Khải Hoàn Môn Paris, kiến trúc trụ vững qua dòng thời gian

ByP. NGUYỄN DŨNG

Ngày 21-09-2020 (GMT +7)

Sừng sững ở trung tâm điểm một quảng trường rộng lớn với 12 đại lộ thẳng tắp tỏa đi khắp các nơi, kiến trúc bằng đá với dáng vẻ vạm vỡ, uy nghi này đã chứng kiến những khoảnh khắc sáng loáng trong hơn 180 năm của lịch sử Kinh thành Ánh sáng Paris.

Cổng chào vinh quang

Đây đó trên thế giới, không hề thiếu những cổng chào uy nghi được dựng lên để mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Bên Kinh thành vĩnh cửu Rome, triệu triệu du khách đã đi ngang qua khải hoàn môn của hoàng đế Constantin; ở Berlin, cổng Brandenburg vẫn là một địa chỉ tham quan nổi tiếng thế giới. Và tại Paris, Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) vẫn ngày ngày đón khách tham quan.

Họ được các hướng dẫn viên du lịch giải thích cho biết nguồn gốc của khối kiến trúc ấy như sau, “Ngày 2-12-1805, sau khi đánh thắng đối phương là quân liên minh Nga-Áo tại trận Austerlitz, Hoàng đế Napoléon Bonaparte hứa với binh lính của mình rằng, Rồi đây các anh sẽ về nhà thông qua những khải hoàn môn”. Thế nhưng thực tế diễn ra khác hẳn. Các đoàn quân của Napoléon không một lần được hưởng giờ phút vinh quang ấy vì họ đã bị quân liên minh dưới sự chỉ huy của viên tướng Anh Wellington đánh tan tác tại Waterloo (Bỉ) vào năm 1815. Nhưng rồi khải hoàn môn cũng đã hình thành theo như ý của ông.

Tác giả trước Khải Hoàn Môn

Cao 49m, ngang 45m, ngầm sâu 22m vào lòng đất, Arc de Triomphe thực sự to lớn hơn Khải Hoàn Môn của hoàng đế La Mã Constantin tại Rome, gần đại hý trường Colisseum. Nó được trang trí với những bức tượng điêu khắc rất chi tiết, gồm cả tượng La Marseillaise, nhân vật nữ biểu trưng cho phong trào dân chủ quật khởi lật đổ chế độ quân chủ Pháp. Và trên những bức tường bên trong lòng của nó là địa danh của 128 trận chiến của quân lính Pháp thời Cộng hòa và Napoléon, từ 1792 đến 1814. Từ bên vỉa hè rộng của đại lộ nổi tiếng thế giới Champs Élysées, du khách theo đường hầm băng ngang dưới lòng quảng trường Charles de Gaulle và trồi lên ngay dưới chân Khải Hoàn môn. Ở khoảng sân trước mặt cổng, hướng thẳng xuống đại lộ Champs Élysées, có một ngọn lửa ngày ngày bập bùng. Đó là ngọn lửa bất tận, tưởng niệm số hơn 1.200.000 người lính Pháp đã tử trận trong cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ nhất 1914-1918. Dưới ngọn lửa là mồ chôn người chiến sĩ vô danh. Người lính ấy là ai, thuộc đơn vị nào, binh chủng nào, hy sinh ngày nào, xác được tìm thấy khi nào, tại đâu, được chôn vào đây ngày nào...? Những câu hỏi này sẽ được chúng tôi trả lời trong một bài khác.

Xếp hàng mua vé rồi bước qua nhiều bậc thang (hoặc đi thang máy), du khách lên được trên sân thượng tít trên cao của cổng chào vinh quang này. Từ đó, khách có tầm nhìn rộng khắp thủ đô Paris. Đằng kia là tháp Eiffel, kia là khu La Défense, xa xa nữa là đồi Montmartre nơi có ngôi thánh đường tuyệt đẹp với các tên toát lên chất thánh thiên, Đền thờ Trái tim Cực thánh (Sacré Coeur de Montmartre)! 

Suýt có "Voi khải hoàn"

Bạn nghĩ sao nếu như hôm nay du lịch Paris mà lại không có Khải Hoàn Môn để tham quan và chụp ảnh lưu niệm? Vì đã từng có chuyện như sau. Năm 1758, ông Charles Ribert, một kiến trúc sư với óc tưởng tượng kỳ dị đã nghĩ ra một cấu trúc tuyệt mỹ để dựng lên ở trung tâm điểm của không gian hôm nay có tên là Quảng trường Charles de Gaulle, nơi tỏa đi 12 đại lộ rộng lớn được bọc viền bởi những hàng cây xanh. Đó là một “Con voi” cao to để tôn vinh con thú lớn nhất trên Trái đất đồng thời làm bục quan sát cho khách nhàn du. Tượng voi có nước phun ra từ cái vòi cong dài và tiếng nhạc tỏa ra từ hai tai to của nó (dự kiến thiết kế không gian cho ban nhạc hòa tấu ngồi trong lòng đất, dưới chân voi).

Toàn cảnh Paris chụp từ Khải Hoàn Môn

May sao voi khổng lồ không xuất hiện mà thay vào đó là khối kiến trúc vuông vắn, vạm vỡ mà ngày nay triệu triệu người khắp thế giới biết đến với tên gọi Khải Hoàn Môn Paris, điểm tham quan hàng năm của 600.000 - 700.000 khách. Và nó còn là một kiến trúc trụ vững qua dòng thời gian chứng kiến những khoảnh khắc vinh quang của một dân tộc, chẳng hạn như hình ảnh các cầu thủ đội tuyển Pháp đã được phóng chiếu lên đây ngay trong đêm 15-7-2018, không lâu sau khi Les Bleus thắng đội tuyển Croatia 4-2, lần thứ hai đoạt cúp vàng FIFA bóng đá thế giới. Dĩ nhiên Arc de Triomphe của thành phố Paris cũng đã nhiều lần được lên phim màn ảnh lớn. Chẳng hạn như trong mùa hè 2018, khán giả đã lại thích thú theo dõi cảnh tài tử đắt giá Tom Cruise và bọn ác rượt đuổi nhau chung quanh Khải Hoàn Môn trong phim Nhiệm vụ bất khả thi phần 4 (Mission Impossible 4: Fallout).

Chỉ tiếc cho Hoàng đế Napoléon Bonaparte không bao giờ được hưởng một giây tột cùng của sự vinh quang nào khi còn sống, dù ở trên nóc hay ở dưới chân của cái cổng chiến thắng nguy nga có chạm trổ điêu khắc tuyệt mỹ này. Định mệnh tréo ngoe, ông chính là người đã ra lệnh cho kiến trúc sư Jean Chalgrin xây dựng nó vào năm 1806! Khi ấy chưa hề có đại lộ Champs Élysées như du khách biết ngày nay, vẫn còn là một vùng đất hoang. Mãi đến ngày 29-7-1836, tức 15 năm sau khi Napoléon qua đời trên đảo Sainte Hélène, Khải Hoàn Môn mới khánh thành. Và phải đến năm 1840, thi hài của ông mới được đưa từ đảo về Paris và khi ấy, ông mới được “rước” qua cổng Khải Hoàn Môn.

Bài và ảnh: P.  Nguyễn Dũng

Mời đọc tiếp: Mộ chiến sĩ vô danh ở Khải Hoàn Môn Paris

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin