Hollywood 2021 sẽ như thế nào?

Hollywood 2021 sẽ như thế nào?

Ngày 30-12-2020 (GMT +7)

ByLÊ MINH AN

Có thể tạo ra bất kỳ kịch bản nào với những ý tưởng quái dị nhất nhưng những gì đang xảy ra là điều mà các kịch tác gia của công nghiệp điện ảnh Mỹ chưa bao giờ có thể hình dung: Hollywood đang trong giai đoạn khủng hoảng chưa từng có. Tác động và ảnh hưởng của COVID-19 dĩ nhiên không thể loại trừ. Tuy nhiên, dịch bệnh không phải là thủ phạm duy nhất. Cuộc khủng hoảng công nghiệp điện ảnh Mỹ thật ra đã lấp ló từ nhiều năm trước; và dịch bệnh chỉ cho thấy rõ điều mà Hollywood đáng lý phải nhìn ra sớm hơn: một cuộc khủng hoảng “identity”! Hình ảnh quen thuộc của điện ảnh nói chung, với phim trường và rạp hát gắn liền, tạo nên cái gọi là “định tính bản thể” tưởng như bất biến, thật ra đã thay đổi…

Đèn không hắt bóng

Hàng nghìn rạp chiếu phim ở Bắc Mỹ đã chìm trong bóng tối trong suốt chín tháng của năm 2020, trong khi những rạp mở cửa lại thì èo uột với khán giả lèo tèo. Thời mà thiên hạ xếp hàng rồng rắn và sẵn sàng “ngủ bụi” cả đêm để chờ mua vé xem Star Wars đã qua. Mọi năm, trong nhiều thập niên, những ngày giáp Giáng sinh là dịp quảng cáo rầm rộ những tác phẩm được kỳ vọng trở thành “blockbuster”, nhưng cuối năm 2020, chẳng xuất hiện tiếng vang của quả bom tấn nào. Không có phim mới nào được phát hành rộng rãi tại phòng vé Bắc Mỹ trong các ngày cuối tuần từ ngày 11-13 của tháng 12-2020. 

Dịch COVID tác động mạnh đến công nghiệp điện ảnh nước nhưng không phải là nguyên nhân đầu tiên và duy nhất (ảnh: NBC News)

Hollywood chao đảo. Rạp hát tắt đèn. Kịch tác gia thất nghiệp. Nếu để ý rằng nền công nghiệp điện ảnh khổng lồ Hollywood cần bao nhiêu nhân lực để có thể sản xuất một bộ phim, từ kỹ thuật ánh sáng đến đồ họa, từ âm thanh đến soạn nhạc, mới cảm nhận được sự khủng hoảng mà Hollywood đối mặt nghiêm trọng đến mức độ nào. Chỉ riêng California, công nghiệp điện ảnh đã mang lại công ăn việc làm cho hơn 722.000 người với tiền lương tổng cộng 68 tỉ USD – theo Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA). Tại bang Georgia, công nghiệp điện ảnh mang lại “job” cho hơn 45.770 người với tiền lương hơn 3,7 tỉ USD năm 2017 và 2018.

Để sản xuất một bộ phim, có rất nhiều bộ phận cùng tham gia (Hollywood Reporter)

Trong lịch sử 110 năm ngành công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ, chưa bao giờ có nhiều biến động xảy đến cực nhanh và tác động khủng khiếp như vậy. Từ kịch tác gia, đạo diễn, giám đốc hãng phim, đại lý phân phối đến thậm chí nhân viên phòng vé…, tất cả đều mất phương hướng và xuống tinh thần, như thể đang “lang thang hoàn toàn trong bóng tối”- như nhận xét của một nhà sản xuất lâu năm. Đã có những thay đổi đột ngột và dữ dội ở các cấp cao nhất của Hollywood. Chín trong 20 người quyền lực nhất, theo xếp hạng một năm trước của The Hollywood Reporter, phải rời bỏ công việc vì lý do này hay lý do khác.

Khủng hoảng “định tính bản thể”

Vấn đề có phải “chỉ tại” COVID hay còn yếu tố nào khác? Ngày 3-12-2020, Warner Bros và công ty mẹ, WarnerMedia, đã khiến công nghiệp điện ảnh Mỹ chới với khi thông báo rằng họ sẽ lần đầu tiên trong lịch sử Hollywood chơi một cú chưa từng có: vừa phát hành rạp vừa chiếu online (dịch vụ streaming), không phải một phim mà là toàn bộ “hàng khủng” trong năm 2021 – trong đó có In the Heights, Dune và Suicide Squad 2 (chiếu cùng lúc trên HBO Max và rạp). Trước đó, Warner Bros đã khiến giới chủ rạp nổi điên khi loan bố phát hành Wonder Woman 1984 vào ngày 25-12-2020, cùng lúc, vừa rạp vừa trên HBO Max. Trước giờ người ta mặc định hiểu, phim mới ra lò phải được chiếu rạp trước rồi mới xuất hiện trên các dịch vụ streaming như HBO, Netflix hay Amazon Prime. Thời gian chờ được lên mạng thường là vài tháng hoặc thậm chí một năm. Nếu chiếu cùng lúc như vậy thì còn ai đến rạp? Trong khi nói đến điện ảnh là hàm ý đến sự thưởng thức tác phẩm điện ảnh trong rạp. Xem phim tại nhà chỉ là… xem phim. Phải đến rạp mới là “văn hóa điện ảnh”. Cinema là “theater” chứ không thể là “streaming at home”. Điện ảnh không phải là “giải trí”. Nó là nghệ thuật và nó cần phải được “thưởng thức”.

Warner Bros là hãng lớn đầu tiên áp dụng chiến thuật phát hành gây sốc: vừa chiếu rạp vừa chiếu online (trong ảnh là phim Wonder Woman 1984 - ảnh: Warner Bros)

Cú sốc Warner Bros không chỉ khiến giới chủ rạp nổi giận mà giới chuyên môn cũng nổi cáu. “Warner Bros có một cỗ máy đáng kinh ngạc để đưa tác phẩm điện ảnh đến mọi ngóc ngách nhưng bây giờ họ lại tháo bung hết cả ra. Họ thậm chí không hiểu họ đang mất gì” – đạo diễn Christopher Noland nói với The Hollywood Reporter – “Quyết định của họ không có ý nghĩa kinh tế và ngay cả những nhà đầu tư bình thường nhất Wall Street cũng có thể thấy sự khác biệt giữa gián đoạn và “rối loạn chức năng”. J.J. Abrams – chủ tịch Bad Robot Productions, một trong những tên tuổi lớn của Hollywood – nói rằng con người luôn có nhu cầu gặp nhau để giao lưu và cùng trải nghiệm. “Không có gì mà tôi có thể nghĩ thú vị hơn việc được ở trong rạp chiếu phim với những người bạn không biết, những người không nhất thiết phải thích cùng một đội thể thao hoặc cầu nguyện cùng một vị thần hoặc ăn cùng một loại thức ăn. Nhưng họ cùng la hét, cùng cười, cùng khóc. Đó là một nhu cầu xã hội" - J.J. Abrams nói.

Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi. Kỹ thuật tiếp tục làm thay đổi mọi thứ. Nó đang biến đổi diện mạo xã hội, làm thay đổi cách người ta “cùng la hét, cùng cười, cùng khóc”. Nó tác động và ảnh hưởng dữ dội đến cách người ta sống và thói quen con người. Chính streaming chứ không phải gì khác đã làm thay đổi hoàn toàn cách người ta nghe nhạc. Nó đã xóa sổ băng tape, chôn vùi CD, và thậm chí nó đã viết cáo phó cho MP3. Blog cũng làm thay đổi diện mạo báo chí và truyền thông. WordPress và Tumblr từng được đánh giá “chẳng là gì” đối với những tờ báo lừng lẫy như New York Times. Sách điện tử Amazon cũng từng “chẳng là gì” đối với công nghiệp xuất bản… Kỹ thuật mang lại nhiều thứ mới mẻ phục vụ con người nhưng cũng chính nó giết thảm nhiều người. Vấn đề là có nhìn ra sớm điều đó hay không.

COVID hay không thì Hollywood vài năm qua đã bị ảnh hưởng bởi dịch vụ streaming. Một ghi nhận năm 2017 từng cho thấy lượng khán giả đến rạp ở Mỹ đã giảm ở mức thấp nhất trong 19 năm, với doanh thu chỉ nhỉnh hơn 10 tỉ USD (thị trường nội địa) – bằng mức mà cổ phiếu của Amazon, Facebook, hay Apple tăng trong một ngày! Năm 2016, DreamWorks Animation được bán cho Comcast với giá chỉ 3,8 tỉ USD. Trong cùng thời gian, Paramount được định giá chỉ khoảng 10 tỉ USD – bằng mức giá mà Sumner Redstone mua nó hơn 20 năm trước. Từ 2007-2011, doanh thu của ngũ đại gia - Twentieth Century Fox, Warner Bros, Paramount Pictures, Universal Pictures, và Disney - giảm 40%. Hollywood bèo nhèo đến mức nhiều hãng phim phải chấp nhận bán cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Nhiều dự án lớn cũng bị lỗ thảm hại. Ben-Hur (2016) của hãng MGM được sản xuất với vốn hơn 120 triệu USD nhưng bị lỗ 47,8 triệu USD!

Prom – với Meryl Streep, James Corden, Nicole Kidman – được Netflix sản xuất và phát hành trên các rạp ngày 4-12-2020 và cũng được chiếu trên dịch vụ streaming của họ (ảnh: Netflix)

Chẳng ai có thể hình dung Uber và Lyft có thể làm điêu đứng “thế giới taxi”. Cũng ít người hình dung Airbnb có thể làm ảnh hưởng công nghiệp khách sạn. Netflix đang làm điều tương tự đối với công nghiệp điện ảnh Mỹ. “Điện ảnh như một loại hình nghệ thuật sẽ không chết. Nhưng truyền thống điện ảnh mà chúng ta lớn lên, yêu thích, với những tác phẩm được xem ở rạp, đã qua rồi. Điện ảnh cần được định nghĩa lại để việc bạn xem ở đâu không còn quan trọng. Rất nhiều người, thật đáng buồn, dường như chưa sẵn sàng thừa nhận điều đó” – nhận xét của Michael Shamberg, người đứng sau những bộ phim như Erin Brockovich, The Big ChillContagion.

Bài học năm 2020

Nói cách khác, nghệ thuật điện ảnh vẫn tồn tại, nhưng màn ảnh rộng không còn là tất cả những gì mà điện ảnh cần. Giới công nghiệp điện ảnh phải chấp nhận một thực tế rằng “văn hóa xinê” đang thay đổi. Việc phân phối và phát hành phim phải thay đổi. Có thể rạp hát với “màn ảnh đại vĩ tuyến” sẽ không trở thành phế tích hoang tàng của thời hoàng kim Hollywood. Không khí thảm đỏ của những chương trình trao giải Quả Cầu Vàng hay Oscar rồi sẽ trở lại. Bãi biển Cannes ở Pháp lại nhộn nhịp vào mỗi tháng 5 hàng năm. Tuy nhiên, tỉ lệ khán giả xem phim tại nhà chắc chắn ngày càng nhiều hơn.

Khảo sát cho thấy ngày càng có nhiều người thích xem phim tại nhà

Mùa đông 2020 là mùa đông “lạnh” nhất lịch sử Hollywood. Nó nhắc rằng sức ép buộc phải thay đổi cũng trở nên nóng nhất hơn bao giờ. Muốn hay không thì những định kiến và “ác cảm” với dịch vụ streaming phải cần nhìn lại. Cho đến giờ, nhiều đạo diễn lừng lẫy trong đó có Steven Spielberg cũng như Viện hàn lâm khoa học nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS), nơi chấm giải Oscar, vẫn không ưa Netflix, cho rằng phim do Netflix sản xuất chưa đủ đẳng cấp nghệ thuật. Một số chuỗi rạp lớn như AMC, Regal, Cinemark và Carmike thậm chí còn từ chối phát hành phim của Netflix. Với những gì đang diễn ra, cách tốt nhất để cứu Hollywood là các hãng phim phải làm lại chính mình – như phát biểu của Ava DuVernay. DuVernay nói: “Tôi xem đây là thời cơ. Đôi khi bạn phải gỡ những con đinh tán và xây dựng một cái gì đó mới”. “Thay đổi là thứ mà chúng tôi sẽ làm” là slogan tại hãng sản xuất ARRAY của Ava DuVernay, người thành công với những sản phẩm điện ảnh lẫn truyền hình như Selma, Queen SugarWhen They See Us.  

Cùng với Netflix, Amazon Prime Video…, HBO Max đang định hình nên xu hướng xem phim tại nhà

“Cut” - hiệu lệnh quen thuộc của các đạo diễn trên phim trường. Với Hollywood, giờ đây, điều mà họ cần làm là “cut” những định kiến và tư duy truyền thống về việc làm phim, về việc phát hành, về những quan điểm liên quan nghệ thuật từng được xem là mẫu mực và thước đo tạo nên một lịch sử văn hóa điện ảnh luôn đáng ngưỡng mộ. Dù vậy, không có gì là bất biến. Xem phim hay tại rạp bây giờ đã không là câu hỏi lớn nhất cần được đặt ra. Trên màn bạc hay trên màn hình tivi, Julia Roberts vẫn là Julia Roberts.

Bài đã đăng trên Saigon Nhỏ

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin