Đọc lại bức thư 2.000 năm

Đọc lại bức thư 2.000 năm

Ngày 24-08-2020 (GMT +7)

ByBẢO KHÔI

Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bị nhiễm virus và lọt vào bàn tay tử thần? Thế giới này sẽ ra sao nếu người yêu của tôi cũng bị như thế? Nếu tôi bị mất việc, hoặc tệ hơn là nếu cứ phải “dính” đến một việc gì đó sai trái, cuộc đời tôi sẽ ra sao?

Seneca - nhà triết học vĩ đại của thế kỷ thứ nhất, bậc thầy của triết học khắc kỷ (stoicism) (*) đã khám phá một số câu hỏi tương tự, và “hóa giải” những nỗi lo âu, sợ hãi trong bức thư có tựa đề “Về những nỗi sợ hãi vô căn cứ”. Đây là một trong số rất nhiều điều, có thể gọi là “mẹo khắc kỷ” được trích từ “Những bức thư từ một người khắc kỷ” - bộ sưu tập thư từ của Seneca với người bạn của ông, tên là Lucilius.

Tôi làm nhiều lần… điều cuối cùng

Ngay cả không bị nhiễm virus thì ai tránh khỏi cái chết? Một ngày nào đó tôi sẽ chết. Biết vậy, nên tôi từng làm nhiều lần những điều tôi cho là “cuối cùng” trước khi nhắm mắt xuôi tay. Trong lá thư gửi bạn, Seneca viết: “Này Lucilius, có nhiều thứ khiến mình sợ hãi hơn là chúng có thể đè bẹp được chúng ta, và chúng ta thường đau khổ trong tưởng tượng, hơn là trên thực tế”. Vậy theo Seneca, làm thế nào để chúng ta ngừng lo lắng quá nhiều?

"Chúng ta có thói quen phóng đại, hoặc tưởng tượng, hoặc đoán trước những nỗi buồn" – đó là vấn đề.

Ông viết:

Một số điều khó khăn, nhưng chúng ta lại nghĩ nó quá khó khăn.

Nhiều rắc rối không đến nỗi quá rắc rối như chúng ta tưởng.

Một số phiền nhiễu thật ra chẳng làm phiền chúng ta chút nào.

Và lời khuyên của ông là:

Không nên rầu rĩ trước khi khủng hoảng ập đến.

Vì có thể nó sẽ không bao giờ đến.

Và chắc chắn, nó vẫn chưa đến.

Do đó, nếu có điều gì đó khiến bạn lo lắng, bạn nên xem, liệu mình có phóng đại một điều gì đó nhỏ như con kiến, hoặc dự đoán điều rắc rối gì đó mà chẳng biết nó có đến không. Tệ hơn, bạn đang tưởng tượng ra những con quỷ chẳng bao giờ hiện hình.

Cách kiểm tra tính xác thực của nỗi sợ hãi

Nhưng làm thế nào để biết, liệu những rắc rối của bạn là thật hay ảo? Kiểm tra tính xác thực của nỗi sợ hãi bằng cách nào?

Seneca viết:

Chúng ta đang bị dày vò bởi những thứ hiện tại.

Hoặc bởi những điều sắp tới.

Hoặc, bằng cả hai.

Ông khuyến nghị:

Đối với những điều xảy ra trong hiện tại, để quyết định không mấy khó khăn. Còn với những gì có thể xảy ra trong tương lai, tại thời điểm này, nó chưa xảy ra, sao bạn phải lo lắng làm gì! Quên nó đi!

Nhưng bạn có thể vẫn còn lấn cấn: Lỡ những điều tệ hại xảy ra trong tương lai, thì sao?  

Seneca một lần nữa khuyên chúng ta nên kiểm tra tính xác thực của những lo ngại ấy. Ông muốn chúng ta thu thập bằng chứng, và nói: “Trước hết, hãy xem xét, liệu các bằng chứng về những sự rắc rối ấy có chắc chắn không”. Ông nói thêm, “Đừng thử thách những thứ gây ra nỗi sợ hãi để rồi suy sụp và tháo chạy, giống như người lính nhìn thấy đám mây bụi bay lên, thế là hoảng sợ bỏ chạy, trong khi bụi bay chỉ là do bầy gia súc giẫm đạp lên đất. Cũng có khi bạn hoảng loạn chỉ vì tin đồn thất thiệt”. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ không lãng phí thời gian của mình khi muốn tới điểm A, mà đứng chờ ở trạm xe đi tới điểm B. Ít nhất bạn nên hiểu những điều mình đang lo lắng rằng liệu có đáng để kéo thêm rắc rối vào người mình hay không.

Hướng tới những điều tốt đẹp hơn

Nhưng rồi Seneca cũng không loại trừ khả năng mọi rắc rối sẽ xảy ra.

“Có khả năng một số rắc rối sẽ ập đến với chúng ta,” ông viết. “Ngay cả trong kết cục định mệnh nhất, là sự mất mát, số phận tồi tệ và sự trừng phạt, chúng ta nên nhớ rằng: Sự đau khổ đã đến rồi, vì vậy hãy mong chờ những điều tốt đẹp hơn. Thời gian có thể giúp bạn”. Nhưng theo Seneca, sẽ có nhiều diễn biến xảy ra, có thể hoãn lại, hoặc kết thúc, hoặc chuyển giao cho một người khác. Ngay cả vận rủi cũng hay được thay đổi. Hoặc, trong cái rủi cũng có cái may. Seneca muốn chúng ta trì hoãn những lo lắng của mình, cho đến thời điểm cuối cùng cái điều không mong đợi ấy ập đến.

“Có lẽ nó sẽ đến, có lẽ không. Vì vậy, hãy mong chờ những điều tốt đẹp hơn” - Seneca viết.

Cuộc sống không đáng sống, nếu chúng ta luôn lo lắng về những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Ông nói: “Đôi khi tâm trí tự tạo cho mình những hình dạng giả của cái ác, khi không có dấu hiệu nào chỉ ra cái ác; hoặc một số mối hận thù cá nhân “bị” tưởng tượng nghiêm trọng hơn so với thực tế". Cuối cùng Seneca cũng cảnh báo chúng ta về những mặt trái và chỉ ra hướng đi của sự thật phũ phàng, rằng tất cả chúng ta cần phải chấp nhận để bước đi và làm bất cứ điều gì trong cuộc sống.

Làm thế nào để ngừng lo lắng?

Hãy tự kiểm tra danh sách đơn giản dưới đây, để chắc chắn bạn không còn lo lắng nhiều nữa và hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

- Ngay bây giờ, nếu bạn không bị bất cứ điều gì nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, bạn đang làm rất tốt!

- Nếu bạn lo lắng về điều gì đó trong tương lai, trước tiên, hãy chắc chắn rằng đó là sự thật, mà không phải là điều chưa có bằng chứng rõ ràng, hoặc thông tin còn lập lờ.

Và sau đó, ngay cả khi đó là sự thật, hãy nhớ rằng rắc rối vẫn chưa đến. Và nó có thể không bao giờ đến. Vì vậy, hãy tiết kiệm thời gian, đừng quá lo lắng và suy nghĩ quá mức. Thay vào đó, hãy hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Cuối cùng, hãy nhớ rằng, nếu bạn luôn mong đợi điều tồi tệ nhất cho mỗi việc mình làm, bạn sẽ không thể nào sống được.

(*) Triết học khắc kỷ (hay chủ nghĩa stoic/stoa, tiếng Hy Lạp: Στωικισμός, tiếng Latinh: Stoicismus) là trường phái triết học Hy Lạp cổ đại do Zeno thành Citium sáng lập ra tại Athens vào đầu thế kỷ thứ 3 TCN. Chủ nghĩa khắc kỷ là một nhánh triết học về đạo đức con người, thứ được tạo ra bằng logic và cách mà con người nhìn nhận bản chất thế giới. Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng triết học là một môn học tư duy để giúp con người trở nên thông thái, làm chủ và biết cách ứng xử trước những khó khăn của cuộc đời. Vì vậy, triết học không chỉ là một khoa học mà còn là một phong cách sống, một nghệ thuật sống của con người trong cộng đồng xã hội. (Theo Wikipedia)

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin