Nghệ thuật độc quyền của kẻ biết ngôn ngữ

Nghệ thuật độc quyền của kẻ biết ngôn ngữ

Ngày 18-09-2020 (GMT +7)

ByQUỲNH NGUYỄN

Nếu phim ảnh, âm nhạc là những hình thức giải trí quen thuộc với con người ở hiện đại, cho người ta trải nghiệm và đắm chìm vào những câu chuyện thì kịch nói mới chính là nét đẹp của văn hoá, đặc biệt là của ngôn ngữ...

Tôi đi xem Cậu Đồng, với bối cảnh miền Nam năm 1927, một vở kịch được tái diễn sau 23 năm vắng bóng ở sân khấu. Một lần nữa tôi lại cảm thán về môn nghệ thuật này trong ba tiếng dưới khán đài, cũng càng thấm thía hơn suy nghĩ việc đi xem kịch dường như là “đặc quyền” chỉ có người biết ngôn ngữ của một đất nước mới có thể được trải nghiệm đầy đủ.

Thử hỏi, nếu không phải là người Việt Nam, chỉ có thể bập bẹ những chữ tiếng Việt giao tiếp, làm sao có thể hiểu được thoại với những nghệ thuật nói lái, nói trại, nói ẩn dụ được. Xem phim là cảm nhận vẻ đẹp của âm thanh, của hình ảnh, và thậm chí là của diễn viên; còn xem kịch là ngấm cái đẹp của ngôn ngữ. Tôi còn nhớ một phỏng vấn gần đây của phù thuỷ sân khấu, nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc. Anh bảo thế này: “Ở mấy nước châu Âu, chỉ có diễn viên kịch mới được gọi là artist (nghệ sĩ), còn diễn viên phim họ chỉ là actor (diễn viên) mà thôi”. Câu nói này không phải là để xem thường một ai, nhưng lại thật đúng bởi vì với tôi, để đứng trên sân khấu, trực tiếp hóa thân vào nhân vật trước khán giả dưới khán đài, thì những người này phải thật sự bản lĩnh và có kỹ năng diễn xuất ổn định. Sức nặng của ngôn ngữ trong từng giây trên sân khấu rất khác so với phim, tiểu phẩm hay thậm chí là âm nhạc.

Diễn viên mà tôi thích nhất là Benedict Cumberbatch. Điều đặc biệt rằng ông là một diễn viên có xuất thân từ kịch nói. Chính vì vậy trong những cảnh tay đôi với diễn viên khác, không khó để nghe ra đài từ, cách nhấn âm và khẩu hình của ông có cách xử lý hoàn toàn khác biệt. Dù vai diễn có thoại nhanh như Sherlock Holmes hay từng câu nói bình tĩnh, chậm và nhấn nhá như Doctor Strange, ông đều có cách xử lý rất đặc trưng mà không phải diễn viên nào cũng làm được. Một bộ phim mà tôi nghĩ rằng ai cũng nên xem: Patrick Melrose, series giúp Benedict Cumberbatch đoạt giải BAFTA danh giá. Đây là một bộ phim về một kẻ có bệnh tâm lý. Tôi vốn dĩ luôn nghĩ rằng nếu không đi đóng kịch, một diễn viên có thể khẳng định diễn xuất của mình qua một vai tâm thần có nội tâm hỗn tạp. Nhưng điều tuyệt diệu ở đây là đài từ. Tôi thích cái cách Benedict Cumberbatch thể hiện cảm xúc qua cách nhấn nhá âm thanh, đồng thời dùng cách phát âm và phương ngữ hoàn toàn khác với vai Doctor Strange hay Alan Turning (nhân vật này là người Mỹ).

Cái cảm xúc này tương tự khi tôi xem Thành Lộc diễn trong vở Cậu Đồng. Từng câu, cao độ đều đi đôi với cảm xúc, mà chính từng chữ một nó đều mang cái cảm giác nổi cả da gà lên. Có một phân đoạn mà Cậu Đồng phải liên tục thay đổi tông giọng, cách nói chuyện, bởi vì cậu đang lên đồng. Tôi nổi da gà vì sự tập trung của tất cả diễn viên. Họ đối thoại, họ cười đùa, họ ẩn ý, họ ném mảng miếng nhanh đến mức nếu chỉ không tập trung một giây thôi, người xem có lẽ sẽ bị lạc trong mớ ngôn ngữ kịch nói kỳ diệu ấy.  Cảnh trí vở này đương nhiên không thiên biến vạn hoá như Tiên Nga. Chỉ một cảnh duy nhất là cái phòng thờ Đức Linh Ông mà xảy ra mọi hỉ nộ ái ố. Nhờ vậy mà cái ý nghĩa của kịch bản: lên án mê tín dị đoan, lại còn được khắc họa rõ nét hơn và sâu cay hơn. Có lẽ ý đồ của vở kịch này cũng nhắm vô thoại, vì thế mà mọi thứ đều được tối giản để thoại được lên ngôi, ngôn ngữ được toả sáng.

Điều đáng ngạc nhiên nhất ở đây: Cậu Đồng là remake từ một kịch bản nước ngoài, được tác gia Trần Minh Ngọc cảm tác từ tác phẩm Tartuffe của nhà viết kịch cổ điển nổi tiếng người Pháp Molière. Toàn bộ không gian Nam bộ những năm 1930 làm tôi không thể nào tin được đây không phải là một kịch bản gốc. Các vai diễn ngoại trừ Thành Lộc (vai Cậu Đồng), Hữu Châu (vai ông Phán) giữ nguyên, còn lại hầu hết đều đã thay nhiều diễn viên. Tôi không biết là như trước đây các diễn viên khác diễn thế nào, nhưng tôi hài lòng với mọi vai diễn trong phiên bản mới này. Không nhiều nhân vật, nhưng mỗi nhân vật đều là một mắt xích quan trọng của mạch truyện.

Tôi vẫn hay bảo: bạn bè đi du lịch Sài Gòn chả biết dắt đi đâu, nhưng bây giờ cho tôi nói lại, ai lên Sài Gòn phải đi coi kịch Sài Gòn cho biết.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin