Mối quan hệ giữa Hollywood và Lầu Năm Góc
Sony Pictures đã chi 3 triệu USD thuê 8 trực thăng và 100 lính thủy quân lục chiến tại ngũ để bay đến Morocco quay phim Black Hawk Down. Và khi thực hiện Pearl Harbor, Disney cũng trả hơn 1 triệu USD để nhận được trợ giúp quân đội trong đó có cảnh quay tại Trân Châu cảng, hơn 20 con tàu chiến cũ và việc sử dụng hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis đi từ San Diego đến Trân Châu cảng tổ chức buổi ra mắt đầu tiên! Tuy nhiên, không phải có tiền là mướn được xe tăng và tiêm kích cơ từ Ngũ giác đài…
Phim trường trong quân trường
Khó có thể kể hết những phim Hollywood sản xuất sử dụng các loại chiến cụ thật thuê từ quân đội Mỹ. Theo airforcehollywood.af.mil, trong Air Force One, người ta không chỉ thuê các chiếc KC-135, F-16, C-130 mà còn “mượn” nhân viên làm việc trên chuyên cơ tổng thống Mỹ để đóng vai phụ. Trong Armageddon, có các cảnh quay tại Căn cứ không quân Edwards, Patrick và Cape Canaveral; cùng việc sử dụng dàn máy bay B-2, F-15, F-16, SR-71, HH-53. Trong Iron Man, Căn cứ không quân Edwards đã được dùng làm phim trường; máy bay-trực thăng được thuê là F-22, C-17, HH-60…
Trong The Sum of All Fears, đoàn làm phim ăn dầm nằm dề tại các căn cứ Whiteman, Offutt…, và máy bay-trực thăng được sử dụng là B-2, E-4B, KC-135, F-16, CH-53E. Và trong phần hai của loạt phim Transformers, trong số “đạo cụ” lỉnh kỉnh, có hai máy bay diệt xe tăng A-10 Thunderbolt II “Warthog”, 6 chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon, 10 xe bọc thép Humvee, hai xe tăng Bradley, hai xe phóng tên lửa… cùng một toán lính nhảy dù Golden Knights, chưa kể các loại máy bay F22, C-17, F-16, B-1, E-3 (AWACS), A-10, T-38 và SR-71. Một số cảnh quay Transformers thậm chí được thực hiện bên trong tổng hành dinh Lầu năm góc…
Đạo diễn Michael Bay tại phim trường Transformers ở Căn cứ không quân Holloman (US Defense Department)
Lầu năm góc hợp tác với Hollywood ngày càng sâu rộng, từ những dự án nhỏ như loạt phim truyền hình Army Wives của hãng Lifetime hay NCIS của CBS, cho đến các phim màn ảnh rộng như Battle: Los Angeles của Columbia Pictures, Battleship của Universal Pictures, Act of Valor của Relativity Media, Man of Steel của Warner Bros… Theo Los Angeles Times, mỗi binh chủng quân đội Mỹ đều có đại diện trung gian để làm việc với công nghiệp điện ảnh-truyền hình, và tất cả nằm ở văn phòng tại đại lộ Wilshire thuộc Westwood (Los Angeles). Năm 2008, Phòng hải chiến đặc biệt Hải quân còn chủ động mời một số hãng sản xuất gửi kịch bản phim. Quan hệ Hollywood-Lầu năm góc thật ra đã được xây dựng từ Thế chiến thứ hai (trước đó, Bộ chiến tranh Hoa Kỳ cũng đã hợp tác sản xuất Wings – bộ phim câm giành Oscar 1927 hạng mục phim hay nhất). Năm 1948, Phòng liên lạc đối ngoại điện ảnh (FLO) của Lầu năm góc được thành lập, chịu trách nhiệm duyệt kịch bản để có thể xét đến việc cho thuê vũ khí. Suốt từ 1989 đến nay, FLO nằm dưới sự điều hành của Philip Strub.
Có qua có lại
Với giới làm phim, khi nắm trong tay một dự án sản xuất liên quan đề tài chiến tranh, họ phải gõ cửa Lầu năm góc để được xài “hàng thật” và còn được tư vấn cặn kẽ nhiều chi tiết khác, từ cách chào đến thậm chí lối thoại theo kiểu tác phong sinh hoạt nhà binh. Trong khi đó, Lầu năm góc cần Hollywood để quảng bá hình ảnh tích cực của quân đội Mỹ. Trả lời phỏng vấn tờ Military Times trước câu hỏi rằng có hay không việc Lầu năm góc can thiệp quá sâu vào kịch bản như nhiều cây bút phê bình điện ảnh chỉ trích, Philip Strub trả lời rằng nói như vậy thật “buồn cười”. Tuy nhiên, trong thực tế, FLO đã nhiều lần từ chối thẳng tay khi kịch bản không hợp ý họ hoặc khi giới sản xuất không đồng ý thay đổi kịch bản theo đề nghị từ quân đội.
Giám đốc FLO Philip Strub (phải) trên phim trường Iron Man 2 tại Căn cứ không quân Edwards (US Defense Department)
Đó là lý do FLO không giúp Apocalypse Now, bộ phim liên quan chiến tranh Việt Nam nói về một sĩ quan được phái đi khử một sĩ quan khác. The Sum of All Fears, nói về một âm mưu khủng bố, cũng suýt bị FLO khước từ hỗ trợ, nếu kịch bản không có một nhóm giải cứu là thủy quân lục chiến. Trong Pearl Harbor, FLO cũng thuyết phục giới làm phim sửa đôi chút kịch bản liên quan nhân vật trung tá Doolittle (diễn viên Alec Baldwin) sao cho hình tượng người hùng của ông nổi bật hơn. Với một số phim có đề tài “nhạy cảm”, chẳng hạn Crimson Tide (nói về cuộc nổi loạn binh sĩ trên một chiếc tàu ngầm) hoặc G.I. Jane của đạo diễn Ridley Scott (với thủ diễn Demi Moore; nói về một cô gái gia nhập lực lượng đặc biệt SEAL đối mặt với sự khinh thị và bị ngược đãi bằng bạo lực), đã không thể lọt cửa duyệt xét của FLO. Trong dự án phim về cuộc chiến Vùng Vịnh Courage Under Fire (diễn viên chính Meg Ryan), các cuộc thương lượng đã thất bại, vì – theo Philip Strub – “trong phim chẳng có một người lính nào giỏi cả”!
Trong quyển Operation Hollywood: How the Pentagon Shapes and Censors the Movies, cây bút điện ảnh David L. Robb (từng làm cho các chuyên san điện ảnh Daily Variety và Hollywood Reporter) thuật thêm rằng, trước khi bộ phim nói về vụ khủng hoảng tên lửa Cuba Thirteen Days được duyệt xét hỗ trợ quân cụ, hình ảnh miêu tả tiêu cực về tướng không quân Curtis LeMay đã được đề nghị phải điều chỉnh; và việc nhắc đến vụ chiếc máy bay do thám U2 bị bắn rơi phải cắt bỏ. Tuy nhiên, nhà sản xuất Peter Almond từ chối và cuối cùng Thirteen Days được thực hiện mà không có sự trợ giúp súng ống của Ngũ giác đài.
Ngay cả Clint Eastwood, lúc đó là chủ tịch quốc gia chương trình Toys-for-Tots của quân đoàn thủy quân lục chiến (một chương trình từ thiện quyên-phát đồ chơi cho thiếu nhi nghèo vào dịp Giáng sinh), cũng gặp rắc rối với dự án phim Heartbreak Ridge (nói về chiến dịch quân sự Urgent Fury năm 1983 khi thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên đảo quốc Grenada ở Caribê). Để được chuẩn thuận giúp đỡ, Clint Eastwood buộc phải cắt bỏ đoạn nói về vụ đánh bom khủng bố nhằm vào trại thủy quân lục chiến Mỹ ở Beirut cũng như gần hết các câu chửi thề văng mạng của nhân vật trong phim. Clint Eastwood bực đến mức phải gọi và than phiền với… Tổng thống Ronald Reagan!
Lone Survivor – bộ phim năm 2013 quay chủ yếu ở New Mexico với sự hỗ trợ của Không quân Hoa Kỳ (YouTube)
Charles Newirth, chủ hãng phim Revolution Studios (nơi từng tung ra Black Hawk Down, America’s Sweathearts, Anger Management, Hellboy…), hồi thập niên 1990 cũng đã “đụng độ” với FLO khi dự án phim Forrest Gump của ông có chi tiết (có thật) rằng một số thanh niên trước đó từng bị loại bởi chỉ số thông minh thấp nhưng rồi vẫn được bộ binh tuyển mộ. Bộ phim này, sau đó giành được lô Oscar (trong đó có giải Phim hay nhất, đạo diễn hay nhất cho Robert Zemeckis, diễn viên hay nhất cho Tom Hanks…), đã không được FLO hỗ trợ.
Bộ phim thắng giải Oscar hạng mục phim hay nhất cũng như giải đạo diễn – The Hurt Locker – cũng đã bị FLO ngoảnh mặt; bởi, như lời Philip Strub, FLO và đạo diễn Kathryn Bigelow đã “không có cùng điểm chung trong việc xây dựng hình tượng người hùng”. Cần biết, kịch bản The Hurt Locker được chấp bút bởi Mark Boal, vốn là nhà báo tự do từng sát cánh một toán chuyên gia gỡ mìn của quân đội Mỹ tại chiến trường Iraq, nên những gì được thuật lại trong phim đã được thể hiện rất thật. Trong số cả chục phim liên quan cuộc chiến Iraq gần 10 năm nay, The Hurt Locker có thể được xem là một trong những phim hay nhất. Ngay cả ngài Bộ trưởng quốc phòng lúc đó, Robert Gates, cũng đánh giá The Hurt Locker là “phác họa thực tế nhất” về bức tranh cuộc chiến Iraq…
Trái ngược với thái độ lạnh nhạt trước những dự án điện ảnh không “hợp gu”, FLO tất nhiên rất “sướng” với các phim có những cảnh phô bày sức mạnh kỹ thuật quân sự Mỹ (chẳng hạn loạt phim Transformers) hoặc các phim đề cao tinh thần dũng cảm sắt thép của quân đội Mỹ. Act of Valor ra mắt cách đây không lâu là một ví dụ. Đây là một trong những dự án hiếm hoi được thủy quân lục chiến giúp đỡ nhiệt tình. Được quay ngay bên trong trại huấn luyện SEAL (nơi mà báo chí cũng không thể vào nếu không được mời một cách hạn chế), phim nói về sứ mạng của biệt đội SEAL trong việc ngăn chặn một tên khủng bố Chechnya âm mưu đưa toán khủng bố liều chết vào Mỹ bằng cách vượt biên giới Mexico.
Thành thực mà nói thì Act of Valor có những cảnh quay cực đẹp và hấp dẫn, lột tả thành công hoạt động tác chiến của lực lượng SEAL. Họ phối hợp ra sao, tổ chức kế hoạch và vào cuộc với tinh thần thép như thế nào… Không chỉ được giúp đỡ quân cụ, đoàn làm phim Act of Valor còn được hỗ trợ hàng chục lính SEAL tại ngũ trong các vai phụ. Buổi chiếu ra mắt đầu tiên của Act of Valor tại New York đã được tổ chức trên… hàng không mẫu hạm USS Intrepid (tham chiến từ Thế chiến thứ hai và được “giải ngũ” năm 1974); trong khi sự kiện ra mắt tại Los Angeles được tổ chức với màn nhảy dù của một toán SEAL thứ thiệt!
Đạo diễn Scott Waugh trong một cảnh quay Act of Valor (Bandito Brothers)
Công bằng mà nói thì sự can thiệp FLO trong những phim mà họ hỗ trợ thật ra không quá lộ liễu đến độ trơ trẽn. Yếu tố hấp dẫn thương mại theo tiêu chí và công thức làm phim của Hollywood vẫn lấn át yếu tố “tuyên truyền” nếu có. Xem các phim này người ta vẫn thấy tính giải trí của chúng, vẫn thấy đó là sản phẩm đặc thù chất điện ảnh Hollywood hơn là một sản phẩm ra lò từ Lầu năm góc. Nói cách khác, đó là những sản phẩm được định hình bằng tư duy điện ảnh, trước khi chúng được thêm chút gia vị của ý đồ tuyên truyền. Cả Hollywood lẫn Lầu năm góc hẳn phải hiểu rằng, khán giả Mỹ chắc chắn khó có thể chấp nhận vào rạp để xem một bộ phim từ đầu đến đuôi thuần túy miêu tả “quân đội ta” anh hùng như thế nào! Muốn lấy tiền khán giả Mỹ, phải có “nước mắt chiến tranh”, phải có bi kịch, phải có cảnh “lính mình” bị giết… Hơn nữa, cũng chẳng Bộ quốc phòng nào trên thế giới có thể chấp nhận hỗ trợ, nếu bộ phim mang nội dung bôi nhọ người lính hoặc miêu tả tiêu cực về diện mạo quân đội nước mình, cho dù đôi khi điều đó là sự thật!