Mộ chiến sĩ vô danh ở Khải Hoàn Môn Paris

ByP. NGUYỄN DŨNG

Ngày 20-09-2020 (GMT +7)

Dưới chân Khải Hoàn Môn, một địa chỉ tham quan hàng đầu tại Paris mỗi năm thu hút hàng chục triệu du khách quốc tế, là ngôi mộ Chiến sĩ vô danh. Anh ta là ai, một lính trơn hay một sĩ quan? Anh ta thuộc đơn vị nào của binh chủng nào? Anh ta là một thanh niên vừa mới nhập ngũ hay là người đàn ông chủ một gia đình? Anh ta tử thương ở mặt trận nào, khi bao nhiêu tuổi? Những thắc mắc mà hai đứa con thi nhau hỏi bố lúc chúng đứng trước ngọn lửa bất diệt khiến tôi phải ra sức tìm đọc các tạp chí lịch sử.

Khi tiếng súng đã im

Cách nay hơn 100 năm, vào lúc 11 giờ sáng ngày 11-11-1918, tiếng còi hụ đồng thanh vang lên ở khắp các chiến tuyến bên Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Áo, Hung, Thổ, Ý... báo hiệu thời khắc đình chiến bắt đầu có hiệu lực. Cuối cùng, sau bốn năm giao tranh ác liệt trong cuộc đại chiến đầu tiên của cả thế giới với mục tiêu ban đầu là tiến hành “cuộc chiến lớn để kết thúc mọi cuộc chiến”, tiếng súng thực sự im lặng.

Người sống sót bàng hoàng tỉnh cơn ác mộng kéo dài từ ngày 28-07-1914, đẩy cuộc sống của họ và người thân, bạn hữu vào những gian khổ không thể tưởng tượng nổi. Cuộc đại chiến đã khiến chín triệu người lính và bảy triệu người dân thường thiệt mạng và hơn 120 triệu người khác bị ảnh hưởng trực tiếp. Rất nhiều người lính từ mặt trận trở về, dù họ thuộc phe Đồng Minh (Anh, Canada, Úc, New Zealand, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Nga, Mỹ) hay phe Đức, Áo, Phổ, Ý, Bungari và đế chế Ottoman, đã trở thành phế nhân, không què quặt, đui mù thì cũng bị khủng hoảng tinh thần suốt quãng đời còn lại. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, công cuộc tái kiến thiết được tiến hành. Nhưng trong lòng người dân châu Âu đã hằn sâu sự uất ức, sự giận dữ và sự căm thù để rồi chỉ hai thập niên sau đó đã lại nổ ra cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai nhiều lần kinh khủng hơn nữa.

Mộ Người lính vô danh

Tức giận vì những tranh cãi bất tận

Sự bực tức và nỗi trăn trở là tâm tư chính của đông đảo người Pháp vào thời điểm 20-10-1920. Cả nước Pháp cảm thấy tủi nhục và bị phản bội. Vì tin thời sự loan đi từ bên kia bờ biển Manche cho biết vào ngày 11-11-1920, kỷ niệm hai năm ngày Thế chiến thứ nhất kết thúc, người Anh sẽ cử hành lễ truy điệu và nhập xác một người lính vô danh vào trong lòng đất bên dưới ngôi giáo đường Westminster nguy nga ở thủ đô London. Người lính không rõ họ tên ấy sẽ đại diện cho tất cả “tommies” (từ gọi sĩ quan và binh lính Anh) hy sinh trong các trận đánh diễn ra trên đất liền của lục địa châu Âu.

Người Pháp tức giận vì chính phủ của họ chẳng có hành động cụ thể nào tưởng nhớ những “poilus” (tên bình dân gọi một cách thân thương những người lính Pháp trông dơ bẩn nhưng rất can đảm ở các mặt trận gồm toàn những giao thông hào ở Pháp và Bỉ). Càng tức giận nhiều hơn vì ý tưởng vinh danh những người lính hy sinh thực ra đã xuất phát trước nhất tại Pháp. Ngay từ năm 1816, người ta đã có ý định đưa xác một “poilu” thời chiến tranh Pháp-Phổ năm 1877 vào trong điện Panthéon an nghỉ cạnh hài cốt những vĩ nhân lịch sử Pháp.

Người Pháp giận dữ nhớ rằng, trước đó một năm, sau rất nhiều trì hoãn, vào ngày 12-11-1919, đề xuất đưa xác một poilu vào Điện Panthéon mới được Quốc hội Pháp nhất trí thông qua. Nhưng sau đó đã diễn ra những cuộc tranh cãi bất tận giữa hai cánh tả, cánh hữu có ý tưởng đối nghịch nhau. Các dân biểu cánh hữu không chấp nhận chôn anh lính cạnh những vĩ nhân trong một ngôi đền xây dựng từ thế kỷ 18. Họ lập luận rằng, người lính được vinh danh sau cuộc chiến cứu quốc nên phải được chôn dưới Khải Hoàn Môn. Các dân biểu cánh tả thì cho rằng Khải Hoàn Môn là một hình ảnh biểu trưng cho sự thống trị của đế quốc và do đó họ muốn nơi an táng có dấu chỉ kiến tạo hòa bình!

Dư luận rất căng. Không ít những bà mẹ Pháp đã mất cả bốn con trai trong cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Không ít những người mẹ, người vợ, người chị, người em không bao giờ tìm lại được xác con trai, chồng, anh của họ. Những quả đạn pháo đã nổ tung, xé nát xác người thân của họ văng tứ tán vào lòng đất. Ngày 31-10-1920, xuất hiện trên tờ báo Le Journal một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Cộng hòa Pháp Alexandre Millerand. Tác giả bức thư, cựu binh Binet-Valmer, viết: “Tôi không phải là người của những đe dọa, nhưng sự giận dữ sẽ đến lúc không thể kiềm chế được nữa!”.

Như được mở khóa, giới làm luật vội quyết định. Ngày 8-11-1920, họ bỏ phiếu tán thành việc chôn xác một chiến sĩ vô danh trong lòng đất dưới chân Khải Hoàn Môn ở Paris, nghi lễ an táng sẽ được cử hành vào đúng ngày 11-11-1920, hai năm sau khi tiếng súng đã im lặng. Các vị tướng chỉ huy tám mặt trận máu lửa kinh hoàng nhất trong thời chiến (Artois, Aisnes, Champagne, Flandres, Ile-de-France, Lorraine, Somme và Verdun) được lệnh cấp tốc tìm xác một binh sĩ nào đó đã được chôn cất nhưng không rõ họ tên, số quân...

Tượng một “poilu”, lính bộ binh Pháp

Người lính vô danh

Đây là một nhiệm vụ không đơn giản vì ở những mặt trận ấy xác lính Pháp, lính Anh, lính Đức đã tan nát hòa quyện vào nhau, vào đất, vào bùn. Tuy nhiên vào ngày 9-11 người ta cũng tìm được tám xác, mỗi xác nằm gọn trong cái hòm gỗ sồi, được khiêng vào căn hầm rộng lớn phía dưới pháo đài lớn ở Verdun. Tám cái hòm được xếp thành hai hàng ngang bốn hòm, phủ Quốc kỳ Pháp và nhành dương liễu bằng đồng. Căn hầm được chiếu sáng bởi những ngọn nến lớn cắm sâu vào những tút đạn đại pháo. Đội quân danh dự thay nhau túc trực canh gác.

Lại thêm một nhiệm vụ khó khăn nữa, ai sẽ chỉ định xác người lính nào sẽ là Chiến sĩ vô danh? Giao việc này cho một bà góa chiến tranh hay một thiếu nữ hay một sĩ quan đã có chiến công hiển hách? Quyết định cuối cùng: sẽ là một người lính tầm thường. Bình minh ngày 10-11, người lính được chỉ định làm việc ấy – một poilu da đen quê ở Fort-de-France (đảo Martinique) từng tham chiến ở hai mặt trận máu lửa Chemin des Dames và Verdun – bỗng nhập viện vì sốt thương hàn. Nhờ vậy mà người ta biết đến anh. 12g trưa, anh lính trơn Auguste Thin mới 19 tuổi, quê ở Port-en-Bessin (vùng Calvados), tình nguyện nhập ngũ ngày 3-1-1918 và được điều đến Trung đoàn bộ binh số 132 đi gặp cấp trên. Bố của Auguste cũng là một poilu đã chết ở trận đánh lớn quanh đồn Vaux. Auguste Thin là một trong số rất ít binh sĩ sống sót ở mặt trận vùng Champagne mùa hè 1918. Thin được lệnh đi nhận bộ quân phục mới để chu toàn một nhiệm vụ quan trọng.

Bốn tiếng sau, Thin trình diện đội quân danh dự đứng nghiêm trước hai hàng quan tài đựng có thể là xác của tám người bạn chiến đấu của anh ta. Bộ trưởng cựu chiến binh và lương hưu André Maginot trao cho anh bó hoa cúc vàng pha trộn với cúc đỏ và nói: “Bó hoa này anh đặt lên quan tài nào thì ai nằm trong đó sẽ là Người lính vô danh được cả nước Pháp tưởng niệm ngày mai tại Khải Hoàn Môn!”. Tiếng trống nhịp theo tiếng kèn cất lên khúc bi thương tưởng nhớ chiến sĩ trận vong và rồi im bặt. Auguste Thin chậm chạp từng bước cứng ngắc, da mặt đỏ hằn lên vì quá căng thẳng, theo sau là ông bộ trưởng, đức giám mục, ông thị trưởng. Mọi người xung quanh như nín thở. Anh lính đi một vòng qua các quan tài, thêm một vòng và đặt vội bó hoa lên nắp một quan tài. Sau này Thin kể rằng, “Đi xong một vòng tôi chợt nảy ra ý nghĩ đơn giản. Tôi là lính thuộc quân đoàn 6, trung đoàn 132. Cộng những số 1, 3, 2 lại tôi có số 6 trùng với số hiệu của quân đoàn. Tôi đi từ bên phải đến linh hòm số 6 thì đặt hoa”.

Cỗ quan tài số sáu ấy được đặt lên giá một khẩu pháo 75 ly kéo bởi sáu con ngựa đến nhà ga đường sắt đưa về thủ đô. Đầu buổi chiều ngày 11-11-1920, sau khi ghé qua Điện Panthéon, nó đã được chuyển sang giá một khẩu pháo 155 ly, di chuyển trên đại lộ Champs Élysées và rồi dừng lại ngay dưới vòm Khải Hoàn Môn. Lúc 19g, sau khi được ban phép lành bởi Đức Tổng giám mục giáo phận Paris, quan tài được đưa vào một căn phòng ở dưới chân cột bên trái chờ đến khi hoàn tất đào mồ.

Đến ngày 28-1-1921, vào lúc 8h30 sáng, quan tài đã có nơi an nghỉ vĩnh viễn. Một phiến đá hoa cương dày phủ lên trên với hàng chữ “Nơi đây an nghỉ một người lính Pháp đã hy sinh vì tổ quốc. 1914-1918”. Rồi từ ngày 11-11-1923 đến nay ngọn lửa bất diệt luôn bập bùng trên ngôi mộ ấy.

Bài và ảnh:  P. Nguyễn Dũng

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin