Kawabata Yasunari và “Trăng trên mặt nước”

Kawabata Yasunari và “Trăng trên mặt nước”

Ngày 22-02-2021 (GMT +7)

ByHUỲNH DUY LỘC

Kawabata Yasunari sinh ngày 14 tháng 6 năm 1899 tại thành phố Osaka của Nhật Bản, cha là một bác sĩ yêu thích văn chương và nghệ thuật đã mất khi ông mới 3 tuổi và ngay trong năm sau, đến lượt mẹ ông cũng từ trần. Kawabata phải sống với ông bà nội, nhưng chẳng may bà nội ông mất năm ông lên 8 tuổi và 7 năm sau ông nội ông cũng mất nên ông được họ hàng bên ngoại nuôi nấng. Thuở còn học tiểu học, ông mơ ước làm họa sĩ, nhưng khi đã 15 tuổi, ông lại mơ ước trở thành một nhà văn.

Kawabata Yasunari

Trong những năm học trung học, ông đã viết những truyện ngắn và những bài tiểu luận cho các tờ báo ở địa phương và một tạp chí văn chương của tư nhân. Cuốn nhật ký ông viết vào thời gian trước khi ông nội ông qua đời về sau sẽ được in thành sách với nhan đề “Nhật ký của một thiếu niên 16 tuổi”. Ông đọc say mê tác phẩm của các nhà văn Bắc Âu và các nhà văn thuộc trường phái Shirakaba chối bỏ cách tiếp cận của chủ nghĩa tự nhiên và cố gắng đi tìm một kỹ thuật hành văn thích hợp với việc diễn tả những cảm giác tinh tế của con người.

Năm 1920, Kawabata vào học khoa Văn chương của Đại học Hoàng gia Tokyo và cùng với vài người bạn học cho ra mắt một tạp chí văn chương. Truyện ngắn “Cảnh tượng một ngày tưởng niệm” của ông đăng trong số 2 của tạp chí này đã khiến cho nhà văn Kikuchi Kan chú ý tới ông và ông cũng kết bạn với nhà văn Yokomitsu Riichi. Năm 1923, ông vào ban biên tập của Bungei Shunju, một tờ tạp chí hàng đầu lúc bấy giờ ở Nhật Bản, và bắt đầu viết những bài điểm sách. Tháng 3 năm 1924, ông tốt nghiệp đại học và sáu tháng sau cho ra mắt tạp chí văn chương Bungei Jidai (Thời đại Nghệ thuật), nơi sẽ quy tụ các nhà văn trẻ sáng lập trào lưu văn chương mới mang tên tân duy cảm (shinkankaku-ha).

“Cô vũ nữ xứ Izu” của Kawabata ra mắt trong hai số đầu năm của tạp chí Bungei Jidai được coi là sáng tác tiêu biểu cho thời kỳ khởi nghiệp viết văn của Kawabata, kể câu chuyện một nữ vũ công trẻ tuổi của một đoàn nghệ thuật lưu động ông đã gặp trong một lần đến bán đảo Izu. Trong những sáng tác sau đó như “Kureinaidan ở Asakusa” và “Điệu valse của hoa”, ông mô tả cuộc sống của các vũ công và ghi lại vẻ đẹp phù du của mọi vật ở trần gian. Trong truyện ngắn "Chim và thú” thấm đẫm nỗi buồn trước sự phù du của mọi vật ở trần gian ra mắt vào năm 1933, ông mô tả tâm trạng của một người đàn ông trung niên cô độc tìm khuây khỏa trong việc nuôi chó và chim.

Tên tuổi của Kawabata bắt đầu lừng lẫy từ cuốn tiểu thuyết “Yukiguni” (Xứ tuyết) khởi thảo năm 1935 và được hoàn tất 12 năm sau, kể về mối tình giữa một chàng trai chuyên nghiên cứu múa ballet của phương Tây đến từ Tokyo với một nàng geisha sống trong một ngôi làng trên núi. Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Kawabata tuyên bố ông sẽ chỉ còn viết những khúc bi ca và trung thành với phát ngôn của mình, ông đã cho ra mắt những cuốn tiểu thuyết thấm đẫm nỗi buồn và nỗi cô đơn của những người có tâm hồn nhạy cảm.

Cuốn tiểu thuyết “Sembazuru” (Ngàn cánh hạc) kể về mối quan hệ giữa một chàng trai với người tình cũ của cha và cô con gái của bà được khởi thảo vào năm 1949 và được đăng thành nhiều kỳ trên các nhật báo chẳng bao giờ được hoàn tất, nhưng lại được coi là một tuyệt tác của Kawabata. “Ngàn cánh hạc” là câu chuyện chàng thanh niên Kikuji không thoát ra được cuộc đời của người cha đã khuất, thừa hưởng cả tình yêu và bi kịch của ông trong quá khứ. Anh thừa hưởng của ông tất cả mọi thứ, từ ngôi nhà, trà thất, những trà cụ (vật dụng để pha trà) cho đến tình nhân của ông là bà Ota, cố gắng thể hiện sự tự tin và bản lĩnh của một người đàn ông trong tình ái giống như ông, điều mà những người đàn ông thuộc thế hệ của anh đã đánh mất vào buổi giao thời, khi nước Nhật chuyển mình để canh tân, vừa phải bảo lưu những phong tục, tập quán của quá khứ, vừa phải cố gắng thích nghi với những sinh hoạt và tập tục mới mẻ của nền văn minh phương Tây.

Sau "Ngàn cánh hạc", ông viết “Yama no Oto” (Tiếng rền của núi), cuốn tiểu thuyết về khát vọng yêu thương ở tuổi già, rồi 4 năm sau khi nhận giải Nobel Văn chương (năm 1968), ông tự tử cùng vợ vào ngày 16 tháng 4 năm 1972 ở tuổi 73.

Như Kawabata đã chia sẻ, nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn của ông là những khúc bi ca thấm đẫm nỗi buồn. Truyện ngắn ‘”Trăng trên mặt nước” (Thủy nguyệt) là câu chuyện về người phụ nữ trẻ tên Kyoko đã kết hôn lần thứ hai sau khi người chồng đầu tiên đau yếu, bệnh hoạn của nàng từ trần trong những ngày Thế chiến thứ hai đang diễn ra ác liệt. Người chồng đầu tiên của nàng đã ngã bệnh chỉ ba tháng sau đám cưới, và thời gian ngắn ngủi ở bên anh cho đến khi anh từ trần vì bệnh lao phổi là những ngày hạnh phúc nhưng cũng rất nhọc nhằn vì nàng phải chăm sóc anh chẳng khác gì một đứa trẻ như nàng nhớ lại sau này, khi đã kết hôn với người chồng thứ hai.

Anh nằm liệt giường nên nàng phải trao cho anh một chiếc gương cầm tay để anh có thể nhìn thấy mọi vật ở bên ngoài phản chiếu trong ấy, và dần dần cả anh và nàng đều thấy thế giới được phản chiếu trong chiếc gương còn đẹp và thật hơn thế giới ở bên ngoài. Thần linh đã tạo ra những con người không thể nhìn thấy khuôn mặt của chính mình, điều mà chỉ có người khác mới nhìn thấy được, nhưng chiếc gương mà nàng đã ví von là “đôi mắt của tình yêu” lại có thể giúp cho người ta nhìn thấy khuôn mặt của chính mình. Một đêm kia, khi mưa vừa tạnh, nàng và anh nhìn vầng trăng soi bóng trên vũng nước trong vườn, thấy bóng trăng trên mặt nước còn đẹp hơn và thật hơn vầng trăng trên trời cao. Vầng trăng trên mặt nước trong cái đêm đã vĩnh viễn không còn nữa ấy là biểu tượng của tình yêu thắm thiết của Kyoko và người chồng đầu tiên, là một cái gì hư ảo, phi thực, nhưng lại đẹp hơn và thật hơn tất cả mọi thứ trong cuộc đời này.

Vũng nước mưa đọng lại trong vườn phản chiếu vầng trăng hay chiếc gương cầm tay phản chiếu mọi vật của ngoại cảnh là ẩn dụ về thế giới được nghệ thuật phản ánh, nói lên quan niệm của Kawabata về nghệ thuật gần giống quan điểm của nhà văn Stendhal khi ông nói: "Một cuốn tiểu thuyết là một chiếc gương người ta mang đi dọc theo con đường". Thế giới được phản ánh qua nghệ thuật bao giờ cũng đẹp hơn và thật hơn thế giới có thật trước mắt chúng ta.

Bản dịch tiếng Anh truyện ngắn "Thủy nguyệt": Xem ở đây

Bản dịch tiếng Việt: Xem ở đây

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin