Làm sao để giải mã và thúc đẩy động lực học tập từ bên trong của học sinh?

Làm sao để giải mã và thúc đẩy động lực học tập từ bên trong của học sinh?

Ngày 16-03-2021 (GMT +7)

ByNGUỒN SÁNG

Liệu có phải tất cả học sinh đều chán ghét, hay nói cách khác là cảm thấy không có hứng thú khi tới trường? Tại sao tỷ lệ học sinh, sinh viên không biết rõ ước mơ, định hướng cho tương lai lại cao một cách đột biến? Phải làm thế nào để có thể đánh thức nội lực tiềm ẩn và động lực học tập của học sinh? Và có thực sự khả thi khi cố gắng đánh thức “nội lực” này? Mời các bạn đọc bài viết sau để tìm ra câu trả lời.

Minh họa: Unsplash

Động lực nội tại là mấu chốt cho thành tích học tập của học sinh – nhưng động lực tác động từ bên ngoài lại thống trị lớp học. 

PROVIDENCE, R.I – Khi Destiny Reyes bắt đầu vào tiểu học, cô bé mang trong mình tràn đầy năng lượng và động lực học tập. Như hầu hết các trẻ em khác, cô bé thích học hỏi, khám phá những điều mới lạ và nhanh chóng trở thành một tài năng trong học tập. Cô đạt điểm tốt và say sưa với những thành công của mình; học tập và phát triển trong một môi trường như thế đã (ít nhất) ngầm sinh ra tính cạnh tranh với các bạn học của cô bé. Cô đứng đầu lớp và dần chứng minh năng lực bản thân rõ ràng hơn nữa qua việc ứng tuyển vào một trường trung học tư thục danh tiếng có mức cạnh tranh cao. Nhưng, so với những học sinh sáng giá nhất tại Providence, thì thật không dễ dàng cho cô bé tranh vị trí đầu lớp như trước, và rồi niềm đam mê, hứng thú về trường học và việc học của cô bé bắt đầu giảm sút đi. Cuối cùng, cô phải thừa nhận không gì có thể làm động lực thúc đẩy chính mình được. Cô đến trường vì đó là điều bắt buộc phải làm mà thôi.

Destiny, giờ đây đã 18 tuổi, giống như hầu hết các sinh viên khác tại Hoa Kỳ. Các cuộc khảo sát cho thấy sự sụt giảm dần đều về mức độ hứng thú và gắn bó với việc học trong suốt những năm cấp 2 và cấp 3 của học sinh, một xu hướng mà Gallup gọi là “school engagement cliff – vách đá của sự gắn bó với trường học”. Dữ liệu mới nhất được thu thập từ cuộc thăm dò ý kiến học sinh tiết lộ rằng 74% học sinh lớp 5 cảm thấy gắn bó với việc học, trong khi chỉ 32% học sinh trung học cảm thấy điều tương tự. 

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự gắn bó với việc học tập đó là niềm đam mê, hứng thú của học sinh đối với những thứ mà chúng học được. Nhưng hầu như mọi trường học đều dập tắt niềm hứng thú này của chúng.

74% học sinh lớp 5 cảm thấy gắn bó với việc học, trong khi chỉ 32% học sinh trung học cảm thấy điều tương tự. 

Tất cả đều phụ thuộc vào động lực. Ở nhiều trường học, học sinh thực hiện những công việc nào đó bởi vì giáo viên bảo chúng phải làm như vậy. Hay bởi vì chúng cần làm những thứ đó chỉ để đạt được một điểm số nhất định. Với những học sinh như Destiny, có được điểm số tốt và tỏa sáng vượt trội hơn các bạn cùng học trở thành một mục tiêu học tập tại trường. Còn đối với những học sinh khác, chúng cần một mức điểm tối thiểu để được tham gia những câu lạc bộ thể thao hay các hoạt động ngoại khóa hoặc chỉ để làm vui lòng cha mẹ của mình, và điều đó dần trở thành động lực học tập của chúng. Học sinh học tập và làm việc vì niềm đam mê và hứng thú thực sự thì thật khan hiếm và hầu như là không có. 

Nhưng điều đó hẳn là một bước thụt lùi.

Yêu cầu của giáo viên, điểm số và lời hứa về những cơ hội thực ra đều là những phần thưởng ghi nhận từ bên ngoài. Qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, cả về phương pháp giáo dục tối ưu và cách thức hoạt động của não bộ con người, đều cho rằng động lực thúc đẩy theo những dạng như thế này thực sự nguy hiểm. Trao thưởng để khen ngợi học sinh tạo ra sự phụ thuộc, dựa dẫm vào phần thưởng. Nếu những phần thưởng này dần kém thu hút với học sinh hoặc biến mất hoàn toàn, thì động lực học tập cũng từ đó mà mất theo. Đó là điều đã xảy ra với Destiny ở trường cấp 2, khi mà cô bé không còn nhận được những phần thưởng cho học sinh đứng đầu lớp nữa.

Truyền cảm hứng cho động lực nội tại là một chiến lược hiệu quả hơn để thu hút và duy trì niềm hứng thú của học sinh. Và hơn thế nữa, học sinh sẽ học tốt hơn khi được thúc đẩy bằng cách này. Chúng nỗ lực nhiều hơn, giải quyết những vấn đề khó nhằn hơn và cuối cùng là thu nhặt được sự hiểu biết sâu rộng hơn về những khái niệm mà chúng được học.

Tuy nhiên, Deborah Stipek, giáo sư về giáo dục của đại học Stanford đồng thời là tác giả của cuốn “Động lực học tập: Từ lý thuyết đến thực tiễn – Motivation to Learn: From Theory to Practice”, vẫn nhìn vào thực tế về vai trò của động lực tác động từ bên ngoài.

“Tôi nghĩ hầu hết những người thực tế trong lĩnh vực này đều nói rằng bạn cần có cả hai”, Stipek nói. “Bạn có thể hoàn toàn dựa vào động lực nội tại nếu bạn không quan tâm đến những điều mà bọn trẻ học được, nhưng nếu bạn có trong tay một chương trình giảng dạy và một hệ thống các tiêu chuẩn, bạn không thể chỉ làm theo những gì chúng muốn được.”

Vấn đề ở đây là sự cân bằng ở hầu hết các trường học đang đi lệch hướng. Trong khi một số trường trong cả nước đang cố gắng cá nhân hóa việc học và khai thác nhiều lợi ích hơn từ niềm đam mê, hứng thú học tập của học sinh, Stipek ước tính rằng mọi công tác giảng dạy đều làm giảm đi niềm khao khát đam mê học tập (động lực) từ bên trong của học sinh.

Những học sinh lớp 9 dành cả đời để học những gì người khác bảo chúng phải học, một số em thậm chí còn không biết được điều các em thực sự quan tâm, hứng thú là gì bởi vì các em chưa bao giờ có cơ hội nhận biết về điều đó”

Việc đưa ra một loạt các giải thưởng cũng như hình phạt để ổn định học sinh được xem là dễ dàng thực hiện hơn ở những trường học truyền thống. Và việc ôn tập chuẩn bị cho học sinh vượt qua thành công các bài kiểm tra cấp tiểu bang có xu hướng không khuyến khích hay loại bỏ những tiết học giúp chúng khám phá sở thích riêng của bản thân. Người giáo viên thực sự muốn khơi gợi động lực nội tại nhất định phải lội ngược dòng và suy nghĩ khác đi.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Đối với Destiny, quỹ đạo của việc làm giảm đi sự đam mê, gắn bó với học tập của cô bé đã có sự thay đổi khi bước vào cấp 3. Cô bé trở nên nhiệt huyết hơn với việc học thay vì chán nản và dần cắt đứt mọi liên hệ với trường học. Đó là bởi vì cô ấy đã ghi danh theo học tại trung tâm Kỹ thuật và Hướng nghiệp khu vực Metropolitan, là một khu các trường cấp 3 công lập tại Rhode Island đứng đầu là“The Met”. Cô ấy hiện tại đang là học sinh cuối cấp.

Khi nhắc đến động lực nội tại, đa số mọi người đều nhớ ngay đến The Met. Học sinh tại đây không tham gia các lớp học truyền thống. Chúng dành hầu như toàn bộ thời gian của mình để học tập độc lập với sự hỗ trợ của cố vấn học tập hay người hướng dẫn thực tập. Tất cả học sinh đều có cho riêng mình kế hoạch học tập và tích lũy tín chỉ của những môn học truyền thống thông qua việc tiến hành các dự án học tập, tự học, tham gia thực tập hay đăng ký học tập kép tại các trường cao đẳng ở địa phương. Tất cả những điều học sinh tại đây làm mỗi ngày đều liên kết chặt chẽ với mục tiêu cá nhân hay những điều mà chúng quan tâm.

Điều đó chính là động lực chính thôi thúc Destiny ghi danh vào The Met. “Tôi đã nghĩ, ôi trời, tôi hoàn toàn có quyền chọn được những điều mà tôi muốn” ,cô ấy nhớ lại.

Những nhà nghiên cứu giáo dục đã tiến hành nhiều nghiên cứu khảo sát về động lực của học sinh trong nhiều thập kỷ qua, xác định các chiến lược học tập trong lớp học giúp thúc đẩy động lực nội tại của học sinh. The Met đã thực hiện nhiều chiến lược trong số đó. Học sinh được học tập trong thế giới hiện thực, trực tiếp bắt tay vào giải quyết các vấn đề; chúng cũng giải quyết cả những bài tập kiến thức mở đòi hỏi quá trình nỗ lực lâu dài; chúng có quyền lựa chọn những điều cũng như cách thức mà chúng muốn được học; chúng hoàn thành dự án với một thành tựu nào đó để ghi vào hồ sơ học tập hay thậm chí là cho ra các sản phẩm cụ thể; chúng tự thiết lập mục tiêu học tập riêng; chúng không bao giờ phải quá tập trung vào điểm số hơn là quá trình học tập vì chúng không quá quan tâm đến điểm số truyền thống. Tất cả những điều này đều được liệt kê trong những quyển sách về động lực nội tại, bao gồm cả những quyển của Stipek. Và những tác động của chúng đối với học sinh có thể sẽ cực kì sâu sắc.

Minh họa: Unsplash

“Tôi nghĩ, ôi trời, tôi hoàn toàn có quyền được chọn những điều mà tôi muốn”

Destiny bắt đầu học cấp 3 với niềm hăng say học tập mà cô đã bỏ qua khi còn học cấp 2. Bảng điểm năm đầu tiên đã phản ánh rõ điều đó. The Met không bỏ đi hoàn toàn điểm số truyền thống, họ đánh giá học sinh dựa trên mức độ thành thạo đối với các mục tiêu học tập mà chúng đã đặt ra cho từng môn học. Lời nhận xét chính trong học bạ của Destiny từ năm lớp 9 là “Giỏi”. Có rất ít môn cô bé đạt loại “Xuất sắc” hay thậm chí có vài môn chỉ đạt được có “Khá”. Vào năm thứ hai, mọi thứ bắt đầu thay đổi,đánh giá “Xuất sắc” bắt đầu nhiều dần trong các môn. Và ở năm thứ ba, Destiny được xếp loại “Xuất sắc” ở hầu hết các môn; xếp loại “Khá” không còn nữa. Qua rồi những năm tháng là một học sinh cấp 2 chẳng thiết tha gì việc học, Destiny giờ đây đã là một cô nữ sinh cấp 3 với niềm đam mê và hứng thú học tập cao.

Những trải nghiệm như Destiny là khá phổ biến trong cộng đồng học sinh tại Met. Trong những cuộc khảo sát tiểu bang, những học sinh này được cho là có niềm đam mê, hứng thú hơn với việc học của chúng, nhận thức những gì chúng đang được học sẽ quan trọng đối với tương lai và được hỗ trợ tại trường học nhiều hơn so với các bạn đồng trang lứa ở hầu hết các quận tại Rhode Island. Destiny và các học sinh khác tại The Met liên tục đưa những cuộc trò chuyện quay trở lại việc kiểm soát việc học của chúng đã trở nên khác biệt như thế nào.

Sarah McCaffrey, một học sinh lớp 10, đánh giá cao sự khác biệt rõ rệt giữa trải nghiệm của cô tại  The Met và tại trường cấp 2, “nơi mà chỉ toàn những câu như “Làm cái này đi, cái này, cả cái này nữa”. “Tôi thích tự trải nghiệm thực tế hơn, nơi mà tôi được làm chủ việc học của bản thân, hơn là bạn chỉ tôi cách làm và tôi phải làm theo y như vậy. Như thể tôi mang trách nhiệm phải làm nó vậy”

Marissa Souza, là học sinh tốt nghiệp năm 2017 của The Met và hiện đang là sinh viên năm 2 của Đại học Rhode Island, nói rằng mình có động lực tương tự khi còn học cấp 3 ở The Met. Cô ấy còn cho biết rằng, ở The Met, học sinh tự thiết lập mục tiêu cho riêng mình dựa vào đánh giá về điểm mạnh và điểm yếu cá nhân, và theo đuổi những điều mà họ hằng ao ước. “Bạn sẽ cảm thấy thêm tự hào về bản thân mình vì bạn biết được đó là mục tiêu của bạn”. “Bạn đáp ứng được mục tiêu của chính mình, chứ không phải đáp ứng mục tiêu của giáo viên hay hiệu trưởng đề ra cho bạn.”. “Việc này thực sự thúc đẩy bản thân bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình”, Marissa nói thêm.

Tuy nhiên, sẽ mất một khoảng thời gian để học sinh vượt qua thử thách này. Cô Beccy Siddons, cố vấn học tập của Destiny, coi việc xem xét quỹ đạo là một phần thú vị của công việc. Với chức danh là cố vấn học tập chính cho 16 học sinh tại The Met, Siddons hướng dẫn các học trò của mình trong quá trình chúng thực tập, những bài học tại trường, và cuối cùng là nộp đơn ứng tuyển vào các trường đại học. 

“Những học sinh lớp 9 dành cả đời để học những gì người khác bảo chúng phải học, một số em thậm chí còn không biết được điều các em thực sự quan tâm, hứng thú là gì bởi vì các em chưa bao giờ có cơ hội nhận biết về điều đó”, cô Siddons nói.

Khi Destiny còn là học sinh năm thứ nhất, chuyến thực tập đầu tiên của cô là tại một lớp song ngữ ở một trường cấp một, một lựa chọn an toàn và quen thuộc cho những học sinh nói tiếng Tây Ban Nha và Tiếng Anh. Nhưng khi nhìn lại, cô ấy thực sự biết ơn vì thông qua trải nghiệm đó, cô nhận ra mình không mấy yêu thích công việc giảng dạy. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cô không biết sẽ nên thử làm gì tiếp theo. Sau đó, khi đang là học sinh năm thứ 2, Destiny nghe được một học sinh khác trình bày về chuyến thực tập tại Thủy cung New England, điều này thực sự đã khơi gợi sự quan tâm, hứng thú của cô. Cô bắt đầu công việc là một nhân viên cấp thấp tại đây và nhanh chóng khám phá được niềm đam mê sâu sắc với cuộc sống nơi biển cả. Giờ đây Destiny đang có cho mình một sinh vật yêu thích mà cô thậm chí còn không hề biết trước đó: cá nóc. Và cuối cùng cô ấy đã tìm được cho mình một đam mê nghề nghiệp, nếu không muốn nói là không thể có được cho đến khi bước chân vào đại học,đó là: khoa học môi trường. 

Công việc của Siddons chính là giám sát và hướng dẫn những trường hợp trắc trở, khó khăn như vậy. Mục đích chính yếu của công việc này là giúp học sinh khám phá được đam mê mà chúng chưa hề nghĩ đến. Những học sinh mới được cô tiếp nhận vào The Met hoàn toàn khác xa với những học sinh cuối cấp được cô giúp đỡ, huấn luyện và gửi đến các trường đại học.

Bước đầu của quá trình chuyển đổi này thực sự có hiệu quả. Tuy việc định hướng động lực nội tại không mấy quen thuộc với các trường học, hàng trăm trường vẫn đang cố gắng thực hiện điều này. Next Generation Learning Challenges đang phát triển mạng lưới gồm 150 trường học, tất cả đều tập trung vào việc khơi gợi động lực nội tại của học sinh theo cách này hay cách khác. The Digital Promise League of Innovative Schools đại diện cho 102 học khu cũng đang thực hiện điều tương tự. EdLeader21 cũng có 300 học khu khác cùng mang mục đích khơi gợi, truyền cảm hứng cho động lực học tập từ bên trong của học sinh. Và cuối cùng là hệ thống các trường Big Picture Learning, được xây dựng và phát triển dựa trên thành công của The Met, hiện đã có hơn 60 trường học tại Hoa Kỳ (và hơn 100 trường khác ở nước ngoài).

Ở Chicago, một trường bán công lấy tên là Intrinsic School (thành lập năm 2013, giảng dạy cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12) đã có một cam kết rõ ràng cho mục tiêu này. Công việc học ở đây diễn ra trong không gian lớp học rộng lớn và linh động, tạo cơ hội cho học sinh luân phiên từ học tập độc lập đến học tập hợp tác theo nhóm hay học tập dựa trên dự án. Ami Gandhi, giám đốc hợp tác và phát triển và cũng là nhà đồng sáng lập của trường bán công này nói rằng vào năm học đầu tiên, ban giám hiệu nhà trường đã cố ngăn chặn “thời gian học tập độc lập” với mong muốn đẩy mạnh phát triển sự tự do trong học tập của học sinh. Nghĩ lại, Gandhi thấy điều đó thật quá là ngây thơ.

“Tôi đến thăm các lớp học trong suốt thời gian học tập và bọn trẻ vẫn cứ ngồi im như vậy” Gandhi chia sẻ. “Như kiểu tôi hỏi “Con đang quan tâm, hứng thú với điều gì?, chúng trả lời “Không có gì” hay “Con muốn khám phá điều gì?” “Không có gì””

“Nếu ai đó nói bạn phải làm gì trong suốt thời gian 9 hay 10 năm tại trường học, bạn hoàn toàn sẽ không biết làm gì cả vào khoảng thời gian độc lập như này cả”, cô nói thêm.

Giáo viên đã phải trang bị cho học sinh những kiến thức và cách thức để tận dụng lợi thế của việc độc lập trong học tập. Đầu tiên, họ không đưa ra các lựa chọn mở cho học sinh. Họ bảo chúng những điều chúng nên làm trong khoảng thời gian học tập độc lập. Sau đó là đưa ra một loạt các lựa chọn, và từ từ làm cho đến khi học sinh hoàn toàn có thể tự mình lựa chọn. Sau năm đầu tiên chưa có đầy đủ kinh nghiệm, các giáo viên của Intrinsic School đã giúp học sinh kiểm soát được việc học của mình một cách có hệ thống hơn.

Một thách thức lớn khác với các trường học có mục đích khơi gợi động lực nội tại của học sinh đó là phải đảm bảo được sự vui nhộn nhưng không kém phần tập trung và nghiêm túc của bài học. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những dự án và hoạt động mang tính thực hành cao sẽ mang lại hiệu quả tốt trong việc thúc đẩy động lực học tập nội tại của học sinh, nhưng sẽ không mang lại kết quả khả quan cho việc học tập bền vững lâu dài.

Stipek, một nhà nghiên cứu ở Stanford, nói rằng điều này phụ thuộc vào sự chuẩn bị của giáo viên và cách thiết kế của trường học. Giáo viên không được đào tạo để thiết kế những bài giảng học thuật có tính nghiêm ngặt cao để thúc đẩy động lực của học sinh đúng cách. Và trường học thì không dành thời gian cho giáo viên để làm điều đó. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể làm được. Stipek điều hành UCLA Lab School 10 năm nay, cho rằng những giáo viên giàu kinh nghiệm và được đào tạo bài bản của cô ấy đã lên kế hoạch thống nhất cho các dự án nhằm thúc đẩy niềm đam mê học tập tự nhiên của học sinh nhưng đồng thời cũng buộc chúng nắm vững các khái niệm và kỹ năng.

“Không phải là không làm được, chỉ là nó thực sự, thực sự rất khó” Stipek nói.

Và bởi vì khó, nên nhất định nó phải đầy mạo hiểm. Nhiều giáo viên, ngay cả sếp của họ, đều lo ngại việc thử nghiệm này. Stipek nói trách nhiệm giải trình, trong đó các tiểu bang buộc các trường phải tuân theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với thành tích của học sinh trong các bài kiểm tra đánh giá năng lực, gây cản trở cho những phương pháp giảng dạy đề cao và chú trọng vào khơi gợi động lực nội tại của học sinh. Cô ấy hiểu rằng trách nhiệm giải trình là quan trọng, nhưng với hình thức mới ở hiện tại này, nó khiến cho giáo viên tập trung quá mức vào việc luyện thi và đảm bảo điểm số cao cho học sinh. Điều đó ưu tiên và chú trọng vào kết quả kiểm tra-tức là điểm số- hơn là quá trình học tập, hẳn là một cách giết chết động lực học tập nội tại của học sinh.

Minh họa: Unsplash

“Không phải là không làm được, chỉ là nó thực sự, thực sự rất khó”

Nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một hệ quả của việc lấy điểm số làm động lực thúc đẩy học sinh đó là việc này sẽ khiến học sinh dừng thách thức bản thân vì nỗi sợ phải thử cố gắng làm những điều khó nhằn và rồi thất bại. Sự chần chừ của giáo viên và ban giám hiệu trong việc tạo một bước tiến đối với những cơ hội học tập mới cũng phần nào làm gia tăng hệ quả này.

Tuy nhiên, trường của Destiny lại phá vỡ những khuôn mẫu như vậy.

Học sinh The Met thường không có được kết quả tốt ở bài thi đánh giá năng lực. Bang Rhode Island xếp hạng các trường theo số sao (từ 1 đến 5 sao) dựa trên điểm số bài kiểm tra, tỷ lệ tốt nghiệp và một số các tiêu chí khác. The Met có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cao hơn tỷ lệ trung bình toàn bang (90% so với 84% toàn bang), nhưng xếp hạng của trường chỉ nằm ở mức 2/5 sao, số sao bị kéo xuống bởi thành tích học sinh đạt được trong các bài kiểm tra cấp tiểu bang.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường lại không mấy quan tâm đến điểm số bài kiểm tra. Nancy Diaz Bain, nhà đồng lãnh đạo trường, nói rằng cô ấy cùng đồng nghiệp quan tâm đến việc theo dõi dữ liệu khảo sát cấp tiểu bang về độ gắn bó của học sinh với việc học, phản hồi của phụ huynh về sự tiến bộ trong học tập của con cái, hành vi của học sinh, tỷ lệ tốt nghiệp và thành tích đạt được của học sinh tại các trường đại học hơn. “Khi học sinh tại The Met tham gia và hoàn thành các khóa học bậc đại học khi còn ở cấp 3 – điều mà học sinh nào tại đây cũng làm – chúng không chỉ chứng minh được rằng chúng có thể hoàn thành các khóa học nâng cao mà còn tiết kiệm được tiền để có được một tấm bằng.”, Diaz Bain chia sẻ thêm. Và những tiêu chí khác về sự thành công và gắn bó của học sinh với việc học đã thuyết phục được nhiều lãnh đạo nhà trường rằng mô hình này có thể hoạt động hiệu quả. Những tiêu chí này cũng đã thuyết phục được Quỹ Bill & Melinda tài trợ 20 triệu đô la giúp Big Picture Learning mở rộng và truyền tải mô hình của The Met đến các trường học khác. Tổng thống Obama đã nêu bật The Met, lấy đó làm một ví dụ tiêu biểu trong bài phát biểu vào năm 2010 trước Phòng thương mại Hoa Kỳ (Quỹ Gates cũng là một trong nhiều nhà tài trợ cho The Hechinger Report).

Về phần mình, Destiny đang chuẩn bị cho những việc sắp tới. Cô sẽ hoàn thành chương trình học cấp 3 vào mùa xuân này và sẽ theo đuổi giấc mơ đại học sau đó. Cô dự định sẽ theo học chuyên ngành về khoa học môi trường. Mặc dù Destiny biết rằng các bạn học của cô tại ngôi trường truyền thống cũ sẽ được học những kiến thức chuyên sâu hơn, cô ấy vẫn hy vọng rằng những kiến thức, kinh nghiệm đáng giá mà mình tích góp được từ những chuyến thực tập và dự án nghiên cứu có liên quan sẽ thực sự giúp cô giành được một suất học trong một trường đại học nào đó. Và rồi Destiny sẽ nhập học với động lực học tập nội tại mà những người bạn cùng học của cô đã đánh mất từ lâu.

Câu chuyện về Động lực nội tại trong lớp học được thực hiện bởi The Hechinger Report – tổ chức tin tức độc lập phi lợi nhuận tập trung hướng đến các vấn đề bất bình đẳng và đổi mới trong giáo dục.

Nguồn: How to unlock students’ internal drive for learning (TARA GARCÍA MATHEWSON)

Biên dịch: Vũ Phương Quỳnh, Nguồn Sáng

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin