Ngày 20-07-2020 (GMT +7)
Francis Jean Marcel Poulenc (1899-1963) là một nhạc sĩ cổ điển lừng danh người Pháp. Hôm nay Petrus Khang xin phép giới thiệu đôi chút về nhạc sĩ tài hoa này. Mình xin trích ba điều ảnh hưởng lớn trong cuộc đời ông
Một người Pháp:
Poulenc thường được giới phê bình âm nhạc gọi là người có hai “giòng-máu”: vừa là một quý-ông nhưng cũng vừa là một gã-lưu-manh. Có lẽ, sinh ra trong một đất nước mà văn chương và âm nhạc đều mang màu sắc ma mị, lãng mạn và sang trọng. Poulenc luôn mang trong mình sự quý-phái cần thiết của một người đàn ông Pháp. Âm nhạc của ông lãng mạn và tinh tế, nhẹ nhàng và bay bổng. Nhưng ông cũng là một con người của “thời đại”. Thế kỷ XX đầy biến động đã trui rèn ông thành một gã-lưu-manh, với những “mảng” màu “thô-bỉ”, những “nét” chạy-nước-rút trên đàn piano hay những hợp âm như “gõ vào tai người nghe”. Tất cả những thứ nơi ông sinh ra là vậy và ông đã tiếp nhận nó như cái “bản chất” mà nó có.
Thí dụ: F. Poulenc – Ba bản tiểu thuyết cho piano | Nghệ sĩ dương cầm: Gabriel Tecchino.
Bài đầu: Nó có thể là một buổi chiều lãng đãng ở Paris, ông đang dạo quanh một công viên hay ngõ nhỏ nào đấy và rồi ông tình cờ gặp được một ánh mắt của một-người-chưa-biết-tên. Có thể ông chợt bừng niềm vui, có thể ông chợt chút xuyến xao, có thể ông sẽ tiến tới, có thể ông sẽ chỉ nhìn ngắm… Tất cả chỉ là “có-thể”. Âm nhạc vang lên dù nhẹ nhàng hay mạnh mẽ cũng chỉ là những câu chuyện, những hòa âm xa xăm với thực tại, nó như được một bức màn che chắn để bản thân ông cảm thấy an toàn hơn.
Bài thứ hai: Cái bản chất lưu-manh được thể hiện khi những màn tán tỉnh đầy thô bỉ, những câu nói mỉa mai, như cái cách mà ông “đập” thẳng vào tai người nghe những quãng nghịch của âm thanh. Những “cuộc-đấu-trí” hay những nụ cười gợi tình làm cho âm nhạc bắt đầu khiêu gợi hơn, đi xa hơn sẽ quý phải của một người đàn ông Pháp, nhưng lại tiến gần hơn tới cái-tôi của ông.
Bài thứ ba cũng là một sự ngọt ngào của một tình yêu vừa chớm, nó có cả những hạnh phúc, những chờ đợi của sự-thèm-khát sắp được thỏa mãn. Những bước di chuyển gần của âm thanh làm cho mình cảm thấy cái nắm tay ấm áp cũng đủ để vui. Nhưng gần hơn chút nữa với nụ hôn má cũng đủ để vui. Nhưng gần hơn nữa rồi gần hơn nữa.
Một yếu tố rất Pháp khác mà hầu như nhạc sĩ nào cũng sẽ “tự-hào” đó là ông sử dụng chất liệu âm nhạc của Pháp. Ngoài cái thanh lịch, ông dùng chính cái “vốn sẵn có” của đất nước rồi làm cho nó giàu đẹp hơn, làm cho mình trở thành người con của đất nước rõ ràng hơn:
Thí dụ: F. Poulenc – Chansons françaises | Hợp xướng Cambridge, Chỉ huy John Rutter.
Những ca khúc “thiếu-nhi” hay những bài dân ca Pháp được ông dùng một cách tài tình để phát triển và mô tả lạ nhịp sống đời thường của một nước Pháp ở thế kỉ XX. Trong cổ có kim, những tiết tấu tấu của bè đệm và những chồng âm không đơn thuần chỉ là sáng hay tối mà là một mảng màu kết hợp. Trong kim có cổ, vẫn sử dụng và tuân thủ theo cấu trúc của bài dân ca hoặc những hình thức (form) cổ điển.
Giữa một thế kỷ mà mọi người đi tìm “cái mới”, cố thoát ra sự ảnh hưởng của những nền tảng “cổ-điển” đầy tính quy-phạm. Ông lại đi ngược giòng thời gian để chọn cho mình cách khai thác yếu tố âm nhạc từ thời Trung cổ, đến cách dùng những cấu trúc âm nhạc thời kỳ cổ điển cho tác phẩm của mình. Ông được cho là một nhạc sĩ thuộc trường phái chiết-trung, đứng giữa tất cả những giòng-chảy của âm nhạc để tiếp thu, để phát triển và để nói lên tiếng nói của mình.
Thí dụ: F. Poulenc – Ba chuyển động không ngừng | Biểu diễn: Gabriel Tacchio.
Bài 1: Với phần tay trái chuyển động những âm thanh lặp lại như bất tận và là một vòng lặp của ba note nhạc dùng cho cả bài, như một “liều-thuốc” giúp ta bình tĩnh hơn, chú ý hơn, tập trung hơn, “thiền định” hơn và chuẩn bị cho những yếu tố âm nhạc tiếp theo. Sau đó lần thứ hai nhắc lại, khi ta đã thoát ra khỏi cái ồn ào của cuộc sống thì ông vẽ cho ta một giai điệu tuyệt đẹp và rồi bất chợt những mảng âm thanh thật chói tai, đó là những quãng (hay khoảng cách) nghịch trong âm nhạc, như tiếng kèn xe làm ta phải tập trung hơn vào thực tại.
Bài 2: Là vẻ đẹp “tinh-tế” của toán học. Nó là một ma trận toán được giải để tạo ra âm nhạc. Vì vậy nó vừa “đủ”, thêm một note sẽ thừa mà bớt một note sẽ thiếu. Là sự đối đầu với nhau giữa hai tay trái-phải, trong âm nhạc gọi là sự đối-âm. Có thể hiểu là đối-chọi nhưng cũng có thể hiểu là đối-thoại. Tuy có xung đột, nhưng tất cả lại nằm trong một chỉnh thể hài hòa.
Bài 3: Là một điệu nhảy đầy mà mị. Bắt đầu là sự réo rắt mời gọi chung vui, nhưng càng vào giữa bài, âm nhạc càng ma mị, càng cô đơn và vắng vẻ tiếng động đến im lìm. Rồi kết thúc lại là sự reo-vang, nhưng chưa hẳn là reo-vui. Nó đơn thuần là lời mời gọi: “Đến mà xem… Đến mà nghe…”
Cái tinh nghịch của ông trong tác phẩm này là điểm kết của tác phẩm cũng chính là điểm bắt đầu của nó. Nên nếu ta cứ lặp đi lặp lại tác phẩm thì nó có thể vang lên vĩnh viễn mà không bị sống-sượng.
Một người đồng tính:
Lúc đầu, mình tính ghi là “tình yêu” nhưng có lẽ nó sẽ giống với bao nhiêu tình yêu êm đềm ngoài kia. À không! Ở châu Âu thế kỷ XX, xã hội vẫn chưa quá “cởi mở” với những người đồng tính. Phải chăng nhờ vậy mà âm nhạc của ông luôn mang một chút bâng khuâng? Đúng là ông rất dứt khoát với những âm thanh mạnh mẽ và khẳng định, nhưng ta sẽ luôn nghe đâu đó sự bối rối của một người đàn ông đi tìm căn-tính của mình.
Ông cũng như bao nhiêu người Pháp khác, có lẽ tình yêu luôn là sự ngọt ngào và thật lãng mạn.
Thí dụ: F. Poulenc – Les Chemins de l’amour | Nữ cao: Jessye Norman, Nghệ sĩ Dương cầm: Elisabeth Cooper. Một ca khúc lãng mạn về những nỗi buồn vời vợi về tình yêu. Mình sẽ có một bài viết riêng để giới thiệu về ca khúc này.
Thí dụ: Một loạt những bài ông viết cho giọng nam trung | Giọng Nam trung: Pierre Bernac, Đệm Dương cầm kiêm Tác giả: F. Poulenc. Mình đưa danh sách này vào vì một trong những người tình sâu đậm nhứt của ông là một ca sĩ giọng nam trung. Cũng chính từ nguồn cảm hứng đó, ông đã viết rất nhiều ca khúc cho giọng nam trung. Cũng như trong những bản hợp xướng của ông, ông luôn chú trọng tới phần bè nam. Ông thích để những giai điệu đẹp cho bè nam, thay vì nữ cao như truyền thống, hay ông cũng thường thêm bè nam trung vào hợp xướng, thay vì chỉ bốn giọng như cổ điển.
Một người Công giáo:
Ở thời đại của ông, khi chủ thuyết vô thần được chủ nghĩa cộng sản đẩy mạnh, khi mà chủ nghĩa hiện sinh kết hợp cùng chủ thuyết tương đối và cái tôi chủ nghĩa ngày càng nằm sâu trong tâm tưởng của người châu Âu. Đức tin Công giáo nói riêng hay Ki-tô giáo nói chung dường như không còn được các thanh niên mới lớn quan tâm và mặn nồng. Ông cũng vậy. Một thanh niên vừa chịu tác động từ xã hội, lại vừa có yếu tố bên trong chính là người đồng tính. Dù giáo hội Công giáo là tôn giáo đầu tiên có những văn bản chính thức để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của người đồng tính, nhưng chính giáo hội cũng lại không ủng hộ hôn nhân đồng tính, càng làm cho ông xa lìa với Thiên Chúa và giáo hội Công giáo hơn.
Nhưng có một lần chính ông cảm nhận được một thay đổi lớn trong tâm hồn, chính ông viết lại, ông trở lại thành một người Công giáo đúng nghĩa hơn với thật nhiều tác phẩm âm nhạc tôn giáo đáng ngưỡng mộ và mơ ước. Vài thí dụ:
Francis Poulenc – Quatre motets pour le temps de Noël | Hợp thính phòng Netherlands. Đây là bản hợp xướng đầu tiên mình nghe của ông. Nay từ cái âm thanh đầu tiên vang lên, mình đã cảm thấy một khoảng trời bao la rộng lớn. Nhưng vẫn luôn có một vòng tay để ôm ghì lấy mình. Ông dùng liên tiếp những hợp âm nghịch nhưng luôn “giải quyết” sự nghịch đó một cách hợp lý để tạo ra một sự “an toàn” cho người nghe chứ không bỏ lỡ sự nghịch ấy như những nhạc sĩ đương thời.
Poulenc – Dialogues Des Carmelites | Nhà hát Milano. Đây là bản hợp xướng khó nghe nhứt, cảm nhận cá nhân của mình, nhưng lại nằm trong vở opera nổi tiếng nhứt của ông, này là được các nhà phê bình âm nhạc công nhận. Bản nhạc kể về việc các soeur dòng Cát Minh, những con người tự nhốt mình trong bốn bức tường để cầu nguyện, khi chế độ cộng sản của Đông Âu bắt nhốt và chuẩn bị xử tử các soeur. Bài này là bài kết của opera, khi từng soeur một bị xử tử. Âm nhạc cũng vang lên như vậy, từng tiếng nhỏ nhoi dần trở thành bùng cháy khi thấy người chị em của mình dần trở về với Chúa, nhưng trên tất cả, âm nhạc bùng lên không chỉ bi thương, nhưng hùng tráng. Cho dù chỉ còn một người thì các soeur vẫn hát vang cho khúc Salve Regina, một kinh cổ mà các soeur đọc hằng ngày để ca ngợi Đức mẹ Maria và Thiên Chúa. Và xúc động nhứt là đến khi tất cả chết đi thì dàn nhạc vang lên nhẹ nhàng thánh thoát và rất đơn giản như đáp lại cái chết: “Amen”, có nghĩa là “chúng con tin”, “chúng con ước muốn được như lời chúng con cầu”. Âm nhạc vang lên lại đầy thánh thiện, tuy đơn giản nhưng lại điểm những âm thanh tươi sáng như tiếng hát thiên thần vọng từ vòm trời đến đón các soeur. Lần đầu nghe phân cảnh này, không hiểu sao mình khóc thật nhiều. Dù lúc đó chưa hiểu hết vở hay âm nhạc, hòa âm gì cả. Chỉ với chút cảm xúc của âm nhạc, làm mình bị chìm đắm thực sự.
Bài viết liên quan