Ngày 25-08-2020 (GMT +7)
Chiếc xe ca to, dài dừng lại giữa vùng núi đá đỏ, hoang vu nằm ở rìa biên giới hai bang Arizona và Utah. 35 khách của Công ty Du Lịch Hoàn Mỹ lục tục đổ xuống, nhìn quanh, ngỡ ngàng. “Chúng ta dùng bữa trưa ở nhà hàng này!”, bạn Trực, hướng dẫn viên đưa tay chỉ lên một cụm nhà toàn bằng gỗ, sơn nâu đỏ phù hợp với cảnh quang thiên nhiên, nằm trên đỉnh một tảng đá lớn. Đó là Goulding’s Trading Post (Bót giao dịch hàng hóa của Goulding).
Leo lên một cái thang sắt, bước qua vài chứng tích của thời cao bồi xưa, dưới một cột cờ phấp phới lá quốc kỳ Mỹ, chúng tôi chờ được xếp chỗ ngồi xong thì lại chờ tiếp các món ăn vì không gian nhà hàng không lớn lắm mà lại có rất nhiều khách. Khách đông là điều dễ hiểu vì Goulding’s Trading Post đã thuộc vào lịch sử cao bồi miền Viễn Tây Hoa Kỳ (The Far West). Được xây dựng năm 1920 bởi ông Harry Goulding và vợ Leone, bót giao thương kiêm tửu quán này nằm ngay trong khu núi đá đỏ nổi tiếng Monument Valley (Thung lũng tượng đài).
Thời kinh tế Mỹ bị khủng hoảng thập niên 1930, họ có sáng kiến thu hút các nhà sản xuất phim cao bồi đến đây thu hình. Như vậy thổ dân Navajo (phát âm là “na-va-hô) trong vùng mới có việc làm, có thu nhập và có thể tiếp tục lưu truyền lịch sử, văn hóa Navajo. Ông Harry đã tìm gặp và thuyết phục được John Ford, đạo diễn của nhiều phim cao bồi Viễn Tây. Năm 1939, phim Stagecoach (Xe ngựa chở khách) đã được ghi hình trong lãnh địa Monument Valley này. Đây chính là phim bệ phóng cho tài tử trẻ John Wayne lên hàng sao tỏa sáng.
Quả thật, John Wayne và John Ford sẽ còn trở lại nơi đây thực hiện nhiều phim cao bồi và thổ dân da đỏ khác, nổi nhất có bộ ba phim về viên đại úy kỵ binh Hoa Kỳ Nathan Cutting Brittles trong She wore a yellow ribbon (Cô ấy đeo nơ vàng, năm 1949); viên đại úy Kirby York trong Fort Apache (Đồn Apache, năm 1948) và trung tá Kirby York trong Rio Grande (Dòng sông lớn, năm 1950).
John Wayne có cabin nhỏ để ngủ nghỉ trong Goulding’s Trading Post khi thu hình phim She wore a yellow ribbon và chúng tôi đã thử sống trong không gian nhỏ nhoi mà đậm chất lịch sử ấy! Thật đã khi nhớ rằng John Wayne đã đóng trong hơn 140 phim, đa số là phim cao bồi. Nổi nhất có các phim Red River (1948), The HYPERLINK "https://en.wikipedia.org/wiki/The_Searchers"Searchers (Những kẻ săn lùng, năm 1956), The Man Who Shot Liberty Valance (Kẻ bắn hạ Liberty Valance, năm 1962), True Grit (Lì lợm từ tâm, năm 1969), The Shootist (Tay súng thiện xạ, năm 1976, vai diễn cuối cùng của John Wayne).
Một vòng qua nhiều địa chỉ du lịch gắn liền với lịch sử cao bồi và da đỏ miền Viễn Tây, bạn sẽ thấy rất nhiều hình ảnh, sách, lịch, đồ lưu niệm về John Wayne.
Thời xưa, khi lập đoàn, kết nhóm rủ nhau đi lập nghiệp, làm giàu ở miền Viễn Tây, những người Mỹ da trắng thuộc đủ mọi thành phần, rất khỏe mạnh, can đảm, gan lì và... thuộc loại “thấy sao nói vậy người ơi”. Cho nên hồi trung tuần tháng 8, đoàn chúng tôi, 35 du khách đồng hành cùng vợ chồng sếp Khải của Công ty du lịch Hoàn Mỹ, đã thích thú khám phá những thị trấn cao bồi với những cái tên rất lạ, rất gợi hình... Chẳng hạn như thị trấn “Cái lỗ Jackson”.
Ra khỏi Công viên quốc gia Grand Teton, một kỳ quan thiên nhiên nối liền với Công viên quốc gia Yellowstone, chúng tôi lăn bánh suốt một chặng đường dài đến cuối chiều thì mới đến nơi. Một thoáng nhìn quanh, mọi sự mệt mỏi vụt tan ngay vì Jackson Hole quá hấp dẫn. Tất cả các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn đều làm toàn bằng gỗ theo kiểu không gian sống của dân cao bồi, dân khẩn hoang Viễn Tây năm xưa.
Từng bạn đồng hành nối tiếp nhau chụp ảnh kỷ niệm dưới một trong bốn cổng chào của Công viên Jackson. Đó không phải loại cổng chào bình thường mà là một tuyệt phẩm nghệ thuật gắn kết nên bởi hàng mấy trăm cặp sừng hươu nai, loại thân to, sừng cong dài mà người Mỹ gọi là “elk”. Sở dĩ có dư thừa sừng như vậy là bởi vì toàn khu vực quanh thị trấn là lãnh địa tránh đông của các đàn elk đông hàng chục ngàn con. Ngày xưa chúng bị thổ dân Da đỏ và cao bồi da trắng săn bắn; ngày nay chúng được con người bảo vệ, bất khả xâm phạm.
Sau đó mọi người lại ùn ùn băng qua đường để lại một vòng nối gót nhau làm người mẫu bên cạnh hàng tượng đồng mô tả những nhân vật lịch sử như Abraham Lincoln, George Washington, Mark Twain, Benjamin Franklin, Albert Einstein. Phía sau những bức tượng đồng đen này là các cửa hàng mỹ nghệ, nhìn sơ qua đủ biết đó là những vật phẩm cực kỳ đẹp, chất lượng hoàn hảo và giá cũng thuộc loại cao ngất. Đa số tượng là hình ảnh biểu trưng của thời chinh phục miền Viễn Tây như cao bồi, chiến sĩ Da đỏ cưỡi ngựa không yên, tù trưởng thổ dân Da đỏ, bò rừng bison, đại bàng hói đầu (bison và bald eagle là hai linh thú biểu tượng của Hoa Kỳ) và hươu sừng to (elk).
Đọc cẩm nang hướng dẫn du lịch thì biết thêm thông tin thú vị, rằng Jackson Hole ngày nay là điểm đến mua hoặc xây nhà nghỉ dưỡng mùa đông, biệt thự giải trí mùa hè, trang trại thân thiện với thiên nhiên của rất nhiều ngôi sao điện ảnh và ca nhạc, truyền hình, thời trang, thể thao nhà nghề Mỹ, trong đó có cả Harrison Ford, tài tử lừng danh với vai chàng Indiana Jones và nữ diễn viên từng đoạt tượng vàng Oscar Sandra Bullock.
Bạn biết không, nhờ là điểm đến bệ phóng cho các tour du lịch các công viên quốc gia Yellowstone và Grand Teton mà thị trấn với tổng dân cư chỉ hơn 10.000 người này giàu cỡ nào không? Số 1% người siêu giàu có thu nhập bình quân hàng năm là trên 1,6 triệu USD; còn 99% người dân còn lại cũng có thu nhập xoàng xoàng 122.447 USD!
Jackson Hole đã không còn là một “Cái lỗ” (hoặc Cái hố) tầm thường mà là một trong những thị trấn du lịch sung túc nhất Mỹ quốc, khác hẳn buổi ban đầu.
Lâu lắm rồi, sau những tháng ngày lưu lạc trong rặng núi cao, đoàn thợ săn thú lấy da làm hàng hóa trao đổi, kiếm sống lần mò xuống núi và ngỡ ngàng thấy hiện ra trước mắt một thung lũng xanh rì. Với núi cao bao bọc chung quanh, thung lũng ấy trông đích thị như một cái lỗ. Thấy sao nói vậy, họ gọi nó là “The Hole”.
Theo dòng thời gian, Cái hố dần trở thành điểm dừng chân của người di dân, thợ săn, thợ bẫy thú (trapper), cao bồi và của cả những tay giang hồ sống ngoài vòng pháp luật (outlaws), những sát thủ bắn nhanh như tia chớp (gunslinger)... Nhà cửa mọc lên, dân số gia tăng, ai ai cũng cần liên lạc thư tín với người thân còn lại ở các bang miền Trung và miền Đông nhưng Cái hố chẳng có đến một phòng nhỏ làm trạm bưu điện! Năm 1893, bà Margaret Simpson chuyên nhận hộ thư từ của người này người nọ đã chính thức đặt tên cho thị trấn là Jackson Hole, theo tên của ông David Edward “Davy” Jackson, một thợ đặt bẫy hải ly từng tiên phong đến đây hồi cuối những năm 1820.
Và qua thời hiện đại, Jackson Hole đã từng được chọn làm bối cảnh thu hình cho khá nhiều phim cao bồi nên đã có những siêu sao đến đây sống và làm việc, từ John Wayne, Kirk Douglas, Charlton Heston đến Clint Eastwood và Dolph Lundgren. Gần đây hơn thì có Kevin Costner (khi thực hiện phim đoạt giải Oscar Dance with wolves, năm 1990); Leonardo di Caprio, Jamie Foxx và Christopher Waltz (khi thu hình phim Django unchained, năm 2012).
Thời gian thăm Jackson Hole không nhiều nhưng tôi còn có một khám phá bất ngờ. Đó là một cửa hàng chụp ảnh giả trang cao bồi, thổ dân da đỏ mang tên Roy Bean, một nhân vật có thật thời Viễn Tây đã từng là đề tài chính của một album truyện tranh về chàng cao bồi bắn nhanh hơn chính cái bóng của mình: Lucky Luke!
Bài và ảnh: P. Nguyễn Dũng
Bài 1 👈