Đến Broadway xem… bóng ma hát

Đến Broadway xem… bóng ma hát

Ngày 28-10-2020 (GMT +7)

ByDƯƠNG LÂM ANH

Người ta có trăm ngàn lý do để đến thăm New York City. Có người đến vì muốn thấy bức tượng Nữ thần Tự do khổng lồ đẹp mê hồn ngoài đảo Liberty, món quà nước Pháp đã tặng cho nước Mỹ. Có người đến để mục kích sự hào nhoáng, lộng lẫy và sang chảnh của khu Manhattan giàu có, chứng kiến nghi thức thả quả cầu khổng lồ mỗi dịp năm mới ở Times Square, hay mua sắm hàng hiệu ở Fifth Avenue. Có người muốn đến ngắm những tòa nhà chọc trời vút lên trời xanh như những biểu tượng sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ. Có người lại muốn leo lên đỉnh những toà nhà nổi tiếng như Empire State Building, Chrysler hay World Trade Center (ngày trước) để nhìn toàn cảnh thành phố New York từ trên cao... Còn tôi, bên cạnh những lý do đó, còn có thêm một nguyên cớ nữa thôi thúc tôi đến New York; đó là để được tận mắt xem và nghe nhạc kịch Broadway.

1/

Nếu chỉ đọc trong sách vở hoặc ngắm nhìn hình ảnh Broadway trong phim ảnh, có thể bạn sẽ tưởng tượng một phố Broadway lộng lẫy xa hoa, lấp lánh đèn màu. Và bạn sẽ vô cùng kinh ngạc khi thấy đó cũng chỉ là những con đường nhỏ nhắn, chật hẹp như bao con đường khác ở cái thành phố New York khổng lồ này. Thành phố khổng lồ mà đường sá thì chật hẹp, nghe có lạ không? Thật ra, những con đường trông nhỏ hẹp là bởi vì chúng bị bao bọc giữa mật độ dày đặt những toà nhà khổng lồ và cao đến độ che hết cả bầu trời. Bạn cũng sẽ có cảm giác kinh ngạc y như thế khi đến thăm Hollywood Boulevard, nơi vinh danh những nghệ sĩ tiếng tăm của nước Mỹ.

Cũng chỉ là một đoạn đường bình dị, có gắn những ngôi sao bằng đá xám trên đó khắt tên các nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc đôi khi là dấu tích bàn tay của họ. Những ngôi sao hằng ngày bị biết bao bước chân của khách bộ hành giẫm lên, vậy nhưng, con đường lại mang một cái tên huyễn hoặc, dễ gây ảo tưởng là Đại lộ Danh vọng (Walk of Fame). Mà thật tình, sau cảm giác ngạc nhiên khó tránh khỏi ấy, tôi lại thấy thích thú với hiện thực kỳ lạ đó, nơi nghệ thuật và cuộc sống là một, nơi nghệ thuật đích thực là "vị nhân sinh", nơi mà ranh giới giữa đời và mơ là rất mong manh.

Để rồi nhận ra rằng nghệ thuật là gì đây nếu không phải là chính cuộc đời, là con người bé nhỏ, và rằng tất cả những xa hoa, lộng lẫy kia suy cho cùng cũng chỉ là hư ảo. Broadway khác chăng là nơi tập trung dày đặc các nhà hát sáng đèn hằng đêm để trình diễn những vở nhạc kịch khác nhau. Cái ranh giới bị xóa nhòa giữa thực và mộng này ở Broadway còn thể hiện ở một khía cạnh khác. Nếu như lần đi xem vở ba-lê kinh điển The Nutcracker (Kẹp hạt dẻ) do Nhà hát Boston Ballet biểu diễn hàng năm vào dịp Giáng Sinh tại nhà hát Wang, khán giả được yêu cầu phải mặc trang phục dạ hội; thì ở Broadway, người xem không bị bất cứ một ràng buộc nào về trang phục, như là một sự phá cách, ngoại lệ của nghệ thuật hàn lâm được xã hội hóa.

2/

Tôi có một tình yêu mãnh liệt đối với nhạc kịch mà đôi khi tự ngẫm thì thấy có lẽ là vì thói tham lam yêu hết thảy những gì thuộc về nghệ thuật của mình. Hơn tất cả, nhạc kịch giống như một chương trình tạp kỷ, là tổng hợp của nhiều hình thức nghệ thuật, có âm nhạc, vũ điệu, kịch nghệ, mỹ thuật, hội họa, văn chương... Tất cả gói gọn trong một vở kịch, nơi nghệ sĩ được cho cơ hội để phô bày hết mọi khả năng tiềm ẩn của mình. Những diễn viên nhạc kịch là những nghệ sĩ không chỉ có giọng hát mê hoặc mà còn phải có khả năng diễn xuất, vũ điệu giỏi để đủ sức bay nhảy ở một nơi mà trí tưởng tượng và óc sáng tạo bất tận của con người được thoả sức tung hoành vô giới hạn, nơi mà những hỉ, nộ, ái, ố muôn hình vạn trạng của cuộc đời có khi cùng lúc xảy ra hoặc chỉ cách nhau trong gang tấc, rồi làm rung động, lay chuyển đến từng thớ thịt của người xem. Để rồi chợt nhận ra rằng con người chỉ là những sinh linh bé nhỏ, yếu ớt bên cạnh gã khổng lồ là sự sáng tạo bất tận.

Vâng, tôi đến New York City một ngày đầu xuân để xem nhạc kịch Broadway và vở nhạc kịch mà tôi khao khát được xem, được ngắm, được nghe hôm ấy chính là kiệt tác The Phantom of the Opera (Bóng ma trong nhà hát), vở nhạc kịch mà bất cứ ai yêu nghệ thuật buộc phải biết.

Cuốn tiểu thuyết cùng tên không mấy ăn khách của nhà văn Pháp Gaston Leroux lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật trong lịch sử nhà hát Paris Opera thế kỷ 19 và được chuyển thể dưới nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau. Phiên bản gây nhiều tiếng vang nhất là bộ phim sản xuất năm 1925 và vở nhạc kịch với phần nhạc do Andrew Lloyd Webber viết (1986) và Harold Prince làm đạo diễn. Andrew sinh ra ở Kensington, Luân Đôn. Ông viết vai Christine dành riêng cho chính người vợ mình lúc đó là nghệ sĩ Sarah Brightman. Trong phiên bản gốc trình diễn ở Luân Đôn, cùng với Sarah, nghệ sĩ Michael Crawfod đảm nhận vai Bóng ma. Vở nhạc kịch ngay lập tức trở thành một hiện tượng, vượt cả Cats để trở thành vở nhạc kịch tồn tại lâu nhất trong lịch sử sân khấu Broadway và đến nay, nó vẫn tiếp tục được diễn tại cả West End (Luân Đôn) lẫn Broadway (New York), hai trung tâm nhạc kịch lớn nhất của thế giới. Phantom of the Opera được trao giải Olivier Award năm 1986 và giải Tony Award hai năm sau đó (1988) dành cho vở nhạc kịch hay nhất và Michael Crawford, người đảm nhận vai Bóng ma, cũng thắng giải Nam diễn viên hay nhất ở cả hai giải. Cá nhân tôi nghĩ, đây là một kiệt tác khó có thể ngừng diễn ở các sân khấu lừng danh... 

3/

Chuyện kể về cô ca sĩ hát opera Christine chiến thắng ở một cuộc thi âm nhạc vào đúng ngày vị giám đốc nhà hát về hưu. Raoul, người bạn thời thơ ấu của Christine tình cờ có mặt, nghe cô hát, và đem lòng yêu cô. Trong nhà hát có một Bóng ma trú ngụ, lâu nay vẫn thường liên lạc với vị giám đốc qua những bức thư. Một lần, phật ý vì nhà hát đã để cho một cô ca sĩ mà con ma không mong muốn đảm nhận vai chính trong một buổi diễn, nó đã dùng phép thuật khiến cô mất tiếng khi đang biểu diễn và làm cây đèn chùm khổng lồ trong nhà hát rơi xuống khán giả. Bóng ma, tự xưng là Erik, bắt cóc Christine mang xuống tầng hầm, nơi hắn trú ngụ, mong rằng Christine sẽ yêu hắn. Nhưng làm sao nàng Christine xinh đẹp, hát hay có thể yêu một con ma xấu xí như thế được. Khi thấy Christine nằng nặc đòi bỏ đi, bóng ma đồng ý để cho cô đi với điều kiện Christine phải luôn đeo trên tay chiếc nhẫn của hắn và hứa trung thành với hắn.

Christine tìm cách báo cho Raoul biết. Raoul hứa sẽ mang Christine đến một nơi mà Erik không thể biết được. Tuy nhiên, cảm thương Erik, Christine vẫn muốn nán lại để hát cho Bóng ma nghe một lần cuối cùng nữa trước khi đi. Cả hai không hề hay biết rằng Erik đã nghe hết cuộc nói chuyện giữa hai người và cơn ghen nổi lên. Trong buổi diễn hôm sau, Bóng ma lại bắt cóc Christine và ép cô phải lấy hắn và dọa nếu không, hắn sẽ đặt thuốc nổ phá hủy nhà hát. Christine từ chối. Nhưng khi biết tin Erik đã dùng mưu kế bắt giữ Raoul và một người bạn cũ của hắn, người có ý định sẽ giúp Raoul thực hiện cuộc trốn chạy, không còn cách nào khác, để cứu Raoul và người bạn, Christine đã đồng ý cưới Erik. Khi chỉ còn lại hai người, Erik nhấc tấm mặt nạ lên, để lộ khuôn mặt đáng ghê sợ và hôn Christine, để rồi nhận lại từ Christine một nụ hôn khác mà bóng ma thừa nhận chưa bao giờ nếm trải trong đời. Sau nụ hôn đó, hiểu được tình yêu mãnh liệt của Christine dành cho Raoul, Erik đồng ý để hai người trốn đi với điều kiện hứa sẽ quay lại vào đúng ngày hắn chết, trả lại chiếc nhẫn được tặng và tuyên bố cho mọi người biết. Christine giữ đúng lời hứa, trở về nhà hát, chôn cất cái xác của hắn và báo chí hôm sau đã loan tin về cái chết của con ma trong nhà hát...

4/

Với một kiệt tác như The Phantom of the Opera, phần nhìn hẳn nhiên là chuyên nghiệp và lộng lẫy với ánh sáng và xảo thuật sân khấu tuyệt đẹp. Chi tiết thú vị, gây giật mình mà tôi nhớ mãi là việc người ta cho cây đèn chùm khổng lồ treo giữa nhà hát Majestic bất ngờ di chuyển lên sân khấu (qua hệ thống ray), minh họa ước lệ cảnh Bóng ma, vì tức giận, đã phù phép làm rơi chiếc đèn chùm treo trên trần nhà hát. Đây là một chi tiết dựa trên một tai nạn có thật trong lịch sử nhà hát Paris Opera khi cây đèn chùm khổng lồ trang trí trên trần nhà hát đột nhiên rơi xuống đầu khán giả. Không phủ nhận phần nhìn của vở nhạc kịch là một thành công lớn, nhưng có lẽ, sự hào nhoáng nào rồi cũng dần phôi pha với thời gian, trong khi trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của con người thì bất tận.

Cái còn đọng lại mãi chính là phầm âm nhạc. Một vở nhạc kịch gồm nhiều bài hát và đương nhiên có bài mình thích, có bài không, có bài thích nhiều, có bài thích ít. Thế nhưng đối với tôi thì phần nhạc của The Phantom of the Opera, sau này được phát hành dưới hình thức đĩa nhạc soundtrack mà tôi đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần, thì bài nào cũng hay, bài nào cũng thích, mỗi lần nghe là mỗi lần nổi gai ốc vì xúc cảm. Vì được đo ni đóng giày cho chính Sarah Brightman, những nhạc phẩm trong vở kịch khai thác tuyệt đối giọng ca cao vút, trong veo, lanh lảnh, với âm vực rộng của cô, lại được đặt bên chất giọng trầm ấm và ngọt ngào của Michael Crawford trong lốt một con quỷ xấu xí. 

Michael Crawford là một nghệ sĩ người Anh đa tài. Anh vừa là kịch sĩ, ca sĩ, diễn viên lồng tiếng, diễn viên đóng thế và còn là một mạnh thường quân. Sự nghiệp của anh được ghi nhận xứng đáng bằng vô số giải thưởng vừa ở Anh (London’s West End) vừa ở Mỹ (Broadway, New York). The Phantom of the Opera là một vết son chói lọi trong sự nghiệp âm nhạc của anh. Khi Andrew Lloyd Webber bắt tay thực hiện chuyển cuốn tiểu thuyết The Phantom of the Opera thành nhạc kịch, anh đã nghĩ đến Michael, và Michael cũng tỏ ra rất quan tâm đến vai diễn.

Tuy nhiên, trong một video giới thiệu, Andrew đã để Sarah Brightman vào vai Christine và ca sĩ nhạc rock người Anh Steve Harley vào vai Bóng ma, hát theo lối new wave, loại nhạc vốn rất thịnh hành thời đó và vì thế, Michael Crawford không còn thấy hứng thú nữa vì nghĩ rằng Andrew muốn dựng vở theo lối rock opera. Nhưng sau đó Andrew nhận ra vở nhạc kịch này nên mang tính opera cổ điển hơn là rock và Steve Harley, vốn hát rock, không còn phù hợp nữa. Một lần, Andrew and Sarah tình cờ nghe Michael hát khi đang tập một trích đoạn aria trong vở Atalanta của Handel, anh quyết định mời Michael đến thử vai.

5/

Vở kịch đẹp như một câu chuyện cổ tích, gợi nhớ một chút gì đó của Beauty and the Beast, của Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà. Motif tình yêu giữa hai thái cực: người xinh đẹp và quỷ xấu xí vốn có sự lôi cuốn của nghịch cảnh oái ăm và cay đắng, có khả năng làm mềm lòng những trái tim mẫn cảm. Tôi đã nghe Cats Jesus Christ Superstar, tôi đã nghe EvitaJoseph and the Amazing Technicolor Dreamcoat..., những tuyệt phẩm trong di sản nhạc kịch của Andrew Loyd Webber và tôi cho rằng âm nhạc của ông trong The Phantom of the Opera đã đạt đến tận cùng của đỉnh cao, khó có thể vượt lên được nữa. Mỗi ca khúc trong vở nhạc kịch như một mắc xích của câu chuyện tình yêu, kết với nhau để tạo thành một vở kịch hoàn chỉnh mà đứng riêng lẽ cũng là những ca khúc hoàn hảo về bố cục có giai điệu đẹp một cách toàn bích như Think of Me, All I Ask of You, The Music of the Night, The Phantom of the Opera, Masquerade... 

Sau ba năm rưỡi đứng vững trên sân khấu, với hơn 1.300 buổi diễn, Michael Crawford rời vở The Phantom of the Opera (1990). Khi tôi đến New York xem vở nhạc kịch này ở sân khấu Broadway thì hai vai chính là Christine và Bóng ma đã không còn do Sarah và Michael đóng nữa, mà đã thay bằng hai diễn viên khác, dù vậy, vẫn hay như thường...

Gần đây nhất, một phiên bản phim ca nhạc The Phantom of the Opera mới lại được thực hiện do Joel Schumacher làm đạo diễn với Gerard Butler và Emmy Rossum đảm nhận những vai chính, cũng lộng lẫy và hay không kém, lại có thể dễ hiểu và phù hợp hơn với lớp khán giả đương đại... Nếu có dịp đến New York City, hãy nhớ rằng ở Broadway có một bóng ma. Bóng ma ấy cuối cùng chẳng hề biến thành một chàng hoàng tử khôi ngô, tuấn tú như thường thấy trong truyện cổ tích, nhưng là một bóng ma hát rất hay. Và còn hơn thế nữa, đó là một bóng ma cao thượng...

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin