Nghĩa của “Mạo” trong từ “Miếu Mạo”

ByHOÀNG TUẤN CÔNG

Ngày 30-10-2020 (GMT +7)

 

Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập “miếu mạo” và giải thích: “MIẾU MẠO dt. Miếu (nói khái quát). Tu sửa đền chùa, miếu mạo. “…cô tây Hoẻn dắt đức lang quân đi khắp đình chùa miếu mạo” (Ngô Tất Tố)”

               Có lẽ nhóm soạn giả cho rằng, “mạo” chỉ là yếu tố láy âm của “miếu”. Tuy nhiên, “miếu mạo” 廟貌 là từ ghép chính phụ gốc Hán: “miếu” 廟 nghĩa là ngôi nhà, phòng thất dựng lên để tế tự tổ tiên, quỷ thần (như thái miếu 太廟; đền miếu); “mạo” 貌 là dáng dấp, dung nhan (như dung mạo 容貌; diện mạo 面貌). Hán ngữ đại từ điển giảng:

-“miếu: 1 phòng thất tế tự thần vị tiên tổ thời xưa.” [: 1.舊時供祀先祖神位的屋舍].

-“mạo: 1 diện mạo; dung nhan” [: 1.面容; 容顏].

-“miếu mạo: “Thi Chu TụngThanh miếu tự”, Trịnh Huyền chú giải: “Miếu là tiếng nói và dung mạo. Cái tinh anh của người chết không thể nhìn thấy, nhưng có thể dựng tượng, lập cung thất tại nơi ở lúc sinh thời, thì cũng như nhìn thấy dung mạo của người đã khuất vậy”.

Nhân đó gọi đền miếutượng thờmiếu mạo.” [廟貌:“詩‧周頌‧清廟序”鄭玄箋:“廟之言貌也,死者精神不可得而見,但以生時之居,立宮室像貌為之耳.”因稱廟宇及神像為廟貌].

               Nhiều cuốn từ điển tiếng Việt hãy còn giảng nghĩa rất rõ ràng:

-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): “miếu - mạo • Hình dáng cái đền <> Miếu-mạo nguy-nga.”. 

-Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “miếu - mạo • Hình dáng cái miếu <> miếu-mạo nguy-nga”.

-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt của Vietlex): “miếu mạo • 廟貌 d. miếu [nói khái quát]: “Trong câu chuyện của ông, làng hiện lên với bao đình chùa miếu mạo, với cảnh sông bến tuyệt đẹp.” (Trần Thanh Hà)”.

Như vậy, “miếu mạo” 廟貌 là từ ghép chính phụ gốc Hán, chứ không phải từ láy, như “Từ điển từ láy tiếng Việt” (Hoàng Văn Hành chủ biên) nhầm lẫn.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin