Giáo dục Hong Kong trước thách thức của Luật an ninh mới

ByCỐ SỰ QUÁN

Ngày 09-08-2020 (GMT +7)

Bắt đầu vào mùa thu này, các trường học ở Hong Kong sẽ có những thay đổi dễ nhận thấy từ những áp phích tuyên truyền đầy màu sắc cho đến những dòng khẩu hiệu đại loại như “Tự do bạn tùy trách nhiệm”, “Tự do dữ phóng túng bất đồng” (Tự do đi kèm trách nhiệm, tự do khác với phóng túng bất đồng). Nhưng những thay đổi thấy được bằng mắt đó chưa phải là tất cả đối với môi trường học thuật tự do với thâm niên hàng thế kỷ như Hong Kong.

Hong Kong có những trường học và đại học được xếp hạng tốt nhất ở Châu Á và thậm chí trên thế giới. Người Hong Kong từng rất tự hào về nền giáo dục của họ, nền giáo dục khai phóng nơi mà những học sinh, sinh viên được khuyến khích đặt vấn đề, phân tích, phê phán với tư duy phản biện, cùng những chủ đề học thuật mà Đại Lục luôn cấm kỵ và không thể chấp nhận.

Ngày 28-7-2020, ông Đới Diệu Đình (Benny Tai), phó giáo sư luật Đại học Hong Kong (HKU) đã bị trường này sa thải dưới sức ép Bắc Kinh (EPA)

Mặc dù với bề dày lịch sử giáo dục như vậy, nhưng chỉ vài tuần sau khi luật an ninh mới càn quét khắp Hong Kong; ban giám hiệu, nhân viên bao gồm các giáo viên, giảng viên, giáo sư tại khắp các trường học và đại học ở Hong Kong ai ai cũng đều cảm thấy lo lắng và bất an về tương lai điều hành và giảng dạy của họ.

Một email của Đại học Hong Kong (HKU- University of Hong Kong) gửi đến các giáo sư, giảng viên của trường như sau “Hãy duy trì tính trung lập trong giảng dạy và chú ý đến cách thức sử dụng ngôn ngữ… Bất cứ hành vi nào khơi gợi những cuộc thảo luận mở rộng về những chủ đề nhạy cảm cần PHẢI TRÁNH hoàn toàn”. Đây là một phần trong email của Chủ nhiệm Khoa Luật và Nhân văn gởi đến mọi nhân viên của HKU mà phần kết thúc điện thư này nhấn mạnh rằng “Không khoan nhượng đối với các hành vi chống đối và mang quan điểm chính trị cá nhân vào lớp học”.

Mặc dù sau đó HKU cho biết email này mang tính chất riêng tư và chưa phải là chính sách chính thức, nhưng trong tuyên bố chính thức của mình, trường vẫn khẳng định các lớp học cần phải trung lập về chính trị và chỉ nên tập trung vào việc học tập. Một giảng viên không tiết lộ danh tính cho ý kiến rằng “Đây là một trong những điều làm cho chúng tôi quan tâm lo lắng, nó bóp nghẹt tự do ngôn luận ngay tại cấp cơ sở mà không cần cấp chính phủ phải động một ngón tay”.

Đới Diệu Đình (Benny Tai), phó giáo sư Luật tại HKU, người khởi xướng phong trào Hòa Bình Chiếm Trung (hay còn được gọi là “Chiếm Lĩnh Trung Hoàn”) vào năm 2014, từng bị báo chí nhà nước Trung Quốc phỉ báng nặng nề và bị chính quyền Hong Kong kết án với tội danh âm mưu kích động và kích động người khác quấy rối trật tự công cộng vừa trải qua 16 tháng tù, mới đây đã bị HKU sa thải. Ngay lập tức Văn phòng Điều phối của Trung Quốc tại Hong Kong đã lên tiếng ca ngợi hành động sa thải của trường là “một hành động công bằng”. Đới Diệu Đình bình luận về việc Đại học sa thải ông rằng “đây là chỉ dấu cho sự kết thúc của nền tự do học thuật ở Hong Kong, tôi rất đau lòng khi chứng kiến sự sụp đổ của trường Đại học mà tôi yêu mến”.

Môi trường học thuật và tranh luận tự do của Hong Kong đang bị bóp chết (New York Times)

Ông Đới không phải là một trường hợp cá biệt bị sa thải từ sau khi Luật an ninh mới được Trung Quốc đưa vào áp dụng tại Hong Kong. Thiệu Gia Trân (Shiu Ka-Chun), nhà lập pháp ủng hộ dân chủ và cũng là giảng viên với thâm niên hơn 11 năm trong ngành Công tác Xã hội của Đại Học Thánh Tẩy Hong Kong (HKBU- Hong Kong Baptist University), đã bị sốc khi Đại học này từ chối gia hạn hợp đồng với ông. Ông Thiệu đã từng phải vào tù năm ngoái khi bị chính quyền Hong Kong kết án xúi giục quấy rối trật tự công cộng. Thiệu Gia Trân đã bị loại khỏi công tác giảng dạy từ tháng Giêng năm nay, và vừa bị chính thức ngừng hợp đồng sau khi Luật an ninh mới được áp dụng ở Hong Kong. “Họ lên danh sách tất cả chúng tôi, những người đã tham gia phong trào Hòa bình Chiếm Trung. Họ dùng luật pháp và cả công việc mưu sinh để gây khó dễ cho chúng tôi”, ông Thiệu nói. Đại học Thánh tẩy Hong Kong từ chối bình luận về trường hợp của ông Thiệu Gia Trân.

Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Hong Kong- Lý Gia Siêu (John Lee) tuyên bố rằng chính phủ sẽ loại bỏ “những quả táo thối” đang “đầu độc” thanh thiếu niên trong môi trường giáo dục Hong Kong, theo một phát ngôn của ông được tờ Đại Công Báo (tờ báo thân Bắc Kinh) đăng tải. Theo ông Lý, ưu tiên hàng đầu của Ủy ban An ninh Quốc gia đang nhắm tới hiện tại là đạt thỏa thuận hợp tác với các trường học và đại học, với lý do 40% những người bị bắt trong các cuộc biểu tình chống chính phủ là học sinh, sinh viên và giáo viên. Mục tiêu của ông Lý Gia Siêu trong vòng hai năm tới sẽ trừng phạt mạnh tay và loại trừ “kẻ thù của cộng đồng” để “ngăn ngừa sự lây lan của những mầm mống hiểm họa đe dọa an ninh quốc gia”. Chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ các trường học và các tổ chức học thuật.

Song song với việc loại bỏ các giáo viên, giáo sư ủng hộ các phong trào phản kháng và ủng hộ dân chủ, chính quyền Hong Kong cũng yêu cầu các trường học và đại học phải thúc đẩy giáo dục “tinh thần yêu nước” và đảm bảo luật an ninh mới sẽ được tuân thủ đầy đủ. Qua đó, các tổ chức giáo dục ở Hong Kong phải cấm tuyệt đối các sinh viên học sinh hát những bài phản kháng phổ biến, các thư viện công cộng và trong các trường học phải loại bỏ những quyển sách mà họ cho rằng có thể vi phạm các quy tắc mới. Những nhà lập pháp Hong Kong thân Bắc Kinh thậm chí còn đề xuất lắp camera giám sát trong lớp học để theo dõi quá trình giáo viên giảng dạy.

“Tự do học thuật không được phép chà đạp lên trên luật pháp và dùng đó làm cái cớ để học sinh sinh viên có thể tự do làm bất cứ thứ gì họ muốn”, Trương Vũ Nhân (Tommy Cheung), Chủ tịch Đảng Dân Chủ (thân Bắc Kinh), thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong đồng thời cũng là thành viên của Hội đồng HKU phát biểu. Khi được hỏi về ý tưởng gắn các camera giám sát trong lớp học, ông Trương trả lời “Nếu bạn không nói bất cứ điều gì sai trái để sợ người ta nghe thấy thì có gì mà phải lo lắng khi bị giám sát?”.

Cũng theo đó, mới đây một nữ giáo viên đã bị đưa ra điều trần trước hội đồng trường vì cho phép học sinh thảo luận về các vụ bắt cóc chủ những nhà xuất bản ủng hộ dân chủ ở Hong Kong vào năm 2015; một giáo viên khác đã bị chấm dứt hợp đồng vì cho phép học sinh hát bài hát phản kháng “Nguyện Vinh Quang Quy Hương Cảng” - bài hát được xem như quốc ca của những người bất đồng và đấu tranh dân chủ ở Hong Kong. Ngoài ra, ban giám hiệu của các trường sẽ bị kỷ luật và có thể đối mặt với các vấn đề pháp lý nếu để sinh viên học sinh nhạo báng hoặc có thái độ thiếu tôn trọng đối với quốc kỳ, quốc ca Trung Quốc.

Rõ ràng, định nghĩa của Trung Quốc về An ninh Quốc gia đã vượt ra ngoài giới hạn của các khái niệm tiêu chuẩn kỹ thuật về các mối đe dọa như khủng bố hay tấn công quân sự. Phiên bản Luật an ninh ở Hong Kong chứa đựng nhiều điều khoản mơ hồ, bao gồm cả phê phán chính phủ. Điều này làm các giáo viên hoang mang, họ không biết “giới hạn vô hình” hay mức độ để bị buộc tội nằm ở đâu.

“Làm sao để duy trì lối giáo dục hướng tới tư duy phản biện mà không vượt giới hạn để được an toàn?”, Benson Wong một giảng viên ở Đại học Giáo dục Hong Kong (EdUHK- Education University of Hong Kong) hoang mang. Một giáo viên giấu tên đang giảng dạy môn Lịch sử ở một trường quốc tế tại Hong Kong nói rằng ông đã không còn dám yêu cầu sinh viên viết các bài luận về các chủ đề gây tranh cãi. Ông cho biết: “Những điều mơ hồ về Luật an ninh được tạo ra để đe dọa và dập tắt những cuộc thảo luận bởi vì không ai biết rằng khi nào họ đã vượt quá giới hạn và phạm luật. Môn lịch sử và xã hội học không phải để bắt học sinh thuộc lòng những câu chuyện bịa đặt hoặc huyền thoại để tô vẽ cho chế độ cầm quyền và nền chính trị của quốc gia".

Cảnh sát Hong Kong cảnh báo người biểu tình sẽ bị bắt nếu vi phạm “Luật an ninh quốc gia” (New York Times)

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), lãnh đạo Hong Kong, phát biểu trong một buổi họp báo vào tháng 7 rằng với hơn 3.000 thanh thiếu niên bị bắt tại các cuộc biểu tình cho thấy các cơ sở giáo dục của thành phố đã bị “các thế lực thù địch” thâm nhập để đầu độc đầu óc của sinh viên học sinh nhằm thúc đẩy sự chống đối của thế hệ thanh thiếu niên với chính quyền địa phương và trung ương. “Đối mặt với tình huống nghiêm trọng như vậy, với tương lai của con em chúng ta, chúng ta chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đặt câu hỏi, phải chăng nền giáo dục của Hong Kong đang có vấn đề?”, bà Lâm nói. Bà Lâm cho biết rằng học sinh đang bị nhồi sọ một cách tiêu cực bởi các sách giáo khoa và các khóa học với “hình ảnh một chính phủ mất uy tín và cảnh sát bạo lực” một cách phiến diện. “Giáo dục sẽ thay đổi theo luật mới để giúp họ tuân thủ luật pháp hơn trong tương lai” – bà Lâm nói.

Rõ ràng rằng mục tiêu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhằm: nuôi dưỡng một thế hệ trẻ mới trung thành và yêu nước. Đây là một chiến lược nhằm kiểm soát ý thức hệ và nó đã chứng tỏ tính hiệu quả ở Đại lục. Nối tiếp thành công tại Trung Quốc, Bắc Kinh nhắm tới mục tiêu kế tiếp là Hong Kong, vì vậy họ đã mạnh tay hơn trong việc kiểm soát thành phố, hoạt động của người dân, sách báo và các cơ sở giáo dục ở Hong Kong.

Các tổ chức giáo dục giờ đây phải một mặt tự kiểm duyệt nội dung giảng dạy, mặt khác lại rất e dè khi thuê mướn các giáo sư, chuyên gia nước ngoài về giảng dạy hoặc không dám hợp tác học thuật với quốc tế vì sợ phạm tội thông đồng với nước ngoài. Những “làn ranh đỏ mơ hồ” đang ngày càng cụ thể hơn trong công tác nghiên cứu, giảng dạy ở Hong Kong. Những hậu quả pháp lý nghiêm trọng vì những tội danh rất mơ hồ trong công tác giảng dạy có thể xảy ra tạo nên những hoang mang, lo sợ thực tế cho cộng đồng giáo dục Hong Kong trước mùa khai giảng năm học mới vào tháng Chín tới. Nền giáo dục tự do khai phóng của Hong Kong đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Ông Thiệu Gia Trân nói: “Chúng tôi không thể nghiên cứu và giảng dạy trong “cái lồng chim”. Các tổ chức học thuật không thể phát triển mạnh mẽ và mang đến những thành tựu xuất sắc nếu không có tự do tư tưởng và ngôn luận”.

Giáo sư Trần Kiện Dân (Chan Kin-Man) một trong những lãnh đạo phong trào Chiếm Trung năm 2014, ra tù hồi đầu năm 2020, nói rằng, chính quyền Trung Quốc đang muốn tiến hành chiến dịch “cải cách tư tưởng” tại Hong Kong, giống như các phong trào đánh vào giới trí thức ở Đại lục mà điển hình là cuộc Cách Mạng Văn Hóa hàng chục năm trước nhằm bảo vệ Đảng và Chế độ, “Hong Kong sẽ bước vào thời kỳ phản tri thức nơi mà tư duy độc lập sẽ không còn chỗ đứng”.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin