Làng ở Mỹ

ByTHANH NHÀN

Ngày 20-09-2020 (GMT +7)

Đã quen thuộc với cảnh làng quê, hàng tre khóm trúc quanh co, đi dọc bờ sông thuyền ghe qua lại, nhà nào như cũng "bà con", hàng rào dâm bụt, thấp thoáng sân phơi lúa… Nay lại trải nghiệm mới với hai ngôi làng ở Mỹ

Chiều hè hơn 7 giờ mặt trời vẫn chưa lặn, gió mơn man trên dãy bắp trổ cờ. Đám trẻ con lăng xăng theo chân người lớn, len lỏi qua những bờ rau. Có thể phần nào nhận ra gốc gác của người trồng trong số gần năm chục khoảnh đất vuông vắn thuê lại của Làng. Bắp cải, cà bi, đậu hà lan, củ hành ngọt… là của mấy giáo sư già người Mỹ, trồng vui là chính. Thể nào cũng xen lẫn mấy bụi hoa huệ tây, cúc ngũ sắc, hoặc hướng dương viền rìa thửa đất. Khoảnh nào toàn ớt chuông, đậu bắp, bí ngô, rau diếp… thì có thể đoán ra chủ là dân Mễ, Ấn, hoặc Trung Đông. Ra luống rạch ròi nào mồng tơi, khổ qua, đậu đũa, hành, hẹ, húng thơm…, đích thị mấy anh chị người Hoa, Việt hay Hàn Quốc. 

Một ngôi làng ở Chicago

Thời tiết ở đây thì chỉ có thể trồng rau cải "tài tử" thế này khoảng tháng năm đến tháng mười. Vậy mà năm nào khu đất trống của Làng Purdue dành riêng cho hoạt động này cũng kín người thuê và tấp nập người mua kẻ bán, lặt hái tại ruộng, suốt trong hè. Không phải kinh doanh kiếm lời, mà phần lớn vì nhớ đất quê, thèm ăn món dân dã. Chiều chiều mang vài đồng ra "ruộng rau", mặc định một đồng một túi, xách về ba túi rau muống, mồng tơi, cải ngọt là thấy cơm ngon mấy bữa giữa xứ sở của pizza với burger rồi. 

Purdue Village nằm trong khu đất của Đại Học Purdue, tiểu bang Indiana, miền Trung Hoa Kỳ. Làng là nơi cư ngụ của hơn 500 gia đình giảng viên và sinh viên sau đại học. Có người nhận xét "chắc hiếm có Làng nào trên thế giới tập hợp nhiều cư dân thạc sĩ, tiến sĩ như ở Làng này". Cha hoặc mẹ, hoặc cả hai, đi học, đi làm nghiên cứu ở trường. Ông hoặc bà hoặc cả hai sang chơi thăm cháu, giúp con. Trẻ con đi nhà trẻ mẫu giáo ở Làng tới vô tiểu học mới chuyển trường lên thành phố. Chúng nó líu lo với nhau bằng đủ thứ tiếng ở các khoảnh sân chơi, vậy mà vẫn vang rần vui vẻ. Vì tính chất công việc, ít có cư dân nào ở lâu trong Làng quá sáu, bảy năm. Nhưng cộng đồng Làng vẫn thường gắn bó qua nhiều hoạt động tổ chức bởi Community Center: cắm trại, tham quan, nấu ăn, làm thủ công, trang trí gốm... và cả những lớp học ngôn ngữ, học kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái dành cho các ba mẹ trẻ. 

Đại học Purdue có khu thể thao cực rộng lớn với thiết bị tiện nghi hiện đại cho đủ các môn. Nhưng thửa đất trống cạnh ruộng rau lại là sân banh ưa thích của các cô cậu sinh viên. Ngày thường thì hẹn nhau ra đó tập banh, chia đội đá vui. Có dịp thì tổ chức thi đấu, đá giao hữu với các hội sinh viên trường bạn. Thật dễ thương và cảm động khi thấy các em Việt Nam với chiếc cúp của giải bóng đá do nhóm sinh viên Việt tổ chức cho cụm các đại học khu vực, dù là trong các đội vẫn có vài anh chàng Jamaica, Hàn Quốc, Thái Lan…

Purdue Village

Đi trong đường Làng quanh co, vắng xe qua lại, dù hầu như nhà nào cũng có xe riêng, lối dành cho bộ hành thoáng mát các thảm cỏ rộng, nhiều cổ thụ rợp bóng, thỉnh thoảng vài chú sóc sột soạt băng ngang, tiếng chim chíp chiu ban mai hay trưa vắng, cảm giác bình lặng, thanh nhàn. Mặc tình ngay cạnh đó là hơn 40.000 sinh viên Purdue đang học tập, nghiên cứu, hoạt động sôi nổi, cạnh tranh và không kém phần căng thẳng như bất kỳ môi trường đại học nào. Mặc tình ngay cạnh đó là sân bay riêng của ngôi trường có ngành khoa học hàng không - không gian hiện đại, tự hào cựu sinh viên là Neil Armstrong, người Mỹ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.

Làng vẫn là Làng, vì có con người, dù là tứ xứ…

Cách Chicago khoảng 15km về phía Tây, Oak Park lại được gọi là Làng (Oak Park Village) chứ không phải là thị trấn như các vùng ngoại ô lân cận khác của một đô thị lớn. Với trên dưới 50.000 cư dân, Làng tự hào là nơi có dân số đa dạng nhất nhì cả nước. Người da đen, da trắng, gốc Tây Ban Nha, gốc Á, người da đỏ Alaska…, cùng sinh sống ở đây, nói theo cách một bà cụ địa phương "không chỉ là chốn ở, mà là phong cách sống". Quan sát trẻ con đủ mọi màu da nô giỡn, chơi đùa hồn nhiên ngoài công viên, học sinh tụm các mái đầu đủ màu tóc từng nhóm trong sân trường hay sân tập bóng, thật tình không có cảm nhận về một sự kỳ thị nào như những gì đã và đang diễn ra ngoài kia.

Cặp vợ chồng sinh viên trẻ vừa được tận tình giúp tìm thuê căn hộ ưng ý, cũng liền được trao một phiếu thông tin về “nội quy” của Làng về chống kỳ thị trong việc cho thuê nhà ở, phân biệt khu ở, hướng dẫn những ứng xử cần thiết nếu thấy có biểu hiện như thế. Dĩ nhiên không cả tin là mọi thứ đều ổn, thậm chí còn nhếch mép "chắc bị nạn này dữ lắm nên mới ra chính sách phòng chống ngăn ngừa!". Nhưng sau một thời gian cư ngụ, sau khi tìm hiểu về vấn nạn này trên thực tế ở nhiều nơi khác, mới thầm công nhận nỗ lực nhất quán và hiệu quả của những người quản lý Làng trong việc xây dựng một cộng đồng hài hòa. 

Cái thời chưa phải đeo “mask” như bây giờ, sáng sáng đi dạo vòng quanh, hít thở không khí trong lành, cười chào đáp lại mấy người hàng xóm - dù đang vội vã trên đường - hầu như chẳng ai tiết kiệm một nụ cười thân thiện. Ngay góc ngã tư, một hôm phát hiện cạnh thùng thư, có một hộp đựng bao nilon màu sậm, với dòng chữ: hãy cùng chó cưng giữ sạch đường phố. Té ra là để phục vụ các nhà dắt cún đi dạo mà quên thủ sẵn bao hốt đồ dơ của mấy “ẻm”. Công viên gần nhà mùa hè mở vòi nước phun suốt chiều đến tối cho trẻ con đùa nghịch. Thiết bị trò chơi đều chủ ý giáo dục vận động cho trẻ. Cây cao bóng mát tỏa khắp mà lúc nào cũng sạch sẽ, chỉn chu. Xem “Google maps” mới biết trên chu vi hơn 4 dặm vuông, Làng đã có 16 công viên như thế, chưa kể bảy khu vui chơi giải trí và một vườn bách thảo nổi tiếng cả Chicago. Vậy mà ngay cạnh khu đất của trường trung học vẫn còn một công trình công viên với hồ bơi ngoài trời đang được thi công. 

Thư viện ba tầng dành hẳn một tầng sang trọng cho thiếu nhi, bày trí, thiết bị, sách, phim…, đều nhằm khuyến khích văn hóa đọc cho trẻ từ bé. Tất cả đều “free”. Nếu mà ở trong nước thì tiền đâu chịu nổi! Tự nghĩ với chút ganh tỵ, họ giàu! Nhưng nghe một thương nhân lâu đời bộc bạch "làm ăn không phát hơn nơi khác, thuế không thấp, nhưng tôi không dời đi vì họ biết xài vô chuyện phúc lợi". À, cũng phải, đâu cứ có tiền thì làm nên chuyện! Việc cụ thể vì cộng đồng còn nhiều điều thú vị. Trường trung học của Làng nổi tiếng về nề nếp, về đội bóng chày, đội khúc côn cầu, về một cựu học sinh là niềm tự hào của cả nước Mỹ, văn hào Ernest Hemingway. Nhưng đáng chú ý là ngay trong trường có một nhà trẻ khá quy mô. Bây giờ thì nhận trẻ đủ thành phần, nhưng cô hiệu trưởng cho biết mục đích ban đầu là tổ chức để giúp các bà mẹ trẻ hoàn thành chương trình trung học. 

Trên tầng gác của một nhà thờ nhỏ có ba phòng giữ và dạy trẻ từ sáu đến ba mươi sáu tháng, bên cạnh là một phòng rộng cho ba mẹ hoăc người thân đem con đến gửi rồi vào ngồi làm việc. Chi phí rẻ như cho không. Lâu lâu còn tổ chức mời chuyên gia tới chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy trẻ. Họ vận hành bằng tiền thu được mỗi năm hai lần bán hàng “second hand” vận động được từ các nhà tài trợ, hoặc các nhà có con đã lớn muốn dọn bớt đồ chơi, quần áo không còn xài nữa. Một ông bố đang làm đề án tốt nghiệp phát hiện "A, hóa ra đây là chỗ giúp cho ba mẹ học lên tiến sĩ. Tên của tổ chức là Parenthesis mà". Cô phụ trách vui vẻ cười xoà "thật ra chúng tôi muốn giúp chủ yếu là các gia đình đơn chiếc và có thu nhập thấp". 

Oak Park còn là một trong những cái nôi của ngành kiến trúc, xứ sở của kiến trúc sư nổi tiếng Frank Lloyd Wright và một số môn đệ của ông. Các ngôi nhà thiết kế độc đáo vẫn được bảo tồn và phục vụ công chúng tham quan. Làng có một thôn nghệ thuật với kiểu dáng đèn đường họa tiết chi li, tượng điêu khắc trưng bày mỹ thuật dọc vỉa hè, phố đi bộ lát gạch đá lưu giữ lại từ xưa, thi thoảng lại có mấy chiếc ghế băng cho khách bộ hành thong dong nghỉ chân. Đây cũng là nơi diễn ra những lễ hội của Làng, cũng pháo hoa, xe thồ, trò chơi tập thể, gian hàng thủ công bản địa, ca nhạc rộn ràng.

"Làng" nghe có vẻ cổ xưa, nhưng lại là một trong những nơi đi đầu dùng hệ thống “Ép rác bằng năng lượng mặt trời” đặt tại nơi công cộng. Là nơi liên tục nhận giải thưởng phát triển Xanh của bang Illinois. Vừa sau Giáng Sinh đã thấy ngay chương trình thu gom tái sử dụng các dây đèn trang trí cây Noel của mỗi gia đình. Chưa kể các hoạt động thường xuyên quanh năm phục vụ cho việc tái chế, tiết kiệm vì môi trường. Tuy không phải mọi thứ đều yên bình. Bản tin online vẫn "giựt tít" các vụ gây hấn ấu đả, trộm vặt, móc túi, hacker, hay các vụ tranh cãi kéo dài về dự án mở rộng tuyến Metro xén qua đất của Làng, vụ dân chất vấn chính quyền quá ưu đãi cho nhà đầu tư kéo dài thời gian hoàn thành công trình…

Nhưng có dịp nhìn, nghe, ngẫm nghĩ, mới thấy thật thú vị khi thầm so sánh trong đầu, cái này cũng giống ở xứ mình, điều nọ thiệt lạ lẫm, chuyện này chỉ có bên Tây, hay việc kia quê mình bao giờ làm được...

Xa quê mà vẫn gần Làng là vậy! 

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin