Đâu là giới hạn cuối cùng của sức chịu đựng?

ByLÊ THẢO CHI

Ngày 23-10-2020 (GMT +7)

Sức chịu đựng của con người - đặc biệt trong những hoàn cảnh gian nan, phức tạp - là một trong những khả năng mà các nhà khoa học chưa thể tìm hiểu hết. Tại sao bình thường một người nào đó không thể nhịn ăn nổi trong hai ngày nhưng nếu gặp hoàn cảnh chiến tranh hoặc thiên tai thì người ấy có thể chịu đói được trong suốt một tháng? Cơ thể đã tiết ra chất gì để giúp con người tăng cường sức mạnh thể chất cũng như ý chí? Hầu hết các trường hợp, sức chịu đựng của con người được nâng cao một khi trui qua môi trường rèn luyện lâu dài. Nhưng không hiếm người chưa từng kinh qua bất kỳ khóa tập luyện nào cũng có thể đạt đến sức chịu đựng mà chính họ chưa chắc thực hiện lại được lần thứ hai...

Năm 1986, bé Michelle Funk - ở thành phố Salt Lake thuộc bang Utah (Mỹ) - bị ngã xuống một cái lạch nhỏ gần nhà khi bé đang đùa giỡn. Không ai nhìn thấy lúc bé ngã và mãi đến gần một tiếng sau người ta mới phát hiện sự mất tích của Michelle và đổ xô đi tìm. Bé nằm suốt 66 phút trong cái lạch lạnh giá cho đến khi đội cấp cứu được gọi đến để vớt bé lên. Điều hết sức kỳ lạ là Michelle không hề bị co giật hay có những triệu chứng bất ổn về tim mạch. Tuy thế, các bác sĩ phải dùng máy để “hâm nóng” nhiệt độ máu của bé...

Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi cho thấy sức chịu đựng của con người quả thật là một khả năng kỳ lạ, bởi hầu như không ai có thể sống nổi khi bị chìm trong nước suốt hơn một tiếng mà đây lại là một đứa bé chỉ mới hai tuổi! Trong y học còn nhiều trường hợp cho thấy sức con người có thể vượt qua một số ca bệnh hay ca phẫu thuật phức tạp. Có thể kể đến trường hợp của Charles Jensen ở Chester (South Dakota, Mỹ) - người từng chịu 889 ca phẫu thuật bắt đầu từ lần đầu tiên vào ngày 22-7-1954.

Bạn có thể đứng hay ngồi bất động trong thời gian bao lâu? Có lẽ chỉ vài phút, nhưng đối với António Gomes dos Santos thì đây không phải là việc khó khăn. Anh đã chứng minh khả năng kỳ quái của mình tại Trung tâm thương mại Amoreiras ở Lisbon (Bồ Đào Nha) bằng cách đứng khoanh tay bất động trong suốt 15 giờ 2 phút 55 giây, trong sự chứng kiến của hàng ngàn người hiếu kỳ. Thậm chí cơ mặt António không hề động đậy và ngay cả mắt anh cũng không chớp. Còn Bungkas ở Indonesia thì thực hiện được một “kỳ công” cũng khá kỳ lạ: ông ở trên một cây cọ suốt 22 năm tại ngôi làng Bengkes. Ông bắt đầu leo lên cây từ năm 1970 và suốt từ khi đó người ta đã nhiều lần khuyên ông xuống nhưng Bangkas không còn muốn rời cái tổ làm bằng lá và nhánh cây của mình nữa. Bangkas cho biết ông có ý định muốn chứng minh sức chịu đựng của mình là... vô hạn.

Trong lịch sử chiến tranh, có vô số câu chuyện chứng minh sức chịu đựng kinh khủng của con người. Điều này cho thấy rõ rằng khả năng chịu đựng của con người sẽ được nâng cao khi sức mạnh tinh thần được củng cố một cách vững vàng. Một lĩnh vực khác mà trong đó sức chịu đựng cũng được tập trung tối đa mới mong đạt được thành công, đó chính là thể thao. Những chuyến leo núi một thân một mình hoặc cuộc khảo sát tại các vùng cực là giai đoạn... dễ thua cuộc nhất đối với người không có ý chí và nghị lực. Ngày càng có nhiều chuyến băng rừng vượt biển được thực hiện và ngày càng trở nên kỳ lạ hơn đối với những ai muốn tìm hiểu đâu là giới hạn cuối cùng của sức chịu đựng.

Thật khó có thể kể đầy đủ về những kỳ tích mà con người đạt được để thấy sức chịu đựng thể chất vẫn còn là bí ẩn dưới mắt các nhà khoa học. Có điều, người ta có thể khẳng định rằng sức chịu đựng sẽ được nâng cao khi con người tập luyện thể lực thường xuyên (hẳn nhiên) và rèn luyện tinh thần qua phương pháp thiền định. Đây không phải là điều vô lý bởi các bậc sư yoga nổi tiếng là những người có sức chịu đựng phi thường. Các định luật và qui luật sinh lý học gần như trở thành vô nghĩa đối với họ. Họ có thể ngồi tư thế hoa sen (padmasana) trong nhiều tháng không ăn uống gì, có thể nhịn thở hàng giờ và làm thay đổi cơ cấu hoạt động của cơ thể nếu muốn - chẳng hạn làm chậm hoặc nhanh nhịp tim. Bài tập cơ bản (cũng là tối thượng) đối với các nhà yoga chính là điều hòa nhịp thở. Trong tư thế hoa sen - tư thế được xem là sẽ làm giảm đến mức tối đa sự vận hành của ý nghĩ, họ hít thở đều đặn, ban đầu tập trung tụng niệm kinh kệ hay câu chú nào đó.

Đối với các bậc sư, họ có thể nhập thiền ngay khi vừa ngồi (đạt đến trạng thái hư vô). Các nhà khoa học - khi tiến hành khảo sát và đo tần số hoạt động não bộ của những bậc sư yoga - cho biết tần số sóng não của họ là delta - một chu kỳ/giây (trong khi sóng người bình thường là beta - 13 chu kỳ/giây hoặc hơn - với biểu đồ hình sine lên xuống liên tục, biểu hiện của những lớp suy nghĩ nhiều và liên tục). Chính tình trạng não đạt được sóng delta của các bậc sư yoga đã khiến họ có thể thực hiện được nhiều điều mà hiếm ai khác làm được - chẳng hạn ngồi hàng tháng trời bất động trên đỉnh núi đầy tuyết, bị chôn sống trong hố cát vài ngày liên tục hoặc áp dụng hình thức “á khẩu” trong vài năm trời. Không còn hoài nghi gì nữa, sự rèn luyện tinh thần (qua phương pháp điều hòa khí thở) là một trong những bài tập rèn luyện thể lực tốt nhất để tăng cường sức chịu đựng của cơ thể.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin