Mình và Phật-pháp

Mình và Phật-pháp

Ngày 21-07-2020 (GMT +7)

ByPETRUS KHANG

Cái duyên với đức Phật được “gieo” từ lớp 6 trong môn lịch-sử. Mà trong ngôi trường XHCN, vô thần, thì “hạt” chỉ được gieo thế thôi.

Năm mình lớp 11, chương trình giáo lý phổ thông của giáo phận Nha Trang mình có học một phần về các tôn giáo khác. Trong đó, mình được học về Phật giáo một cách bài bản và nghiêm túc.

Đọc Nhật ký truyền giáo của cha Pi-ô Ngô Phúc Hậu, được ngài kể nhiều kỷ niệm về Phật giáo ở xứ phương Nam:

Có người đàn bà muốn theo đạo Chúa nhưng bà vẫn yêu đức Phật. Bà chuẩn bị được “Rửa tội” thì mới có người đi ngang qua nhà bảo bà theo Chúa thì phải bỏ tượng Phật. Bà nghe vậy không muốn chịu phép rửa nữa và nói với cha Hậu: “Ông Phật ổng ở với tui từ cái hồi tui còn nhỏ xíu, giờ tui thấy yêu Chúa, tui theo Chúa mà ông Phật cũng là con của Chúa, cũng dạy người ta sống điều lành điều thiện vậy sao tui phải bỏ ông Phật.” Cha Hậu sau suy nghĩ và xin phép “bản quyền” đã về và trả lời cho bà: “Bà yêu ông Phật thì cứ để ông ở đó. Nhưng dù gì Ngài cũng là con người, có kính có yêu nhưng không được thờ. Người Công giáo chỉ thờ Chúa thôi nhé!” À ra ông Phật cũng có “nét” giống Chúa Jesus và mình nhỉ. Đức Phật cũng ăn, ở, sống với các tín đồ của Ngài như Chúa Jesus cũng cùng học, cùng chơi với mình trong quá khứ. Một người đàn bà Nam bộ chân lắm tay bùn, cả đời theo đức Phật mà nói một câu thiệt là thần học: “Ông Phật cũng là con của Chúa….”

Có lần Cha và nhóm thiếu nhi đi cắm trại, xin vào một chùa để cắm trại. Sau hai ngày, cha sợ về không kịp thánh lễ, nên xin các sư được làm lễ ở sân ngoài của chùa. Vị sư trụ trì trả lời: “Kính thưa Linh mục, thánh lễ là điều cao quý nhứt đối với người Công giáo. Vì vậy, tui xin Linh mục và các cháu vào gian chính để làm lễ. Xin cho tui và đệ tử mấy phút để che bớt tượng Phật lại”. Cha Hậu kể: “Đó là thánh lễ đặc biệt nhứt đời của mình. Thánh lễ giữa một ngôi chùa Nam bộ, có sự tham gia của các sư của chùa. Nó là thánh lễ sốt sắng nhứt cuộc đời linh mục của mình.” Hồi lớp 10, đọc tới đây tự nhiên mình rớt nước mắt. Những con người khiêm nhường và đón nhận người khác. Những “đấng-chân-tu” dùng tôn giáo làm phương tiện “cứu-rỗi-chúng-sanh” chứ không phải là mục đích để “đấu-đá-tranh-giành”. Mình nghĩ nó sẽ là thánh lễ mà Thiên Chúa hạnh phúc nhứt nhìn đàn con của mình dù theo “phương tiện” nào cũng luôn hướng về “thiện lành”.

Cái thuở đó, Phật giáo là điều gì đó thật thiêng liêng mà các cha yêu mến, kính phục, dạt dào tình cảm và thật xúc động.

Cấp III bắt đầu học xa cái ngôi làng bé nhỏ, bắt đầu tiếp xúc với những người bạn ngoài Công giáo, mà tôn giáo “tự-nhiên” của người Việt là Phật giáo.

Xem phim ảnh, tự nhiên thấy thích Phật giáo Mật tông. Thích cái huyền thuật mờ ảo, thích cái giả giả thật thật. Đọc nhiều hơn về đức Đạt-lai-lạt-ma. Đọc nhiều hơn về Phật giáo, đọc nhiều hơn về Mật tông.

Được gặp chị Ngân Đỗ, được chị chỉ dẫn và giới thiệu nhiều sách hay để bắt đầu tìm hiểu về Mật tông, để biết bỏ qua cái “thần chú” ảo diệu mà tìm về nguồn gốc chân thật của Phật pháp.

Được tình cờ biết đến Linh mục Thiện Cẩm, Op. Ngài từng là Tiến sĩ Phật học từ Ấn độ về. Thiệt là lạ nhỉ. Một vị linh mục Công giáo được gửi đi để học về Phật giáo. Ngài cũng là người từng dịch và phổ nhạc rất nhiều bài thơ của Tagore. Đi sâu một chút hình như có mối liên kết sâu xa nào đó giữa Công giáo và Phật giáo. Một ca khúc ngài viết theo ý thơ của Tagore mà mình rất ưng: Thiện Cảm, Op – Tình Chúa yêu con | Ca đoàn: Gregorio

Rồi tình cờ được biết một cha dòng Tên, mình cố gắng nhưng vẫn không nhớ nổi tên của Ngài, từng là Thạc sĩ Phật học. Ngài từng học ở Trường Phật học Thiền viện Trúc Lâm trước khi đi du học về ngành này. Những năm 2004-2008, ngài phụ trách giới trẻ Công giáo ở Sài Gòn. Mình từng đọc được một câu nói của một Thần học gia người Ấn độ: “Nơi kết thúc Thần học Phật giáo là nơi bắt đầu Thần học Kitô giáo.”

Rồi tình cờ được nghe cha Michael Phạm Quang Hồng, một linh mục già đang sống ở Úc để nghe về “thiền” dưới con mắt của một vị linh mục. Cha Hồng xưa là một Frere, sư huynh, dòng Lasan, một dòng chuyên giảng dạy và mục vụ giáo dục đặc biệt là trẻ em nghèo. Cá nhân mình cũng rất thích cái suy tư của Ngài về việc: “Đừng đồng hóa Thiên Chúa thành con người nhỏ nhoi, một ông quan tòa hay một chú cảnh sát để xét đoán và hạch sách từng người về tội lỗi. Những điều ta làm có phải liệu do ta? Nhiều khi ung thư gan là do những năm tháng trong quá khứ ta đam mê rượu bia quá độ, nhiều khi tai nạn xe là do đam mê tốc độ hay không chấp hành luật giao thông... Chẳng có Thiên Chúa nào tạo ra điều dữ hay tạo ra điều dữ rồi bắt con người dính vào, mà đó là tự do lựa chọn của con người mà thôi”. Tư tưởng này cũng có nét tương đồng với “duyên-nợ” của Phật pháp. Những gì mình chịu đều là duyên do mình gieo, duyên lành là thiện-duyên, duyên xấu là nghiệp-duyên… Cha còn bàn rất nhiều về thiền, hôm nào có dịp mình sẽ chia sẻ về những thứ mình học được về thiền.

Người cuối cùng cũng là người mình học được nhiều nhứt và cũng là cái “duyên” lớn nhứt đối với mình là thầy Thích Pháp Hòa. Mình chưa bao giờ gặp thầy, nhưng có dịp được nghe thầy thuyết pháp một vấn đề đang bị các “sư quốc doanh” đem ra mổ xẻ. Một người dí dỏm, nói chuyện “chính sự” mà đầy châm biếm nhưng tinh thông Phật học. Mình nghe rất nhiều bài giảng và học được rất nhiều điều về thầy.

Cuối cùng chắc cũng phải cảm ơn cái “duyên” hay “nghiệp” lớn nhứt mà làm cho mình “sấn sổ” vào Phật giáo nhiều hơn, đó là một-ai-đó từ Chùa Ba Vàng. Một con người nói về “tình dục”, biến nó thành thứ xấu xa băng hoại mà con người phải mang vào thân. Trong khi đối với Công giáo, “Tình dục là món quà mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Vừa giúp con người duy trì nòi giống, vừa giúp họ triển ở tình yêu trong bậc sống vợ chồng.” Một cách nói dí dỏm của cha Vũ Thế Toàn: “Tình dục là một món quà mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Nó sướng tới mức mà nghĩ là thấy sướng rồi. Nó là món quà tuyệt đẹp dành cho những cặp đôi khi đã thành vợ chồng dành cho nhau”. Ấy vậy mà một-ai-đó nói nó xấu xí ghê cơ.

Thế nên nhân tiện mình có dịp để đọc nhiều hơn về tình dục trong Phật học, đặc biệt là đọc được tác phẩm Buddha and love: Timeless wisdom for modern relationship của Ole Nydahl, tình yêu rồi cả về nhân sinh quan, thứ mà mình vốn dĩ nghĩ nó cũng tương đồng với Khổng giáo vì cũng phát triển ở Trung Quốc. Nhưng càng đọc, càng tìm hiểu, mình mới thấy càng yêu và quý trọng Phật pháp hơn. Tiếc là nhiều đệ tử đức Phật chưa giữ được cái “minh triết” như Ngài muốn, mình không nói đến các sư quốc doanh nha...

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin