Ngày 20-08-2020 (GMT +7)
“Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập “lam lũ” và giải thích: “LAM LŨ tt. 1. Rách rưới, tồi tàn ăn mặc lam lũ. 2. Quá vất vả, nặng nhọc trong cảnh thiếu thốn. Cuộc sống lam lũ của người nông dân. “…một người cù rù nhưng nhẫn nại, lam lũ và luôn luôn chân lấm tay bùn” (Tô Hoài)”.
Có lẽ nhóm soạn giả cho rằng, cả hai yếu tố “lam” và “lũ” trong từ “lam lũ” đều không có nghĩa. Tuy nhiên “lam lũ” 襤褸 là từ ghép chính phụ gốc Hán: “lam” 襤 nghĩa là chiếc áo ngắn rách nát không còn viền gấu; “lũ” 褸 có nghĩa là vạt áo, y phục nói chung. Hán ngữ đại từ điển:
-“lam: 1 chiếc áo thường dân cũ nát, không có viền gấu; “Phương ngôn” đệ tứ: Áo cũ rách gọi là “lam”; áo không có viền gấu cũng gọi là “lam”. Quách Phác chú: áo lót rách; áo rách đều gọi là “lam lũ”. Tiền Dịch chú: “áo không có viền gấu tức là “đoản y” (thời cổ đại, “đoản y” là áo của hạng bình dân, hoặc binh lính, không thuộc tầng lớp Nho gia, quí tộc-HTC); 2 phiếm chỉ phục sức rách nát.” (襤: 1.無緣飾的破舊短衣. “方言” 第四: “裯謂之襤;無緣之衣謂之襤.” 郭璞 注: “袛裯,弊衣,亦謂襤褸.” 錢繹 箋疏: “按衣無緣則短.”; 2.泛指服飾破爛].
-“lũ: 1 vạt áo; 2 mượn chỉ y phục” [褸: 1. 衣襟; 2 借指衣服].
-“lam lũ: 1 hình dung y phục rách rưới; 2 tỉ dụ về sự rách nát lạc hậu; 3 chiếc áo đơn ngắn rách gấu; 4 phiếm chỉ y phục rách rưới.” [襤褸: 1.形容衣服破爛; 2.比喻破舊; 3.無緣飾的破舊短單衣; 4.泛指破爛的衣服].
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, bản có chú chữ Hán của Vietlex): “lam lũ • 襤褸 t.1 [cũ] rách rưới. “Từng đám các cô gái xuống chợ, lưng cõng địu, tay xe lanh, váy áo lam lũ bạc dã như đi nương.” (Tô Hoài). 2 vất vả, cực nhọc. cuộc sống lam lũ ~ “Đêm nay đối với Bính mới dài và cực nhục làm sao? Còn ê chề, cay đắng hơn cả một năm lam lũ!” (Nguyên Hồng)”.
Như vậy, các yếu tố gốc Hán “lam” và “lũ” hiện không có nghĩa độc lập trong tiếng Việt, nhưng xét nghĩa của từ nguyên, thì “lam lũ” là từ ghép chính phụ, chứ không phải từ láy (theo kiểu một trong hai, hoặc cả hai yếu tố cấu tạo từ đều không có nghĩa).