Đồng tính có lây hay không?

ByNGUYỄN CAO MINH

Ngày 29-09-2020 (GMT +7)

Gần đây, tôi có viết một bài báo thảo luận về việc đồng tính có thể bị “lây” hay không. Bài báo đó nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ cộng đồng LGBT. Tôi chia sẻ quan điểm và góc nhìn của tôi với các bạn có thể hiểu rõ hơn.

Trong chăm sóc sức khỏe tâm thần với cộng đồng LGBT, phương pháp tiếp cận hiệu quả nhất hiện nay là tiếp cận khẳng định (affirmative approach). Hiểu đơn giản là nhà trị liệu không tìm cách thay đổi gì ở khách hàng của mình mà chỉ nhằm giúp họ sống đúng với bản thân. Tiếp cận này khuyến kích nhà trị liệu trực tiếp hành động thể hiện quan điểm của mình với cộng đồng LGBT. Bởi, với hành động của mình, những nhà trị liệu cho thấy rằng họ coi LGBT là tự nhiên và những căng thẳng tinh thần mà giới LGBT trải qua là do xã hội tác động. Trong trị liệu tâm lý, làm việc với bố mẹ các bạn trong cộng đồng LGBT là khó khăn nhất với tôi. Bởi họ muốn thay đổi con cái họ. Không phải tất cả bố mẹ nào cũng vậy nhưng đó là đa số.

Bức tranh đàn lạc đà và con khỉ đột

Một hoạt động ưa thích của tôi khi làm với khách hàng là cho xem bức tranh đàn lạc đà và hỏi họ thấy gì. Ai cũng nhanh chóng trả lời họ nhìn thấy lạc đà. Những con lạc đà ở đâu? Hầu hết mọi người đều trả lời sai. Phải giải thích mọi người mới hiểu chuyện gì diễn ra.  Đây là một bức tranh chân thực, được chụp từ trên trực thăng trong buổi chiều trên sa mạc. Đàn lạc đà đi dọc đồi, ánh nắng chiếu nghiêng. Hình ảnh lạc đà màu đen mà bạn nhìn thấy là cái bóng của con lạc đà. Còn những con lạc đà thật lại là những hình màu trắng ngay dưới chân “con lạc đà” đen.

Đa số phụ huynh khi tìm đến tôi thì chỉ nhìn thấy “con lạc đà đen” (phần bóng): họ cảm thấy khó hiểu, lo lắng, sợ hãi, hổ thẹn, tức giận. Cho dù, khi chủ động tìm đến nhà trị liệu tức là đã có một chút tâm thế cởi mở nhưng họ vẫn giữ góc nhìn riêng. Gánh nặng đặt lên vai tôi là làm sao để mời họ nhìn vẫn những sự việc ấy nhưng dưới một góc khác - một góc cởi mở và chấp nhận hơn với con họ, thuộc cộng đồng LGBT. Theo thời gian, tôi học được cách tốt nhất để mời các phụ huynh thay đổi góc nhìn là lắng nghe họ, rồi bắt đầu câu chuyện từ quan điểm của họ. Tiếp tục dùng ngôn ngữ của họ - được hiểu là các từ ngữ, khái niệm - để đặt câu hỏi gợi ra những điểm mâu thuẫn và cuối cùng dẫn họ đến hiểu biết đúng đắn. Đây là cách tốt nhất của tôi, bởi lẽ bố mẹ có thể đứng dậy đi về bất cứ lúc nào trong buổi gặp với người tư vấn. Tôi không có quyền bắt ép họ làm bất cứ điều gì, kể cả việc lắng nghe tôi.

Một yếu tố làm khó hơn cho cuộc trao đổi là tôi không được nói dối. Nói dối có tác dụng ngắn hạn nhưng nguy hại lâu dài. Mối quan hệ trị liệu phải dựa trên sự trung thực để khách hàng tin tưởng. Vậy nên, công việc đòi hỏi tôi phải hiểu cách dùng từ ngữ và suy nghĩ của khách hàng, rồi tìm ra những điểm nào đúng, điểm nào họ đồng ý cũng như cách thảo luận về điểm sai.

Tôi viết bài báo này trong bối cảnh một phụ huynh tìm đến muốn hỏi tôi xem đồng tính có thể là do nhầm lẫn hay không. Tôi hỏi họ lấy thông tin ở đâu. Họ tìm kiếm trên mạng và đưa tôi một số bài báo thuộc loại “cổ”, đặc biệt vẫn còn một bài trên trang của một bệnh viện tâm thần có nội dung về việc lệch lạc giới tính. Họ nêu trường hợp một cô gái vì thần tượng một ca sỹ đồng tính nên bị ảnh hưởng, sống theo phong cách đó. Có một clip của Lương Thế Huy (hiện là Giám đốc Viện ISEE) nói về việc đồng tính lây là sai. Không có bài báo nào đề cập việc bị “lây” nghĩa là gì, và tại sao cha mẹ lại nghĩ rằng đồng tính có thể bị “lây”.

Có nhiều bài báo khác nói về việc đồng tính không “lây”. Nhưng người phụ huynh ngồi trước tôi thì không tìm thấy những bài đó. Hiện tượng này cũng dễ hiểu. Trong tâm lý học nó có tên là “Mù chủ định”. Các bạn thử xem bức tranh về hai lá phổi dưới đây xem, các bạn có tìm thấy con khỉ đột trong bức tranh không? Trong một nghiên cứu, bức tranh này đã được đưa cho các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và 83% không tìm thấy con khỉ đột. Bởi lẽ, họ không mong đợi có con khỉ đột trong một bức hình về phổi. Với những bố mẹ đang lo lắng, buồn bã, giận giữ, việc bỏ qua thông tin toàn diện, chỉ nhìn thấy cái mình muốn, sẽ còn nhiều hơn.

Do vậy, khi viết bài báo kể trên, tôi muốn truyền tải một thông điệp đến những cha mẹ có con đồng tính và đang nghĩ nó bị “lây”: “Do có những nhu cầu khác biệt hẳn với số đông nên có những người đồng tính phải kìm nén và che giấu. Cho đến khi tiếp xúc với những người đồng tính khác, quan sát và học hỏi từ những người đồng tính ấy, họ mới nhận ra, ồ không phải chỉ có mình mới có cảm xúc và hành vi như vậy. Những nhu cầu tình cảm lãng mạn và tình dục của mình cũng có thể được thỏa mãn bằng các hành vi tính dục đồng giới. Từ đó họ tiếp nhận những hành vi đó cho mình”.

Bài báo bàn về chủ đề hành vi của chúng ta bị người khác ảnh hưởng ở mức nào. Qua việc tiếp cận với cách nghĩ của phụ huynh từ đó dẫn dắt đến những góc nhìn và quan điểm đúng đắn hơn, tôi cần phải để chính phụ huynh bắt đầu đặt câu hỏi về những suy nghĩ của họ như: đồng tính là bệnh, bị lây như lây bệnh.

Tại sao dùng từ “lây”?

Đó là vì quan điểm đồng tính bị lây vẫn còn trong xã hội và đặc biệt ở những phụ huynh chưa chấp nhận con cái mình. Tôi hiểu rằng cộng đồng LGBT rất nhạy cảm và dễ tổn thương với từ “lây”, nhưng như đã nói, bài viết đã dẫn không nhắm đến LGBT hay những người ủng hộ cộng đồng LGBT, mà đó là một cách giải thích và tiếp cận tâm lý dành cho một đối tượng rất phổ biến là những bố mẹ đang nghĩ con mình bị “lây”. “Lây” nhìn chung có ý rằng một thứ gì đó từ người này ảnh hưởng đến người khác. Chúng ta có thể không biết chắc đồng tính được hình thành như thế nào nhưng điều bố mẹ nhìn thấy là con mình từ bé đến lớn vẫn “bình thường”, chỉ sau khi lên mạng hoặc tiếp xúc với những người LGBT thì mới thành đồng tính. Từ quan sát bề ngoài vậy, bố mẹ suy ra là “lây”.

Bài báo của tôi trực tiếp nói rằng: từ trong bản chất, con anh chị không thay đổi. Hành vi thay đổi là do các bạn ấy đã học cách thỏa mãn nhu cầu, những cảm xúc tình dục, cách thể hiện nội tâm… sẵn có của bạn ấy thôi. Cũng cần nói rằng từ “lây” không chỉ dành riêng cho lây bệnh. Chúng ta nói vui lây, buồn lây! Cảm xúc là có “lây”. Khi dự một đám tang, dù người qua đời có thể không quen biết nhưng ta bắt đầu cảm thấy buồn và cảm thông cho sự mất mát. Khi ngồi cạnh bạn bè kể lại trải nghiệm khó chịu, ta cũng khó chịu theo. Từ “lây” không được dùng để chơi chữ mà để dùng để nói cùng cách phụ huynh (những người đến gặp tôi) đang nói.

Có những người nói rằng họ sợ bài báo gây hiểu nhầm. Có những người nói rằng bản thân đọc nhiều lần mới hiểu. Bên cạnh đó, lại có những người nói bài báo rõ ràng và dễ hiểu. Tôi nghĩ đó là phản ứng thông thường khi bạn đọc một bài viết. Tôi không mong đợi kiểm soát suy nghĩ của bạn sau khi đọc xong nó. Nhưng chúng tôi thừa nhận gây hiểu nhầm sẽ nguy hại, sau đây là những cân nhắc và hành động của chúng tôi với việc đó.

Đọc và hiểu một bài báo không chỉ phụ thuộc vào trí tuệ và trình độ văn hóa của bạn, đôi khi nó phụ thuộc vào góc nhìn và cảm xúc rất nhiều. Bài báo là một sự so sánh phân tích giữa hai hiện tượng lây bệnh và “lây” hành vi, khá phức tạp. Không thể đảm bảo nó hiệu quả, nhưng với nhiều phụ huynh làm việc với tôi, tôi đã giữ được họ lại để lắng nghe trao đổi tiếp. Vì có tính chuyên môn nên nó không phải là một bài báo để đọc lướt, đọc cắt khúc hay đọc qua nhận xét của người khác rồi vội vàng bình phẩm.

Một số khác lo ngại rằng, đọc xong người ta chẳng nhớ gì, người ta chỉ mỗi cái kết luận đừng để con bạn tiếp xúc với người đồng tính (mặc dù tôi đã nhấn mạnh “nếu KHÔNG MUỐN con mình thoải mái, tự tin, hạnh phúc… thì hãy giữ nó tránh xa người LGBT. Phủ định của phủ định tức là khẳng định, đây là ngữ pháp khá thông thường). Tuy nhiên, có thể với một số người đọc nào đó thì câu này vẫn là khó hiểu và dễ hiểu lầm. Do vậy, chúng tôi đã chỉnh sửa lại để nêu bật lên việc đồng tính không phải là bệnh lý.

Có những người chỉ nhìn thấy thứ họ muốn, do vậy tôi không hy vọng họ sẽ tiếp nhận gì khác đi từ cách thức đọc như vậy. Hy vọng của tôi là độc giả sẽ đọc và thảo luận về bài báo đó. Quá trình thay đổi nhận thức không dễ, nó phải từ từ. Giống như bạn có một nồi cơm bị cháy, bạn thường sẽ ngâm nước để nó mềm ra sau đó mới rửa bỏ đi cái phần cháy được. Tìm cách để phụ huynh tiếp tục thảo luận về nó cũng là cách để làm lung lay dần dần cách quan điểm sai lệch về đồng tính.

Trên mạng bạt ngàn thông tin, nhưng có thể chia thành hai hướng về khái niệm lây: 1. Không đồng tính không lây; 2. Đồng tính là bệnh lý và nó bị lây. Mục tiêu của tôi là giới thiệu một góc nhìn ở giữa, sau đó hướng người đọc đến nhận định đúng đắn về đồng tính. Sự thừa nhận của xã hội với những người LGBTIQ+ (Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender, Intersex or Questioning) đến từ cuộc đấu tranh lâu dài và bền bỉ. Tôi không kỳ vọng “chiến thắng” bằng thông điệp đen hay trắng sau một bài viết.

Tác giả Nguyễn Cao Minh là tiến sĩ Tâm lý học thuộc Viện Tâm lý học Việt Nam

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin