp nước nghèo, đặc biệt châu Phi, trong đó có chương trình Band Aid và Live Aid.

Bản thân Bono cùng vợ (Alison Stewart) còn đích thân đến sống hòa nhập tại Wello (Ethiopia) trong sáu tuần để hiểu thấu đáo nỗi khổ của dân địa phương. Cuộc đấu tranh chống nghèo của Bono sau đó một lần nữa thể hiện tại chương trình Jubilee 2000 do Giáo hoàng John Paul II thực hiện nhân kỷ niệm Năm lễ thánh. Mục tiêu của Jubilee 2000 là kêu gọi Mỹ cùng các nước giàu xóa nợ cho nước nghèo, kêu gọi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) động lòng trước nỗi khổ của hàng triệu người có cuộc sống khốn khó tại 52 nước nghèo nhất thế giới. Bằng cách duy nhất xóa sổ 350 triệu USD nợ, những quốc gia khốn cùng này mới có thể đầu tư cho y tế và giáo dục – hai trong những phương tiện tối quan trọng trong việc khắc phục nạn lạc hậu và nghèo khổ...

Tạo ảnh hưởng trong chính trường

Ý thức được giá trị đóng góp của giới nghệ sĩ trên bình diện xã hội, Liên Hiệp Quốc thật ra đã nhờ đến hình ảnh ngôi sao từ cách đây rất lâu. Năm 1954, khi tình cờ gặp nhau tại một phi trường, diễn viên-ca sĩ Mỹ Danny Kaye cùng Maurice Pate (giám đốc điều hành UNICEF) đã ngẫu nhiên cùng chung ý tưởng quan tâm về nạn trẻ em thống khổ bởi Thế chiến thứ hai. Kaye nói mình muốn làm điều gì đó. Và Pate ủng hộ. Kaye đã dốc hết sức cho chương trình nhân đạo trên. Có lần trong 5 ngày, ông đã bay đến 65 thành phố. Năm 1965, UNICEF được trao Nobel Hòa bình và tổ chức này đã để Kaye vinh dự thay mặt nhận lãnh. Kaye bắt đầu đặt nền móng cho hoạt động từ thiện trong giới ngôi sao, với sự tham gia của Audrey Hepburn, Peter Ustinov, Harry Belafonte, Youssou N'Dour… Năm 1997, UNICEF mời 5 cựu hoa hậu Hoàn vũ cùng hai công chúa tham gia; và sau khi Geri Halliwell (nhóm Spice Girls) được mời làm đại sứ thiện chí năm 1998, loạt ngôi sao khác bắt đầu tình nguyện ghi tên vào danh sách đại sứ UNICEF...

Ca sĩ Ricky Martin – từng tham gia UNICEF năm 12 tuổi hồi còn là thành viên nhóm Menudo – kể rằng công tác từ thiện đã giúp mình cảm nhận sâu sắc về phần còn lại kém may mắn hơn của thế giới. Ngôi sao pop Latin Shakira cho biết cô từng tham gia chiến dịch nhân đạo trong hai thập niên qua. Năm 18 tuổi, Shakira đã thành lập tổ chức Pies Descalzos (Đôi chân trần) để giúp trẻ em bị ruồng bỏ bởi nạn bạo lực ở quê nhà Colombia. Trước khi gia nhập UNICEF năm 2003, Shakira thực hiện chiến dịch khuyến khích giáo dục trẻ em đồng thời thuyết phục hãng thể thao Reebok đóng góp 50.000 đôi giày cho thiếu nhi nghèo.

Không dừng lại ở các chương trình mang tính cộng đồng, nhiều đại sứ thiện chí còn tiến hành vận động hậu trường. Shakira cho biết cô từng gặp nhiều chính khách để nói về nạn nghèo đói và tình trạng tham nhũng ở Mỹ Latin. Trong khi đó, Michael Douglas thảo luận vấn đề buôn bán vũ khí cũng như vũ khí giết người hàng loạt với các lãnh đạo Áo, Thái Lan cũng như gần 10 nguyên thủ châu Phi. Ricky Martin cũng gặp nhiều nhà lãnh đạo thế giới để nhấn mạnh luật chống mại dâm trẻ em… Chắc không ai có thể hồ nghi giá trị của những hành động trên và nghĩa cử của các ngôi sao thật ra cũng đáng tôn trọng chẳng khác gì những nhân viên từ thiện lăn lộn tại thực địa và chứng kiến trực tiếp thảm cảnh chiến tranh, đói nghèo hoặc dịch bệnh.

Quốc tế hóa hoạt động từ thiện

Năm 2004, Natalie Portman, lúc đó mới 22 tuổi và còn là sinh viên đại học, đã vào trụ sở Quốc hội Mỹ để thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ chiến dịch hỗ trợ vay vốn nhỏ cho người nghèo từ tổ chức Hỗ trợ cộng đồng quốc tế của mình. Với giới nghị sĩ Mỹ, Portman chẳng lạ lẫm. Năm 2003, khi Portman còn học Harvard, một sự kiện xấu đã xảy ra cho người bạn cô tại Israel, khiến cô quyết tâm làm cái gì đó có ích cho đời. Thế là cô liên hệ với Hoàng hậu Rania (vợ vua Abdullah II, Jordan). Thuyết phục trước nhiệt tâm Portman, Hoàng hậu Rania nhận làm thành viên ban điều hành Hỗ trợ cộng đồng quốc tế (Finca) đồng thời đề xuất ý tưởng cho vay nhỏ.

Năm 2004, Portman trở thành đại sứ của Finca và được cử đến Guatemala rồi Uganda. Bài báo phỏng vấn Portman về sứ mạng của cô trong chiến dịch tài trợ vốn vay nhỏ đăng trên Vogue đã có tác động cực mạnh, theo lời kể Christina Barrineau, nguyên giám đốc chương trình U.N. Year of Microcredit (Liên Hiệp Quốc). Từ đó đến nay, Portman tiếp tục thực hiện chiến dịch tuyên truyền các dự án tín dụng nhỏ cho người nghèo tại nhiều nước thế giới và thậm chí cô được mời nói chuyện về ý nghĩa của tín dụng nhỏ đối với cộng đồng tại các đại học Harvard, Stanford, New York (NYU); chưa kể hàng chục bài viết trên các tạp chí phụ nữ. Ngoài CD Big Change: Songs for Finca, Portman cũng tham gia làm một phim tài liệu về Finca. Cùng Hoàng hậu Rania, cô đào này hiện ngồi ghế chủ tịch chiến dịch Big Change: Songs for Finca, nơi giám sát các dự án cho vay nhỏ cho 1 triệu khách hàng tại 100.000 ngôi làng khắp thế giới…

Nhiều tổ chức trong đó có Hội chữ thập đỏ quốc tế đang tăng cường hỗ trợ từ “kênh” người nổi tiếng. Tổ chức Oxfam hiện cử chuyên gia Lyndsay Cruz săn lùng ngôi sao cho hoạt động từ thiện. Ngoài vài gương mặt từng giúp tổ chức mình như diễn viên Colin Firth và Helen Mirren, Oxfam hiện móc nối với Scarlett Johansson với chuyến thực địa Nam Phi, nơi Oxfam cổ xúy chương trình giáo dục cho trẻ gái. Hoạt động của các nhóm lẫn ngôi sao tiếp tục nhận được tài trợ từ nhiều công ty, nơi không chỉ trả chi phí việc tổ chức gala gây quỹ mà còn thanh toán cả tiền vé máy bay và khách sạn cho ngôi sao.

Thế giới luôn cần đến họ

Trong chương trình Keep a Child Alive của nữ danh ca Alicia Keys (cấp thuốc cho bệnh nhân AIDS tại châu Phi), có đến 78 “đối tác công ty” tài trợ, từ hãng truyền thông CBS, hãng hàng không Continental Airlines, tập đoàn báo chí Condé Nast đến hãng thời trang cao cấp Chanel… Tính chuyên nghiệp của hoạt động từ thiện đối với giới nổi tiếng bắt đầu thể hiện rõ khi ngôi sao thậm chí có ban thư ký riêng chuyên trách, trong khi công ty cũng có bộ phận phụ trách tìm một ngôi sao thật “khớp” với chiến dịch từ thiện của họ.

Một số ngôi sao lại thích mô hình tự tổ chức. George Clooney, Don Cheadle, Brad Pitt, Matt Damon và nhà sản xuất Jerry Weintraub đã lập ra nhóm Not on Our Watch (quyên được 9,3 triệu USD cho nạn nhân tỵ nạn chính trị từ nhiều gala chẳng hạn buổi tiệc trên du thuyền tại Cannes nhân dịp khởi chiếu phim Ocean’s 13). Nam ca sĩ John Legend, cho biết mình từng sốc khi đọc quyển The End of Poverty của nhà kinh tế Jeffrey Sachs, đã cùng Sachs thực hiện “tour hành động” đến loạt nước nghèo. Với Matt Damon, tổ chức của anh là H2O Africa (tài trợ chương trình vệ sinh và nước sạch châu Phi).

Những chiến dịch tiên phong của Angelina Jolie hoặc Bono vẫn được tiếp đuốc với thế hệ đàn em. Tháng 6-2020, hoạt động từ thiện của ca sĩ Beyoncé đã được trao Giải Nhân đạo của Truyền hình giải trí da màu (BET Humanitarian Award) nhằm vinh danh cho sáng kiến BeyGOOD của cô. Cùng UNICEF, BeyGOOD là dự án mang lại nước sạch cho quốc gia nghèo Burundi và hiện cũng có những chương trình giúp nước Mỹ trong đại dịch coronavirus. Tương tự, tháng 10-2020, Kim Kardashian và tổ chức Keeping Up With the Kardashians của cô đã tặng 1 triệu USD cho Quỹ Armenia; trong khi đó, Emma Watson –đại sứ thiện chí LHQ – tặng 1,4 triệu USD cho “Quỹ công lý và công bằng xã hội UK” với chiến dịch chống quấy rối tình dục…

Danh sách người nổi tiếng thế giới làm từ thiện hoặc thực hiện các chiến dịch chống bất công nói chung còn dài, rất dài…, từ Ellen DeGeneres, Elton John (người từng đứng đầu bảng Sunday Times Giving List năm 2016 với tổng cộng 38 triệu USD tặng cho nhiều tổ chức từ thiện khác nhau), Meryl Streep, Taylor Swift, Brad Pitt, Shawn Mendes, Johnny Depp đến Cardi B…

Thế giới chẳng bao giờ hết bất công, đói nghèo. Thế giới không bao giờ hết thiên tai và bất hạnh. Thế giới luôn cần những bàn tay chìa ra, những tâm hồn biết chia sẻ, những nghĩa cử cao đẹp và thiện lành. Đóng góp của những người nổi tiếng cho những hoạt động như vậy luôn làm thế giới dù bất hạnh thế nào cũng trở nên bớt ảm đạm hơn. Trong vô số tấm ảnh thời sự hàng ngày, những bức ảnh chụp nụ cười người nghèo và kẻ khốn khó khi được “trao” tấm lòng từ thiện là những tấm ảnh đẹp nhất.

 Bài đã đăng trên Saigon Nhỏ

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin