Công nghiệp âm nhạc giữa “cơn bão màu da”

Công nghiệp âm nhạc giữa “cơn bão màu da”

Ngày 21-07-2020 (GMT +7)

ByPHẠM NGUYỄN THIỆN NHÂN

Một phần rất lớn nền công nghiệp âm nhạc khổng lồ hiện nay được xây dựng từ đóng góp của giới nghệ sĩ da màu. Nhưng tại sao đa số vị trí cấp cao trong ngành lại không được dành cho người da màu? Các công ty âm nhạc lớn nhỏ trên thế giới phát biểu rằng họ đã sẵn sàng cho sự thay đổi.

Một công ty sản xuất nhạc cụ nhỏ ở Thụy Điển đã có kế hoạch để giúp nghệ sĩ da màu được trả tiền xứng đáng với công sức của họ. Teenage Engineering sẽ bắt đầu chia lợi nhuận của họ với một số đông nhạc sĩ da màu ở Mỹ, một hành động nhằm thể hiện sự cảm kích dành cho những con người đã sử dụng và quảng bá sản phẩm của công ty.

“Đây không phải là một việc làm từ thiện. Không chỉ đây là một việc đúng đắn, việc này còn tốt cho sự phát triển của công ty chúng tôi.”- Emmy Parker, giám đốc Teenage Engineering phát biểu trong một bài phỏng vấn gần đây.

Emmy Parker, giám đốc thương hiệu của Teenage Engineering (New York Times)

Cái chết của George Floyd đã tác động mạnh tới nền công nghiệp âm nhạc. Nhiều người bắt đầu hoài nghi lý do tại sao nhiều vị trí cấp cao trong ngành lại không được dành cho người da màu, đặc biệt khi đây là một ngành công nghiệp được xây dựng phần lớn dựa trên sản phẩm của các nghệ sĩ da màu. Áp lực từ xã hội đã khiến nhiều công ty phải nhìn vào vấn đề một cách nghiêm túc hơn.

Tuy sự hoài nghi về thay đổi trong ngành âm nhạc vẫn còn đó, rất nhiều người vẫn tin về một sự thay đổi tích cực. Ngay sau khi vài công ty ghi âm lớn phát biểu về những lời hứa của họ, Black Music Action Coalition, một nhóm ủng hộ cuộc “cách mạng” này đã ra đời nhằm tạo thêm áp lực lên các “ông lớn” của ngành âm nhạc.

“Động lực lớn nhất của chúng tôi là không để các công ty âm nhạc lớn sử dụng tiền để che đậy phân biệt chủng tộc. Tuy họ không phải là người giết George Floyd, nhưng sự phân biệt chủng tộc đó chính là thứ đang làm dơ bẩn nền âm nhạc nói riêng và toàn xã hội nói chung.”- Prophet, quản lý của Asian Doll, Layton Greene và nhiều nghệ sĩ khác, phát biểu.

Ngày 2-6-2020, một chiến dịch được bắt đầu bởi hai người phụ nữ da màu đang làm trong ngành âm nhạc, Jamila Thomas và Brianna Agyemang. Chiến dịch cổ động việc ngưng hoạt động trong ngành công nghiệp âm nhạc trong một ngày, với hashtag #BlackoutTuesday.

Chỉ trong vòng vài ngày, các công ty âm nhạc lớn đã quyên góp một số tiền khổng lồ dành cho từ thiện. Warner và Sony đều quyên góp 100 triệu USD. Universal quyên góp 25 triệu USD. Spotify, Apple, Youtube và Sirius XM đều tham gia chiến dịch quyên góp.

Trở lại với vấn đề nhân sự cấp cao, những vị trí mà người da màu không thường được đảm nhận trong ngành âm nhạc. Những “ông lớn” trong ngành âm đang dần phải thay đổi cách nhìn của họ về nhân sự trong công ty. Sony và Warner đang tìm kiếm nhiều người da màu hơn để đưa vào những vị trí cấp cao trong công ty. Universal nói rằng họ đã bắt đầu làm chuyện này từ năm 2017. Universal còn hợp tác với nhóm Annenberg Inclusion Initiative thuộc Đại học Southern California. Nhóm này hai năm trước đã gây chấn động nền âm nhạc thế giới với nghiên cứu chỉ ra việc bất bình đẳng giới trong nhạc đương đại. Tuần trước, nhóm này thông báo rằng họ sẽ bắt đầu nghiên cứu vấn đề phân biệt chủng tộc trong các công ty âm nhạc lớn.

“Tôi nghĩ rằng kết quả của nghiên cứu sắp tới đây sẽ gây chấn động dư luận”- Stacy L. Smith, giáo sư Đại học Southern California và là người sáng lập nhóm Annenberg Initiative, phát biểu.

Ethiopia Habtemariam, chủ tịch Motown Records (Getty Images)

Tranh cãi về thuật từ “Urban”

Chỉ ba ngày sau #BlackoutTuesday, Republic Records, hãng ghi âm quản lý hai ngôi sao nhạc pop đình đám Drake và Ariana Grande, thông báo rằng họ sẽ ngừng sử dụng từ khóa “Urban” trong mọi hoạt động của công ty. “Urban” một thời được sử dụng thường xuyên trên radio nhằm chỉ ra những loại nhạc có xuất xứ từ người da màu. Nhiều người cho rằng đây là bằng chứng rõ ràng thể hiện sự phân biệt chủng tộc trong âm nhạc. Vì thế, ban tổ chức giải Grammy danh giá đã thay đổi tên hạng mục “Urban contemporary album” thành “Progressive R&B.”

Việc loại từ “Urban” trong âm nhạc nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ethiopia Habtemariam, giám đốc quản lý âm nhạc của Motown Records thuộc tập đoàn Universal, phát biểu trong một buổi phỏng vấn rằng thay đổi ngôn ngữ trong âm nhạc không giải quyết triệt để được vấn đề phân biệt chủng tộc. Hy vọng duy nhất của chúng ta là tạo nên một bộ máy lãnh đạo có nhiều người da màu hơn trong mọi ngành nghề của xã hội. Trong thực tế,  có nhiều người da màu ở các vị trí cấp cao trong âm nhạc hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng từ “Urban”. Một ví dụ điển hình chính là Shawn Gee, quản lý của Roots, công ty chuyên quảng cáo cho tập đoàn âm nhạc khổng lồ Live Nation Entertainment. Khi được hỏi về vấn đề sử dụng từ khóa đặc biệt này trong âm nhạc, Gee tin rằng tranh cãi về việc sử dụng ngôn ngữ đang khiến mọi người sao lãng về một vấn đề nghiêm trọng hơn: Nền âm nhạc đang thiếu những người lãnh đạo da màu. “Bộ máy là vấn đề, không phải từ ngữ”- Gee khẳng định.

Mục đích chính của tổ chức Black Music Action Coalition là đấu tranh chống sự kỳ thị chủng tộc đã tồn tại lâu đời trong ngành âm nhạc. Lá thư gửi đến công chúng của tổ chức đã kêu gọi được chữ ký của nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới âm nhạc, trong đó có những tên tuổi đình đám như Pharell Williams, Nicki Minaj, Travis Scott và Lady Gaga.

“Chúng ta không có đủ nhân viên cấp cao trong ngành âm nhạc, đặc biệt là những người kiểm soát về tài chính. Điều nực cười là những người da màu trong ngành đều phải giải thích văn hóa và phong tục của họ cho người da trắng có chức vụ cao hơn”- Binta Niambi Brown, quản lý của nghệ sĩ Chance The Rapper, phát biểu.

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề, ta cần nhìn vào lịch sử và tìm hiểu về những bản hợp đồng giữa các nghệ sĩ và công ty thu âm. Luật sư Lisa A. Alter, người từng làm việc với nhiều nghệ sĩ đã giải nghệ, khẳng định rằng các nghệ sĩ da màu thường xuyên nhận được những bản hợp đồng rất bất công. Việc này ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, quyền lợi và sự phát triển của người da màu làm trong ngành âm nhạc.

Những ví dụ về vấn nạn này đều không khó tìm. Nghệ sĩ Little Richard đã bị lấy mất quyền sở hữu nhiều bài nhạc của mình vào thời kỳ đầu sự nghiệp do không đọc rõ điều khoản hợp đồng. Tuy nhiên anh đã lấy lại được quyền sử dụng nhờ một vụ kiện vào thập niên 1980.

Doanh thu của Teenage Engineering chỉ dừng ở mức 11 triệu USD. So với những công ty ghi âm khổng lồ khác, Teenage Engineering còn là một cái tên rất mới trong ngành âm nhạc. Tuy nhiên, công ty đã sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận tới các nghệ sĩ da màu. Hành động này là một lời cảm ơn chân thành tới các đóng góp của những nghệ sĩ cho ngành âm nhạc. Chương trình này dự tính bắt đầu vào ngày 1-9-2020. Giám đốc công ty nói rằng các nghệ sĩ có thể nhận được từ 100.000 USD đến gần 1 triệu USD/năm.

Nhiều công ty âm nhạc khác đã theo bước Teenage Engineering. Bandcamp, một dịch vụ chia sẻ nhạc Indie sẽ cho phép người dùng sử dụng miễn phí một số ngày bất kỳ trong thời điểm này. Trang chia sẻ nhạc nổi tiếng Juneteenth sẽ quyên góp một phần lợi nhuận của mình vào quỹ từ thiện NAACP.

Nguồn tham khảo: New York Times

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin