Ngày 26-07-2020 (GMT +7)
Năm năm đã trôi qua từ sau lần được trải nghiệm safari thứ thiệt tại Kenya nhưng vẫn còn khắc sâu trong tâm trí tôi những hình ảnh thật độc đáo của đất nước châu Phi này. “Karibuni – tiếng swahili có nghĩa là chào mừng bạn đến Kenya - tôi là Jonas còn đồng nghiệp tôi đây tên là Lawrence. Chúng tôi sẽ là lái xe kiêm hướng dẫn viên của các bạn trong suốt chuyến safari 1.500 km trong suốt tuần”, một người đàn ông Kenya, tuổi ngoài 30, nước da đen như mun và nói tiếng Anh thật chuẩn xác chào đón chúng tôi. Ra khỏi nhà ga, Jonas chia chúng tôi thành hai tốp leo lên hai chiếc Toyota Land Cruiser...
“Kenya có hai mảng du lịch lớn mỗi năm thu hút rất nhiều du khách quốc tế. Đó là mảng du lịch bờ biển, bãi biển, tập trung ở phía Đông với biên giới tự nhiên là Ấn Độ Dương. Tại đó Port Mombasa là một địa chỉ rất nổi tiếng. Còn mảng thứ hai chính là safari thăm thú hoang trong các công viên quốc gia, khu bảo tồn. Trong 6 ngày và 5 đêm, đoàn chúng ta sẽ đến với bốn địa điểm khác nhau, từ trên cao nguyên trở xuống bình nguyên rồi vào rừng savanna” - Jonas hướng dẫn.
“Điểm đến đầu tiên của chúng ta là Aberdare. Hãy nhớ thắt giây an toàn vì sau những cung đường dài phẳng êm nhờ đã được tráng nhựa tạo nên xa lộ cao tốc Bắc-Nam Kenya. Chúng ta sẽ phải di chuyển trên những đường toàn đá, cát và bụi, các bạn sẽ biết thế nào là mát-xa kiểu Kenya!”.
Jonas không dựng chuyện tí nào. Hai chiếc Land Cruiser chở đoàn chúng tôi lao nhanh trên xa lộ A1 tiến về hướng Bắc. Càng đến gần Aberdare, chúng tôi càng cảm thấy như mình đang trên đường từ Định Quán đi dần lên Bảo Lộc, Đức Trọng, Di Linh, Tùng Nghĩa rồi Đà Lạt và xuống Đơn Dương… vì không khí, thời tiết và cả đến đất đỏ, các loại cây, loại bụi dọc hai bên đường thật giống nhau. Cũng những cây chuối, cây ổi, cây mít, cây cà phê và cũng những sườn đồi phủ đầy gốc cây trà. Giống ở cả những cái chòi nhỏ bán hàng cho khách qua đường và những đứa trẻ nhẩy tưng tưng tươi cười vẫy gọi đoàn xe phóng vút qua.
Hai chiếc xe rẽ vào trạm dừng, tạo nên bởi một căn nhà gỗ lợp mái tôn, phía sau có nhà vệ sinh miễn phí cho khách qua đường. Đây là một trong vô số những “Curios Africa”, tức cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ địa phương cho khách mua mặt nạ, sư tử, tê giác, voi, hà mã, trâu, hươu cao cổ và đủ các thứ khác làm bằng gỗ và những tấm vải dệt địa phương với màu tươi rất bắt mắt mang về làm quà lưu niệm. Phía ngoài curios ấy có dựng một tấm bảng lớn vẽ hình châu Phi được cắt ngang bởi đường xích đạo, hai bình nhựa đựng đầy nước xếp ở hai bên chân cột. Thì ra chúng tôi đang ở đúng nơi đường xích đạo vô hình chia cắt thế giới thành hai bán cầu…
Khoảng nửa tiếng sau khi đi qua thị trấn Nyeri, xe ngoặt sang đường rừng, băng qua cổng chính dẫn vào Công viên Quốc gia Aberdare và trong gần 40 phút kế tiếp, chúng tôi đã nếm trải đợt “mát-xa kiểu Kenya” thứ nhất. Chiếc Land Cruiser cứ như bị bàn tay gã khổng lồ vô hình chụp lấy ném sang trái, giựt qua phải rồi tung lên cao, kéo tụt xuống dưới vực… Nhưng cũng hoàn toàn xứng đáng vì lú ra giữa những hàng cây là những cây vòi vươn cao của đàn voi hiếu kỳ và xa xa phía bên phải. “Nhà của chúng ta chiều và đêm nay đây rồi”, Jonas dừng xe cho chúng tôi bấm máy ảnh vì trước “nhà” mà anh ta chỉ là…. đàn voi khổng lồ cùng với trâu, lợn rừng, hươu cao cổ, hươu eland lực lưỡng.
Khu bảo tồn Maasai Mara, giang sơn của sư tử rừng savanna
Cái nhà mà Jonas giới thiệu thực ra là khách sạn Noah’s Ark xây dựng cách nay hơn 30 năm, toàn bằng gỗ theo kiểu dáng một con tàu để nhắc nhớ câu chuyện ông Nô-ê, theo lệnh của Thiên Chúa, đã đóng tàu và đưa vào đó một cặp đại diện cho từng loài thú và sau đó đã xảy ra ra trận Đại hồng thủy. Khách sạn được xây thành tàu lớn ba tầng trên những hàng cột bằng thân gỗ to nên bạn chỉ có thể vào được bên trong bằng cây cầu gỗ dài uốn cong theo địa hình.
Noah’s Ark và khách sạn cùng chủng loại Treetop là hai địa chỉ tập kết du khách tham quan Aberdare National Park, công viên quốc gia đầu tiên của Kenya (thành lập từ tháng 5-1950) rộng gần 770 km2 và được bao bọc bởi lớp hàng rào dài hơn 400 km có xung điện 240 volt. Ở độ cao từ 2.100m đến 4.300m trên mặt nước biển nên khí hậu và thời tiết trong công viên quốc gia này khiến chúng tôi nhớ đến những ngày thơ ấu sống và đi học ở Đà Lạt.
Bước ra bao lơn rộng lớn ở đầu tầng hai của Noah’s Ark thì thấy ngay rằng đây còn là nơi tập kết của những gia đình thú hoang châu Phi. Chiều đến, từng đàn voi một, có đàn chỉ 5-7 con nhưng cũng có đàn đông hơn 20 con, tiếp nhau kéo về tụ tập quanh hồ nước tự nhiên ở ngay trước khách sạn. Trên bao lơn, chúng tôi trở thành những khán giả thích thú được tận mắt chứng kiến cảnh những con voi khác đàn chào hỏi nhau (hai con cuộn vòi của nhau, húc nhẹ đầu vào nhau), dùng voi hút nước giải khát và dùng cặp ngà đào đất rồi “gắp” khoáng chất, muốt hột đưa vào miệng bằng cái vòi dài thật uyển chuyển, chính xác, nhẹ nhàng.
Voi cao nguyên Aberdares
Không hề có chuyện tranh giành, mọi sự diễn ra trong trật tự. Xen vào giữa các gia đình voi là những ông, bà trâu rừng, cũng thuộc trong tốp “Năm ông lớn” rừng châu Phi nhưng đáng ngại hơn cả sư tử, báo, tê giác, voi vì chẳng ai có thể đoán trước loài động vật hoang dã này sẽ hành động như thế nào. Mới hiền diệu phút trước, phút sau đã nổi đóa. Chả trách chúng ta vẫn quen dùng từ “trâu điên”.
Bữa tối đầu tiên ở Kenya, trong nhà hàng của Noah’s Ark, đoàn chúng tôi chúc sức khỏe của nhau với chai vang đỏ Nederburg, một thương hiệu vang Nam Phi khá nổi tiếng và những chai bia Tusker được giới thiệu là nhãn bia số một của Kenya. Tusker, tiếng Anh có nghĩa là ông voi trưởng thành với cặp ngà rất lớn, rất nặng.
Bình minh ngày hôm sau, rời khỏi khách sạn giữa rừng thật lạ, thật hay này mà lòng tôi vẫn thoáng chút tiếc nuối. Theo kế hoạch ban đầu, đúng ra đoàn chúng tôi đến ngụ trong Treetop Hotel. Đây là một khách sạn nổi tiếng thế giới vì cách nay hơn 60 năm, vào chiều ngày 5-2-1952, Công chúa Elizabeth cùng chồng là Philip, Quận công Edinburgh đã đến đây ăn tối và ngủ qua đêm. Ngày hôm sau, tin vua George VI băng hà gửi đến, công chúa trở thành Nữ hoàng Elizabeth II của nước Anh mãi đến nay.
Một chú báo ngủ ngon lành trên cành cây
Từ rặng núi cao Aberdares chúng tôi di chuyển xuống Great Rift Valley, một bình nguyên chạy dài qua nhiều nước Đông Phi để đến một địa chỉ du lịch nổi tiếng khác của Kenya là Công viên quốc gia hồ Nakuru. Tức phải bôn ba qua khoảng 250 km, mất khoảng 180 phút. Nhưng đó là khúc đường tráng nhựa, xe lăn êm và nhanh.
Khi đến nơi là thấy được rất nhiều tê giác, từ những con tê giác già di chuyển một mình qua từng cặp mẹ con tê giác không lúc nào rời xa nhau quá 10 mét đến những gia đình với 5-6 thành viên. Được bảo vệ rất kỹ, hai loài tê giác trắng và tê giác đen trong Công viên quốc gia Lake Nakuru (rộng 188 km2, có rào xung điện) mặc sức tăng trưởng, tăng đàn (hiện có hơn 53 con) và con nào cũng phô trương cái sừng dài cong vút nhọn. Trông thật thích.
Tê giác với cái sừng cực đẹp
Nhưng loài động vật hoang dã nổi tiếng nhất ở đây không phải là tê giác hoặc hươu cao cổ Rothschild mà là… chim hồng hạc (flamingo). Lúc bình minh cũng như khi hoàng hôn, hàng vài chục ngàn con tụ về quanh hồ nước tự nhiên rộng lớn 40 km2 tạo nên cảnh quang toàn màu hồng thật đẹp mắt. Loáng thoáng tạo khác biệt là màu trắng của những gia đình chim bồ nông trắng.
Di chuyển đến Công viên quốc gia hồ Naivasha thì như chuyển cảnh, chuyển môi trường khác. Ngay ở cửa vào khu nghỉ dưỡng cao cấp Lake Naivasha Sopa Resort, một con hà mã khắc chạm ra từ thân cây lớn như đã cảnh báo du khách rằng các bạn đang tiến vào lãnh thổ của loài động vật béo mập thích trầm mình trong nước. Quả thực chỉ cần sống một buổi chiều và một buổi tối trong một biệt thự có hình cái nấm trong resort này cũng đủ chứng kiến cảnh hà mà từ đầm và hồ nước trồi lên, thơ thẩn dạo quanh khắp khuôn viên khu nghỉ dưỡng. Sáng sớm hôm sau, bạn còn dễ dàng phát hiện “dấu vết” chúng thải ra sau bữa tối thịnh soạn. “Resort của chúng tôi đã tồn tại qua 30 năm và trong suốt thời gian ấy, chẳng có con hà mã nào bị giết tại đây nên chúng vẫn quen tề tựu về nơi đây vào mỗi chiều tối”, một nhân viên resort kể.
Hệ thống đầm lầy bao quanh hồ là nơi sinh sống những đàn bồ nông và hơn 390 loài lông vũ khác, có cả đại bàng, diều hâu. Và bên bờ hồ còn là một ngôi nhà từng là nơi ngủ nghỉ của bà Joy Adamson hồi những năm 1960. Bà là tác giả cuốn Born Free kể lại nỗ lực nuôi một sư tử cái mồ côi tên là Elsa cho đến lớn và tập cho nó trở lại với cuộc sống hoang dã. Chuyển thành phim, Born Free đã đoạt Oscar nhạc và ca khúc soạn cho phim.
Còn khi tiến vào Công viên quốc gia và khu bảo tồn Maasai Mara, giang sơn của sư tử rừng savanna (hiện có hơn 850 con đang sinh sống trong khu bảo tồn nổi tiếng thế giới này). Chúng tôi nhớ ngay đến câu chuyện về hai con sư tử to lớn và rất hung dữ ở vùng Tsavo, Kenya, từng sát hại 135 công nhân xây dựng tuyến đường sắt hồi cuối thế kỷ 19 rồi trở thành đề tại phim truyện ăn khách The Ghost and The Darkness hồi năm 1996 (Val Kilmer đóng với Michael Douglas).
Tác giả (bìa trái) cùng hai thành viên trong đoàn du lịch
Đó là chuyện ngày xưa, còn chuyện ngày nay, những con sư tử mà chúng tôi chụp ảnh trong suốt hai ngày tham quan Maasai Mara trông rất hiền lành. “Nhìn bụng căng to của chúng kìa”, Jonas nói. “Chúng đã ăn rất no, chắc bắt được mồi lớn đêm qua hoặc sáng sớm hôm nay, bây giờ nằm tránh nắng và tiêu hóa”. Cả đến con báo đốm trưởng thành nằm ngủ vắt véo trên cành cây cao và hai mẹ con nhà báo cheetah mượn nóc chiếc xe trong đoàn chúng tôi làm bục quan sát tìm mồi cũng trông rất hiền. Chúng ngồi trên đó rất lâu khiến chúng tôi nóng ruột vì còn muốn “game drive” (đi xe vào rừng tìm ngắm thú hoang) lưu vào camera thêm những hình ảnh tiêu biêu của rừng châu Phi, như đã từng xem trong Out of Africa với Meryl Streep và Robert Redford năm nào. Trong cuốn sách mà từ đó đã sinh ra phim này, bà Karen Blixen viết về cảnh Kenya thế này, “Tầm nhìn rộng lớn bao la. Mọi thứ mắt bạn trông thấy đều thoát lên sự vĩ đại, sự tự do và sự cao sang tự nhiên không gì sánh bằng”.
Bài và ảnh: P. NGUYỄN DŨNG