Ngày 03-11-2020 (GMT +7)

Buổi sáng 1-11-2020, chuyến xe từ thiện lần mò đến được Ba Lòng, Dakrong, Quảng Trị. Con đường lầy lội, đôi lúc dừng lại bởi những đoạn sạt lún đỏ ngòm. Hai bên là núi và lũng sâu. Đây là một trong những nơi khốn khó nhất với người dân, vì nước lụt vẫn bất thần đến từ thủy điện và mưa, sạt lở đổ xuống từ trên cao, rồi đến bùn nhầy vây chặt các lối vào. Dân kể rằng trong hai tuần của tháng 10, họ chịu đến sáu lần lụt lội, mọi thứ trôi và chết theo nước nên giờ chỉ còn biết khoanh tay chờ cứu trợ đến hết năm, vì bao nhiêu thứ làm ra, dành dụm được từ đầu năm đến nay đã trôi tuột. Thậm chí thóc ngâm nước, ngậm sình khi gom lại được, gà vịt cũng không buồn ngó đến.

Lướt qua trong khung hình camera của tôi là những gương mặt sạm nắng núi. Khó nhọc ở nơi đó khiến người Kinh và người dân tộc Vân Kiều chỉ còn khác nhau một chút ở trang phục. Nụ cười của họ cũng giống nhau: chất phác và chịu đựng. Ngoài người Vân Kiều, sắc tộc thiểu số ở đây còn có Pa Kô, Vân Kiều, Tà Ôi, Pa Hy, K’Tu… Các sắc tộc thiểu số ở đây đều nghèo và rất nghèo. Cuộc sống của họ là tự cung tự cấp, phần lớn học vấn cũng không qua tiểu học.

Trong đám đông xôn xao tụ họp ở sân trường chờ phát phiếu, gọi tên nhận quà từ thiện, tôi nhận thấy có một bà cụ ngồi lặng lẽ, kéo điếu thuốc kiểu Cẩm Lệ nhả khói chầm chậm với ánh mắt quan sát, như diễu cợt. Mọi người ở đó ai cũng biết mệ. Ắt mệ là một người nổi tiếng hay quen thuộc trong làng. Ghé lại hỏi thăm mệ đã nhận quà chưa, mệ nheo mắt, cười nửa miệng "mất phiếu phát quà rồi, không biết có được cho không".

Mệ là cách gọi phổ biến ở miền Trung. Mệ có nghĩa là mẹ, là bu. Nhưng nhích vào phía Thừa Thiên Huế, thì mệ ở đây còn có nghĩa là “bà” theo cách gọi kính trọng con gái (con trai) dòng dõi vua trong triều đình nhà Nguyễn. Phong thái ung dung của mệ, làm tôi cứ liên tưởng đến một mệ hoàng tộc nào đó, lưu lạc đến tận nơi này. Đành phải vấy bùn nhưng không dứt được cội nguồn sang trọng thời son sắc. Cũng có vài trường hợp những người đến nhận quà từ thiện nhưng bị mất phiếu. Ai nấy cũng đều khẩn khoản và lo lắng. Thế nhưng chữ “mất” nói ra trên khóe môi của mệ, nghe thoảng qua như làn khói thuốc.

Mất, là một động từ quen thuộc của những người miền Trung chịu bão lụt hàng năm. Thậm chí mất là một biến động trong đời có thể pha trộn cả sợ hãi và buồn bã. Vậy mà mệ nói với vẻ nhẹ nhàng, như chừng mất nữa, và có mất thêm nữa, thì có sao đâu.
Mệ có một phong thái đầy uy lực khác thường. Không cầu xin, không vội vã. Cười nhẹ và thản nhiên. Sự ung dung của mệ cũng khiến mấy chị mấy cô chung quanh sốt ruột giùm, lao xao nói để làm chứng cho vụ mất phiếu nhận quà của mệ. Buổi sáng phát quà trôi qua dưới trời lâm râm mưa, âm u không nắng. Những người cuối cùng cũng ra về. Tôi để ý tìm xem mệ có nhận được quà chưa thì thấy mệ cũng lững thững ra về, vai khoác túi quà. Miệng vẫn bập điếu thuốc rê hờ hững trên môi. Nhác thấy tôi nhìn, mệ cười (cũng kiểu cười rất “mệ” ấy) và gật đầu, ra dấu cám ơn. Mệ làm động tác như hỏi tôi có hút thuốc không, chắc muốn mời tôi một hơi Cẩm Lệ chăng. Thấy tôi từ chối và chào, mệ lại cười và quay lưng chậm rãi đi.

Chúng tôi lại chạy lui ra, vội vàng, để tránh việc nhà máy thủy điện gần đó có thể xả lũ bất cứ lúc nào, do dự báo mưa lớn ập đến. Chạy dọc những ngôi nhà xiêu vẹo, dọc theo các bãi bờ đã ngập bùn, người đi chung chỉ cho tôi thấy những dấu bùn còn bám cao trên những thân tre cao, tức dấu nước đã dâng ghi lại thành mốc: có nơi cao cả ba mét. Tôi tự hỏi những người như mệ sẽ làm thế nào vào những lúc như vậy. Giữ được một phong thái an nhiên ở vùng đất mờ sương, sạt lở, nước nối trời bất định kỳ, ắt hẳn, những người phụ nữ như mệ đã coi sống chết như lẽ vô thường, chấp nhận và tồn tại theo định mệnh cộng thêm một chút vui buồn làm gia vị mà thôi.

Nhìn qua ô kính, lướt qua các lũng sâu, tôi lại nghĩ đến hàng ngàn phụ nữ Việt Nam đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, hay dứt áo ra đi xuống các đô thị lớn để kiếm sống, tự giam mình trong các căn nhà trọ nóng nực, nhỏ hẹp để tìm một “tương lai”, chỉ mong là có một cuộc sống khác bớt khắc khổ hơn với nơi nông thôn họ đang sống. Mỗi người có một giấc mơ của mình, có những khát vọng nhỏ bé… mà đôi khi khởi đầu chỉ bằng một căn phòng có nhà vệ sinh đúng nghĩa. Những cuộc đời Việt Nam mang theo giấc mộng con hiền lành, chịu nhiều phán xét nhưng chắc gì đã toại.

Mệ ngày xưa chắc là một phụ nữ đẹp, khối thằng đàn ông chắc đã mê mệt chạy theo mệ ấy nhỉ. Nhưng rồi mệ đã lỡ chuyến tàu định mệnh nào đó của mình, nên giờ chỉ nhẹ nhàng cười nửa miệng và chấp nhận những buổi chiều heo hút ngập sương mù bao phủ cả dãy Trường Sơn đến cuối đời. Có bao nhiêu phụ nữ như mệ, đành lặng lẽ và cô đơn trong cuộc đời Việt Nam của mình như vậy, một Việt Nam rực rỡ đèn màu phố thị dễ làm quên bóng tối sâu hút ở các vùng quê. Câu hỏi đó, hiu hắt cả giấc ngủ mệt nhoài của tôi, và dù tỉnh dậy, tôi biết chắc rằng mình cũng sẽ khó mà tìm thấy một lời đáp.

----------------

Khác với những tộc khác, người Vân Kiều có đến 90% lấy họ Hồ, mà theo lời kể từ lịch sử đảng Cộng sản, thì để tỏ lòng biết ơn và kính trọng ông Hồ Chí Minh nên người Vân Kiều, Pa Kô đều lấy họ Hồ. Nhưng chiều dài khác của lịch sử thì ghi rằng, trước khi sang Kinh hóa họ tên của mình theo giấy tờ, người Vân Kiều thường có họ là Arâl, Târnau, Kê, Pata, Plo, Prung… dựa trên sự vật, cây cỏ, con thú… Sau khi được chiêu mộ làm bộ đội Bắc Việt, một người Vân Kiều tên là A Vai được phong danh hiệu anh hùng, và được ông Hồ Chí Minh ban cho họ của mình, được gọi là Hồ A Vai. Anh A Vai khi quay trở về làng của mình và cũng vận động tất cả dân làng lấy họ của ông Hồ Chí Minh.

Năm 1946, trước khi chuẩn bị cho Tổng tuyển cử, từ chiến khu Việt Bắc, ông Hồ Chí Minh cử đoàn cán bộ vào thăm hỏi đồng bào hai dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở mặt trận phía Tây Trị Thiên, mang theo nhiều bức hình của ông tặng các bản, tặng nhiều áo lụa cho các già làng, thuyết phục tộc này đi theo đảng Cộng sản. Nghe lời cán bộ, các già làng đã tổ chức đâm trâu, đồng ý đổi họ Kinh là Hồ để ghi tên trong thẻ cử tri, cho việc tổng tuyển cử. Đó là tháng 6-1946. Hiện chỉ còn có vài phần trăm người Pa Kô, Vân Kiều ở Đông Trường Sơn là còn giữ họ gốc theo truyền thống của mình. Nhưng cùng với những người cùng sắc tộc của mình đã đổi họ theo Kinh, tất cả đều nghèo khó.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin