Hello, stress…

Hello, stress…

Ngày 16-09-2020 (GMT +7)

ByLÂM VÂN AN

Cách đây vài năm, phòng nhân sự công ty tôi cho nhân viên xem một video về stress. Người trình bày là tiến sĩ tâm lý chuyên nghiên cứu về stress tên là Kelly McGonigal. Cô có hơn 10 nghiên cứu và viết rất nhiều luận văn về stress. Cô bắt đầu buổi nói chuyện bằng câu hỏi “trong khán phòng này, ai trong chúng ta cảm thấy cuộc sống mình hơi bị stress?” Vài cánh tay giơ lên. Cô hỏi tiếp “ai cảm thấy cuộc sống mình bị cực kỳ stress?” - hơn 2/3 khán phòng giơ tay. Cô nói “chúc mừng các bạn đang cảm thấy quá stress. Tôi nghĩ là tôi có thể giúp được cho số đông này”…

Rồi cô kể cô đã bỏ ra gần hai thập niên nghiên cứu mọi thứ về stress. Cô nghĩ cô biết mọi thứ về stress nhưng khi cô đi giảng các tác hại của nó thì chính cô cũng “dìm hàng” nó. Stress ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tăng cường các vấn đề tim mạch, giảm tuổi thọ. Những người bị stress chết sớm hơn (die prematurely) so với người bình thường. Đó là sự thật khoa học và báo chí đã nói từ lâu nhưng có một sự thật khác là những người chịu sức ép của stress mà không cảm thấy mình bị ép thì lại sống rất khoẻ, thậm chí rất ngon lành. Cô đưa ra kết quả nghiên cứu tiến hành trên 30.000 người Mỹ được theo dõi trong tám năm. Những người này được hỏi:

1/ Năm ngoái bạn stress mức độ thế nào?

2/ Bạn có tin là stress có hại cho sức khoẻ không?

Kết quả là nhóm người trả lời họ bị “stress cao” lại tăng khả năng tử vong hơn 40%; và nhóm người trả lời họ “tin là stress có hại cho sức khoẻ” cũng tăng khả năng tử vong hơn 40%. Trong khi đó nhóm chịu nhiều stress vào năm trước nhưng “không tin là stress có hại” hay ảnh hưởng gì đến họ lại có khả năng tử vong thấp, thấp hơn cả nhóm cho rằng cuộc sống mình ít bị stress.

Trong một nghiên cứu khác song song cũng kéo dài tám năm, Kelly McGonigal cho biết có đến 182.000 người Mỹ chết trong tám năm, không phải vì stress mà vì tin là “stress có hại cho sức khoẻ”. Quá kinh khủng phải không bạn? Kelly McGonigal khuyên mọi người hãy thay đổi cách nhìn về stress: rethink about stress. Ví dụ trước khi lâm trận, chiến đấu, bạn thấy máu mình sôi lên, tim đập thình thịch, mồ hôi túa ra, bạn hãy nghĩ cơ thể bạn đang được truyền năng lượng để đủ sức vượt chướng ngại vật, thay vì nghĩ “má ơi sao đời con stress quá, chắc con chết trước giờ xổ số”.

Kelly McGonigal

Một nghiên cứu khác của Đại học Harvard cũng huấn luyện người tham gia cách nhìn về stress: hãy nhìn nó với cách nhìn mới, xem stress là bạn của ta chứ không phải là kẻ thù của ta. Khi đập mạnh, tim bạn đang chuẩn bị tinh thần cho bạn. Hơi thở bạn đang gấp là giúp để bơm thêm oxygen cho não. Các đối tượng nghiên cứu sau khi đã thay đổi suy nghĩ về stress, liền được đặt trong các tình huống căng thẳng, nhưng các mạch máu của họ thay vì căng phồng lên gây bệnh tim mạch, lại dãn ra, relax... và nhờ đó khả năng sống đến 90-100 tuổi cao hơn hẳn.

Cho nên, việc bạn nhìn nhận về stress thế nào ảnh hưởng rất lợi hại đến chất lượng cuộc sống của chính bạn. Vì thế mục tiêu sống của cô Kelly McGonigal đã thay đổi. Cô cho biết mình không còn cố thuyết phục mọi người hãy cố đừng bị, tránh né stress càng nhiều càng tốt. Mà là thuyết phục mọi người bị stress thì cứ stress, nhưng đừng để bị nó ảnh hưởng gì cả. Khi bị stress, não tiết ra oxytocin. Chất này cũng là hormone thần kinh tiết ra khi mình ôm ai đó. Hormone này làm mình muốn vươn tay ra để nhờ những người xung quanh giúp đỡ, tìm đến những người yêu thương khi đời mình gặp gian nan vất vả. Chất này càng tiết ra nhiều, tim mình càng khoẻ. Cho nên khi bị stress thì càng cần tìm đến người thân, người thương để xả...

Tóm lại: Hãy luôn xem stress là một phần của cuộc sống hiện đại, là cách để loài người chúng ta sinh tồn và phát triển. Từ giờ trở đi, bất cứ khi nào bạn bị stress, hãy nhớ đến công trình của cô Kelly McGonigal mà chọn cách nhìn stress, sống chung với stress một cách thông minh nhất, êm đẹp nhất. Và dĩ nhiên là nhớ tới… tôi, người luôn mong bạn hãy đừng vì stress mà quên không support lẫn nhau. Giúp đỡ nhau chả phải để trông mong tính toán sau này có gì người ta giúp lại mình, mà là “giúp để giúp thôi, giúp vì tinh thần giữa người với người, vì đó là một điều nên làm để thế giới thành một nơi đáng sống hơn - it’s the right thing to do, for the sake of the greater good”.

Lần sau stress kéo tới, bạn hãy cool ngầu lên: “Hello, stress. Hãy cùng mình chiến đấu, chơi là chơi à. Sợ gì, game on!”.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin